Nhân vật & Sự kiện

Train to Busan: Người ta bán được 10 triệu vé ở Hàn Quốc bằng cách nào?

31/08/2016

Hàn Quốc là một trong những thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới, nhưng với dân số chỉ 50 triệu người, một phim nội địa bán được hơn 10 triệu vé ở đây là rất khó.

Nửa đầu năm 2016 khá lặng lẽ, nhưng vào ngày 7/8, bom tấn zombie Train to Busan đã trở thành phim Hàn thứ 14 đạt mốc 10 triệu lượt xem.

Train to Busan

Sau đây là một cái nhìn chi tiết vào lịch sử của điện ảnh Hàn từ Silmido (2003), phim đầu tiên đạt mốc 10 triệu lượt xem, đến phim mới nhất có thành tích này.

Đường đến thành công


Train to Busan là một phim giải trí khỏi phải bào chữa, nhưng theo nhà phê bình điện ảnh Kang Yu Jeong, thành công của bộ phim liên quan rất nhiều đến tính phê bình xã hội của nó.

Phim miêu tả một nhóm người chiến đấu để sinh tồn trước sự bùng phát của một loại virus lạ biến người nhiễm phải thành zombie, và khi họ trốn tới thành phố cảng Busan – được xem là nơi cuối cùng trên bán đảo này chưa có zombie – những mặt ích kỷ và cực đoan trong con người họ bộc lộ. Qua câu chuyện, đạo diễn Yeon Sang Ho không ngừng đặt ra những câu hỏi buộc khán giả nhìn lại mình, tự vấn xem mình sẽ làm gì trong tình huống như thế.

“Trong phim con người được khắc họa là đáng sợ hơn zombie rất nhiều,” nhà phê bình điện ảnh Kang nói, “và khán giả có thể liên hệ với điều đó [do lòng tham và sự ích kỷ lan tràn] thì càng khó mà sống hơn.”

Hầu hết phim bán được hơn 10 triệu vé đều phê bình xã hội hiện đại.

Veteran bóc trần những gia tộc chaebol

The Host (2006) châm biếm sự bất tài của chính phủ bằng cách thể hiện một sinh vậy kiểu Frankenstein sống ở sông Hàn còn Veteran (2015) bóc trần những gia tộc chaebol. Trong khi đó, The Attorney (2013) chất vấn ý nghĩa của nền dân chủ qua nhân vật chính, dựa theo một con người có thật.

Mặc dù hầu hết những phim đắt khách đều cung cấp một kênh phát ngôn cho những nỗi bất an và bất mãn sâu thẳm trong con người, những vấn đề xã hội không đủ đảm bảo cho thành công – hiệu ứng thị giác là một yêu cầu phải có.

Những phim thành công đình đám gần đây đã chi ít nhất 10 tỉ won (9.,1 triệu đôla) chi phí sản xuất. nghe nói kinh phí của Train to Busan là 11 tỉ won.

Một mạch chung khác là tập trung vào gia đình.

Ode to My Father (2014), Miracle in Cell No.7 (2012) và Train to Busan (2016) đều thể hiện những con người chiến đấu vì người thân.

Miracle in Cell No.7

“Câu chuyện về những ai sẵn sàng làm bất cứ gì cho gia đình họ thu hút khán giả trung niên đến rạp,” nhà phê bình Kang nói.

Khi một bộ phim bắt đầu thu hút được khán giả, hiệu ứng quả cầu tuyết trên internet và mạng xã hội cũng bắt đầu. Nhờ hiệu ứng lan truyền đó, phim kích thích những người vốn dĩ không quan tâm trở nên quan tâm vì họ không muốn bị đứng ngoài cuộc bàn luận với bạn bè và người quen.

Nhưng những năm gần đây ngày càng có nhiều phim 10 triệu lượt xem, và điều đó phải liên quan đến sự tăng trưởng của thị trường phim ảnh Hàn Quốc.

“Thị trường đã tăng trưởng đáng kể cả về số lượng rạp chiếu lẫn doanh thu trong vòng một thập niên qua,” theo Choi Ji Seon, làm việc trong nhóm quan hệ công chúng của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (Korean Film Council), đơn vị hỗ trợ cho ngành điện ảnh trong nước.

“Không như trước kia, mỗi năm chúng ta có đến bốn phim bán được hơn 10 triệu vé,” Choi nói thêm.

Cảnh trong phim Silmido, bộ phim kể câu chuyện năm 1968, 31 thành viên
đội đặc nhiệm 124 Bắc Triều Tiên xâm nhập Hàn Quốc tấn công Nhà Xanh
ám sát Tổng thống Park Chung Hee

Xét một cách tổng thể, bộ phim Silmido năm 2003 mất gần hai tháng mới bán được 10 triệu vé, trong khi Train to Busan đạt mốc này trong 19 ngày. Phần lớn là vì khi Silmido được phát hành thì cả nước Hàn chỉ có 325 rạp chiếu. Ngày nay, con số đó là 2.300.

Chiến thuật bán ép

Mọi thành công có vẻ đều là tốt cho công nghiệp điện ảnh Hàn, nhưng những phim 10 triệu lượt xem gần đây không khỏi có người gièm pha.

Giới phê bình cho rằng doanh thu vé chủ yếu do chiến thuật “bán ép”của các nhà phát hành lớn như CJ Entertainment, dội lũ phim bom tấn trên hơn 1.000 rạp chiếu khi bắt đầu ra rạp.

Ví dụ, Roaring Currents (2014), phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Hàn, chiếu trên 1.600 rạp chiếu. Nhiều khán giả không có chọn lựa khác ngoài việc xem phim đó khi đến các cụm rạp CJ CGV, chuỗi rạp chiếu lớn nhất Hàn Quốc, vì chỉ có một phim duy nhất trình chiếu. Phim do CJ Entertainment, đơn vị thuộc CJ CGV, phát hành và cuối cùng bán được 17 triệu vé.

Train to Busan trình chiếu ở 1.786 rạp từ ngày 23/7, tuần lễ mở màn. Phim chiếm đến 57,7% doanh thu vé bán ra của tuần đó. Không có gì ngạc nhiên, nhà phát hành của Train to Busan là NEW, một trong những ông lớn phát hành phim ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, CJ CGV có biện hộ về câu chuyện này.

“Người ta nói chúng tôi chơi trò độc quyền rạp chiếu nhưng chúng tôi cố gắng minh bạch khi chọn phim trình chiếu qua một hội đồng quyết định sẽ chiếu phim gì,” Seo Jung, CEO của CJ CGV nói trong một sự kiện truyền thông hồi tháng 6 ở Seoul.

“Vì còn có nhiều loại hình giải trí khác có thể thay thế phim, nên không có mức lưng chừng trên thị trường – một phim nào đó hoặc thắng lớn hoặc thua thảm, và điều đó thực sự là do nội dung.”

Đa dạng hóa là chìa khóa

Nhiều người trong ngành đồng ý với Seo Jung rằng phim không thể chỉ thắng chỉ nhờ marketing, mà luôn cần ý tưởng mới.

“Khán giả ngày nay sẵn sàng thưởng thức đa dạng phim mà trước đây họ không có cơ hội để xem,” nhà phê bình điện ảnh Kim Hyung Seok nói.

Train to Busan là phim zombie kinh phí lớn đầu tiên của Hàn Quốc

Train to Busan là phim zombie kinh phí lớn đầu tiên của Hàn Quốc, còn The Thieves (2012), với 12 triệu vé bán ra, là bước nhảy vọt khác thường. Ngược lại, Haeundae (2009) là phim thảm họa quy mô lớn đầu tiên, đã bán được 11 triệu vé.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily