Tin phòng vé

Giới trẻ Trung Quốc không đến rạp xem phim nữa

19/11/2024

Sau khi phục hồi mạnh mẽ hậu COVID, thị trường điện ảnh Trung Quốc đang lao dốc, và các báo cáo gần đây chỉ ra nguyên nhân chính là do giới trẻ: “Thế hệ trẻ không còn đến rạp chiếu phim nữa.”

Người đi xem đang chờ ở một rạp chiếu phim ở Thẩm Dương, Liêu Ninh, ngày 7 tháng 10 năm 2024

Phòng vé từng bùng nổ của Trung Quốc đã bắt đầu bở ra. Tổng doanh thu bán vé xem phim ở quốc gia này tính đến thời điểm hiện tại đã giảm tới 22% so với năm ngoái. Kết quả này giảm mạnh so với sự phục hồi bừng bừng hậu COVID mà thị trường phim Trung Quốc đạt được vào năm 2023, khi doanh thu tăng vọt 83% và kết thúc năm ở mức 7,73 tỉ đôla.

Năm nay, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc khởi đầu mạnh mẽ, với doanh thu phòng vé trong tuần lễ nghỉ Tết Nguyên đán đạt 1,1 tỉ đôla, dẫn đầu bằng các phim bom tấn trong nước Yolo (479,6 triệu đôla) và Pegasus 2 (468,9 triệu đôla). Nhưng giai đoạn trống rỗng kéo dài đến hết mùa hè đã khiến ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc phải lo lắng, tự hỏi liệu có phải là thị trường đã thay đổi mãi mãi hay không. Các nhà làm phim và nhà phân tích cho rằng có một loạt các yếu tố chồng chéo nhau dẫn đến sụt giảm doanh thu, nhưng sự thật không ai biết rõ chuyện gì.

Yolo dẫn đầu phòng vé Tết của Trung Quốc

“Tôi đọc một báo cáo nghiên cứu gần đây cho biết độ tuổi trung bình của khán giả Trung Quốc đi xem phim chiếu rạp đã tăng từ 22 lên 26 tuổi,” đạo diễn hàng đầu Trung Quốc Giả Chương Kha, có bộ phim mới nhất Caught by the Tides công chiếu và nhận được nhiều khen ngợi tại Liên hoan phim Cannes vào tháng 5, cho biết. “Thế hệ trẻ của chúng ta không còn đến rạp nữa. Chúng ta phải tự hỏi, ‘Sao lại như vậy và người trẻ đã đi đâu?’”

Khắp phương Tây, ngành kinh doanh phim ảnh kiểu truyền thống được coi là kháng được suy thoái. Ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế, người ta vẫn cần giải trí và chi phí cho một vé xem phim là khoản chi tùy ý không đáng bao nhiêu đủ để hầu hết người tiêu dùng luôn có thể chi trả. Theo những người trong cuộc, có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy logic như vậy không áp dụng được ở Trung Quốc. Ít nhất một năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã mắc kẹt trong suy thoái đáng kể nhất trong hơn một thập kỷ, khi thị trường bất động sản lao dốc và tâm lý bi quan của người tiêu dùng kìm hãm tăng trưởng.

Gen Z Trung Quốc không thích mạo hiểm dành thời gian và tiền bạc để xem một bộ phim không đáp ứng được kỳ vọng của họ

Suy thoái đặc biệt ảnh hưởng đến người trẻ. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã ngừng báo cáo dữ liệu thất nghiệp của thanh niên vào tháng 6 năm 2023 sau khi tỷ lệ này đạt mức cao kỷ lục là 21,3%. Nước này đã bắt đầu ban hành một phương pháp mới, thuận lợi hơn để đo lường tình trạng thất nghiệp vào đầu năm nay, nhưng ngay cả theo số liệu này, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ — từ 16 đến 24 tuổi — đã tăng lên hơn 17% vào tháng 7.

“Mạng xã hội lan rộng nỗi nhạy cảm và an toàn công việc, đặc biệt là những sinh viên mới tốt nghiệp đại học và những người ở giữa sự nghiệp,” James Li, đồng sáng lập công ty nghiên cứu thị trường phim Fanink có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. “Kết quả của tất cả những điều này là mọi người đều thắt chặt hầu bao.”

Li tiếp tục: “Nghiên cứu định tính gần đây của chúng tôi trong nhóm thế hệ Z tại Trung Quốc, giới trẻ đã thể hiện xu hướng rõ ràng là mong muốn cuộc sống ổn định, thể hiện qua số lượng người nộp đơn xin công việc công chức năm 2024 đạt mức kỷ lục [hơn 3 triệu người]. Xem ra họ không tham vọng hoặc thích phiêu lưu như các thế hệ trước.

Độ tuổi trung bình của khán giả Trung Quốc đi xem phim chiếu rạp đã tăng từ 22 lên 26 tuổi

Liên quan đến phim ảnh, Gen Z Trung Quốc không thích mạo hiểm dành thời gian và tiền bạc đi xem một bộ phim không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Thực tế, nhiều người phàn nàn rằng tiếp thị phim trực tuyến ngày càng dẫn dắt sai lầm.”

Rance Pow, chủ tịch công ty tư vấn phòng vé châu Á Artisan Gateway, cho biết công ty ông dự kiến doanh thu phòng vé của Trung Quốc sẽ giảm mạnh hơn trước khi kết thúc năm. Artisan Gateway dự báo doanh thu phòng vé Trung Quốc kết thúc năm ở mức 5,69 tỉ đôla — giảm 27% so với mức 7,81 tỉ đôla của năm trước — và giảm 38% so với mức đỉnh điểm trước đại dịch là 9,2 tỉ đôla năm 2019. Pow nói thêm rằng sự phổ biến của video và trò chơi di động — “các nền tảng video ngắn như Douyin, Bilibili, Xiaohongshu bùng nổ” — đã góp phần làm giảm sức hấp dẫn của việc đi xem phim. Theo Pow, Thế vận hội mùa hè Paris, rất được ưa chuộng ở Trung Quốc, cũng khiến khán giả địa phương ở nhà xem tivi trong thời gian thường là cao điểm xem phim.

Nhìn chung, Hollywood dường như đã hoàn toàn từ bỏ lập trường lạc quan trước đây của mình đối với Trung Quốc. Và không phải không có lý do: Trong 11 tháng đầu năm nay, doanh thu phim Mỹ ở thị trường này đạt tổng cộng 797,3 triệu đôla — vẫn là một con số đáng kể, nhưng giảm 68% so với doanh thu 2,5 tỉ đôla trong cùng kỳ năm 2019. Suốt đại dịch, các cơ quan quản lý phim ảnh Trung Quốc đã cắt giảm mạnh số lượng phim Mỹ phát hành tại quốc gia này (số lượng phim nhập khẩu từ Mỹ đã phục hồi vào năm 2023, nhưng năm 2024 đến nay chỉ có 29 phim Mỹ được phát hành so với 35 phim trong cùng kỳ năm ngoái). Mối quan hệ địa chính trị ngày càng xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh cũng ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng đối với xuất phẩm giải trí của Hollywood.

Trong khi đó, giá trị sản xuất của phim Trung Quốc đã tăng vọt lên mức gần ngang bằng Hollywood, mang đến cho người tiêu dùng lựa chọn dễ dàng là thưởng thức các cảnh quay điện ảnh bằng ngôn ngữ và văn hóa của họ thay vì ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài. Những bom tấn duy nhất của Mỹ đạt doanh thu mạnh ở Trung Quốc trong năm nay, không phải ngẫu nhiên, là phim về quái vật — Godzilla x Kong: The New Empire (132,2 triệu đôla), Alien Romulus (110,2 triệu đôla) và Venom: The Last Dance (72 triệu đôla và vẫn đang tiếp tục) — một trong số ít thể loại mà điện ảnh Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được, chủ yếu là do những hạn chế về kiểm duyệt.

Áp phích Venom: The Last Dance trong một rạp chiếu ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, ngày 1 tháng 10 năm 2024

Tuy nhiên, nhìn chung, những nỗ lực thành công của giới chức Bắc Kinh nhằm chặn phim Mỹ một cách tinh vi đã góp phần vào sự suy thoái chung của thị trường, gây tổn hại cho các đơn vị kinh doanh rạp chiếu ở Trung Quốc trong quá trình này.

“Nếu Trung Quốc mở cửa hơn một chút cho các xuất phẩm nhập khẩu, thì ít nhất nguồn cung sẽ dồi dào,” Giả Chương Kha giải thích. “Nhưng thật không may, chuyện đó không xảy ra. Trung Quốc là quốc gia có 80.000 màn hình — chúng ta cần nhiều tựa phim hơn từ khắp nơi trên thế giới để lấp đầy những màn hình đó. Phim Trung Quốc cần phải trở nên hay hơn thông qua trao đổi nhiều hơn với thế giới bên ngoài và khán giả xứng đáng có nhiều lựa chọn hơn.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter