Tin tức

2016 nhìn lại: Phụ nữ, chính trị và kinh dị trong điện ảnh Hàn

17/01/2017

Quan hệ giữa phụ nữ với nhau và mưu đồ chính trị là những đặc trưng của điện ảnh Hàn năm 2016.

Kim Tae Ri (trái) và Kim Min Hee trong một cảnh phim The Handmaiden

Đề cao phụ nữ

Phim Hàn được tán dương toàn cầu nhất năm 2016, The Handmaiden của Park Chan Wook, xử lý chủ đề lãng mạn ly kỳ đồng tính nữ, thể hiện hai người phụ nữ yêu nhau chống lại thế giới của những gã đàn ông điên cuồng. Những cảnh khêu gợi được khắc họa trên phông nền bằng phẳng, như cổ tích.

Handmaiden đã nhận được sự tán dương quốc tế từ khi ra mắt ở Liên hoan phim quốc tế Cannes tháng 5/2016. Vogue đưa phim này vào danh sách “10 phim trào lưu nhất năm 2016” vì những cảnh được dàn dựng (mise-en-scene) xa hoa, còn Hiệp hội phê bình điện ảnh Los Angeles dành cho phim giải dựng phim xuất sắc.

The New York Times đưa Kim Tae Ri, trong vai Sook Hee, người hầu chân chất của Hideko, vào danh sách “Bốn nữ diễn viên mà ai cũng sẽ nói đến mùa thu năm nay” trong một bài báo hồi tháng 9/2016.

Tình yêu nữ giới cũng tạo sân khấu cho bộ phim độc lập của Lee Hyun Ju, Our Love Story, một câu chuyện hiện thực tinh tế về sự gặp gỡ giữa một sinh viên nghệ thuật với một người xa lạ.

Youn Yuh Jung (giữa) khắc họa một phụ nữ 65 tuổi hành nghề mại dâm trong phim Bacchus Lady

Những quan hệ đối đầu giữa phụ nữ với nhau được tìm tòi trong những phim như Misbehavior của Kim Tae Yong, vẽ lên lòng ghen ghét và kiêu hãnh giữa hai giáo viên nữ tranh giành sự yêu mến của một học sinh nam. Cả Kim Ha Neul và Yoo In Young đều xuất sắc trong vai diễn của mình: một người thì trầm lặng và nín nhịn, còn người kia lanh lợi, trẻ trung và chỉ biết có mình.

Trong khi đó, Missing của đạo diễn Lee Eon Hee chứng kiến sự hòa giải bất đắc dĩ giữa hai người phụ nữ - một người mẹ và người bảo mẫu đã bắt cóc con gái của mình, do Uhm Ji Won và Gong Hyo Jin đóng.

Trong câu chuyện phụ nữ trưởng thành, Bacchus Lady khám phá thế giới của mại dâm người cao tuổi và nỗi cô đơn của sự già đi.

Nữ diễn viên kỳ cựu Youn Yuh Jung khắc họa vai nữ chính ở tuổi 65, giở thủ đoạn để kiếm sống. Do E J-yong đạo diễn, phim phản ánh một cách đầy cảm xúc về cuộc sống và cái chết khi xã hội Hàn Quốc bước vào thời kỳ dân số già. Phim đã trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 66.

.Kim Nam Gil (trái) trong phim Pandora

Bê bối chính trị

2016 cũng chứng kiến nhiều phim khắc họa những vụ bê bố và phản ứng đáng trách của chính quyền.

Pandora của đạo diễn Park Jung Woo, phát hành toàn cầu trên Netflix, miêu tả vụ rò rỉ nhà máy điện hạt nhân và sự thiếu vắng hệ thống phản ứng khẩn cấp, dẫn đến cái chết lẽ ra có thể ngăn chặn được của công nhân nhà máy điện hạt nhân và cư dân vùng lân cận.

Tunnel của Kim Seong Hun chứng kiến nam diễn viên Ha Jung Woo mắc kẹt trong một đường hầm bị sập nhiều tuần liên tục, đội cứu hộ loay hoay trước những mệnh lệnh bất lực từ các cấp thẩm quyền cao hơn.

Asura: The City of Madness của Kim Sung Su miêu tả mạng lưới tội phạm và chính trị gia vấy máu.

Jung Woo Sung trong phim Asura: City of Madness

Bộ phim ly kỳ chính trị Master, do Jo Eui Seok đạo diễn, Lee Byung Hun trong vai tay lừa đảo tích lũy của cải ‘khủng’ và hối lộ quan chức chính phủ để thao túng quyền lực. Bộ phim mới ra rạp đầu năm 2017, rung lên tiếng chuông quen thuộc kỳ lạ ở Hàn Quốc, đang tràn ngập bởi những bê bối chính trị xung quanh Tổng thống Park Geun Hye.

Đi vào những lĩnh vực huyền bí

Hai phim gây chấn động nhất năm 2016 thuộc thể loại kinh dị, nghiền ngẫm về đạo đức và bản chất con người.

Phim ly kỳ tận thế xác sống Train to Busan của Yeon Sang Ho thể hiện những nhân vật đời thường – từ sinh viên đấn nhân viên văn phòng – chiến đấu vì sinh mạng của mình, kẹt trên con tàu tốc hành nhung nhúc zombie khát máu. Phim ra mắt trong chương trình Suất chiếu nửa đêm của Liên hoan phim Cannes và đã được hãng phim Pháp Gaumont mua quyền làm lại.

Hwang Jung Min trong phim The Wailing (Goksung)

Phim ly kỳ huyền bí The Wailing (Goksung) của Na Hong Jin, cũng được trình chiếu ở hạng mục không cạnh tranh của Cannes, đưa khán giả vào hành trình kinh hoàng đối mặt với cái ác phi lý. Nữ diễn viên 14 tuổi Kim Hwan Hee đem đến diễn xuất rùng rợn trong vai một đứa trẻ bị ám.

Cổ trang hợp thời

Như thường lệ, một số tác phẩm lịch sử tìm cách tái diễn dịch những sự kiện từ thời kỳ Nhật Bản đô hộ.

The Age of Shadows của Kim Jee Woon biến câu chuyện những quân kháng chiến tìm cách chuyển bom từ Thượng Hải vào Triều Tiên thành một phim ‘noir’ đầy phong cách.

Trong The Last Princess, đạo diễn Hur Jin Ho tập trung vào những giai đoạn đầu thời kỳ Nhật Bản đô hộ Triều Tiên qua cái nhìn của công chúa Deok Hye triều đại Joseon, đan xen lịch sự vào cuộc đời một cá nhân.

Gong Yoo trong phim The Age of Shadows

The Portrait of a Poet của Lee Joon Ik cung cấp chân dung cảm động về nhà thơ Yun Dong Ju, thời triều Tiên bị đô hộ và tiếng Triều Tiên bị cấm.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Kpop Herald