Tin tức

2017 nhìn lại: 8 thất bại 'khủng' bác bỏ ý niệm 'vũ trụ điện ảnh'

29/12/2017

Chúng ta có thể học được gì từ những thất bại gần đây của Hollywood? Soi cái nhìn sắc bén lên những bom xịt lớn nhất của năm 2017 — những bộ phim bị giới phê bình nện tơi tả, những phim làm ăn kém, những phim tưởng sẽ thành sự kiện mà rớt bịch khi phát hành — sẽ thấy có một sự nhất quán đáng ngạc nhiên nổi lên.

Trong tất cả tám phim có kinh phí lớn nhưng làm ăn kém nhất của năm chỉ có một phim là không dựa trên “IP”(tức sở hữu trí tuệ) có trước như tiểu thuyết, đồ chơi, truyện tranh, chương trình truyền hình và thần thoại cổ đại, cái tính đề cao việc né tránh rủi ro, thích cái gì đã được tiêu hóa trước “chưa xem phim nhưng đã thấy rồi” chi phối tư duy hãng phim, và ở chừng mực nào đó, chi phối thế giới điện ảnh chính thống ngày nay. Hơn nữa, ba phần tư những phim thất bại năm nay không hề được dự định là phim đơn. Sáu trên tám phim được xem xét dưới đây — The Dark Tower, Ghost in the Shell, Transformers: The Last Knight, The Mummy, và King Arthur: Legend of the Sword — đã được bật đèn xanh nhắm để mở chuỗi phim mới hoặc tốt hơn nữa là “các vũ trụ điện ảnh” mới (mà, tất nhiên, đã không mở được).

Rút ra điều gì? Khán giả dường như đã trở nên hoài nghi về toàn bộ vũ trụ liên thông được Marvel khơi nguồn cảm hứng. Và trong kỷ nguyên mà việc đi xem phim trong mùa hè (khung thời gian kiếm tiền đáng tin cậy nhất của các hãng phim) đạt mức thấp nhất 25 năm nay, với doanh thu bổ nhào hơn 14% và ngang bằng năm 2014 trong chuyện giảm-so-với-năm-trước tệ hại nhất lịch sử hiện đại, cái sự nhấn mạnh vào việc làm phim theo công thức, hoành tráng và xây dựng đế chế (bất kể trả giá bằng việc không tạo ra được các nhân vật có liên quan hoặc thậm chí tuyến truyện mạch lạc) chứng tỏ là có hại cho ngành điện ảnh.

Với điều đó, chúng ta hãy tiến hành chẩn bệnh cho những thất bại lớn nhất của năm 2017.

The Dark Tower

Được chuyển từ nhà làm phim này sang nhà làm phim khác — Damon Lindelof và JJ Abrams sang Ron Howard và Akiva Goldsman đến (cuối cùng) là đạo diễn người Đan Mạch Nikolaj Arcel — và bị đá qua đá lại giữa các hãng phim làm đơn vị phát hành (Paramount, Universal, Warner Bros., và Sony, v.v…) cả một thập niên, bản chuyển thể điện ảnh từ cuốn truyện kỳ ảo-hành động-kinh dị của Stephen King có kinh phí 60 triệu đôla cuối cùng ra rạp vào tháng 8. David Edelstein của tờ New Yorker, chỉ để nêu ví dụ một nhà phê bình chẳng thấy ấn tượng gì hết, phàn nàn rằng bộ phim viễn tây hậu tận thế này, với ngôi sao Idris Elba và Matthew McConaughey trong vai hai kẻ thù xuyên không, có chất lượng cắt và dán “cảm giác như bản sao của một bản sao của một bản sao” của một bộ phim khác. Thậm chí tệ hơn cho những ‘fan’ của “kiệt tác” trong số 37 tiểu thuyết của King đã phải chờ đợi lâu nay, The Dark Tower thu về con số xanh xao thiếu máu 50 triệu đôla ở Bắc Mỹ, chấm dứt triển vọng dự định phim chuỗi.

The Dark Tower đã ra rạp ở Việt Nam với tựa Tòa tháp Bóng Đêm.

Baywatch

Hy vọng lặp lại chiến thắng vẻ vang cả về phê bình lẫn thương mại của chuyển đổi từ truyền hình-sang-điện ảnh 21 Jump Street phân loại R, chuyển thể Baywatch hài tục của hãng Paramount đã thu được 23 triệu đôla còm cõi trong cuối tuần ngang qua lễ Memorial Day – ít hơn gần cả 20 triệu so với dự đoán bằng ước tính qua theo dõi trước phát hành. Màn trình diễn cơ ngực của Dwayne “The Rock” Johnson và Zac Efron không đủ để chống cự được những bài bình phim chê bai thậm tệ. Và đánh giá 19% “tươi” trên Rotten Tomatoes không tránh khỏi trở thành chuyện phiếm bàn ở Hollywood khi Deadline đưa tin người trong nội bộ Baywatch đổ thừa trang web này “làm giảm tiềm năng kinh doanh của phim bắp rang.”

Baywatch đã ra rạp ở Việt Nam với tựa Đội cứu hộ bãi biển.

The Mummy

Được nhằm vào việc làm một khởi động lại hấp dẫn cho chuỗi phim Mummy tượng đài của Universal — đồng thời cũng là cách thác cớ để mở ra “Thế giới Bóng tối” của các phim quái vật liên thông — bộ phim kỳ ảo-ly kỳ cường điệu lớn lối do Tom Cruise đóng chính này thu về 409 triệu đôla toàn cầu; được đánh giá là một trong những phim kém hiệu quả đáng kể trong năm nay, nếu không nói là thất bại hoàn toàn. IndieWire đã cộng hưởng với dàn hợp xướng của giới phê bình, gọi The Mummy, “Hiển nhiên là phim dở nhất mà Tom Cruise từng đóng.” Với ngân sách sản xuất được báo chí đưa tin là 195 triệu đôla và thêm hàng chục triệu đôla chi phí phát hành và quảng cáo, bộ phim mang lại một khoản lợi nhuận nhỏ (theo tiêu chuẩn hãng phim lớn), nhưng chỉ sau khi đạt được con số hòa vốn ‘khủng’ là 345 triệu đôla.

The Mummy đã ra rạp ở Việt Nam với tựa Xác ướp.

King Arthur: Legend of the Sword

Warner Bros. đã dành tám năm để phát triển “IP kinh điển” lấy cảm hứng từ truyền thuyết Vua Arthur này (nếu không nói là dựa hoàn toàn theo đó) và có ngôi sao Charlie Hunnam của Sons of Anarchy trong vai đức vua của Camelot. Nhưng suốt tuần đầu ra rạp, bộ phim sử thi-hành động trị giá 175 triệu đôla này thu về 15,4 triệu đôla xoàng xĩnh (cuối cùng thu được tổng cộng 148,7 triệu đôla) để xếp vào loại những thất bại tồi tệ nhất năm 2017. Các nhà quan sát của ngành công nghiệp điện ảnh đã nhanh chóng đổ lỗi cho phong cách làm phim “phồn vinh giả tạo” của đạo diễn Guy Ritchie và việc Hunnam thiếu sức mạnh ngôi sao nam chính, đồng thời chỉ ra cách kể chuyện PR chính của bộ phim — “một bộ phim Vua Arthur dành cho ‘fan’ của Game of Thrones” — không thể kết nối chính xác với những người hâm mộ ấy. Cuối cùng, kế hoạch cho một thế giới điện ảnh sáu phim của Warner Bros. đã kết thúc thành một tham vọng ngông cuồng huyền thoại của Hollywood.

King Arthur: Legend of the Sword đã ra rạp ở Việt Nam với tựa Huyền thoại Vua Arthur: Thanh gươm trong đá.

Monster Trucks

Bộ phim người đóng kết hợp hoạt hình vi tính của Paramount (nói về, bạn biết đấy, những con quái vật sống bên trong xe tải) đã được tuyên bố là thất bại từ rất lâu trước khi thực sự ra rạp vào tháng 1. Vào hè năm trước, trailer đầu tiên của bộ phim trị giá 125 triệu đôla Mỹ nhãn phân loại PG này đã truyền cảm hứng cho những lời chê bai lan tràn trên mạng. Sau đó, vào tháng 9, Viacom, công ty mẹ của Paramount, có động thái bất ngờ là tiết lộ sẽ ghi lỗ 115 triệu đôla trên doanh thu ước tính của họ “liên quan đến thành tích dự kiến của một bộ phim chưa được phát hành” — mà sau đó hóa ra không ai khác ngoài Xe tải quái vật. Gần đến phát hành là một cơn lũ các bài bình luận phim tiêu cực. Chẳng bao lâu dự án này — vốn do chủ tịch hãng phim lúc đó là Adam Goodman thai nghén nhưng đã bị mồ côi khi ông bị sa thải vào năm 2015 — đã bị các rạp chiếu phim xua đuổi, thu về chỉ 64 triệu đôla doanh thu vé toàn cầu.

Monster Trucks đã ra rạp ở Việt Nam với tựa Xe tải quái vật.

Valerian and the City of a Thousand Planets

Một dự án đam mê được thai nghén lâu dài cho biên kịch-đạo diễn Luc Besson (The Fifth Element) dựa theo cuốn truyện tranh thập niên 60 của Pháp mà ít người Mỹ biết đến, bộ phim ly kỳ giả tưởng 180 triệu đôla đã ra rạp với đặc điểm kép: phim độc lập tốn kém nhất và bộ phim đắt đỏ nhất do châu Âu sản xuất. Với sự tham gia của Cara Delevingne và Dane DeHaan trong vai các cảnh sát điều tra vũ trụ truy lùng qua các thiên hà, Valerian sẽ cần thu được tổng cộng ít nhất 400 triệu đôla mới có lời. Thay vào đó, bộ phim đã thu về con số gây phá sản là 40 triệu đôla ở Bắc Mỹ, mở màn vào cùng kỳ cuối tuần khi Dunkirk của Christopher Nolan được đón nhận ngất ngây, lấy được 225 triệu đôla toàn cầu.

Valerian and the City of a Thousand Planets đã phát hành ở Việt Nam với tựa Valerian và thành phố ngàn sao.

Ghost in the Shell

Dựa theo bộ truyện manga/anime Nhật Bản nổi tiếng cùng tên, Ghost in the Shell thấy mình bị ma ám bởi khán giả xem rạp khi phát hành hồi tháng 3; bộ phim ly kỳ vị lai này tốn 110 triệu đôla chi phí thực hiện nhưng chỉ thu được 40 triệu đôla thất vọng ở Bắc Mỹ. Vấn đề A: tranh cãi về “trắng hóa” của bộ phim khiến người hâm mộ từ chối chấp nhận ngôi sao Scarlett Johansson là người máy sinh học đặc biệt có nhân thân là người Nhật với cái tên Thiếu tá Motoko Kusanagi trong tác phẩm gốc. Hơn nữa, fanboy trung thành của Paramount được xác định là người tiêu dùng cốt lõi của Ghost cũng “bo xịt” bộ phim và không đi xem.

Ghost in the Shell đã phát hành ở Việt Nam với tựa Vỏ bọc ma.

Transformers: The Last Knight

Chính xác là giới phê bình chưa bao giờ rộng lượng với những bộ phim Transformers khoa trương, có doanh thu nhiều tỉ đôla của đạo diễn Michael Bay. Nhưng khi điểm “tươi” của Rotten Tomatoes cho phần năm của loạt phim hành động rôbô đại chiến với người ngoài hành tinh đạt đỉnh ở mức 15%, những bình luận phim tiêu cực — và hậu quả là truyền miệng tiêu cực — đã nhấn mạnh cảm giác về cơn mệt mỏi phim chuỗi. The Last Knight chỉ thu được 45 triệu đôla trong tuần đầu công chiếu, trở thành phim Transformers đầu tiên không vượt mốc 90 triệu đôla mở màn. Và mặc dù cuối cùng phim cũng thu về hơn 600 triệu đôla toàn cầu, doanh thu ảm đạm ở Bắc Mỹ — 130 triệu đôla — của bộ phim đã được ai nấy xem là lỗ cho Paramount, đập tan kỳ vọng Vũ trụ điện ảnh Transformers (dự kiến bắt đầu với Transformers Universe: Bumblebee tháng 12 năm tới) của hãng phim này.

Transformers: The Last Knight đã ra rạp ở Việt Nam với tựa Transformers: Chiến binh cuối cùng.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vulture