Tin tức

Đài truyền hình Hồng Kông ATV đưa đơn xin phá sản

17/10/2011

Những năm gần đây, ATV thường xuyên phải đối mặt với tình hình tài chính bấp bênh.

Hồi tháng 8/2011, ATV công bố một loạt hoạt động lớn qua việc phát hành một vài chương trình được sản xuất nội bộ. Giờ đây, một cuộc hỗn loạn bùng nổ khi ATV đệ đơn xin phá sản chiều ngày 12/10. Cổ đông lớn nhất của nhà đài, công ty con của Thái Diễn Minh, Norwares Overseas Inc. đã nộp đơn xin phá sản của ATV tại Tòa án Tối cao Hồng Kông.

Tỉ phú Thái Diễn Minh

Năm 2008, tỉ phú Đài Loan Thái Diễn Minh, Chủ tịch Tập đoàn Want Want, hỗ trợ tài chính cho ATV để trở thành cổ đông lớn nhất của đài này. Dù vậy, ATV vẫn bị đồn rằng đang ở trên bờ vực phá sản vào năm 2010. Hai cổ đông chính của ATV, Thái Diễn Minh và Tra Mậu Thanh từng có cuộc khẩu chiến công khai hồi năm ngoái về vấn đề cổ phần của công ty.

Việc tuyên bố phá sản ảnh hưởng như thế nào đến ATV? Một đại diện của ATV phản hồi, “Khoản trái phiếu chuyển đổi và lợi tức 150 triệu đôla Hồng Kông của công ty ông Thái Diễn Minh đã được hoàn lại năm ngoái, trong khi ông Tra Mậu Thanh đệ đơn xin lệnh của tòa án cấm phát hành số trái phiếu chuyển đổi 23 triệu của công ty. Bây giờ ông Thái Diễn Minh viện cớ này để rút lại vốn của mình khỏi ATV. Vì lợi ích của tình hình chung, ATV đồng ý để ông Thái Diễn Minh thu hồi khoản này từ ngân sách.” Một chuyên gia pháp lý nhận định về vấn đề này, theo luật pháp Hồng Kông, các cổ đông có quyền đệ đơn xin phá sản với lý do không có khả năng chi trả, bất kể họ nắm bao nhiêu cổ phần đi chăng nữa."

Khó khăn tài chính liên tiếp

Một độc giả tiết lộ ATV vẫn chưa trả số nợ thuê ô tô do phòng tin tức của đài này sử dụng. Nếu ATV không trả dứt nợ thuê xe trước thời hạn, số xe sẽ được chuyển đi. Phòng Quan hệ Công chúng của ATV vẫn chưa trả lời về vấn đề này.

Tỉ phú Tra Mậu Thanh

.Ngày 29/9, ATV đưa ra một thông báo nội bộ ghi rằng, việc trả lương hàng tháng cho nhân viên sẽ được dời lại từ 30/9 sang 3/10 do cơn bão trong nước. Phát ngôn viên phòng Quan hệ Công chúng của ATV giải thích, tiền lương thanh toán được gửi từ Đại lục ra, nên việc phát lương cho nhân viên bị dời lại do bão.

Bên cạnh đó, có tin đồn rằng hơn 12 nhân viên chế tác của ATV bị lôi kéo sang đài khác. Một viên chức của đài cho biết, “Trước đây cũng có nhân viên bỏ đi, nhưng không ai để ý cả. ATV không xem nhẹ việc này, nhưng sẽ thay vào đó bồi dưỡng tài năng của bên kịch bản. Còn việc có tăng lương để giữ chân nhân viên hay không còn tùy vào tình hình. Chúng tôi không muốn tăng lương đơn giản chỉ vì nhân viên ra đi. Công ty đã có khoản thưởng thường niên vào giữa năm rồi.” Khi được hỏi liệu ATV có học theo TVB, phát thư cảnh báo cho nhân viên về cơn khủng hoảng bị lôi kéo nhân sự, viên chức này cho biết mỗi công ty có cách thức riêng. Do giấy phép của ba đài truyền hình miễn phí kia vẫn chưa được cấp, ATV sẽ không bắt chước cách làm của đài khác.

Nguy cơ cạnh tranh gia tăng, tương lai mờ mịt chờ đợi ATV

Trong thập kỷ qua, những cuộc tranh cãi về quyền lợi hợp lý tại ATV cứ dai dẳng và gắn liền với tần suất thay đổi cấp quản lý thường xuyên đến chóng mặt, do đó đài này gặp bất lợi khi cạnh tranh với đối thủ TVB. ATV giờ phải đối mặt với cuộc đại khủng hoảng trước mắt. Do chính phủ Hồng Kông dự định mở rộng truyền hình công cộng miễn phí và viễn thông tại thành phố cũng như cáp băng thông rộng, bản quyền truyền hình miễn phí có hiệu lực đã được công bố vào tháng 12/2009.

ATV gặp bất lợi khi cạnh tranh với đối thủ TVB

Hồng Kông hiện đang có hai đài truyền hình miễn phí là ATV và TVB, cùng với bốn đài truyền hình thu phí khác. Ba công ty truyền hình miễn phí mới dự định nhập cuộc năm 2012 gồm có City Telecom của Ricky Wong, PCCW của Richard Li và I-Cable TV.

Việc cạnh tranh gia tăng trong thị trường truyền hình miễn phí có thể gây ra thêm khó khăn về tài chính cho ATV. Phó giáo sư Feng Ying Qian thuộc khoa Truyền thông – Báo chí tại Đại học Hồng Kông lưu ý, “ATV không giống với TVB và Thiệu Thị ở chỗ ATV không có bất động sản và những tài sản cố định khác.”

Ông Tra Mậu Thanh, cổ đông của ATV, công khai thừa nhận việc tự do cạnh tranh trong ngành công nghiệp truyền thông là một bước tiến tiêu cực đối với ATV. Ông nói, “Với khán giả, càng cạnh tranh và càng nhiều cơ hội là điều tốt. Song với ATV lại là bước phát triển cực kỳ tệ hại.”.


Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Asian Fanatics


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi