Tin tức

3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Rô-bô đại chiến 3

30/06/2011

Đến lúc này chắc bạn đã biết Transformers: Dark of the Moon không phải là một phim 3D trung bình – hoặc chí ít, Michael Bay muốn bạn nghĩ vậy.

Sau khi báng bổ công nghệ này là "một mánh quảng cáo" Bay đã quay ngoắt “180 độ” để quay Transformers phần 3, sử dụng máy quay 3D và ngay trong tuần này đảm bảo với các chủ rạp rằng họ sẽ chiếu bộ phim đủ sáng sủa để người xem thưởng thức ở định dạng 3D cơn thịnh nộ của cả đám người máy theo cách nhà đạo diễn này rắp tâm làm.

Vậy có đáng đồng tiền bát gạo không nhỉ? Liệu phần cuối cùng của Bay với loạt phim Transformers này thực sự đòi hỏi bạn phải xem trong không gian ba chiều không? Để trả lời câu hỏi nóng hổi đó, chúng ta quay lại với tiết mục 3D hay không 3D, để cân nhắc mọi thiệt hơn trong việc ghịt vào mắt cặp kính xem phim và cho bạn đọc biết chính xác tiền vé xem phim tuần này của họ đáng phải vào đâu. Đây không phải là bài bình luận về bản thân bộ phim – bạn có thể xem bài đó ở mục Bình luận phim của trang Quái vật điện ảnh – mà là một chuyên đề về việc 3D bổ sung được gì vào trải nghiệm xem các rô-bô vui đùa với nhau trong lúc tàn phá một thành phố lớn của nước Mỹ.

  • Tính phù hợp

Nguyên tắc áp dụng chung là 3D phát huy tác dụng rất tốt với phim hoạt hình chứ không phù hợp với phim người thật đóng. Tuy nhiên, hơn bất kỳ phim người thật đóng nào khác bạn sẽ xem trong mùa hè này, Transformers: Dark of the Moon xóa nhòa ranh giới đó, dựa rất nhiều vào đồ họa vi tính cho hai tuyến nhân vật Autobots (phe thiện) và Decepticons (phe ác) và nhờ kỹ thuật số làm cho những cảnh tàn phá thêm khốc liệt. Công thêm việc Bay sử dụng máy quay 3D làm thay đổi đáng kể lối quay cắt cảnh nhanh và phong cách biên tập phim của ông cho khớp với công nghệ này có nghĩa đây có thể là phim người thật đóng thích hợp nhất với 3D kể từ sau Avatar.

Điểm: 5/5

  • Kế hoạch và công sức

Như đã đề cập ở trên, Michael Bay sử dụng máy quay 3D chuyên dụng để quay rất nhiều cảnh trong phim, và vì là bạn thân với James Cameron, không chừng ông đã có được mọi sự tư vấn hay ho mà ông cần. Mặc dù cũng có một số cảnh chuyển đổi 3D ở giai đoạn hậu kỳ, quá trình chuyển đổi đó đã bắt đầu gần một năm trước, và được phối vào rất nhiều cảnh hành động quay bằng những máy quay 3D tốt nhất hiện có. Bạn có thể lập luận rằng kỹ thuật làm phim quay nhanh, biên tập nhanh, chuyển động máy quay lia ngoắt khắp hiện trường quay của Michael Bay không được chuẩn bị nhiều cho phong cách khoan thai cần thiết với 3D, nhưng riêng với phim này, xem ra ông đã phải dồn hết nỗ lực bù đắp cho điều đó.

Điểm: 5/5

  • Ngoài màn ảnh

Chúng ta xem 3D là công nghệ thường đẩy cảnh vật vọt ra ngoài màn ảnh vào trước mặt bạn, nhưng ngày nay công nghệ này thường được sử dụng để tạo cảm nhận chiều sâu, như thể ta săm soi qua cửa sổ vào nhiều chiều không gian bên ngoài. Michael Bay đã luôn làm vậy trong phim của ông, nhồi nhét lên màn ảnh những pha hành động nhiều hết cỡ khán giả có thể theo dõi nổi – và đôi lúc nhiều quá theo dõi không xuể - và trong Transformers 3 ông làm còn tốt hơn nữa nhờ có 3D. Mà chỉ nhiều trong những cảnh hành động thôi, cứ cho là vậy, và nửa đầu bộ phim có rất nhiều cảnh trong nhà giữa con người hoặc Autobots không cần thiết có cảm nhận chiều sâu. Nhưng khi cảnh hành động bắt đầu trên đường phố Chicago và phần cuối phim, những con phố điêu tàn và tòa nhà sụp đổ dường như vươn ra vô tận, một sự vận dụng công nghệ 3D tuyệt vời và có lẽ là lý do thích đáng nhất để bộ phim này được làm ở định dạng 3D.

Điểm: 4/5

  • Trước màn ảnh

Đây là chỗ chúng ta đã từng bàn luận về sức hấp dẫn truyền thống của 3D, rô-bô hay là máu me hay bất cứ gì khác cứ bay vào mặt bạn, dường như vọt ra ngoài màn ảnh. Phim người thật đóng thường không giỏi làm điều này, và mặc dù Transformers: Dark of the Moon cũng chẳng giỏi giang gì điều đó, bộ phim có một số khoảnh khắc tuyệt vời, bao gồm một cảnh mở màn thể hiện tất cả phe Autobots và một vài cảnh thực sự gây chóng mặt từ trên nóc các tòa nhà chọc trời ở Chicago gần cuối phim. Phim không cậy vào thủ thuật đó đến mức có vẻ cường điệu, nhưng đủ để bạn phải cho phần này điểm cao. Những khoảnh khắc ấy vừa đủ nhiều để xem ra người ta không phung phí công nghệ này, nhưng có lẽ không được nhiều như lẽ ra người ta phải làm được tới cỡ đó.

Điểm: 3/5

  • Độ sáng

Gần đây chúng ta nghe nói quá nhiều, trong đó có từ chính đạo diễn Bay, yếu tố này tùy thuộc vào rạp chiếu phim chỗ bạn – máy chiếu 3D phải được quay thêm sáng để bù đắp cho tác dụng làm tối của cặp kính 3D, mà rất nhiều rạp chiếu không chịu đốt cháy đèn đủ nhanh để đạt được hiệu quả thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu Transformers: Dark of the Moon được chiếu đúng cách, phim sẽ rất sáng sủa. Vì một đạo diễn như Bay thích quay cảnh hoàng hôn nhưng hiếm khi quay ban đêm, thế nên tất cả những pha hành động trong phim đều sáng rõ, nửa thời lượng không thấy cảnh tối nào. Những cảnh trong nhà cũng sáng sủa luôn, phần lớn diễn ra trong ánh đèn huỳnh quang công sở hoặc trong nhà chứa máy bay quân sự khổng lồ, nhưng hiệu ứng 3D thấp trong những cảnh này. Bạn rất cần độ sáng trong những cảnh hành động tốc độ nhanh, và bộ phim này đem lại những cảnh đó đẹp một cách ngoạn mục.

Điểm: 5/5

  • Thử bỏ kính

Ngay cuối phim Transformers: Dark of the Moon người viết bài này gỡ kính ra và chuẩn bị rời khán phòng, nhưng phải vội vàng mang kính trở lại khi một cảnh tặng thêm vọt ra – một cảnh tặng thêm mà bạn không hề nhận ra vì nó rất mờ ảo. Khi xem phim 3D mà tháo kính ra bạn thường thấy hình ảnh nhòe; hình ảnh càng nhòe,thì công nghệ 3D càng hiệu quả và càng sâu. Phần giới thiệu cuối phim đặc biệt này có lẽ là một trong những ví dụ tốt nhất về độ sâu của phim 3D, nhưng còn có thêm vài cảnh nữa, nhất là trong cảnh "cánh bay" có những người lính bay vút lên như chim băng qua trung tâm Chicago. Khi người viết gỡ kính ra trong tất cả những cảnh đối thoại, rất nhiều ở  nửa đầu phim, thì thấy chẳng có gì khác biệt. Nhưng trong những cảnh hành động, rõ ràng là thực sự quan trọng với Bay và có lẽ với bất kỳ ai muốn xem phim này, hiệu ứng 3D trở nên rất sâu và hình ảnh bị nhòe khi không có kính.

Điểm: 4/5

  • Sức khỏe của khán giả

Người viết bài này đã tưởng sẽ rất khó chịu vì sự đụng độ giữa cách quay phim và biên tập của Michael Bay – nếu những pha hành động trong Transformers 2 đã làm người viết cảm thấy hơi chóng mặt, thì một phim 3D sẽ còn đến thế nào nữa? Thật vui mừng thông tin rằng người viết bài này không bị buồn nôn sau khi xem những pha hành động, dù có mất chút thời gian để quen với những phim 3D khác. Và nếu bạn từng bị nôn khi xem phim 3D, số lượng dày đặc cảnh hành động trong Transformers 3 có thể thôi thúc bạn thèm khí trời, mặc dù hiệu ứng 3D không được sử dụng kịch liệt như người viết bài đã tưởng.

Điểm: 3/5

Phán quyết chung cuộc: Transformers: Dark of the Moon rõ ràng là phim 3D do người thật đóng tốt nhất mà người viết bài này từng xem từ sau Avatar, và với trào lưu 3D, đây có lẽ là ví dụ hay nhất để xem xét. Độ sáng, độ mãnh liệt và sự lôi cuốn mà không làm bạn cảm thấy (quá) khó chịu hoặc bị áp đảo, đây là phim hành động đầu tiên của hè năm nay thực sự thấy đáng tiền vé 3D. Việc bạn thấy bộ phim này đáng xem hay không lại là chuyện khác, tất nhiên rồi, nhưng nếu bạn thấy mình đã đến rạp phim mà chỉ có chiếu Transformers bản 3D thôi, thì hãy biết rằng đồng tiền bạn bỏ ra là xứng đáng với những gì công nghệ 3D thể hiện trên màn ảnh.


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend