Tin tức

5 phim từ sự nghiệp phi thường của Trương Ngải Gia

18/06/2018

Trương Ngải Gia, đối trọng của Đài Loan với Barbra Streisand của Mỹ, được khen ngợi vì sự nghiệp ca hát, diễn xuất lẫn làm phim của bà.

Với một sự nghiệp trải dài bốn thập kỷ và hơn 100 phim, bà đã hợp tác với những bậc thầy như Hồ Kim Thuyên, Dương Đức Xương và Từ Khắc, và đóng vai chính cạnh những diễn viên như Châu Nhuận Phát và Samuel L. Jackson.

Trương Ngải Gia trong một phim của bà, All About Ah-Long (1989)

Với Metrograph ở Manhattan bắt đầu cuộc triển lãm nhìn lại sự nghiệp của bà cả trước và sau máy quay, người viết hỏi Trương Ngải Gia, 64 tuổi, bà được thôi thúc bởi tham vọng hay thử thách. “Thực ra, tôi không có tham vọng lớn lao lắm,” bà nói qua WhatsApp, bằng tiếng Quan thoại từ Kuala Lumpur, Malaysia. “Tôi thực sự tôn sùng điện ảnh. Tôi kính trọng những thể loại sáng tạo. Tôi sùng bái những người có tài. Nếu tôi có thể giúp đỡ, tôi muốn ủng hộ họ. Đó là chí hướng duy nhất của tôi.”

Bà nói thêm bà đã không biết mình có khả năng gì. “Nếu có thể nghĩ ra được gì đó, tôi sẽ làm theo. Dù mọi người khác nghĩ nó không thể, tôi sẽ nói cứ thử xem,” bà nói, rồi tiếp thêm, “Kể cả trong thất bại, bạn vẫn có thể học được gì đó. Thế mới là điều quan trọng với tôi.”

Để bắt đầu tìm hiểu sự nghiệp xuất chúng này, hãy thử năm bộ phim sau, bao gồm một số có trong triển lãm và một số có thể xem trên các dịch vụ trực tuyến.

Hồng lâu mộng (1977)

Trương Ngãi Gia và Lâm Thanh Hà (phải) trong Hồng lâu mộng

Giờ là một nghệ thuật bị đánh mất, các phim chuyển thể từ kịch Hoàng mai từng đều đặn xếp hàng trong bộ máy sản xuất của hệ thống hãng phim ở Hồng Kông suốt hai thập kỷ. Chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển năm 1791 của Tào Tuyết Cần, phim kịch Hoàng mai này có Lâm Thanh Hà (Trùng khánh sâm lâm) vào vai nam chính với Trương Ngải Gia. Những vai phản xuyến có nhiều trong kịch Hoàng mai, nhưng “người thời nay thiếu chuyên môn để dựng nghiêm chỉnh kịch Hoàng mai,” Trương Ngải Gia nói. Đạo diễn của Hồng lâu mộng, Lý Hàn Tường, là tiêu biểu cho nhà làm phim thời đại đó, bà nói thêm. “Dù là thể loại nào, họ thể hiện rõ mối liên kết, thế mạnh và sự thành thạo của mình,” bà nói. “Giờ chúng ta không có kiểu đào tạo như thế.”

That Day, on the Beach (1983)

Một ví dụ đầu của Làn sóng mới Đài Loan, bộ phim đầu tiên của Dương Đức Xương (Yi Yi) phản ánh tình cảnh khó khăn của thế hệ những người sinh sau Thế chiến II trên hòn đảo: nghĩa vụ gia đình đối lập với ước vọng cá nhân. Bộ phim là câu chuyện trưởng thành kể qua hồi ức: nhân vật của Trương Ngải Gia kể lại sự trưởng thành của bà từ khi còn là một học sinh phải lòng yêu cho tới khi làm một bà nội trợ tuyệt vọng. “Bóng tối của Đài Loan thời kỳ đó phủ lên bộ phim qua thế hệ người trẻ sinh sau Thế chiến II và sự chia rẽ giữa người dân trên đảo và người di cư từ Đại lục,” bà nói. Trương Ngải Gia, ủy thác cho Dương Đức Xương đạo diễn hai tập phim truyền hình bà sản xuất năm 1981, bắt đầu với That Day trong vai trò điều hành hãng phim. “Các nhà làm phim Làn sóng mới Đài Loan từng trò chuyện trao đổi những lý tưởng và nguyện vọng của họ. Họ đều giúp đỡ nhau,” bà nói, nói thêm, “Với tôi, đó thực sự là kỷ nguyên vàng.”

My Favorite Season (1985)

Trương Ngải Gia nói đây là một trong những bộ phim yêu thích của bà. “Ở thời của nó, chủ đề của phim rất mới và hiện đại,” bà nói bộ phim chính kịch hài về một người phụ nữ dám nghĩ dám làm tìm một cuộc hôn nhân tạm thời để cô có thể đăng ký giấy khai sinh cho đứa con chưa lọt lòng, hậu quả cuộc tình với một người đã có vợ. “Chúng ta nghĩ ai cũng có một týp người lý tưởng, nhưng trong thực tế và hôn nhân điều đó không hiệu quả. Tôi thực sự thích cách bộ phim xử lý việc này.” Đạo diễn Trần Khôn Hậu gặp khó khăn tìm nam diễn viên chính, bà cho biết, vì phần lớn diễn viên đều quá đẹp trai và có quá nhiều danh tiếng ngôi sao để vào vai một người ngô nghê thật thà và cũng hơi bần tiện. Vai diễn cuối cùng thuộc về Lý Tông Thịnh, nhạc sĩ và nhà sản xuất đứng sau nhiều bài hát ăn khách của Trương Ngải Gia. Bộ phim dường như nối dài tự nhiên mối quan hệ hợp tác âm nhạc của họ, vốn là giai điệu đồng ca của những người phụ nữ lao động ở Đài Loan.

Xiao Yu (tạm dịch: Thiếu nữ tiểu ngư) (1995)

Bộ phim lấy bối cảnh New York, do Lý An sản xuất, và Trương Ngải Gia đạo diễn, xoay quanh cuộc hôn nhân không tình yêu giữa một nhà văn chìm trong nợ nần (Daniel J. Travanti của Hill Street Blues) và một công nhân Trung Quốc tuyệt vọng cần thẻ xanh (ca sĩ, diễn viên và đạo diễn Lưu Nhã Anh). Đây là một câu chuyện New York tinh túy về người dân thành phố thường bị những nhà làm phim bỏ qua. Trương Ngải Gia không lạ gì thành phố, khi đã dành ba năm thời thiếu niên ở Riverdale, khu Bronx. “Phim về các mối quan hệ khác văn hóa và sắc tộc thường bộc lộ sự giả tạo với tôi. Tôi ghê sợ sự thiếu chân thật đó,” Trương Ngải Gia nói. “Tôi luôn nghĩ sao hai người từ hai nền văn hóa tách biệt có thể có điểm chung. Họ có thể có thái độ và cách suy nghĩ khác nhau, nhưng họ phải có chung nhân tính. Điều kéo họ lại gần nhau không phải thứ gì ở bề mặt, mà là sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Đó là điều tôi muốn ghi lại.”

Murmur of the Hearts (tạm dịch: Thì thầm) (2015)

Xây dựng mình là một người có tầm nhìn, Trương Ngải Gia gợi lên chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo trong câu chuyện bà đạo diễn về những đứa trẻ thế hệ Y ám ảnh tổn thương thời thơ ấu vì bố mẹ bỏ mặc. “Đối với tôi, làm phim là tìm kiếm tâm hồn,” bà nói. “Tôi cảm thấy có khoảng trống giữa con người hôm nay, và ước muốn của tôi là trám vào khoảng trống đó.” Theo quan điểm của bà, trong một thế giới “quá tải thông tin, có rất nhiều âu lo,” bà nói. “Chúng ta không biết cách làm nguôi bản thân. Một số người tìm đến trị liệu. Một số người làm tê liệt bản thân bằng những thói xấu như thuốc và rượu, nhưng những thứ đó chỉ đem lại sự giải thoát tạm thời. Cuối cùng, ai cũng phải đối mặt với chính mình.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times