Tin tức

Her Story thăm lại chương đen tối trong lịch sử Hàn Quốc về nô lệ tình dục

14/06/2018

Gần đây chứng kiến một loạt các câu chuyện “phụ nữ giải khuây” trong điện ảnh Hàn Quốc. Spirits’ Homecoming (2016), Snowy Road (2017) và I Can Speak (2017) cung cấp cái nhìn thoáng qua về những nỗi đau, vết sẹo và sự can đảm của những phụ nữ bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản, giữa lúc các xung đột lịch sử lâu đời trỗi dậy gây trở ngại cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Áp phích phim Her Story

Bộ phim Her Story sắp ra rạp xem xét bi kịch này từ một quan điểm khác, khắc họa cuộc chiến đấu tuyệt vọng đòi danh dự và công lý của các nạn nhân trong phòng xử án.

Bộ phim kể một câu chuyện người thật việc thật về 10 cựu nô lệ tình dục ở Busan, dấn thân vào một cuộc chiến pháp lý cam go kéo dài sáu năm từ năm 1992 tại Shimonoseki, Nhật Bản, yêu cầu một lời xin lỗi và bồi thường từ chính phủ Nhật Bản. Phiên tòa xét xử không được công chúng Hàn Quốc biết đến mặc dù dẫn đến một phán quyết hiếm hoi và có ý nghĩa buộc chính phủ Nhật Bản đền bù cho nguyên đơn lần đầu tiên trong lịch sử các phiên tòa xét xử liên quan đến “phụ nữ giải khuây”. Tuy nhiên, sau đó phán quyết này bị bác bởi các tòa án cấp cao hơn.

Không giống các phim Hàn khác về những cựu nô lệ tình dục, Her Story không có cảnh hồi tưởng nào cả, một công cụ điện ảnh thường được những phim như vậy sử dụng để nhấn mạnh bi kịch của những phụ nữ mà cuộc sống bình thường thời niên thiếu của họ đã bị hủy hoại bởi sự tàn bạo của Nhật Bản trong thời chiến tranh.

Kim Hee Ae (phải) trong vai Moon Jeong Suk, người đứng đầu hãng du lịch đóng ở Busan tình nguyện dẫn dắt nhóm nguyên đơn

Khán giả chỉ có thể hiểu những câu chuyện cuộc đời bi thảm của họ thông qua lời của những người phụ nữ cao tuổi trong phòng xử án. Đó không phải là lựa chọn thủ pháp dở, vì cách làm này phân biệt Her Story với các phim khác về cùng một chủ đề và tiết kiệm được chi phí sản xuất. Vấn đề duy nhất ở đây là khán giả cần phải lắng nghe kỹ đối thoại nếu không họ có thể bỏ lỡ một phần những gì các phụ nữ cao niên này nói vì một số quá xúc động.

Thay vào đó, phim cố gắng thể hiện một cách chân thực và điềm tĩnh nỗi khổ của những người phụ nữ này thông qua các dấu vết còn lại từ những năm tháng ác mộng trong cuộc đời họ. Khi chính phủ Nhật Bản lẩn tránh trách nhiệm bằng cách viện lẽ thiếu bằng chứng, một số người phụ nữ cao tuổi phơi bày những vết sẹo cũ trên cơ thể của họ do bị lính Nhật đâm và cắt xẻo, nói, “Tôi vừa là bằng chứng vừa là nhân chứng đây.”

Kim Hae Sook, Ye Su Jeong, Moon Sook, Lee Yong Nyeo đã đóng vai bốn trong số mười người phụ nữ cao tuổi tham gia phiên tòa, trong khi Kim Hee Ae trong vai Moon Jeong Suk, người đứng đầu hãng du lịch đóng ở Busan tình nguyện dẫn dắt nhóm nguyên đơn.

Những người phụ nữ cao tuổi dấn thân vào một cuộc chiến pháp lý cam go

Moon Jeong Suk thiết lập một đường dây nóng ở văn phòng công ty của mình cho các nạn nhân nô lệ tình dục trong khu vực theo yêu cầu của các đồng nghiệp trong hiệp hội khu vực của các doanh nhân nữ muốn làm việc nghĩa cho cộng đồng.

Lúc đầu cô hứa sẽ làm vụ việc này chỉ trong ba tháng, nhưng dần dần trở nên dấn sâu sau khi biết Bae Jeong Gil (do Kim Hae Sook thủ vai), là người giúp việc nhà cho cô 16 năm nay, là một trong những nạn nhân.

Ở chừng mực nào đó, bộ phim là câu chuyện trung thực về thời mới lớn của bốn người phụ nữ cao tuổi dần dần có đủ can đảm để nói về những gì họ phải chịu đựng và đòi hỏi lời xin lỗi từ chính phủ Nhật Bản với sự giúp đỡ từ những người ủng hộ họ.

Tuy nhiên, bộ phim không hoàn toàn ảm đạm và trầm trọng. Diễn xuất của Kim Seon Yeong trong vai một người bạn nóng tính nhưng nhiệt tình của Moon mang lại hài hước bất ngờ. Bí mật cá nhân của Bae Jeong Gil mang lại thắt nút bất ngờ, đó là điểm cộng lớn nhất của câu chuyện.

Đạo diễn Min Kyu Dong (phải) chỉ đạo trên trường quay

Do Min Kyu Dong, nổi tiếng với All About My Wife (2012) và All For Love (2005), đạo diễn và Next Entertainment World phát hành, Her Story ra rạp ở Hàn Quốc từ ngày 27/6.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Yonhap News