Tin tức

Bạch Nhật thanh xuân phớt trên bề mặt cảnh ngộ dân tị nạn người thiểu số ở Hồng Kông

11/05/2023

Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Lưu Quốc Thụy The Sunny Side of the Street / Bạch Nhật thanh xuân nỗ lực đáng ngưỡng mộ để miêu tả hoàn cảnh của những người tị nạn Nam Á ở Hồng Kông, với diễn xuất chân thành của ngôi sao nhí.

Bạch Nhật thanh xuân đánh dấu tác phẩm ra mắt của đạo diễn người Malaysia gốc Hồng Kông Lưu Quốc Thụy. Đây là một trong những bộ phim đầu tiên thể hiện hoàn cảnh khốn khổ của người tị nạn Nam Á ở Hồng Kông, và là một trong số ít phim Hồng Kông có diễn viên dân tộc thiểu số đóng vai chính.

Trong vai diễn đầu tiên của mình, Sahal Zaman pha trộn sự bướng bỉnh và ngây thơ của Hassan, sự tò mò với niềm đam mê và ước mơ với hy vọng

Mặc dù đáng ngưỡng mộ về mặt này, Bạch Nhật cũng cho thấy còn nhiều điều cần cải thiện khi khắc họa người dân tộc thiểu số ở Hồng Kông trên màn bạc. Tuy nhiên, diễn xuất xuất sắc và hình ảnh chân thực vẫn khiến bộ phim đáng xem.

Người thiểu số tị nạn không khác biệt

Mặc dù Bạch Nhật thanh xuân tập trung vào các vấn đề của người thiểu số tị nạn, nhân vật chính lại là tài xế taxi người Trung Quốc tên Trần Bạch Nhật, do Huỳnh Thu Sinh thủ vai trong một màn trình diễn gợi lại vai diễn của anh trong Still Human (cũng đề cập đến mối quan hệ của người thiểu số không tị nạn ở Hồng Kông). Một ngày nọ, Bạch Nhật vướng vào tai nạn giao thông gây ra cái chết cho một người tị nạn Pakistan tên là Ahmed. Cảm thấy tội lỗi, Bạch Nhật hình thành một mối quan hệ khó có thể xảy ra với con trai của Ahmed, Hassan (Sahal Zaman).

Lưu Quốc Thụy tập trung vào những người dân tộc thiểu số tị nạn thật đáng ngưỡng mộ khi xét đến việc các thể chế chính thống của Hồng Kông thường phớt lờ hoặc coi thường cộng đồng này. Do chính sách thị thực tương đối thoáng và sự thịnh vượng kinh tế, Hồng Kông đã trở thành điểm trung chuyển cho khoảng 7.000 đến 14.000 người tị nạn.

Nhân vật tài xế taxi người Trung Quốc tên Trần Bạch Nhật do Huỳnh Thu Sinh thủ vai

Tuy nhiên, vì Hồng Kông không có tư cách tham gia Công ước Liên hợp quốc về Người tị nạn năm 1951 nên thành phố này không cấp quyền tị nạn cho bất kỳ người tị nạn nào, mặc dù đảm bảo với người xin tị nạn rằng họ không bị gửi đến các quốc gia sẽ bức hại họ. Điều này đặt người tị nạn vào tình trạng lơ lửng về mặt pháp lý. Hồng Kông không cho họ quyền làm việc hoặc cư trú lâu dài, nhưng cung cấp cho họ một khoản trợ cấp nhỏ hàng tháng và phiếu lương thực. Những người tị nạn đã ở lại đây nhiều năm để chờ được tái định cư ở các quốc gia khác — có nghĩa là nhiều người trong số họ và con cái của họ đã hòa nhập vào xã hội Hồng Kông.

Bạch Nhật thanh xuân miêu tả thực tế này nói chung là chính xác và nhân văn. Gia đình Hassan muốn tái định cư ở Canada, nhưng họ mắc kẹt trong tình trạng lơ lửng của người tị nạn ở Hồng Kông gần mười năm. Hassan đã hòa nhập vào xã hội Hồng Kông, nói tiếng Quảng Đông trôi chảy đến mức cậu được đặt tên bằng tiếng Trung ở trường. Bất chấp mọi nỗ lực, Hassan và gia đình vẫn thiếu một chỗ ở cố định.

Phim miêu tả chính xác văn hóa của người Pakistan ở Hồng Kông

Bạch Nhật thanh xuân làm nổi bật tất cả sự bấp bênh này bằng một phép ẩn dụ mạnh mẽ; gia đình túng thiếu đến mức không thể mua được cặp kính cận cho Hassan khiến cậu phải dùng tạm cặp kính bảo hộ. Có lẽ để thu hút người Hồng Kông-Trung Quốc, Bạch Nhật thanh xuân cũng tiết lộ bản thân Bạch Nhật là một “vận động viên bơi tự do” từ Trung Quốc Đại lục đến Hồng Kông những năm 1970 — cho thấy hiện tượng người tị nạn ở Hồng Kông là không mới, cũng không chỉ có dân tộc thiểu số mới tị nạn.

Sao không phải là câu chuyện của người thiểu số ở tuyến đầu và trung tâm?

Nói đến khắc họa các dân tộc thiểu số bằng chủ nghĩa nhân văn và tính chân thực, Bạch Nhật thanh xuân là một bước tiến. Phim miêu tả chính xác văn hóa của người Pakistan ở Hồng Kông, từ nói chuyện bằng tiếng Urdu đến đám cưới truyền thống (mặc dù không được pháp luật công nhận) và các lựa chọn trang phục phù hợp.

Bạch Nhật thanh xuân là một trong những bộ phim đầu tiên thể hiện hoàn cảnh khốn khổ của người tị nạn Nam Á ở Hồng Kông, và là một trong số ít phim Hồng Kông có diễn viên dân tộc thiểu số đóng vai chính

Tuy nhiên, lẽ ra bộ phim có thể làm tốt hơn trong việc chống lại những định kiến về người tị nạn, và nói rộng ra hơn 8% dân số Hồng Kông không phải là người Hán. Ví dụ, Bạch Nhật thanh xuân cho thấy Hassan không quan tâm học hành, không vâng lời mẹ và có thói quen trộm cắp — đủ tật ở độ tuổi 10. Mặc dù những đặc điểm như vậy có thể là sản phẩm phụ đích thực do môi trường khắc nghiệt của Hassan, đáng lẽ bộ phim nên bao bọc cậu bé trong những phẩm chất bù đắp lại hơn và cũng khám phá những sắc thái đằng sau hành vi của Hassan thì mới đúng.

Ngoài ra, phim miêu tả động thái thù địch giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số tị nạn và không tị nạn. Trên thực tế, các cộng đồng này có thể khá gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau. Một ví dụ nổi bật là Jeffrey Andrews, nhân viên xã hội người dân tộc thiểu số đầu tiên của Hồng Kông hỗ trợ cả người thiểu số không tị nạn và tị nạn thông qua tổ chức phi chính phủ Christian Action.

Bạch Nhật thanh xuân truyền đạt cảm giác nhẹ nhàng và thân tình, nhưng cũng có cả nỗi buồn

Có vẻ như cũng thiếu sót khi Bạch Nhật thanh xuân chủ yếu trở thành câu chuyện chuộc lỗi của Bạch Nhật, thay vì tập trung vào Hassan. Vì cảm thấy tội lỗi khi đâm xe trúng cha của Hassan, Bạch Nhật muốn giúp Hassan trốn khỏi Hồng Kông một cách bất hợp pháp. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu rời khỏi Hồng Kông bất hợp pháp có thực sự giúp ích cho Hassan về lâu dài hay lại chỉ kết án cậu với một cuộc sống trong tình trạng lấp lửng ở nơi khác? Bộ phim không giải quyết đáng kể những lo ngại này. Có lẽ nếu tập trung vào bản thân Hassan sẽ tạo ra chỗ để làm điều này và nâng cốt truyện theo cách có vẻ đỡ tàn nhẫn hơn về tương lai của Hassan.

Diễn xuất và hình ảnh gây xúc động

Từ quan điểm nghệ thuật mà nói thì Bạch Nhật thanh xuân không hề dở. Diễn xuất của Huỳnh Thu Sinh trong vai Trần Bạch Nhật rất thuyết phục, và không ngạc nhiên khi anh thắng giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Kim Mã lần thứ 59 cho vai diễn này. Tuy nhiên, nhân vật “ông già gắt gỏng gắn bó với nhân vật dân tộc thiểu số” về cơ bản cũng là vai mà Huỳnh Thu Sinh đã đóng trong Still Human, và không làm nổi bật diễn xuất đa dạng của anh.

Diễn xuất của Huỳnh Thu Sinh trong vai Trần Bạch Nhật rất thuyết phục

Chính màn trình diễn đầy sắc thái của lính mới Sahal Zaman trong vai Hassan mới khiến Bạch Nhật thanh xuân trở nên sống động. Trong vai diễn đầu tiên của mình, Zaman pha trộn sự bướng bỉnh và ngây thơ của Hassan, sự tò mò với niềm đam mê và ước mơ với hy vọng. Cậu truyền vào Hassan những tính cách có thể liên quan đến nhiều thanh thiếu niên dân tộc thiểu số ở Hồng Kông, dù là người tị nạn hay không.

Nhà quay phim Lương Minh Giai làm nổi bật màn trình diễn này và gợi nhớ đến những bộ phim có chủ đề gia đình của Hirokazu Kore-eda. Với những cảnh quay trẻ em chơi với những lon nước ngọt bị xẹp, và Bạch Nhật lái chiếc taxi của mình đi trong vô định, Bạch Nhật thanh xuân truyền đạt cảm giác nhẹ nhàng và thân tình, nhưng cũng có cả nỗi buồn.

Đến cuối người ta tự hỏi bộ phim sẽ thực sự giúp ích bao nhiêu cho hoàn cảnh của những người tị nạn ở Hồng Kông. Thông qua diễn xuất và hình ảnh như vậy, cũng như nền tảng thực tế nói chung, chắc chắn bộ phim giúp xây dựng một mức độ đồng cảm nào đó — dẫu không hoàn hảo.

Chính màn trình diễn đầy sắc thái của lính mới Sahal Zaman trong vai Hassan mới khiến Bạch Nhật thanh xuân trở nên sống động. Với vai Hassan, Zaman đã trở thành nam diễn viên người thiểu số đầu tiên đoạt Kim Tượng 2023 dành cho nam phụ xuất sắc, và cũng là diễn viên ít tuổi nhất lịch sử giải thưởng này đoạt danh hiệu đó

Tuy nhiên, Bạch Nhật thanh xuân cho thấy thực sự còn một chặng đường dài phía trước khi nói đến việc miêu tả các dân tộc thiểu số và người tị nạn trong điện ảnh Hồng Kông. Nhưng đây là bước đầu tiên đi đúng hướng.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Escapist