Tin tức

Cách tiếp cận mới cho đề tài tình báo trong phim gián điệp của Hàn Quốc

09/10/2012

Phim về điệp viên có sức hút đặc biệt với khán giả Hàn Quốc, những người vẫn thường nghe tin tức về các hoạt động gián điệp từ Triều Tiên.

Hơn 60 năm kể từ khi bán đảo này bị chia cắt, phim tình báo không còn nói về những anh hùng gián điệp truyền thống có tính cách tinh tế. Mà về những nhân vật như điệp viên Triều Tiên trong The Spy quan tâm tới giá thực phẩm và nhà ở tăng cao hơn là nhiệm vụ bí mật tiếp theo của anh ta.

The Spy tập trung vào nhân vật chính Kim, một người lo lắng về giá thực phẩm và nhà ở tăng cao hơn là nhiệm vụ,
trong khi
Berlin nói về những mật vụ chuyên nghiệp máu lạnh [Ảnh: CJ E&M và Lotte Entertainment]

Đạo diễn Woo Min Ho thấu hiểu điều này vì giá thuê nhà tăng vùn vụt khiến ông lao đao sau khi ông hoàn tất bộ phim đầu tay Man of Vendetta (2010).

“Tôi nảy ra ý tưởng rằng điệp viên cũng không thoát khỏi những vấn đề trong cuộc sống thật,” Woo Min Ho nói trong cuộc họp báo hôm 18/9 trước khi The Spy công chiếu ngày 20/9.

Các nhân vật chính không mặc trang phục Ý được đặt may hay mang vũ khí tối tân. Họ sống bình thường trong một khu ổ chuột ở Hàn Quốc vì mối quan hệ tranh chấp với Triều Tiên không gay gắt như hồi thập niên 60 và 70.

Một mật vụ Triều Tiên tên Kim (Kim Myung Min đóng) kết hôn và sống hạnh phúc với vợ và hai đứa con. Trông anh như một người đàn ông của gia đình điển hình hy sinh mọi thứ vì con cái.

Áp phích phim The Spy

Đồng nghiệp của Kim cũng vậy, trông thế nào cũng không giống điệp viên chuyên nghiệp. Kang (Yeom Jeong Ah) hoàn toàn trở thành một ajumma, không chỉ có nghĩa là phụ nữ trung niên mà còn là một bà cô già huênh hoang. Là một nhân viên bất động sản, Kang dùng giọng nói sang sảng của mình để át giọng người bán nhằm hạ mức giá đề nghị của họ và trở nên cực kỳ nhạy cảm nếu có chậm trễ dù chỉ một chút khi nhận 100.000 won (89,13 USD) tiền hoa hồng.

Một điệp viên kỳ cựu tên Cố vấn Yoon (Byeon Hee Bong) dành hầu hết thời gian chơi cờ vây ở công viên Tapgol, trung tâm Seoul, trong khi Woo (Jung Gyu Woon) phản đối hiệp định thương mại tự do sau khi về quê nuôi bò.

Tất cả nhân vật đều có vẻ không phù hợp với một phim tình báo, nhưng đó chính xác là điều Woo Min Ho dự tính.

“Tôi muốn truyền tải thông điệp rằng điệp viên cũng là người. Họ cũng là cha mẹ, cũng sống với những nỗi lo toan như chúng ta,” đạo diễn này nói.

Câu chuyện trong The Spy hé mở khi Kim nhận nhiệm vụ ám sát sau 10 năm gián đoạn.

Không chỉ có The Spy mới có cách tiếp cận mới mẻ. Covertness của Jang Cheol Soo đi trước một bước, với một điệp viên anh hùng còn lập dị hơn.

Áp phích phim Covertness

Trong bản chuyển thể của loạt truyện tranh trên mạng nổi tiếng của tác giả Hun, Won Ryu Hwan (Kim Soo Hyun), một đặc vụ ngầm của Triều Tiên cải trang thành một gã ngố nhà quê. Anh ta có thể thông thao năm thứ tiếng cùng khả năng đọc suy nghĩ của người khác thần kỳ, nhưng lại là trò cười của cả làng.

Cấp trên của anh ở Triều Tiên gửi anh vào một nhóm điệp viên cải trang làm ca sĩ thần tượng, và họ bắt tay vào một dự án hơi kỳ dị đó là ra mắt với vai trò nhóm nhạc thần tượng nam tên Flower Boy Idol Trio, thêm vào sự hài hước cho phim.

Sắc thái trong những phim này đối lập mạnh mẽ với các phim điệp viên trước đây như Shiri (1999) của Kang Je Gyu, Double Agent (2003) của Kim Hyun Jung, Secret Reunion (2010) của Jang Hun và gần đây nhất, Poongsan (2011) do Juhn Jai Hong đạo diễn.

Song, xu hướng điệp viên giả người thường đang gia tăng này không nhất thiết có nghĩa là phim tình báo tránh mang cảm giác tăm tối và nghiêm túc.

Phim sắp tới của đạo diễn Ryu Seung Woo In Berlin tập trung vào những điệp viên chuyên nghiệp săn đuổi lẫn nhau. Bộ phim kinh phí lớn này được quay ở Berlin và Latvia, theo dấu cuộc rượt đuổi giữa ba mật vụ của Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

Áp phích phim In Berlin

Ha Jung Woo vào vai một điệp viên hai mang Bắc Triều Tiên ở Berlin. Anh bị phản bội và tách khỏi tổ chức giữa một âm mưu gián điệp tài chính. Anh và vợ (Jeon Ji Hyun) cố trốn khỏi nước này vì sợ bị thanh trừng, trong khi bị hai đặc vụ phía Triều Tiên và Hàn Quốc là Ryu Seung Beom và Han Suk Kyu săn đuổi.

Trong phim có quay cổng Brandenburg, đại sứ quán Mỹ và đài tưởng niệm Holocaust; đạo diễn cho biết ông cố thể hiện “cảm xúc cô độc và phức tạp lẫn lộn” của các mật vụ ở những nơi đau khổ và có chút đẹp kỳ lạ.

Berlin được lên lịch ra rạp trong nửa đầu năm 2013 cùng một phim điệp viên khác là The Clasmate của Park Hong Soo.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi