Tin tức

Chất lượng phụ đề ảnh hưởng tới sự đón nhận phim Hồng Kông

30/12/2014

Nhiều khi phụ đề cho một bộ phim có thể bị sai trầm trọng – những khán giả nói tiếng Anh, hâm mộ phim Hồng Kông thập niên 1980 và 1990 chắc chắn có thể kể tên ra một tá ví dụ - điều này dẫn đến kết quả không chỉ là sự lúng túng cho những người liên quan tới phim (đấy là không kể tới những sự chế nhạo), mà còn làm cho phim khó hiểu đối với người xem.

“Chất lượng phụ đề hoàn toàn ảnh hướng tới việc bộ phim được đón nhận như thế nào, nhất là khi bạn mang tác phẩm đi dự một liên hoan phim quốc tế,“ Diệp Kiện Hành, giám đốc Khoa Điện ảnh và Truyền hình thuộc Học viện Nghệ thuật diễn xuất Hồng Kông.

Diệp Kiện Hành, được biết đến với nghệ danh Thư Kỳ, là một tên tuổi gạo cội trong ngành công nghiệp này. Ông đã viết kịch bản, đạo diễn rất nhiều bộ phim và làm việc với tư cách một người làm phụ đề tự do, nhà phân phối và phê bình phim điện ảnh.

Áp phích phim People’s Hero

Diệp Kiện Hành vẫn nhớ như in lời kể của nhà làm phim Sầm Kiến Huân về lần xem phim People’s Hero của Nhĩ Đông Thăng – cũng là tác phẩm do Sầm Kiến Huân sản xuất – tại Liên hoan phim quốc tế Toronto năm 1998 với khán giả bao gồm chủ yếu là những người không nói tiếng Hoa.

Khoảng quá nửa bộ phim tội phạm của Nhĩ Đông Thăng – bộ phim được coi là tác phẩm Hồng Kông sánh với bộ phim kinh điển Dog Day Afternoon (1975) của Sidney Lumet – ông Sầm đã bất ngờ khi nhìn thấy dòng phụ đề “I need Aids! (Tôi cần giúp đỡ!)” trên màn hình dịch cho câu thoại về lời kêu gào sự giúp đỡ.

“Tất cả mọi người trong khán phòng đều cười,” Diệp Kiện Hành nhớ lại lời ông Sầm kể. “Nhưng cảnh đó đáng nhẽ ra là một khoảnh khắc căng thẳng.”

Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính ở Hồng Kông, phần nhiều phụ đề tiếng Anh ở những phim Hồng Kông thời kỳ đầu vẫn ở dưới mức trung bình. Ngược lại, phụ đề tiếng Hoa cho phim nước ngoài cũng rất hú họa - ở Đại lục, bộ phim mới phát hành gần đây Guardians of the Galaxy đã bị chỉ trích trên truyền thông xã hội vì phụ đề dịch tệ.

Guardians of the Galaxy bị chỉ trích ở đại lục vì phụ đề dịch tệ

“Đến giờ, với nhiều nhà phân phối hay những người trong ngành công nghiệp điện ảnh, phụ đề không quá quan trọng – chỉ là cái cần phải có mà thôi,” Diệp Kiện Hành cho biết. “Phụ đề chưa bao giờ nhận được sự chú ý thỏa đáng.”

Nhà quản lý mua bán của công ty phân phối nội địa Golden Scene, Tăng Hiến Mân, cũng làm phụ đề cho 12 phim phát hành gần đây của công ty, bao gồm The Disappearance of Eleanor Rigby: HerThe Disappearance of Eleanor Rigby: Him. Công việc làm Tăng Hiến Mân quan tâm hơn đến phụ đề, ngay cả khi anh chỉ xem phim cho vui.

Anh nhớ đã thấy nhiều lỗi hoặc dịch kém trong phụ đề tiếng Hoa cho những phim lớn của Hollywood, như “ground zero” (khởi điểm) bị dịch máy móc thành “point zero” trong phụ đề tiếng Hoa của World War Z, bộ phim về thảm họa xác sống năm vừa qua có sự góp mặt của Brad Pitt.

Tăng Hiến Mân cũng nhớ lại khi xem The Kingdom of Dreams and Madness, bộ phim tài liệu của Mami Sunada về nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản Hayao Miyazaki và các thành viên khác của hãng phim Ghibli, và phát hiện ra phụ đề tiếng Hoa của bộ phim phức tạp và văn hoa hơn nhiều so với phụ đề tiếng Anh.

Áp phích phim The Kingdom of Dreams and Madness

“Thế nên giả sử tôi chỉ là một người nói tiếng Anh và không thể đọc được tiếng Hoa. Nhiều cảm xúc của bộ phim sẽ bị mất [vì phụ đề tệ],” anh cho biết.

Nhưng mặc dù công việc này không được làm tốt cho lắm, các hãng phim nội địa biết rằng phim của họ nhất thiết phải có cả phụ đề tiếng Hoa và tiếng Anh.

Trong City on Fire, cuốn sách năm 1999 về phim Hồng Kông, tác giả Lisa Oldham Stokes và Michael Hoover khẳng định “Luật của Anh sau năm 1963 bắt buộc tất cả các bộ phim phải có phụ đề tiếng Hoa và tiếng Anh nhưng không đòi hỏi tựa đề phim có ý nghĩa.”

Nhưng Văn phòng Quản lý Điện ảnh, Báo và Tạp chí của Hồng Kông – nơi đánh giá tất cả những bộ phim trước khi tung ra rạp chiếu – cho biết không có luật nào quy định về phụ đề như vậy, mặc dù đa số phim mà họ đánh giá đều có phụ đề.

Diệp Kiện Hành tin rằng những nhà làm phim nội địa phải mất tới hàng thập kỷ để đưa sản phẩm của họ ra nước ngoài, thế nên đặt phụ đề tiếng Anh vào phim của họ là điều không cần phải nghĩ. Trong khi đó, phụ đề tiếng Hoa được thêm vào để khán giả không bị hạn chế trong cộng đồng nói tiếng Quảng Đông.

Nhà làm phim Diệp Kiện Hành

“Điều này trở thành một thói quen, nhưng không ai từng cân nhắc rằng làm phụ đề là một kỹ năng đặc biệt,” ông cho biết. Trong quá khứ, có những công ty chịu trách nhiệm đưa phụ đề lên màn hình trong giai đoạn hậu kỳ. Rất nhiều công ty là công ty gia đình, và ông Diệp nhớ rằng có một trường hợp đặc biệt, công ty trông cậy vào người con trai học cấp hai của giám đốc là người dịch chính.

Uông Khanh Tôn, giảng viên ngôn ngữ và dịch thuật tại Đại học Mở Hồng Kông từng nhận thêm việc làm phụ đề, giải thích rằng không phải lúc nào lỗi cũng ở người dịch.

“Một khi bạn đã đưa phụ đề lên, giống như bạn tung vào hư vô và không biết người ta sẽ làm gì với sản phẩm của bạn,” cô cho biết.

Cô Uông ghi nhớ những trường hợp sau khi phụ đề của cô được chuyển cho công ty sản xuất phim, các nhân viên sẽ sửa câu cú để vừa với màn hình mà không kiểm tra xem câu bị cắt có ý nghĩa không.

Đến mức Uông Khanh Tôn phát hoảng khi xem phim mà cô làm cùng với gia đình và bạn bè, biết được rằng những phụ đề bị cắt xén tồi tệ này sẽ ghi tên cô.

Vô gian đạo - bộ phim nổi tiếng được chuyển thể thành bộ phim Hollywood The Departed

Tích cực hơn, Uông Khanh Tôn nhớ lại nhà làm phim Trần Khả Tân muốn cô cho phép sửa phụ đề cho bộ phim kinh dị năm 2005 The Eye 10 / Con mắt âm dương 10 do anh sản xuất.

Cô cũng được phép đóng góp và tham gia một phần – điều hiếm khi xảy ra – khi làm phụ đề cho phim Vô gian đạo (2002) của Lưu Vĩ Cường và Mạch Triệu Huy.

Khi được yêu cầu dịch kịch bản và cốt truyện trước khi quá trình quay phim bắt đầu, cô cho rằng như thế làm cho quá trình làm phụ đề dễ dàng hơn.

“Nếu tôi đã tham gia ngay từ khi bắt đầu, tôi biết rất rõ nội dung và nhà làm phim muốn xử lý thế nào,” cô cho biết. “Nếu tham gia sau khi phim đã hoàn thành, tôi có thể không hoàn toàn hiểu được nhà làm phim.”

Bộ phim tội phạm đó sau này được đạo diễn Martin Scorsese chuyển thể thành tác phẩm đoạt nhiều tượng vàng Oscar, The Departed. Uông Khanh Tôn tin rằng điều đó sẽ không xảy ra nếu khán giả phương Tây không được xem phim gốc và hiểu được nó.

Salma Hayek trong phim From Dusk Till Dawn

Một chuyện thú vị nữa về việc làm phụ đề đến từ Diệp Kiện Hành: năm 1996 ông đang làm phụ đề cho bộ phim hành động ly kỳ của Robert Rodriguez From Dusk Till Dawn và ông có nhiệm vụ dịch tên của nhân vật ngực bự do Salma Hayek thủ vai.

“Tên nhân vật sẽ không có ý nghĩa gì hết nếu bạn chỉ dịch theo phiên âm,” ông nhớ lại.

Với cố gắng làm rõ ngữ cảnh hơn cho khán giả nội địa, Diệp Kiện Hành nói, ông đặt tên nhân vật của Hayek theo tên diễn viên nội địa Bành Đan, người được biết đến với bộ ngực nở nang.

Và trò đùa của ông trở nên phổ biến.

“Nhiều năm sau, khi Salma Hayek trở thành một ngôi sao điện ảnh, giới đưa tin giải trí nội địa ở đây vẫn gọi cô là Bành Đan của Hollywood."

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi