Tin tức

Một bức tượng giá trị hơn vàng: Đánh giá hiệu ứng của đề cử và thắng giải Oscar

25/12/2014

Dù đến ngày 22 tháng 2 giải thưởng của Viện hàn lâm mới được trao, mùa Oscar đã đến với chúng ta, và The New York Times đã chọn Người Thu Thập Tin (bagger) mới để xem xét cuộc chạy đua vũ trang đắt đỏ thường niên đang lên cơn sốt này.

Sau hơn một thập kỷ sống trong thế giới thông tin, tràn ngập những mối nguy nhân tạo và thảm họa môi trường, bao gồm cuộc chiến tranh Irag và những cơn bão tố, thông tin đã đổ bộ lên vùng đất của người ngoài hành tinh là Hollywood.

Hoàn toàn mới mẻ, Người Thu Thập Tin có một câu hỏi rất bao quát: liệu giải Oscar có thật sự xứng đáng với tất cả tiền bạc, nỗ lực và quảng bá cường điệu đó không?

“Bạn không nói về một cơ quan của những người lý trí,” một người kỳ cựu trong ngành công nghiệp này nói. “Một hội chứng Stockholm* sẽ chiếm lấy tất cả.”

Người Thu Thập Tin đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo các hãng phim, các đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất, một vài người đồng ý đối thoại có ghi âm, những người khác thì không (vài người tiết lộ rằng mùa giải thưởng là điều gì đó mà họ sợ hãi và thấy vô cùng miễn cưỡng).

Bộ phim The Imitation Game, với sự tham gia của Keira Knightley và Benedict Cumberbatch (phải),
là một trong những bộ phim nằm trong cuộc đua Oscar năm nay có lợi thế trong việc nhận các đề cử

Trong một ngành công nghiệp dựa rất nhiều vào quan hệ và sự công nhận từ bên ngoài, rõ ràng không có con tem đánh giá nào dành cho các phim độc lập lớn hơn sự công nhận của Viện Hàn lâm nói riêng, để có được sự nâng đỡ. “Cái tôi” là một môtíp rõ ràng mà mọi người dường như nhìn thấy ở người khác rõ hơn. Trở thành “một phần của cuộc đối thoại,” trong cụm từ được nói đi nói lại rất nhiều đó, là một lợi ích không thể chối cãi: “Đó là vinh dự dù chỉ được đề cử” có thể nghe sến súa, nhưng kiếm được một cái gật đầu chấp thuận cũng là một kiểu chiến thắng.

Điều mang đến câu hỏi về sự hoàn vốn đầu tư là: Làm sao đo được lợi nhuận mà tất cả số tiền đổ ra cho những chiến dịch này – ước lượng khoảng hơn 100 triệu đôla cho mùa đề cử – được cho là sẽ sinh ra?

Ngay bây giờ, ngay ở dòng chữ này, tiền đang được dùng cho các chiến dịch, đặc biệt là những chiến dịch được thúc đẩy bởi sự phù phiếm – phải, chúng ở ngoài kia – là một canh bạc và có thể chẳng vì điều gì cả.

Foxcatcher, với Channing Tatum và Mark Ruffalo, phát hành vào tháng 11,
một trong những tháng tốt nhất để ra mắt một bộ phim tranh giải

Nhưng lấy được một đề cử có nghĩa là có được lượng khán giả lớn hơn. Jon Kilik, nhà sản xuất bộ phim Foxcatcher năm nay, người có những bộ phim từng được đề cử Oscar là The Diving Bell and the Butterfly, Dead Man WalkingPollock và những phim khác nữa, lưu ý rằng một cái gật đầu từ Viện Hàn lâm có thể tô điểm những bộ phim dòng nghệ thuật (art house) vốn thường rất khó tiếp cận với khán giả trào lưu.

Nhiều khán giả hơn nghĩa là nhiều tiền vào ngân hàng hơn, và không chỉ là ngắn hạn. Marc Shmuger, nguyên chủ tịch của hãng Universal Pictures, nói rằng một vài bộ phim trong số đề cử sẽ được ban cho một lớp nước bóng gần như vĩnh cữu.

Ông cũng chỉ ra rằng những đánh giá không thể nghi ngờ của giải thưởng sẽ tăng thêm chất lượng của bộ phim, trong một ngành công nghiệp mơ hồ với những dòng khen tặng ở dưới và thiên về việc sản xuất những bộ phim kinh phí lớn chuyển thể từ truyện tranh. “Có dịp để ăn mừng khi mọi người đang hướng đến mục tiêu cao hơn,” ông nói. “Hãy cũng vỗ tay hoan nghênh vì nó xứng đáng được ủng hộ.”

12 Years a Slave kiếm được 17,5 triệu đôla sau khi được đề cử đầu năm ngoái,
và thêm 6,5 triệu đôla sau khi chiến thắng giải phim hay nhất

Rất tử tế, đúng không?

Trở lại với chuyện lời lãi.

Brad Weston, lãnh đạo của hãng New Regency đã phát hành những bộ phim được đánh giá cao mùa thu này là Gone GirlBirdman, nói rằng bộ phim 12 Years A Slave, mà công ty của ông hợp tác sản xuất, đã thu về 17,5 triệu đôla sau khi được đề cử vào đầu năm nay, và 6,5 triệu đôla nữa sau khi thắng giải phim hay nhất. Sau đó, bản DVD và bản kỹ thuật số chạm mức đỉnh của năm chỉ trong tuần đầu tiên.

“Bởi vì tính căng thẳng của bộ phim, hãy gọi là thế, rất nhiều người đã không đến xem bộ phim trong rạp,” ông Weston nói, “nhưng chiến thắng đã chứng thực rằng phim này cần phải được xem.”

Sau khi bộ phim hoạt hình Triplets of Belleville nhận đề cử bài hát
hay nhất, phim kiếm thêm được hơn gấp ba lần, đạt 7 triệu đôla

Những bữa tiệc vô tận, những bữa trưa, những panô, những tờ quảng cáo, những buổi chiếu riêng, những chiến dịch được tính toán, những lời thì thầm, những buổi giới thiệu có xuất hiện các ngôi sao trong 1 phần trăm vải trên người, tất cả những sự tập trung vào việc vồ lấy một tượng vàng khiến nó trở nên kỳ quặc với bất kỳ kẻ tham dự nào: Vì sao, mọi người, tại vì sao?

Tom Bernard, đồng chủ tịch hãng Sony Pictures Classics, nổi danh trong việc thu thập những “viên ngọc thô”, nói rằng những đề cử và chiến thắng cuối cùng đã mang đến doanh thu “trên cả mong đợi” cho Howards EndIndochine, hai bộ phim đầu tiên của hãng phát hành vào năm 1992. Một ví dụ khác: Sau khi bộ phim hoạt hình kỳ quái Triplets of Bellevilla nhận được đề cử bài hát hay nhất, phim kiếm tiền được hơn gấp ba lần, đạt đến 7 triệu đôla.

“Oscars mang đến nhận thức mà tiền không mua được,” ông Bernard nói. “Đó là sự tín nhiệm cho những phim độc lập được ở trong cuộc đua.”

Slumdog Millionaire (2008), bộ phim không có một diễn viên nổi tiếng nào,
thu về nhiều hơn gấp ba lần doanh thu phòng vé sau khi nhận được đề cử

Những con số tiếp diễn. Slumdog Millionaire (2008), một bộ phim nói về nước ngoài (ngoài nước Mỹ) không có một diễn viên nổi tiếng nào, thu về nhiều hơn gấp ba lần doanh thu phòng vé sau khi nhận được đề cử, và thêm 30% nữa sau khi chiến thắng, Stephen Gilula, đồng chủ tịch hãng Fox Searchlight Pictures cho biết. Bộ phim The Last King of Scotland (2006), kể về vua Idi Amind – khó có thể là mối quan tâm của khán giả - có rất ít sức hút cho đến khi nhận được đề cử: Sau khi ngôi sao của phim, Forest Whitaker, nhận được cái gật đầu hạng mục nam diễn viên xuất sắc nhất (và chiến thắng), doanh thu tăng lên hơn hai phần ba tổng doanh thu của phim.

Cũng phải nhắc đến hiệu ứng “chữ Y”** lên các sự nghiệp cá nhân: Sau khi Glen Harsard và Marketa Irglova chiến thắng với bài hát gốc trong phim Once (2007), bộ phim được đưa lên sân khấu Broadway, sử dụng bài hát của họ và thắng tám giải Tony.

(Tất nhiên, một chiến thắng không có nghĩa là đảm bảo cho sự nghiệp, dù tờ Entertainment Weekly đã cho rằng truyền thuyết về việc thắng giải Oscar nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất sẽ kết thúc sự nghiệp hóa ra chỉ là, một truyền thuyết.)

Jeff Bridges đã thắng giải nam diễn viên xuất sắc nhất với vai diễn trong Crazy Heart

Hãng Fox Searchlight công chiếu Crazy Heart vào cuối tháng 8 năm 2009 và hối hả phát hành lại vào tháng 12 sau đó khi ban lãnh đạo đo lường chính xác sự nhạy cảm của Hollywood đối với Jeff Bridges, người đã thắng giải nam diễn viên xuất sắc nhất.

“Jeff được yêu mến trong ngành công nghiệp này, và giải thưởng nhắc nhở mọi người lý do vì sao,” ông Gilula nói. Bridges cũng đã nhìn thấy một bước tiến sự nghiệp: ông tiến tới thực hiện bộ phim thành công bất ngờ của anh em nhà Coen True Grit.

Cưỡi lên những lời bàn tán mùa giải thưởng là phần trọng tâm của chiến thuật định ngày phát hành – một hãng phim có thể quảng bá đến khán giả và những người bầu chọn Oscar cùng một lúc – đó là lý do vì sao rất nhiều phim ra mắt vào thời điểm cuối năm. David Glasser, giám đốc điều hành và chủ tịch của hãng Weinstein Company (Người Thu Thập Tin cũng cố gắng để tiếp cận Harvey; nhưng công ty đã bác bỏ), miêu tả điểm ngọt ngào của mùa thu: “Chúng tôi luôn có những ngày tháng 11 ma thuật cho bộ phim phù hợp,” ông nói.

The Artist phát hành vào cuối tháng 11/2011 đã thắng giải Phim hay nhất

Bộ phim của hãng Weinstein The Artist, đã thắng hạng mục phim hay nhất, được phát hành vào cuối tháng 11 năm 2011. Con ngựa đua lớn nhất của Weinstein năm nay, The Imitation Game, công chiếu hai tháng sau khi chiến thắng giải khán giả của Liên hoan phim quốc tế Toronto, và không nghi ngờ gì đang có đà tiến đến giải thưởng. “Một cách tuyệt vời để bắt đầu chiến dịch, lấy được con dấu ở đúng cú đánh,” ông Glasser nói.

Ngoài hào quang của Hollywood, các đề cử có thể có hiệu ứng cộng hưởng nhiều hơn người ta tưởng.

Trong những ngày được đề cử của bộ phim The Act of Killing (2013), một phim tài liệu phi thực, rùng rợn về cuộc tàn sát được nghi ngờ là của những người Cộng sản tại Indonesia vào những năm 60, những nhà lãnh đạo đất nước này đã có một hành động chưa từng có tiền lệ là thừa nhận rằng chuyện khủng khiếp đã xảy ra.

Trong những ngày được đề cử, The Act of Killing nhận được sự thừa nhận
của chính phủ Indonesia về sự việc khủng khiếp đề cập trong phim

“Chính phủ cuối cùng đã nhận thức được rằng diệt chủng là sai trái,” đạo diễn của phim, Joshua Oppenheimer, nói. “Đó là lần đầu tiên họ từng làm thế. Cho đến lúc đó họ đã nói, ‘Đây là điều sẽ được kỷ niệm.’”

Tất nhiên, đối với mỗi chiến thắng, sẽ có ít nhất bốn phim thất bại, khi đêm Oscar mang đến thừa thãi những cảm giác khó chịu còn bị làm cho tệ hơn bởi những chiến dịch nước rút kiệt sức. Không cần phải đề cập đến những tai họa vốn có trong việc phim của bạn thất bại trước một cuộc đua quan điểm cá nhân đã đẩy một lượng lớn những tác phẩm vô cùng khác biệt vào chung cuộc chiến: một chiến trường bao gồm Gravity, American Hustle, và 12 Years a Slave gần giống như việc cưỡng bức lựa chọn bức tranh đẹp nhất giữa một Miró, một Pollock và một Monet.***

“Chúng ta đã thay đổi cuộc sống mọi người, và đó là một điều tuyệt vời, nhưng quá trình là không dễ dàng,” ông Gilula nói. “Bạn phải tiến tới trong hiểu biết tỷ lệ cược là bạn sẽ không chiến thắng.”

Hay, như nam diễn viên Edward Norton nói một cách triết lý, trong cuộc tán gẫu riêng tư tại Liên hoan phim New York, “Bạn không thể đặt sức khỏe cảm xúc của mình vào đó.”

Và đây, Hollywood. Chúc may mắn với điều đó.

Dịch: © Hoài Nam @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


* Hội chứng Stockholm: một hội chứng tâm lý, trong đó một người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm thù sang thông cảm và yêu mến kẻ bắt cóc. Câu trích dẫn có nghĩa, ban đầu người ta có thể chán ghét những cuộc vận động hành lang Oscar, nhưng khi đã quen thì bị cuốn vào và toàn tâm toàn ý với nó.

** Hiệu ứng “chữ Y”: hay hiệu ứng chạng ná, kéo càng mạnh thì bắn càng xa. Ý nói rằng một chiến thắng lớn sẽ dẫn đến những chiến thắng lớn hơn.

*** Miró, Pollock và Monet: tác giả muốn nhắc đến kiến trúc sư Miró Rivera, họa sĩ trường phái biểu tượng Jackson Pollock, và họa sĩ trường phái ấn tượng Claude Monet. Họ đều ở những lĩnh vực khác nhau, so sánh ai hơn ai là khập khiễng, cũng như ba bộ phim được nhắc đến.

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi