Tin tức

Chỉ một scandal là tàn sự nghiệp: Vì sao sao Hàn nhanh chóng bị tẩy chay khi vướng bê bối

18/05/2021

Sự ủng hộ và tôn thờ của người hâm mộ có thể là con dao hai lưỡi đối với người nổi tiếng.

Sự chú ý của công chúng đóng vai trò quan trọng trong việc các ngôi sao đạt được thành công trong ngành giải trí; nhưng sự tò mò quá mức của người hâm mộ đôi khi có vấn đề, đặc biệt là khi nó có thể dẫn đến sụp đổ bất ngờ cho thần tượng của họ.

Sự nghiệp của nữ diễn viên Seo Ye Ji rung chuyển bởi những vụ bê bối

Các ngôi sao đang lên Jo Byeong Gyu, Park Hye Soo và Kim Ji Soo, hay còn gọi là Ji Soo, phải đối mặt với những cáo buộc bắt nạt buộc họ phải từ bỏ các dự án sắp tới hoặc đang thực hiện. Jo Byeong Gyu phải rời khỏi chương trình truyền hình thực tế Come Back Home mà anh đã được lên lịch tham gia, trong khi phim bộ mới của Park Hye Soo là Dear. M đã bị hủy ngay trước khi công chiếu. Ji Soo phải bỏ ngang River Where the Moon Rises trong khi bộ phim này vẫn đang phát sóng.

Những cáo buộc bắt nạt không phải là scandal duy nhất có thể gây tổn hại sự nghiệp của các ngôi sao. Nữ diễn viên Seo Ye Ji đã lên tít báo gần đây khi bị cáo buộc “kiểm soát” bạn trai cũ, cùng các vấn đề khác như cư xử thô lỗ với nhân viên hỗ trợ khiến cô mất các hợp đồng quảng cáo béo bở.

Số phận mà các ngôi sao Hàn Quốc phải đối mặt vì hành vi sai trái hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra với minh tinh Hollywood. Nam diễn viên người Mỹ Joaquin Phoenix chửi bới nhà quay phim trên phim trường Joker, trong khi nữ diễn viên người Anh Lily James bị cáo buộc ngoại tình với nam diễn viên đã có gia đình Dominic West. Nhưng những sự cố đó hầu như không ảnh hưởng đến sự nghiệp đang thăng hoa của họ.

Vậy tại sao tiêu chuẩn lại khác biệt đến vậy trong làng giải trí Hàn Quốc?

Phim mới của Park Hye Soo Dear. M cho đài KBS bị hủy sau khi cô bị buộc tội bắt nạt ở trường học

Sự phù hợp và tuân thủ

Song Jae Ryong, giáo sư xã hội học tại Đại học Kyung Hee, lý giải rằng những người nổi tiếng Hàn Quốc đôi khi trở thành nạn nhân của những kỳ vọng quá cao trong một xã hội tập thể coi trọng sự phù hợp và tuân thủ và làm khác đi thì không được chấp nhận.

“Người Hàn Quốc có xu hướng tạo phe [thành nhóm], đặt những người thuộc các nhóm xã hội khác ở phe đối lập,” giáo sư Song nói. Ông nói thêm rằng điều này khiến mọi người ít cảm thông hơn hoặc ít chấp nhận những người khác với số đông.

“Bởi vì người nổi tiếng nổi bật và thu hút sự chú ý của công chúng, người ta có cảm nhận bất lợi về cách cuộc sống của họ khác biệt và có xu hướng kém khoan dung hơn đối với bất kỳ hành vi sai trái về đạo đức hoặc luân lý nào.”

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik nói thêm rằng cấu trúc xã hội tập thể đặt các tiêu chuẩn đạo đức lên trên quyền riêng tư của một cá nhân, buộc những nhân vật được công chúng biết đến phải tuân theo một quy tắc ứng xử nghiêm ngặt.

Một cảnh trong chương trình thực tế On & Off, cho thấy cuộc sống cá nhân của những người nổi tiếng bên ngoài công việc của họ

Ông nói: “Bởi vì người Hàn coi trọng các chuẩn mực xã hội và đạo đức hơn quyền riêng tư, chúng ta có xu hướng ưu tiên tác động xã hội của hành động của một người. Ngoài ra, Hàn Quốc có một cấu trúc truyền thông tập trung — mặc dù nó đang thay đổi với sự xuất hiện của mạng xã hội và các kênh truyền thông kỹ thuật số — vì vậy chỉ một vài phương tiện truyền thông nêu lên vấn đề thì chúng sẽ lan truyền nhanh chóng và có tác động rất lớn.”

Hệ quả của những chương trình thực tế thỏa mãn tò mò

Ngành kinh doanh truyền hình luôn có các chương trình thực tế làm thỏa mãn sự tò mò về cuộc sống của người nổi tiếng. Nhưng gần đây, những chương trình như vậy trở nên phổ biến hơn, đề cập đủ thứ vấn đề từ hôn nhân và nuôi dạy con cái trong Taste of Wife của TV Chosun, đến cuộc sống độc thân của người có sự nghiệp trong On & Off của tvN.

Những cái nhìn thẳng thắn về đời tư của người nổi tiếng như vậy, được phát sóng dưới danh nghĩa giải trí, có thể khiến người xem tò mò quá mức. Thậm chí có người trở nên bận tâm hơn với việc liệu những người nổi tiếng này ngoài tài năng diễn xuất thì trong cuộc sống hằng ngày có cư xử “tốt” không.

Ca sĩ Yunho đã bị gỡ quảng cáo sau khi anh bị bắt do vi phạm các quy tắc giãn cách xã hội vào tháng 3

Yunho của nhóm Kpop TVXQ là một trong những người nổi tiếng được yêu thích tại Hàn Quốc nhờ tính cách vui vẻ. Nết chăm chỉ, tốt bụng của anh thể hiện trong các chương trình truyền hình thực tế tiếp tục thu hút người hâm mộ, cho đến khi nam ca sĩ phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi bị bắt vì vi phạm quy tắc giãn cách xã hội hồi tháng 3. Tin tức về hành vi sai trái đã làm hỏng hình tượng trong sạch của Yunho chỉ sau một đêm và anh phải đối mặt với một loạt chỉ trích từ người hâm mộ Hàn Quốc. Anh từ bỏ chương trình thử giọng Kingdom và các nhà quảng cáo nhanh chóng cho anh ra khỏi cửa.

Nhà phê bình Kim cho biết việc đề cao ứng xử tốt có thể khiến người nổi tiếng bị ám ảnh, vì người xem có thể có cảm giác bị phản bội dữ dội sau khi tin tức về bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan đến thần tượng.

“Bởi vì họ tiếp thị một hình tượng nhất định để nâng cao giá trị của họ, người nổi tiếng vấp phải chỉ trích lớn hơn khi hình tượng đó [bị coi là] giả mạo, vì vậy người ta có thể trở nên giận dữ hơn và bày tỏ ý kiến ​​của họ mạnh mẽ hơn,” ông nói.

Sau những cáo buộc bắt nạt, nam diễn viên Ji Soo đã phải rời River Where the Moon Rises trong khi bộ phim vẫn đang phát sóng

Vấn đề với mạng xã hội

Với sự lên ngôi của mạng xã hội, các vụ bê bối và tin đồn càng lan nhanh hơn. Giáo sư Song cho biết xu hướng tập hợp thành nhóm của người Hàn Quốc còn có thể được phản ánh qua cách họ phản ứng với scandal của người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Ông nói: “Xu hướng người Hàn Quốc kết bè kết nhóm xung quanh các vấn đề có thể được nhìn thấy trên mạng. Vì vậy, khi một vấn đề khó chịu xuất hiện, nó sẽ xoắn nhanh khi mọi người mau chóng hè nhau nói lên ý kiến ​​của họ về vấn đề đó.”

Và khi ý kiến ​​tiêu cực trên mạng của công chúng chống lại một người nổi tiếng, các đài truyền hình và doanh nghiệp phản ứng bằng cách cắt đứt quan hệ.

“Trong một xã hội gắn bó chặt chẽ, mạng xã hội đã trở thành một phương tiện dễ dàng kích động dư luận,” nhà phê bình Kim nói thêm. “Do đó, các công ty hành động nhanh chóng bằng cách hủy bỏ các hợp đồng quảng cáo với những người nổi tiếng, chẳng hạn, để sớm tránh xa những ý kiến ​​tiêu cực.”

Jo Byeong Gyu phải rời khỏi chương trình truyền hình thực tế Come Back Home mà anh đã được lên lịch tham gia

Ha Jae Geun, một nhà phê bình văn hóa đại chúng khác, lưu ý rằng công chúng cảm thấy có quyền lực xác nhận bằng cách đuổi những người nổi tiếng dính bê bối rời bỏ công việc.

“Khi dư luận lên tiếng và buộc các chương trình truyền hình phải hủy show hoặc các ngôi sao từ chức, bản thân chuyện đó mang lại cảm giác thỏa mãn. Và đôi khi vì thế mà họ trở thành những người chỉ trích gay gắt hơn,” ông nói.

Nhưng Ha Jae Geun nói thêm rằng không phải vậy thì lúc nào cũng là xấu. “Bởi người nổi tiếng được coi trọng và được coi là có tác động xã hội lớn, xử lý scandal như thế nào là làm gương cho mọi người,” ông nói. “Nếu một người nổi tiếng từng là kẻ bắt nạt bị loại khỏi chương trình của họ, trẻ em có thể học được bài học rằng hậu quả của việc bắt nạt là gì.”

Tuy nhiên, nhà phê bình Kim cũng bày tỏ lo ngại rằng hiện tượng như vậy có thể nhanh chóng trở thành một cuộc săn phù thủy.

Khi ý kiến ​​tiêu cực trên mạng của công chúng chống lại một người nổi tiếng, các đài truyền hình và doanh nghiệp phản ứng bằng cách cắt đứt quan hệ

“Chúng ta nên tập trung vào việc đó là bê bối gì, là trách nhiệm hình sự hay đó là vấn đề cá nhân,” ông nói. “Hiện tại, không có ranh giới cho những bê bối như vậy. Chúng ta nên theo dõi xem điều gì phù hợp và chúng ta muốn nhận được tác động gì từ việc nói lên ý kiến của mình về vấn đề này.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post