Tin tức

Cuộc đua của hai phim về nỗ lực cứu hộ ở hang Tham Luang: Nỗi lo Hollywood tẩy trắng

19/07/2018

Hai xuất phẩm làm dậy lên các vấn đề về tẩy trắng và sự phức tạp của việc có được tác quyền đối với câu chuyện.

Khi cuộc giải cứu mười hai cậu bé Thái Lan ra khỏi hang động ngập nước đã được các thợ lặn và đặc nhiệm Hải quân Thái thực hiện thành công thì Pure Flix, công ty sản xuất và phát hành phim tập trung vào thị trường tôn giáo với những phim như God’s Not DeadThe Case for Christ, công bố dự định làm một bộ phim chuyển thể.

Quân đội Thái Lan đặt cáp tiếp tế sâu vào hang Tham Luang hôm 26/6/2018 trong chiến dịch cứu hộ

Một ngày sau, một bộ phim thứ hai về công cuộc cứu hộ đó lại được công bố, lần này do Jon M. Chu (đạo diễn của Crazy Rich Asians sắp tới) thực hiện và được hãng Ivanhoe Pictures có trụ sở ở Los Angeles sản xuất. Chủ tịch của Ivanhoe thông báo rằng công ty đã được Hải quân và chính phủ Thái Lan chọn để phát triển bộ phim.

Nhiều phim điện ảnh hoặc chương trình truyền hình về cùng một người hoặc một sự kiện có thật ra cùng một thời điểm chẳng phải là chuyện bất thường. Hãy nghĩ đến năm 2006, khi cả World Trade Center của Oliver Stone và United 93 của Paul Greengrass đều ra rạp. Hoặc năm 2016, khi bộ phim tài liệu O.J.: Made in America và chương trình truyền hình theo kịch bản The People v. O.J. Simpson: American Crime Story đều được phát hành. Chuyện như vậy xảy ra hoài.

Và câu chuyện giải cứu này, được truyền thông đưa tin cả tuần thu hút mọi người trên khắp thế giới, sẽ truyền cảm hứng cho không chỉ hai phim này thôi đâu. Ví dụ, Deadline đưa tin Discovery Inc. đã đặt hàng làm phim tài liệu về nhiệm vụ cứu hộ để phát sóng lần đầu tiên vào thứ sáu ngày 13 tháng 7 — chỉ vài ngày sau khi cuộc giải cứu thành công — và The Wall Street Journal lưu ý rằng các cuốn sách cũng đang được xúc tiến.

Một nhà sư làm lễ cầu nguyện tại lối vào hang vài ngày trước khi thực hiện giải cứu

Nhưng hai bộ phim “hư cấu” này đã thu hút sự chú ý đặc biệt vì vấn đề hai công ty sẽ tiếp cận câu chuyện thế nào, một phần bởi những ý kiến về “việc tẩy trắng” mà Jon Chu đã đăng lên Twitter, cũng như nỗ lực cạnh tranh để có được quyền làm phim đối với câu chuyện — và ai sở hữu những quyền đó.

Nói bộ phim có thể bị “tẩy trắng” là ý gì?

Hôm 12/7, Jon Chu — người Mỹ gốc Trung Quốc — qua Twitter, xác nhận ý định làm bộ phim riêng. Trong các ‘tweet’ của anh, Jon Chu cho rằng Hollywood có thể “tẩy trắng” câu chuyện.

“Nếu điều đó xảy ra chúng ta sẽ không để yên,” anh viết, nói rằng “bất cứ ai kể câu chuyện này cần làm đúng và tôn trọng.”

Và mặc dù Jon Chu không nêu cụ thể tên Pure Flix trong các ‘tweet’ của anh, sự đúng lúc của các ‘tweet’ đó đã gợi ý rằng là để đáp trả thông báo ý định làm phim của công ty này.

Liên lạc qua email để lấy ý kiến, đại diện báo chí của Jon Chu nói rằng “tweet của anh là tuyên bố của anh.”

Vận chuyển bình dưỡng khí đưa vào hang

Về phần mình, nhà sản xuất Pure Flix và đối tác sáng lập Michael Scott nói trong một video đăng lên Twitter rằng mục tiêu của anh là làm một bộ phim truyền cảm hứng, nhưng không nhất thiết phải là một “phim cho người Kitô giáo”. Theo đại diện của công ty, Pure Flix dự định sản xuất phim thông qua Pinnacle Peak, thương hiệu chính thống hơn của công ty.

Liên lạc qua email ở Thái Lan, Scott giải thích tại sao anh lại quan tâm đến dự án. “Câu chuyện này có một kết nối cá nhân đối với tôi, vì vợ tôi (người Thái Lan) quen biết cựu đặc nhiệm Saman Kunan đã hy sinh trong quá trình giải cứu,” Scott viết. “Mỗi năm tôi ở đây nhiều tháng, và thật kinh ngạc nhìn thấy phép lạ xảy ra với các cậu bé và những người cứu hộ.”

Scott lặp lại rằng ý định của Pure Flix không phải là làm phim “cho khán giả của một ‘tôn giáo’ đặc thù... Thường thì người ta cố gắng biến một câu chuyện truyền cảm hứng thành một tuyên bố chính trị, hoặc với một ý đồ cụ thể trong đầu. Khi chúng tôi theo đuổi cơ hội này, chúng tôi đang cân nhắc làm thế nào giữ cho bộ phim xác thực về những gì đã xảy ra và những người có liên quan.”

Các thợ lặn nước ngoài tại hang Tham Luang, Chiang Rai, Thái Lan ngày 1 tháng 7 năm 2018

Trong quá khứ, Pure Flix từng là mục tiêu của một số chỉ trích (bao gồm cả người viết) đối với các yếu tố trong phim của họ. Tuy nhiên, không có gì trong lịch sử làm phim của công ty có thể gợi ra một cách cụ thể khuynh hướng “tẩy trắng” câu chuyện cứu hộ này.

Tuy nhiên, trong một phỏng vấn với Associated Press của Australia trước đó, Scott đã đề cập rằng anh hình dung câu chuyện — đến nay vẫn chưa có kịch bản nào liên quan — sẽ tập trung vào các thợ lặn người Anh.

Và đằng sau những lo ngại của Jon Chu là cả một lịch sử.

Như Joss Fong và Christophe Haubursin của Vox giải thích trong video dưới đây, Hollywood có lịch sử không chỉ giao vai diễn người châu Á cho diễn viên da trắng mà còn sử dụng những vai đó để chế nhạo người châu Á:


Ví dụ gần đây nhất của cuộc tranh cãi “tẩy trắng” dậy lên năm 2016, khi Scarlett Johansson được chọn làm Motoko Kusanagi, nhân vật chính người Nhật trong Ghost in the Shell được chuyển thể từ manga của Masamune Shirow. Các nhà sản xuất phim đã chọn để làm cho các nhân vật chính là người da trắng chứ không chọn diễn viên châu Á cho các vai đó — một thực tế có vẻ quá lạc hậu ở thế kỷ 21.

Đúng là thuật ngữ “tẩy trắng” luôn được áp dụng cho việc chọn diễn viên. Nhưng điều mà Jon Chu có thể ám chỉ là những nhận xét của Scott với AP Australia, kết hợp với lịch sử làm phim “vị cứu tinh da trắng” của Hollywood, trong đó những câu chuyện về người da màu hoặc ở những vùng đất xa xôi được cho là được khán giả Mỹ “liên hệ” nhiều hơn bằng cách chèn một diễn viên da trắng và thường là nhân vật người Mỹ vào câu chuyện người đi cứu thế giới.

Những chỉ trích đó đã nhắm vào, chẳng hạn, The Great Wall, bộ phim về người Trung Quốc ngẫu nhiên lại đưa Matt Damon vào câu chuyện. (Bộ phim hóa ra là bom xịt, dù có hiệu ứng nổ mắt.)

Và dù một số thợ lặn giúp giải cứu các cậu bé trong hang là người châu Âu da trắng, về cơ bản đây là một câu chuyện của Thái Lan với các nhân vật chính là người Thái Lan; người cựu đặc nhiệm và là bạn của vợ Scott, hy sinh trong nỗ lực giải cứu cũng là người Thái Lan.

Cựu đặc nhiệm Saman Kunan trước lúc lặn vào hang

Vậy có thể nói rằng “chúng ta có sức mạnh không chỉ làm nên lịch sử mà còn là những sử gia ghi lại nó,” Jon Chu đang đáp lại những nhận xét của Scott và ý tưởng về bộ phim tập trung vào những người châu Âu ngoài cuộc đến giúp, chứ không phải tập trung vào cộng đồng ở trung tâm của câu chuyện.

Cả hai dự án vẫn đang trong giai đoạn non trẻ. Nhưng bất luận dự án của Pure Flix rốt cuộc có tẩy trắng hay không, nhận xét của Jon Chu đã thu hút sự chú ý đến phiên bản câu chuyện của Ivanhoe Pictures. Và điều đó đem đến một cân nhắc khác: Ai sở hữu quyền đối với câu chuyện này? Có thể có hai phim giải cứu hang động ở Thái Lan cùng một lúc không?

Hai phim về công cuộc cứu hộ ở hang Tham Luang có thể ra cùng một lúc?

Câu trả lời ngắn gọn: Có, và có khả năng sẽ là như vậy.

David A.R. White, đồng sáng lập Pure Flix, nói với The Wall Street Journal rằng công ty đang theo đuổi tác quyền chuyện đời (life rights) của một số người liên quan. “Bạn có được câu chuyện của họ, và sau đó vấn đề là đảm bảo nhà biên kịch có thể kể câu chuyện đó một cách đầy kịch tính và truyền cảm hứng,” ông nói với The Wall Street Journal. “Đồng thời, những câu chuyện này vẫn phải có tính giải trí và cảm động.”

Nhân viên cứu hộ có mặt ở hang Tham Luang vào ngày 4 tháng 7, nhiều ngày trước khi tiến hành giải cứu thành công

“Nhà đồng sản xuất Adam Smith và tôi đang trong giai đoạn đầu của việc sản xuất và thu thập thông tin,” Scott xác nhận qua email. “Chúng tôi đang trao đổi với nhiều người về việc phát hành phim và đang cân nhắc một quan hệ đối tác, nếu có ý nghĩa.”

Về phần mình, Ivanhoe Pictures đang đàm phán với “các quan chức cấp cao nhất ở Thái Lan, cả cấp tỉnh và quốc gia, về dự án cứu hộ,” theo Variety.

“Nếu đó là một sự kiện cần phải được đưa tin — nếu câu chuyện là sự kiện — thì không ai sở hữu câu chuyện đó,” luật sư về giải trí và sở hữu trí tuệ Stephen Rodner giải thích qua điện thoại. Là cố vấn cấp cao tại Pryor Cashman ở New York, Rodner đã làm việc lâu dài với các khách hàng tìm cách chuyển thể những câu chuyện có thật lên màn ảnh.

Nói đơn giản, Rodner cho biết, câu chuyện cần phải được đưa tin nào cũng là trò chơi công bằng, ít nhất theo luật pháp Hoa Kỳ. Ngay cả một nhân vật của công chúng cũng không thể ngăn chặn ai đó làm phim về cuộc sống của họ, dù Rodner lưu ý rằng “điều duy nhất bạn không thể làm là phỉ báng bất cứ ai trong phim.”

Bức ảnh chụp ngày 9/7/2018 các học sinh trường Ahmadabad, Ấn Độ, thắp nến và cầu nguyện cho các cậu bé và huấn luyện viên đội bóng Lợn Rừng bị kẹt trong hang Tham Luang

Tuy nhiên, các chi tiết cá nhân về cuộc sống của một con người, cũng như các yếu tố của câu chuyện không được đưa tin công khai, đều không có sẵn. Để được quyền truy cập vào những điều đó, một công ty sản xuất phim sẽ cần phải tìm cách thỏa thuận với các cá nhân và tổ chức liên quan đến câu chuyện.

Tóm lại là quyền truy cập. Chẳng hạn, vì Ivanhoe Pictures đang làm việc với Hải quân và chính phủ Thái Lan, họ có thể có quyền tiếp cận con người, địa điểm và thông tin dễ dàng hơn để làm phim.

Và ít nhất theo luật pháp Hoa Kỳ, có được tác quyền chuyện đời cho phép các nhà làm phim truy cập thông tin có thể là riêng tư. “Tôi cho rằng họ có thể ký hợp đồng với những người liên quan và nhận được thông tin mà không ai khác có,” Rodner nói. “Họ cũng có thể, theo hợp đồng, buộc những người đó không được hợp tác” với bất kỳ hãng sản xuất nào khác, lưu ý rằng những người trong trường hợp này không phải là công dân Hoa Kỳ và do đó luật có thể khác.

Nhưng “bất cứ ai cũng có thể làm phim dựa trên một sự kiện cần phải được đưa tin,” Rodner lưu ý. Và không có cách nào một xuất phẩm này chặn một xuất phẩm khác xảy ra, trừ khi một kịch bản này đạo kịch bản kia rõ ràng. Các câu chuyện được đưa tin công khai là trò chơi công bằng cho bất kỳ ai.

Bức ảnh do Hải quân Hoàng gia Thái công bố hôm 11/7/2018 cho thấy một thành viên của đội bóng Lợn Rừng được chuyển ra trên cáng trong chiến dịch cứu hộ ở hang Tham Luang

Với giá trị thương mại của câu chuyện, có một khả năng mạnh mẽ rằng cả hai bộ phim đều được xúc tiến, và thậm chí không chừng còn được phát hành cùng một lúc.

Và đó là một nước cờ kinh doanh khôn ngoan. Như nhà phê bình Lara Zarum đã viết trong Village Voice sau khi The 15:17 to Paris của Clint Eastwood phát hành, Hollywood luôn có niềm đam mê với việc nhanh chóng kể lại những câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng, tận từ những năm 1930. Kể từ sau 11/9, những câu chuyện đó đã đặc biệt vẻ vang và yêu nước cho người Mỹ, trong các phim như Lone SurvivorAmerican Sniper.

Nhưng, như cô lưu ý, “sự tăng tốc của quá trình này trong thập niên qua có nghĩa là ngày càng có nhiều người hấp thu các sự cố này không phải qua tin tức mà qua lăng kính quy ước của Hollywood, với tất cả sự huyền thoại hóa và làm mượt hết những xung đột ẩn ý.”

Có thể đó chính là điều Jon Chu đang lo lắng: rằng phiên bản điện ảnh câu chuyện cứu hộ này sẽ trở thành phiên bản của câu chuyện trong tâm trí mọi người, và nó có thể thay cộng đồng người Thái đã tập hợp xung quanh nỗ lực cứu hộ đó bằng một vị cứu tinh da trắng.

12 cậu bé đội bóng cùng huấn luyện viên ở bệnh viện sau khi được cứu chụp ảnh với bức vẽ chân dung cựu đặc nhiệm Saman Kunan đã hy sinh trong quá trình cứu hộ

Về phần mình, Pure Flix xem bộ phim là một câu chuyện đầy cảm hứng mà bất cứ ai cũng sẽ hiểu hết ý nghĩa của nó. “Tôi tin rằng câu chuyện này thể hiện tất cả các yếu tố mà khán giả khao khát — hy vọng giữa bi kịch, một câu chuyện kỳ diệu, sự quyết tâm của các cậu bé, huấn luyện viên của họ và những người cứu hộ. Nó đã minh họa cho sức mạnh tinh thần của con người,” Scott viết. “Đây là một sự kiện mà mỗi phụ huynh có thể ủng hộ và là sự kiện đã đưa thế giới đoàn kết lại khi tất cả chúng ta đều cầu nguyện cho một cái kết nhiệm màu, và đó là cái kết mà chúng ta đã nhận được.”

Làm phim cần có thời gian, vì vậy chúng ta sẽ không biết kết quả ngay lập tức. Nhưng lúc này, cuộc đua để đưa trường thiên cứu hộ hang động Thái lên màn ảnh rộng hoành tráng đã bắt đầu.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vox