Tin tức

Nguy cơ vỡ bong bóng điện ảnh Trung Quốc

16/07/2018

Chính sách sai lầm và đầu tư quá tay đã tạo ra bong bóng ‘khủng’.

Bốn trong số những nhà điều hành điện ảnh hàng đầu Trung Quốc gần đây đã tập hợp ở sân khấu Thượng Hải với một thông điệp u ám. “Có 20.000 công ty phim điện ảnh và truyền hình” ở Trung Quốc, Vưong Trường Điền, chủ tịch Beijing Enlight Media, cho biết. “Nhiều công ty không làm ra tiền vào lúc này, vậy tại sao chúng vẫn tồn tại?” Ông đoán rằng hàng ngàn công ty sẽ đi tới phá sản trong năm tới — một bong bóng căng phồng trong ngành làm phim, sắp nửa nổ.

Các nhà điều hành hàng đầu của các hãng phim Trung Quốc thảo luận về khủng hoảng tương lai cho ngành điện ảnh Trung Quốc tại Thượng đỉnh lãnh đạo điện ảnh và truyền hình, diễn đàn được tổ chức ngày 18/6/2018 trong thời gian Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải [Ảnh: China.org.cn]

Đây quả là câu chuyện kinh điển Trung Quốc. Giới quan liêu ở Bắc Kinh quyết định một ngành công nghiệp được ưu ái phải cạnh tranh được toàn cầu. Sự ủng hộ công lẫn tư bắt đầu theo đó. Các công ty nhảy vào. Đầu tư sôi sục. Khách hàng chưa bao giờ được cụ thể hóa. Và cuối cùng tất cả sụp đổ. Điều này gần đây đã xảy ra với xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời. Theo ông Vương và những người khác tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải, ngành điện ảnh sẽ là cái tên tiếp theo.

Như bất cứ câu chuyện Hollywood hay ho nào, câu chuyện này có một bài học — bài học sẽ vang xa ra khỏi các hãng phim nhiều-vô-số của Trung Quốc.

Trên bề mặt, ngành điện ảnh Trung Quốc đang khỏe mạnh và phát triển. Doanh thu phòng vé tăng 14% năm 2017, chủ yếu do Wolf Warrior 2, một bộ phim yêu nước bắn-chết-hết thu về con số kỷ lục 854 triệu USD nội địa. Mặc dầu thị trường điện ảnh Trung Quốc khó lòng tăng trưởng đến 35% như mức trung bình trong phần lớn thập niên qua, nó vẫn trên đà vượt Mỹ trong một vài năm tới.

Tuy nhiên, dưới bề mặt đó, đường lối sai lầm và đầu tư quá lố đã tạo ra một sân khấu cho thảm họa.

Trong nhiều năm, kỳ vọng cạnh tranh “quyền lực mềm” của Hollywood ở các rạp toàn cầu, Trung Quốc đã cố gắng bảo hộ những nhà làm phim cây nhà lá vườn Trung Quốc. Sự cạnh tranh từ nước ngoài bị giới hạn triệt để bằng hạn ngạch, trong khi ngành công nghiệp nội địa nhận được sự trợ giúp hào phóng, bao gồm mặt bằng giá rẻ cho các hãng phim và bù lỗ cho các rạp chiếu phim Trung Quốc. Thỉnh thoảng, chính phủ còn bổ chỉ tiêu bắt buộc tham gia các buổi chiếu những phim mà họ đặc biệt quan tâm.

Khi mà những nỗ lực ấy được tăng cường, các nhà đầu tư nhanh chóng mở hầu bao. Từ năm 2005 đến 2015, con số quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào điện ảnh ở Trung Quốc tăng từ 5 lên 160. Các công ty công nghệ như Alibaba háo hức tham gia vào bữa tiệc, đầu tư vào mọi thứ từ phim trường tới công ty bán vé (đến tháng 4 năm nay, Alibaba đã sở hữu 48 hãng giải trí). Những tay chơi nhỏ lẻ hơn cũng đi theo: trong quý đầu năm 2016, 27.000 công ty văn hóa và giải trí được đăng ký ở Trung Quốc.

Không thể tránh khỏi, cả đống vốn liếng đó đổ rất nhiều vào nội dung – thực ra là nhiều quá. Năm 2015, chỉ 372 trong 686 phim sản xuất nội địa ra được rạp chiếu. Những phim được phát hành cũng được trợ giúp bởi những khoản trợ giá hậu hĩ đã đẩy doanh thu phòng vé của những phim đó cao một cách giả tạo. Tệ hơn nữa, còn lâu mới khuyến khích các nhà làm phim sản xuất phim hay hơn, tất cả những khoản đầu tư mang đến một cuộc đua xuống đáy. Đến năm 2016, phim tệ đến mức People’s Daily đã có bài xã luận phản đối cơn thủy triều của những thứ mà nhật báo này mô tả là rác rưởi tầm thường, chạy theo người nổi tiếng, và quy lỗi hoàn toàn là do đầu tư quá mức.

Những người xem phim Trung Quốc sáng suốt rõ ràng đồng ý. Năm 2016, doanh thu phòng vé quý 2 giảm 5% so với năm trước đó. Giới quản lý hốt hoảng, kỳ vọng giúp đỡ rạp chiếu đang ốm yếu, lặng lẽ tăng chỉ tiêu phim nước ngoài, cho phép thêm bốn xuất phẩm Hollywood nhập khẩu được chiếu. Nhưng kể cả làm vậy cũng không giúp được gì: Tổng doanh thu năm 2016 chỉ tăng 3,7%, so với 49% hồi năm 2015.

Có lẽ đáng báo động hơn, thị phần phim Hollywood vẫn tăng từ 39% năm 2015 lên 42% năm 2016. Năm 2017, tỷ lệ này ở mức 46%. Nếu không vì Wolf Warrior 2, Hollywood có khi đã sở hữu nửa phòng vé Trung Quốc rồi. Với các nhà đầu tư điện ảnh Trung Quốc, đó là một thảm họa toàn phần. Một trong những cái tên nổi bật nhất, Alibaba Pictures Group Ltd., lỗ tới 165 triệu USD năm ngoái.

Oh My God

Và như Vương Trường Điền chỉ ra, điều tệ nhất còn chưa đến. Alibaba có thể sống sót qua công cuộc tái cấu trúc ngành; những hãng nhỏ, mới đầu tư, thì không thể. Một con sóng các công ty sản xuất và hãng phim khả năng cao sẽ thu nhỏ và hợp nhất trong những tháng tới, trong khi nhiều đầu tư sai thời điểm sẽ bốc hơi.

Đó không phải mất mát gì lớn lao. Khán giả có thể sẽ không nhớ những phim như Oh My God, bộ phim hài năm 2015 lấy chuyện giết trẻ sơ sinh ra làm trò cười, Pure Hearts: Into Chinese Showbiz năm ngoái, với một dàn diễn viên gà mờ quả như vậy. Nhưng cú nổ sắp tới đúng là cho thấy sự nguy hiểm của những nỗ lực có nhà nước chống lưng để quảng bá những sản phẩm mà thị trường đơn giản là không ủng hộ.

Tin tốt là chính phủ Trung Quốc đã hạn chế một số hoạt động không hợp lý nhất trong ngành phim những năm gần đây (chẳng hạn trợ giá vé). Họ cũng loại bỏ những ưu đãi cho việc xây dựng phim trường và bù lỗ những phim được chính phủ yêu thích, trong khi cho phép cho nhiều công ty sản xuất đệ đơn phá sản hơn.

Pure Hearts: Into Chinese Showbiz

Điều này sẽ cho phép dòng vốn đi vào những ý tưởng hay nhất và tài năng giỏi nhất, tiếp tục có thể sản xuất ra những phim mà người ta thực sự muốn xem. Thật ra, nếu chính phủ có thể tránh được việc can thiệp sâu hơn vào nội bộ ngành — một cái nếu lớn — thì biết đâu bong bóng điện ảnh Trung Quốc khổng lồ sẽ có một cái kết làm hài lòng đám đông.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Bloomberg