Tin tức

Khôi phục vị thế cho nghệ thuật giải trí của Đài Loan

18/07/2018

Vào cuối năm 2001, bộ phim Millennium Mambo của đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền ra rạp ở Paris với lượng người hâm mộ lớn. MK2, một trong những công ty phim độc lập hàng đầu của Pháp, chiếu bộ phim ở các rạp ở Paris bên cạnh các phim Hollywood mới như Mulholland Drive của David Lynch và The Royal Tenenbaums của Wes Anderson.

Millennium Mambo là bước ngoặt từ các tác phẩm lịch sử thường thấy của Hầu Hiếu Hiền, chuyển sang tập trung vào tuổi trẻ hững hờ ở Đài Bắc đương đại. Nội dung phim vòng vo, như phần lớn các phim của đạo diễn Hầu, nhưng nghệ thuật quay phim tinh tế bù đắp lại. Trong vai tiếp viên hộp đêm trôi dạt Vicky, nữ diễn viên Đài Loan Thư Kỳ tỏa sáng. Cô sôi nổi, quyến rũ, thậm chí u sầu. Những cảnh hộp đêm đầu 2000 thực tế, nơi nhân vật phải hét mới nghe được tiếng nhau trên nền nhạc điện tử thình thịch, sẽ tìm được đồng cảm ở những người mê tiệc tùng Đài Bắc xưa.

Vào vai tiếp viên hộp đêm trôi dạt Vicky trong phim Millennium Mambo năm 2001, nữ diễn viên Đài Loan Thư Kỳ tỏa sáng

Giới tinh hoa điện ảnh nghệ thuật không phiền tuyến truyện mỏng của Millennium Mambo. Bộ phim không chỉ thắng ba giải – bao gồm quay phim xuất sắc nhất – tại Lễ trao giải Kim Mã Đài Loan, phim còn có giải ở các liên hoan phim Cannes, Chicago, và Flanders.

Ngày nay, hiếm phim Đài Loan nào có thành tích tốt ở liên hoan phim quốc tế như Millennium Mambo. Sản lượng phim nghệ thuật từng dồi dào của Đài Loan đã giảm xuống. Cho vai diễn của mình, Thư Kỳ đã trở thành một trong những nữ diễn viên hàng đầu châu Á – chủ yếu đóng vai chính trong các phim Trung Quốc Đại lục sản xuất. Cô đóng trong phim Journey to the West: Conquering the Demons (tạm dịch: Tây du ký: Mối tình ngoại truyện) năm 2013, một trong những phim Hoa ngữ có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Phim Đài Loan chưa bao giờ vươn tới khán giả đại chúng toàn cầu, nhưng thành công nghệ thuật của những đạo diễn như Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng và Dương Đức Xương quá cố đặt Đài Loan lên bản đồ điện ảnh thành một nguồn của nghệ thuật làm phim sáng tạo. Trong khi đó, truyền hình và nhạc pop Đài Loan vươn ra tới đại chúng ở châu Á. Từ thập kỷ 70 tới 90, ca sĩ đại tài quá cố Đặng Lệ Quân thu âm các bài hát bằng tiếng Quan thoại, Phúc Kiến, Quảng Đông, và Nhật, thu hút hàng triệu người hâm mộ trên khắp khu vực.

Thư Kỳ trong phim Nhiếp Ẩn Nương của Hầu Hiếu Hiền năm 2015. Giờ đây cô đã trở thành một trong những nữ diễn viên hàng đầu châu Á

Tái chiếm và mở rộng quyền lực văn hóa mềm từng có sẽ nâng cao hình ảnh toàn cầu của Đài Loan. Đồng thời, hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp sáng tạo có thể kích hoạt một đầu tàu lâu không hoạt động cho sự tăng trưởng kinh tế.

Việc khôi phục ngành giải trí sẽ là một thách thức. Ngành công nghiệp này đã phải vật lộn với kinh phí trong bối cảnh chi phí sản xuất cao. Sự hỗ trợ của chính phủ thì mờ nhạt so với của Hàn Quốc và Đại lục, có ngành giải trí tăng vọt trong những năm gần đây.

Mô hình tài chính phù hợp

Theo Chương trình Phát triển Cơ sở hạ tầng Hướng tới tương lai (FLIDP) của chính phủ, cơ quan văn hóa đã đề xuất với Hành chính viện rằng tối thiểu 12 tỉ Đài tệ (400 triệu USD) được huy động – từ cả nhà đầu tư công và tư nhân – để nâng cấp nghệ thuật, văn hóa và giải trí kỹ thuật số của Đài Loan. Cho đến nay, chính phủ chỉ có ngân sách 2 tỉ Đài tệ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nói chung.

Đạo diễn Ngụy Đức Thánh (trái) chỉ đạo trên trường quay Cape No 7

Trong một buổi phỏng vấn vào tháng 12/2017 với Taiwan Banker, lãnh đạo cơ quan văn hóa Trịnh Lệ Quân nhấn mạnh rằng Đài Loan có cơ sở vững chắc để phát triển ngành giải trí. Ví dụ, bộ phim Cape No. 7 (phát hành năm 2008) thu về 530 triệu Đài tệ ở phòng vé, một doanh thu xuất sắc cho một phim Đài Loan.

Đạo diễn Ngụy Đức Thánh đã sử dụng số tiền thu được từ Cape No. 7 tài trợ cho bộ phim sử thi bốn giờ rưỡi Warriors of the Rainbow: Seediq Bale của ông khi đó đang bị đình trệ. Bộ phim mất từ 700 đến 750 triệu Đài tệ để thực hiện, nhưng kiếm được 880 triệu Đài tệ từ doanh thu phòng vé tại chỗ. Phim đã nhận nhiều giải thưởng ở Lễ trao giải Kim Mã năm 2011, tham gia tranh giải trong Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 68, và được đề cử Giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

Đài Loan còn sản xuất một số chương trình truyền hình đương đại thành công, bao gồm Wake Up 2, The Teenage Psychic, và Q Series, bà Trịnh Lệ Quân nói.

Warriors of the Rainbow: Seediq Bale của đạo diễn Ngụy Đức Thánh được đề cử Oscar Phim nước ngoài xuất sắc

Việc tiếp cận nguồn tài chính đầy đủ sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển ngành giải trí. Các nhà sản xuất cần túi tiền dày hơn để tạo ra nội dung có giá trị xuất phẩm cao với phạm vi toàn cầu, Phùng Kiến Tam, giáo sư báo chí tại Đại học Quốc gia Cheng-Chi (NCCU) cho biết. “Cách tiếp cận giải trí và văn hóa của chính phủ đã cho phép đấu thủ nước ngoài [tư bản vốn mạnh] thống trị ngành công nghiệp,” ông nói. “Nếu muốn tạo ra nội dung chất lượng cao của riêng mình, chúng tôi cần chính phủ mở đường bằng cách xây dựng mô hình tài chính phù hợp.”

Đồng thời, các nhà đầu tư tư nhân hoài nghi phải được thuyết phục về giá trị của những khoản đầu tư này. “Nhiều nhà đầu tư Đài Loan, những người quen với tài sản vật chất, không biết cách xác định giá trị của nội dung văn hóa và sáng tạo,” Hank Huang, chủ tịch Viện Tài chính Ngân hàng Đài Loan (TABF), một viện đào tạo và nghiên cứu, cho biết.

Pháp đã tài trợ thành công việc sản xuất phim và truyền hình với một “mô hình tài chính lớn”, giáo sư Phùng Kiến Tam nhận xét. Mô hình của Pháp sử dụng 11% doanh thu phòng vé phim hàng năm và 5,5% doanh thu truyền hình hàng năm để tài trợ cho việc phát triển nội dung giải trí.

The Teenage Psychic – dựa trên một chuyện có thật – về một gái 16 tuổi chọn làm việc ở nơi thờ cúng vì khả năng nhìn thấy và trò chuyện được với linh hồn là phim truyền hình đương đại rất thành công của Đài Loan phát trên kênh HBO Asia

Năm 2016, Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp (NCC) và Moving Image, một cơ quan của Bộ Văn hóa Pháp, đã huy động được 784,5 triệu euro (967 triệu USD) để hỗ trợ các dự án phim ảnh, truyền hình và các dự án liên quan. Trong đó bao gồm 355,9 triệu euro cho phim, 294,6 triệu euro cho truyền hình, 20 triệu euro cho công nghệ kỹ thuật số và 114 triệu euro cho các sáng kiến đa chức năng.

Ba loại thuế của Pháp được giao trực tiếp cho NCC đầu tư vào quỹ hỗ trợ; lần lượt là thuế doanh số bán vé phim, dịch vụ truyền hình và video theo yêu cầu.

“Mô hình của Pháp tốt – cung cấp nguồn thu ổn định có thể dùng để đầu tư cho việc phát triển ngành”, giáo sư Phùng Kiến Tam nói. Nhưng theo tin đưa thì cơ quan tài chính Đài Loan không ủng hộ mô hình của Pháp, ông nói thêm.

Hứa Dục Nhân, một nhà lập pháp, kêu gọi chính phủ tập trung vào xuất khẩu nội dung giải trí. “Chúng ta cần phải khiến mình khác biệt, phát triển sở hữu trí tuệ, và phân phối nó toàn thế giới,” ông nói.

Cảnh trong phim bộ truyền hình Đài Loan Q Series: Life Plan A and B cộng hưởng với giới trẻ khi giải quyết mối cân bằng giữa tình yêu và sự nghiệp

Điều đó sẽ đòi hỏi phải vượt ra ngoài Trung Quốc – một điểm đến ưa thích của những người làm nghệ thuật ở Đài Loan – nơi những căng thẳng chính trị có thể ảnh hưởng đến việc phát hành các chương trình truyền hình và phim điên ảnh của Đài Loan. Vào ngày 31 tháng 12, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã gỡ phim truyền hình Đài Loan My Dear Boy khỏi các hạ tầng trực tuyến của Trung Quốc chỉ sau hai tập. Các cơ quan chức năng Trung Quốc cho ngừng phát sóng chương trình vì nó đã nhận tài trợ từ cơ quan văn hóa của Đài Loan, mà Bắc Kinh mô tả là “ủng hộ độc lập”.

Hãng của nhà sản xuất bộ phim này là Lâm Tâm Như phản đối các cáo buộc ủng hộ độc lập. Theo Taipei Times, một tuyên bố ngày 7 tháng 1 do hãng phim của Lâm Tâm Như đưa ra nói cô “chưa bao giờ ủng hộ và sẽ không bao giờ ủng hộ các cuộc đàm thoại hay hành động ủng hộ độc lập.”

My Dear Boy nhanh chóng quay lại các hạ tầng trực tuyến ở Trung Quốc sau khi tuyên bố được đưa ra.

“Ngành công nghiệp giải trí của Đài Loan không nên lấy thị trường nghe nhìn của Trung Quốc làm nguồn thu nhập chính,” giáo sư Phùng Kiến Tam của NCCU nói. “Nhưng vì chính phủ sẽ không cấm xuất khẩu, cá nhân có thể hoạt động tự chịu rủi ro ở Trung Quốc.”

Lâm Tâm Như (trái) trong My Dear Boy do cô sản xuất và đóng chính

Tìm thị trường ngách

Theo quan điểm của Hứa Dục Nhân, sự hiện diện của các hãng phim tầm cỡ thế giới ở Đài Loan sẽ tạo ra một sự thúc đẩy lớn cho ngành giải trí địa phương. Ông gợi ý chính phủ nên khuyến khích các hãng phim quốc tế, chẳng hạn như mức thuế suất ưu đãi, để thiết lập các trung tâm hậu kỳ trên hòn đảo. Lợi thế sẽ là có điều kiện tuyển dụng tài năng địa phương, những người nổi tiếng với kỹ năng biên tập âm thanh-hình ảnh giỏi, ông nói thêm.

Đạo diễn truyền hình Roger Christiansen, phân chia thời gian giữa Los Angeles và Thượng Hải và trước đây từng giảng dạy ở Đại học Quốc gia Nghệ thuật Đài Bắc giai đoạn 2003-2004 thông qua học bổng Fulbright, khuyến khích Đài Loan tập trung vào cách kể chuyện hay. “Những câu chuyện hay vượt lên trên các thị trường đặc thù,” ông nói. “Tìm những câu chuyện ta có thể liên hệ với mình. Những câu chuyện hay trở thành những phim hay tự nhiên thích hợp để xuất khẩu.”

Thêm vào đó, Christiansen cho rằng Đài Loan nên tạo ra một cuộc thi quốc gia quy mô lớn cho những thể loại giải trí trên web khác nhau, chẳng hạn như hoạt hình, clip ngắn, video ca nhạc và trò chơi, với ban giám khảo quốc tế để đánh giá nội dung. “Gần giống như chương trình truyền hình Tìm kiếm tài năng Đài Loan,” ông nói.

Cảnh trong phim The Great Buddha+, bộ phim nhận được 10 đề cử tại giải Kim Mã 2017, đoạt năm giải trong đó có đạo diễn mới xuất sắc và kịch bản xuất sắc

Cuối cùng, để trẻ hóa ngành giải trí, Đài Loan nên làm việc với một tập hợp đa dạng các chuyên gia trong ngành từ cả trong và ngoài nước, Christiansen nói. “Những ý tưởng mới là cần thiết để tiến lên phía trước,” ông nhấn mạnh.

Về lâu về dài, sản xuất những nội dung đẳng cấp quốc tế có thể khiến Đài Loan là cái tên được tin dùng khắp thế giới, như Nhật Bản. Trong thập kỷ 80 và 90, các máy chơi điện tử Nhật Bản chinh phục nước Mỹ. Nhiều gia đình trung lưu Mỹ có hệ thống giải trí Nintendo, Sega Genesis, hay cả hai. Nhân vật mèo Hello Kitty củng cố thêm quyền lực mềm của Nhật Bản, mang văn hóa kawaii (dễ thương) của quốc gia này ra thế giới.

Gần đây hơn, Hàn Quốc trở thành một khổng lồ quyền lực mềm trên lưng phim truyền hình và nhạc Kpop. Gangnam Style, đĩa đơn của nhạc sĩ Hàn Quốc Psy, lên vị trí số 1 các bảng xếp hạng của hơn 30 nước năm 2012 và thắng giải Video Hay nhất tại Giải MTV Video Ca nhạc châu Âu năm đó. Ngày nay, một số nhóm nhạc Kpop vừa đủ nổi tiếng ở phương Tây để bán sạch vé các buổi diễn ở sân vận động ở cả Mỹ và Canada.

Đạo diễn Hoàng Thân Nghiêu, nhận giải Đạo diễn mới xuất sắc tại Lễ trao giải Kim Mã năm 2017, cho phim The Great Buddha+

Trong Bảng xếp hạng Toàn cầu Quyền lực mềm 30 2017 của Đại học Nam California, Nhật Bản đứng thứ 6 với số điểm 71,66 trong khi Hàn Quốc đứng thứ 21 với điểm 58,40, gần như ngang hàng với Singapore đứng thứ 20 (58,55). Không còn đại diện nào khác của châu Á nào được xếp hạng.

Hy vọng rằng một ngày nào đó Đài Loan sẽ góp mặt trong danh sách, và sớm thì tốt hơn là muộn. Trong buổi phỏng vấn với The Taiwan Banker, bà Trịnh Lệ Quân đã có một phát biểu lạc quan. “Nâng cao nhận thức về tính hấp dẫn văn hóa và nghệ thuật của Đài Loan và thắt chặt liên kết giữa Đài Loan và phần còn lại của thế giới là những gì chúng tôi sẽ phấn đấu làm,” bà nói.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The News Lens