Tin tức

Quái vật trên phim Hollywood đang quay về nguồn cội châu Á

17/07/2018

Jurassic World: Fallen Kingdom, phim quái vật mới nhất của Hollywood, đã mang về hơn 900 triệu USD ở phòng vé toàn cầu trong vòng chỉ vài tuần. Tháng 8 sẽ thấy The Meg tháo cũi sổ lồng — dựa trên cuốn tiểu thuyết của Steve Alten, bộ phim Hàm cá mập-khổng lồ kinh phí lớn có Jason Statham chiến đấu với một megalodon (cá mập Đại Tân Sinh) dài 23 mét.

Và từ Pacific Rim (2013) tới Godzilla (2014) và Rampage (2018), những phim bom tấn quái vật này có thể kể cho ta biết Hollywood ngồi đâu trong nền điện ảnh toàn cầu, đặc biệt trong mối quan hệ quyền lực với châu Á.

The Meg, bộ phim Hàm cá mập-khổng lồ kinh phí lớn có Jason Statham chiến đấu với một megalodon (cá mập Đại Tân Sinh) dài 23 mét, dự kiến ra rạp ở Việt Nam ngày 10/8 với tựa Cá mập siêu bạo chúa

Người ta tin rằng dòng phim quái vật khổng lồ được nhập từ Nhật Bản — thường được gọi đến với tên Nhật Bản, kaiju eiga (dịch nghĩa đen là phim quái thú lạ). Năm 1954, Gojira (Godzilla trong tiếng Anh), trong đó một con khủng long đột biến to lớn, bị những vụ thử nghiệm hạt nhân đánh thức, tàn phá Tokyo, đặt nền móng cho các phim thể hiện hậu quả tan hoang do nhân loại phá hủy bừa bãi trong hình hài các con quái vật khổng lồ phá nát thành phố.

Thể loại phụ của dòng phim khoa học-viễn tưởng này nổi lên từ quá trình trao đổi văn hóa, giúp chúng ta thấy một nền văn hóa vay mượn hay tái chế tư liệu từ nước khác ra sao. Gojira vay mượn các khía cạnh của hai phim Mỹ chủ chốt: King Kong (1933) và The Beast from 20,000 Fathoms (1953), đều được phát hành tại Nhật không lâu trước khi Gojira hình thành. Tên của Gojira là kết hợp giữa phiên âm từ gorilla, và từ tiếng Nhật cho cá voi, kujira. Trong quá trình thực hiện của nhà sản xuất thậm chí phim còn có tựa là The Giant Monster from 20,000 Leagues under the Sea (tạm dịch: Quái vật khổng lồ từ 2 vạn dặm dưới đáy biển).

Godzilla (1954) của Nhật Bản

Kết hợp với ảnh hưởng của sự cố tàu đánh cá Fukuryu Maru vướng tia phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân Castle Bravo, chúng ta thấy một minh chứng hùng hồn của giao lưu văn hóa, nơi những ý tưởng địa phương và toàn cầu đến với nhau.

Giao lưu văn hóa tiếp tục một thời gian dài nữa trong thể loại này. Các công ty Mỹ làm việc với các hãng phim Nhật để sản xuất các phiên bản Godzilla mới cũng như các phim kaiju khác. Việc hợp tác với các nhà sản xuất Nhật Bản giúp đảm bảo một nguồn cung cấp nội dung đều đặn cho các phim mì ăn liền, rạp ngoài trời và sau này là truyền hình, bao gồm Frankenstein Conquers the World (1965), King Kong Escapes (1967) và Yog: Monster from Space (1970).

Kaiju ega cũng được sản xuất trên khắp châu Á, bao gồm Hồng Kông và Hàn Quốc. Ví dụ nổi danh nhất là Pulgasari (1985) của Triều Tiên, do Kim Jong Il sản xuất và Shin Sang Ok đạo diễn, người sau từng là nhà sản xuất phim thành công nhất của Hàn Quốc.

Quái vật trong The Beast from 20,000 Fathoms (1953)

Thói quen tái chế của Hollywood

Ở Hollywood, các khuôn mẫu toàn cầu được thu nạp và chế biến lại — và liên hệ hoài niệm (đôi lúc sùng bái) đang ngập tràn lúc này. Pacific Rim gọi các con quái vật là kaiju để tưởng nhớ nguồn cội Nhật Bản của dòng phim – và trận đánh cao trào của phần hai diễn ra ở Tokyo. Ready Player One (2018) của Steven Spielberg mô tả một thế giới hậu tận thế tương lai nơi cư dân thu mình vào một trò chơi thực tế ảo bão hòa văn hóa đại chúng. Khi một trong những nhân vật chính chiến đấu với ông chủ tập đoàn gian ác muốn đoạt lấy trò chơi, họ lấy hình hài lần lượt của rôbô Gundam trong anime và kẻ thù của Godzilla trong thập kỷ 70, MechaGodzilla, đều là những nhân vật tiêu biểu trong văn hóa đại chúng Nhật Bản.

Rampage chuyển thể một trò chơi điện tử thập niên 80 trong đó quái vật khổng lồ phá phách các thành phố. Trò chơi không có mấy cốt truyện này sản sinh ra một phim phê phán sự nguy hiểm của các thí nghiệm biến đổi gene. Godzilla (2014) và Kong: Skull Island (2017) bắt đầu một vũ trụ quái vật MonsterVerse theo kiểu Marvel. Godzilla: King of the Monsters được hé lộ sau phần chạy chữ của Kong, và hai kaiju này sẽ đối đầu trong một phim sắp tới.

Cảnh phim Jurassic World: Fallen Kingdom (2018)

Hướng tới phương Đông

Các phim Jurassic World thách thức các ý tưởng văn hóa và chính trị như nhau. Khi điện ảnh trở nên xuyên quốc gia hơn, giao lưu văn hóa và một thị trường toàn cầu đang thay đổi thách thức cách ta hiểu về các mối quan hệ quyền lực. Vì vậy, có một lý do khác ta nên cân nhắc Jurassic World là một phim kaiju: quyền sở hữu của những nhà sản xuất.

Nếu gần đây có theo dõi World Cup, bạn sẽ thấy các panô quảng cáo cho công ty Trung Quốc Dalian Wanda, một trong những tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc, vận hành chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới. Năm 2016, tập đoàn này trả 3,5 tỉ USD mua Legendary Entertainment, công ty sản xuất đứng sau Jurassic World, Pacific Rim và loạt phim Godzilla.

Một thương vụ trước đó với công ty nhà nước China Film Group đã cho Legendary Entertainment quyền truy cập chưa từng có vào thị trường Trung Quốc qua các hợp đồng hợp tác sản xuất. The Meg cũng là một phim hợp tác sản xuất với Trung Quốc.

Cảnh Điềm trong phim Pacific Rim: Uprising

Các chiến lược địa phương hóa đã hướng tới khán giả Trung Quốc. Ngôi sao Trung Quốc Cảnh Điềm xuất hiện trong một số phim quái vật của Legendary — là lãnh đạo quân sự trong phim kỳ ảo võ thuật kaiju The Great Wall (2016), một nhà sinh học trong Kong: Skull Island và một nhà khoa học nổi tiếng trong Pacific Rim: Uprising. Việc chọn diễn viên ngôi sao cũng là một bước đi chủ chốt được Hollywood sử dụng để làm vừa lòng thị trường bản địa. Địa điểm cũng quan trọng — phần hành động trong The Meg đã được di chuyển từ Maui trong tiểu thuyết tới Trung Quốc. Dàn diễn viên tham gia có Lý Băng Băng, một ngôi sao Trung Quốc đã có mặt trong phim Transformers gần đây nhất.

Nhiều phim quái vật khác gần đây có doanh thu ở Trung Quốc lớn hơn ở thị trường Mỹ. Pacific Rim: Uprising đã thu về gần gấp đôi, và Rampage hơn 50%. Ngược lại, các phim Star Wars có hiệu ứng không đáng kể ở phòng vé Trung Quốc — rõ ràng nội dung quái vật có sức hút với khán giả Trung Quốc hơn.

Lý Băng Băng (trái) cùng Jason Statham trong phim The Meg

Chu kỳ phim quái vật khổng lồ đang là ví dụ tiêu biểu nhất cho kinh doanh toàn cầu hóa của Hollywood. Nắm bắt chất liệu quốc tế, công việc tái chế quen thuộc và các mối quan hệ với châu Á được chứng minh mạnh mẽ trong các phim này. Vậy không phải là nói rằng tất cả là mới mẻ hay là dòng chảy một chiều: thành công của Legendary với Godzilla đã truyền cảm hứng cho hãng phim Toho phát triển không chỉ một mà hai phim truyền hình với biểu tượng được yêu quý của đất nước này.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Quartz