Tác phẩm điện ảnh được yêu thích ở cả phòng vé phương Đông lẫn phương Tây được một số người hiểu là châm biếm chính trị.
Tác phẩm mới nhất của Khương Văn đã đạt được thành công phòng vé hiếm thấy với thể loại nhạy cảm đả kích chính trị Trung Quốc, song các quan điểm đang được bàn luận xôn xao cho rằng bộ phim còn làm được nhiều hơn thế: thoát khỏi sự kiểm duyệt nghiêm ngặt để phê phán chính phủ hiện thời của Trung Quốc.
Lấy bối cảnh những năm hỗn loạn sau sự sụp đổ của chế độ quân chủ, Let the Bullets Fly (Nhượng tử đạn phi) kể về câu chuyện của một tên cướp có hoàn cảnh tương tự Robin Hood, bắt cóc một kẻ bịp bợm chuẩn bị nhậm chức thị trưởng mà hắn kiếm được bằng cách đút lót. Tên cướp tráo đổi thân phận với con tin của mình và trở thành thị trưởng, để rồi nhận ra bản thân bị kẹt trong cuộc đấu trí chống lại một thương nhân bất chính, người đã tạo dựng gia tài nhờ thuốc lá và buôn người.
Tuy nhiên, các nhà phê bình phim lại cho rằng bộ phim không đơn giản như ta hằng nghĩ. Phải chăng kẻ bịp bợm và người thương nhân tượng trưng cho các cơ quan chính quyền Trung Quốc thối nát, nơi đã và đang bỏ túi riêng thành quả của cuộc cải cách kinh tế theo lối tư bản của đất nước? Phải chăng tên cướp, do chính Khương Văn thủ vai, là người chiến sĩ gan dạ dám đấu tranh chống lại hiện thực?
Kẻ bịp bợm đi trên một toa xe lửa do ngựa kéo. Từ “ngựa” – được phát âm là “mã” trong tiếng Hoa – cũng được dùng làm cách nói ngắn gọn trong tiếng Hoa để chỉ chủ nghĩa Mác. Liệu đoàn tàu do ngựa kéo có phải là hình ảnh ẩn dụ về đất nước Trung Quốc – một quốc gia hiện đại hóa bị hệ tư tưởng lỗi thời chi phối?
Trong phim, nhân vật của Khương Văn nói rằng anh ta muốn “kiếm tiền mà vẫn đứng thẳng” thay vì quỵ lụy kẻ quyền thế. Liệu đó có phải là lời của nhà làm phim Khương Văn, nói rằng ông muốn làm phim mà không bị kiểm duyệt?
Khương Văn phản ứng dè dặt khi được hỏi về thông điệp ẩn giấu trong bộ phim tại buổi khởi chiếu Nhượng tử đạn phi tại Hồng Kông vào ngày 10/1 vừa qua.
Khi được hỏi tác phẩm mới nhất của ông thực ra có phải là lời chỉ trích chính trị hay không, nhà làm phim 48 tuổi đáp: “Cách hiểu nào cũng có lý. Bất cứ cách hiểu nào. Bạn cứ thoải mái nghĩ bất cứ điều gì bạn muốn.”
Sau đó ông trách đùa người phóng viên đã đặt câu hỏi đó: “Anh thật thiếu óc tưởng tượng.”
Đạo diễn Khương Văn [Ảnh: Emperor Motion Pictures]
Một số nhà làm phim là bạn bè của đạo diễn Khương nói rằng ông đã thực hiện một kỳ công khó tin với việc sản xuất một siêu phẩm thương mại vượt qua sự kiểm duyệt mà không làm mất đi sự toàn vẹn về nghệ thuật và cá tính của ông. Các đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng nhờ các tác phẩm mang tính phê phán trước đây – như Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca – đã bị chỉ trích nặng nề vì thiên về các bộ phim lịch sử không chính trị và các bộ phim sử thi kung fu không được lòng chính phủ và không phù hợp với nhu cầu của thị trường đang phát triển.
“Khương Văn chắc chắn đã gửi gắm nhiều niềm tin của ông trong bộ phim. Song ông ấy cũng giữ được sự cân bằng tuyệt vời giữa nghệ thuật và thương mại,” nhà sản xuất Chu Cường nói. “Chứng kiến nỗ lực của Khương Văn thành công là sự khích lệ rất lớn đối với tôi.”
Chu Cường biết rõ về hệ thống kiểm duyệt Trung Quốc, người con của đất Hồng Kông này từng có thời gian dài làm nhà sản xuất cho Giả Chương Kha – đạo diễn đạt giải Sư tử vàng nổi tiếng vì các tác phẩm nghiên cứu về giai cấp công nhân Trung Quốc. Đạo diễn Giả đã trải qua nhiều năm ẩn nhẫn trước khi bộ phim đầu tiên của ông được phép phát hành vào năm 2004.
Thực ra, người ta có thể kết luận rằng Nhượng tử đạn phi chỉ đơn giản là một bộ phim hài hành động thú vị.
Ngoài Khương Văn, phim còn có sự tham gia của Châu Nhuận Phát, nam diễn viên Hồng Kông kỳ cựu nổi tiếng nhờ các tác phẩm hành động ly kỳ mang phong cách Ngô Vũ Sẩm, và Cát Ưu, một trong những ngôi sao lớn nhất của Trung Quốc.
Nhà sản xuất Chu Cường nói rằng nhiều nhân viên kiểm duyệt Trung Quốc được đào tạo tại các trường điện ảnh và có thể nhận ra những thông điệp tiềm ẩn của Khương Văn – nhưng lại làm ngơ và nghĩ rằng chúng quá khó hiểu đối với khán giả bình dân.
Việc bộ phim được bàn tán xôn xao có thể khiến các nhân viên kiểm duyệt xem xét lại. Cục Quản lý Điện ảnh, Truyền thanh và Truyền hình Quốc gia đã yêu cầu các rạp chiếu phim dời lại ngày chiếu khoảng một tuần sau khi bộ phim phát hành vào ngày 16/12, theo thông tin từ China Digital Times, một trang web tại Mỹ theo dõi ngành truyền thông Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không kiềm chế được thành công tại phòng vé của bộ phim, tác phẩm đã đạt doanh thu hơn 600 triệu nhân dân tệ (91 triệu USD).
Khương Văn, được khán giả phương Tây biết đến đầu tiên qua vai diễn chính của ông trong bộ phim Cao lương đỏ năm 1987 của Trương Nghệ Mưu, không phải là người xa lạ đối với cơ quan kiểm duyệt.
Tác phẩm năm 2000 của ông Devils on the Doorstep, đoạt Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes, bị cấm tại Trung Quốc. Trong một bộ phim tài liệu không được phát hành lan truyền trong cộng đồng điện ảnh Bắc Kinh lúc bấy giờ, các nhân viên kiểm duyệt đã gán cho Devils on the Doorstep là không ái quốc. Bộ phim khắc họa những người dân nông thôn Trung Quốc bắt được một người lính Nhật Bản bị thương vào giai đoạn gần cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ đối xử tốt với tù nhân cho tới khi quyết định đổi anh ta lấy đồ ăn.
Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter