Tin tức

Sự phát triển của phim hoạt hình Trung Quốc

22/02/2011

The Dreams of Jinsha (Mộng hồi Kim Sa thành), bộ phim hoạt hình Trung Quốc đang trong giai đoạn tranh giải Oscar sau khi được chấp thuận trở thành một ứng cử viên của Giải thưởng hàn lâm này. Đối mặt với 14 đối thủ khác, trong đó có bộ phim Shrek Forever After của Dream Works và Toy Story 3 của Disney-Pixar, Jinsha cho thấy dấu hiệu rằng ngành công nghiệp hoạt hình của Trung Quốc đang ngày càng trưởng thành.

Với kinh phí thực hiện 80 triệu nhân dân tệ (khoảng 12 triệu USD) trong vòng năm năm, bộ phim xoay quanh câu chuyện của một cậu bé trung học ích kỷ tên Tiểu Long, cậu đã du hành xuyên thời gian về 3000 năm trước tới một vương quốc phồn thịnh thời xưa tên là Kim Sa. Tại đây cậu đã học được cách thay đổi tâm tính và giúp đỡ nàng công chúa cùng một con tiểu yêu bảo vệ vùng đất tươi đẹp này khỏi những thế lực đen tối.

Nhà sản xuất và biên kịch Tô Tiểu Hồng nói rằng bộ phim là một tác phẩm hoàn toàn vẽ bằng tay và là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Trung Quốc với những hình ảnh có “độ phân giải 2K”, một công nghệ đảm bảo những hình ảnh nét và phẳng khi được phóng đại.

Bà cho biết: “Trong quá trình sản xuất có sự tham gia của 500 000 bức vẽ tay từ hơn 500 chuyên gia đầy tận tụy. Đây là một dự án phức tạp bởi các bức tranh vẽ bằng tay tốn nhiều thời gian và công sức hơn các hình ảnh tạo ra bởi máy tính.”

Poster phim The Dream of Jinsha

Bà nói thêm rằng một hãng phim có trụ sở tại Thẩm Quyến từng cộng tác với Hayao Miyazaki, đạo diễn hoạt hình nổi tiếng người Nhật, cũng góp phần tạo nên những hình ảnh chất lượng cao này.

“Bí quyết kỹ thuật được áp dụng để sáng tạo nên những hình ảnh đầy ấn tượng chính là điều đã giúp Jinsha lọt vào danh sách tuyển chọn của giải Oscar,” Chen Changquing, một nhà nghiên cứu thuộc www.dongman.gov.cn – trang web của ngành công nghiệp hoạt hình quốc gia, cho biết.

“Những đột phá kỹ thuật đã trở thành hiện thực nhờ những tài năng Trung Quốc. Trong ngành hoạt hình, hiện nay chúng tôi đã có được những cá nhân có thể nâng kỹ năng chuyên môn của họ lên một tầm cao mới.”

Vào năm 2004, Cục Quản lý Điện ảnh, Truyền thanh và Truyền hình Quốc gia (SARFT) đã ban hành một loạt các chính sách nhằm nâng đỡ các tài năng trong lĩnh vực hoạt hình.

Bốn trường đại học và chín hãng phim, trong đó có Học viện điện ảnh Bắc Kinh và hãng phim hoạt hình Thượng Hải được chọn làm các trung tâm phát triển chính.

Theo www.dongman.gov.cn, hơn 1200 trường đại học và trường mỹ thuật hiện tại đã mở các khoa liên quan đến lĩnh vực hoạt họa. Và các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu đã thiết lập các khu công nghệ cao để ươm mầm các hãng phim hoạt hình mới đầy tiềm năng.

Các hình ảnh trong phim hoàn toàn được vẽ tay

Chen chỉ ra rằng một số công ty hoạt hình Trung Quốc cũng đã tham gia vào công đoạn hậu kỳ của các bộ phim Hollywood.

Ví dụ, công ty số hóa Hạnh Tinh, đơn vị đã thiết lập quan hệ hợp tác với Walt Disney vào năm 2007, tham gia chèn hiệu ứng đặc biệt cho các bộ phim bao gồm Twilight, Fantastic FourSpace Buddies.

Ông Chen cho biết: “Các trường đại học cung cấp các chuyên gia cần thiết trong mọi lĩnh vực của việc sản xuất phim hoạt hình, trong khi sự hợp tác đang được duy trì giữa các công ty với các đối tác nước ngoài có kỹ năng tiên tiến và kinh nghiệm giúp họ trau dồi hiểu biết về lĩnh vực hoạt hình.”

Theo SARFT, trong năm tháng đầu năm 2010, 221 bộ phim hoạt hình Trung Quốc (hơn 270.000 phút) đã được sản xuất cho các kênh truyền hình nội địa, vượt qua số liệu cùng kỳ của các năm gần đây.

Ông Chen cho rằng: “Chúng tôi sẽ không thể thực hiện được điều này nếu không có những kỹ thuật đã tạo nên các bộ phim hoạt hình thành công gần đây trên màn ảnh rộng như Phong Vân (Storm Rider), Hắc Miêu cảnh trưởng (Sergeant Black Cat)Cừu vui vẻ và sói xám (Pleasant Goat and Big Big Wolf)

Song Lei, một nhà phê bình thuộc tạp chí ACG Review, một tạp chính hoạt hình tầm cỡ, cũng khen ngợi Jinsha về việc sử dụng các danh thắng Trung Quốc làm cảnh nền, trong đó có Cửu Trại Câu, một trong những công viên quốc gia nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Hình ảnh trong phim The Dream of Jinsha

Ông cho biết thêm rằng trong phim xuất hiện hình ảnh vẽ tay về những hồ nước màu lam ngọc, những cây cầu đá cong cong, những ngôi nhà kiểu cách giống với những biệt thự cổ xưa ở miền Nam Trung Quốc.

“Đây là một cách thông minh và chắc chắn là thành công để làm nổi bật những di sản độc đáo của Trung Quốc trong bộ phim và đã nhận được những phản hồi tích cực khi trình chiếu tại Cannes và Liên hoan phim quốc tế Montreal.”

Nhưng bất chấp những yếu tố độc đáo đó, ông Song cho rằng một bộ phim hoạt hình cần có một câu chuyện đủ vững chắc và đây là thử thách không chỉ ngành hoạt hình mà các lĩnh vực khác cũng đang phải đối mặt.

Ông nhận xét: “Bộ phim thất bại trong việc thể hiện rõ chuyển biến của Tiểu Long từ một cậu bé ích kỷ trở thành một chàng trai dũng cảm dám chiến đấu vì một đất nước xa lạ với toàn những con người xa lạ.”

“Diễn biến câu chuyện có phần vội vàng.”

Lấy Cừu vui vẻ và sói xám làm ví dụ, ông Song lý giải rằng chính cốt truyện mới mẻ đã khiến bộ phim được yêu thích rộng rãi.

Để củng cố việc dẫn dắt câu chuyện , Trường hoạt hình thuộc Học viện điện ảnh Bắc Kinh vừa mời nhà biên kịch hàng đầu Trâu Tĩnh Chi thực hiện dự án mới Legend of a Kung Fu Rabbit dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 7.

Ông Tôn Lập Quân, chủ nhiệm Trường hoạt hình của Học viện điện ảnh Bắc Kinh nói rằng bất kể Jinsha có nhận được giải thưởng Phim hoạt hình xuất sắc nhất hay không thì việc bộ phim là phim hoạt hình Trung Quốc đầu tiên được hội đồng Oscar lựa chọn đã được xem như một sự khích lệ tinh thần.

“Nhưng nếu Jinsha không lọt được vào vòng tiếp theo, đó sẽ là sự nhắc nhở cho tất cả những ai hoạt động trong ngành hoạt hình rằng chúng tôi cần phải sáng tạo được một câu chuyện tinh tế và tìm cách diễn đạt câu chuyện đó thật lôi cuốn.”


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times