Tin tức

TVB mất dần khả năng thay đổi những xu hướng từng làm nên chính mình

23/02/2011

Có tin đồn bà Phương Dật Hoa (vợ của ông Thiệu Dật Phu và là chủ tịch hiện tại của TVB) là người đã thuyết phục ông Trần Chí Vân trở về TVB nhằm mục đích giải quyết cuộc tranh chấp kéo dài về tiền bản quyền giữa công ty và HKRIA (Liên minh thu âm Hồng Kông - bao gồm năm công ty thu âm hàng đầu hiện nay: Universal, Warner, Sony, EMI và BMA).

Tuy nhiên, cũng có tin đồn bà Phương chính là người đã chấm dứt đàm phán ngay khi hai bên đang chuẩn bị đạt được thỏa thuận cuối cùng, do đó khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên xấu hơn. Hậu quả của tình hình đó là lễ trao giải thưởng của các đài phát thanh theo truyền thống được phát trên TVB đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với việc những đài truyền thanh như Đài truyền thanh Hồng Kông (RTHK) thuộc sở hữu nhà nước đã chuyển bản quyền phát sóng lễ trao giải thường niên Top Ten Golden Hits (Mười ca khúc vàng thành công nhất) của họ cho các đài truyền hình khác.

Bà Phương Dật Hoa – chủ tịch hiện thời của TVB

Theo thông tin trên các báo, lý do chính khiến những cuộc thảo luận giữa TVB và HKRIA một lần nữa bị đình lại không liên quan gì tới chuyện tiền bạc, đúng hơn là các cuộc thương lượng thất bại là do các công ty thu âm thuộc HKRIA yêu cầu rằng từ nay trở đi, các nghệ sĩ của họ phải được tự do xuất hiện trên các đài truyền hình khác nếu họ muốn. Với người ngoài, các nghệ sĩ có nhiều tự do hơn chắc chắn là một điều tốt, tuy nhiên theo quan điểm của TVB, nếu họ đồng ý chuyện này, đây sẽ là một tổn thất to lớn cho họ về phương diện kinh doanh. Không nhất thiết là bà Phương đang cố tỏ ra “hách dịch” hay “lạm quyền” – nếu bạn là người có quyền quyết định cao nhất ở TVB, có thể bạn cũng sẽ không đồng ý với yêu cầu của HKRIA.

Vậy còn về những bài báo trước đó cho rằng TVB và HKRIA sắp đi tới thỏa thuận? Từ phía TVB, điều đó đơn thuần có nghĩa là họ (TVB) sẽ đồng ý trả một khoản tiền bản quyền nhất định, nhưng tất cả mọi thứ khác sẽ vẫn giữ nguyên như trước đây. Từ phía HKRIA, điều đó có nghĩa là TVB sẽ trả khoản phí đã được thỏa thuận nhưng họ cũng muốn tìm cơ hội (tận dụng cơ hội) để phá vỡ sự “độc quyền” và kiểm soát của TVB đối với các nghệ sĩ. Mỗi bên có lập trường riêng cùng những lý do hợp lý riêng của mình. Ngay cả với khả năng các nghệ sĩ của họ bị cấm xuất hiện trên TVB trong thời gian dài, HKRIA vẫn tiếp tục giữ vững quan điểm của họ nhằm thể hiện rằng ít nhất thì nỗ lực đã tạo ra sự thay đổi.

Các nghệ sĩ “hái ra tiền” (những người đã có danh tiếng trong ngành và có thể dễ dàng bán được đĩa hát) là những người ít bị ảnh hưởng bởi tình hình này nhất – chí ítlà về mặt tài chính – bởi kể cả không có TVB làm điểm tựa để quảng bá, những nghệ sĩ này vẫn bận rộn như trước nay, chu du khắp thế giới để biểu diễn và kiếm tiền. Những người thực sự bị ảnh hưởng phần lớn rơi vào hai loại: 1) những nghệ sĩ từng được TVB cực lực quảng bá trong quá khứ và con đường dẫn tới thành công và danh tiếng của họ chủ yếu dựa vào những nỗ lực của TVB, 2) những nghệ sĩ mới hơn cần lượng khán giả khổng lồ của TVB để giúp họ tăng cường sự xuất hiện và thiết lập vị thế. Với những cơ hội kiếm tiền “gần như bằng không” tại Hồng Kông dành cho các hãng thu âm ngày nay, để có thể thu được lợi nhuận các công ty này phải tiến ra ngoài thị trường nội địa Hồng Kông và mở rộng sang các nước khác – đây là một trong những lý do lớn nhất giải thích vì sao các công ty này “cả gan” chống lại TVB bằng cách cố gắng đấu tranh cho những chỉ tiêu có lợi nhất cho họ. Thêm vào đó thực tế là khả năng của TVB trong việc “thúc đẩy” ngành âm nhạc Hồng Kông tiến lên ngày càng trở nên yếu hơn, một điều có thể thấy rõ qua tỷ suất xem đài ảm đạm của các chương trình ca nhạc của họ. Ngày nay, với tất cả những tiến bộ công nghệ, các nghệ sỹ có nhiều lựa chọn hơn để quảng bá cho đĩa nhạc của mình - trong những năm gần đây, tận dụng KTVs (các đài karaoke nhỏ) và những hình thức truyền thông tiên tiến mới xuất hiện khác để giúp các nghệ sĩ phát hành ca khúc của họ đã chứng minh tính hiệu quả cao hơn việc xuất hiện tại chương trình ca nhạc của một số đài truyền hình. Lợi thế duy nhất mà TVB vẫn còn là tầm phủ sóng rộng rãi về lượng khán giả có thể giúp các nghệ sĩ ít tên tuổi hơn được “nhập cuộc” và trở nên nổi tiếng. Theo tình hình trên, TVB có nhiều nguy cơ hơn và mối quan tâm lớn nhất của họ sẽ là hòa giải với HKRIA càng nhanh càng tốt – tuy nhiên không may là đối với TVB, “hòa giải” có nghĩa là tiếp tục giữ vị thế độc quyền của họ đối với số đông các nghệ sĩ TVB.

TVB đang mất dần ưu thế của mình trong ngành công nghiệp âm nhạc

Nghĩ lại thì, lý do tại sao TVB lại có khả năng hầu như nắm vị thế độc quyền ngành truyền hình Hồng Kông trong vài thập kỷ thực sự là một trường hợp “thời thế tạo anh hùng”. Vào cuối thập niên 1960, TVB là đài truyền hình phát sóng tự do đầu tiên (và hầu như là duy nhất) tại Hồng Kông – miễn là khán giả có một chiếc tivi, họ có thể xem tất cả các chương trình của TVB mà không phải trả lấy một đồng. Khi công ty truyền hình cáp đơn thuần trước kia Rediffusion Television (công ty truyền hình Lệ Đích - tiền thân của ATV) cũng trở thành một đài truyền hình phát sóng tự do vài năm sau đó, tất cả các khán giả Hồng Kông đã trở thành “khán giả của TVB” (đó là cách khởi đầu của hiện tượng “thống trị hoàn toàn tỷ suất xem đài” của TVB). Chỉ nhờ vào nỗ lực của mình, ATV không thể “thay đổi” xu hướng lúc đó (khán giả đã quen với việc xem TVB) và đặc biệt trong những năm gần đây, ATV đã hoàn toàn mất đi tinh thần cạnh tranh, thậm chí còn không cố gắng vượt qua TVB về mặt tỷ suất người xem hay danh tiếng. 

TVB từng một thời chiếm lĩnh hoàn toàn lượng khán giả của Hồng Kông

Cách duy nhất để thay đổi “xu hướng chung” là có sự can thiệp của chính quyền - trong quá khứ, chính quyền hầu như hoàn toàn làm ngơ trước lời phàn nàn của ATV và các đài truyền hình địa phương khác, một hành động rất hiệu quả trong việc cho phép một đài truyền hình (TVB) thống trị ngành công nghiệp truyền hình Hồng Kông trong hàng thập kỷ. Năm nay, cuối cùng cũng đã xuất hiện mầm mống của sự thay đổi khi chính phủ chấp thuận cấp giấy phép cho ba đài truyền hình phát sóng tự do khác, đồng nghĩa với việc sẽ sớm có thêm ba đài truyền hình miễn phí nữa gia nhập thị trường Hồng Kông (hiện tại chỉ có hai đài: TVB và ATV). Rốt cuộc chính quyền cũng đã nhập cuộc.

Với “thay đổi” này, để TVB có thể tiếp tục duy trì vị thế “độc quyền” trong ngành truyền hình, họ phải giữ quyền kiểm soát những điều khác mà tiếng nói của họ vẫn còn trọng lượng ở đó – vì thế các nghệ sĩ địa phương (các ca sĩ) “xuất hiện” trên các chương trình và buổi biểu diễn của TVB phải tiếp tục là các nghệ sĩ ký hợp đồng với TVB và các nghệ sĩ ký hợp đồng không được phép xuất hiện trên các đài truyền hình khác – thành thật mà nói, bạn không thể tìm thấy “chiến lược” này ở bất kỳ nơi nào khác. Nhìn từ quan điểm của TVB, việc để mất vị thế “độc quyền” các nghệ sĩ (ca sĩ) có thể không có bất kỳ ảnh hưởng tức thời nào tới tỷ suất xem đài hay thậm chí sự vận hành của công ty này, nhưng chắc chắn đối với họ đó sẽ là một “quả bom hẹn giờ” – ngay cả khi được chôn sâu – có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào và đặt họ vào tình cảnh tự diệt.

Một vấn đề cuối cùng cần cân nhắc: các nghệ sĩ Hồng Kông nổi danh là những nghệ sĩ giải trí “đa năng” – có nghĩa là họ tham gia vào điện ảnh, truyền hình và âm nhạc cùng một lúc. Vì thế, “độc quyền” hầu hết các ca sĩ Hồng Kông tương đương với việc “độc quyền” hầu hết các nghệ sĩ giải trí Hồng Kông – một điều mà từ khía cạnh kinh doanh chắc chắn là phương thức hiệu quả nhất để “triệt hạ” sự cạnh tranh. Không may là ngành công nghiệp thu âm của Hồng Kông đã đánh mất hầu hết hào quang trong quá khứ và những “món hời” mà TVB có khả năng mang lại trước kia không còn rõ ràng như trước nữa - thực tế, một số nghệ sĩ gần như phải “bỏ tiền túi” để làm việc cho TVB và thậm chí nếu họ sẵn sàng làm thế thì họ cũng không còn được hưởng những “phần thưởng” mà họ mong đợi nữa. Bằng cách “chống lại” TVB, thực ra họ có lợi hơn khi có khả năng nhận được sự ủng hộ (và coi trọng) từ các đài truyền hình địa phương khác cũng như các đài phát thanh. Ở phía đối lập - nếu TVB tiếp tục “chống lại” HKRIA, việc đó cuối cùng có thể ảnh hưởng tới các đài truyền thông nhỏ khác vẫn còn “thân thiện” với TVB… và khi mọi chuyện đi tới mức ảnh hưởng tới công việc và quyền lợi của những người khác thì tình huống đó có khả năng sẽ đặt TVB vào thế cô lập hơn nữa.


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Asian Fanatics