Tin tức

Di sản kiến trúc Trung Hoa cổ qua câu chuyện gia tộc kiến trúc sư họ Lôi

17/05/2023

Năm 1860, vào một đêm tàn khốc liên quân Anh-Pháp cướp phá và đốt phá Viên Minh Viên, Cố Cung ở Bắc Kinh, Lôi Cảnh Tu, đứng đầu Dạng Thức Án, tức viện kiến trúc của triều đình lúc bấy giờ, rất nóng lòng muốn biết chính xác chuyện gì đang xảy ra.

Ông cùng con trai và các đồng liêu liều mình lao đến văn phòng ở Viên Minh Viên, cứu lấy tài liệu kiến trúc và các mô hình liên quan đến kiến trúc cung đình của triều đại nhà Thanh (1644-1911) và mang chúng về nhà.

Một cảnh trong Yangshi Lei, phim tài liệu về một gia tộc kiến trúc sư thịnh vượng dưới triều đại nhà Thanh (1644-1911). Lôi Tư Khởi, con trai của Lôi Cảnh Tu, thành viên thế hệ thứ năm, làm mô hình trong khi chuẩn bị tái thiết Viên Minh Viên

Nỗ lực gan dạ của họ đã cứu tư liệu không bị phá hủy. Những ghi chép còn sót lại đóng vai trò quan trọng để các kiến trúc sư nghiên cứu các thiết kế và xây dựng kiến trúc hoàng thành nhà Thanh nhiều thập kỷ sau đó, đồng thời giúp những người ở thời hiện đại có được cái nhìn thoáng qua về quá khứ huy hoàng của vườn ngự uyển.

Câu chuyện được kể lại trong bộ phim tài liệu dài năm tập Yangshi Lei, do trung tâm phim truyền hình và phim tài liệu của China Media Group sản xuất, và phát sóng trên kênh phim tài liệu của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc vào tháng 3.

Lôi Thị là gia tộc kiến trúc sư thịnh vượng trong triều đại nhà Thanh. Nhiều thành viên từng là kiến trúc sư trưởng cho triều đình nhà Thanh và thiết kế các công trình hiện là di sản văn hóa thế giới ở Trung Quốc, bao gồm Cố Cung (Cung điện Mùa hè) ở Bắc Kinh, lăng mộ hoàng gia phía đông và phía tây, và khu nghỉ dưỡng trên núi ở Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc.

Thành viên thế hệ thứ năm Lôi Cảnh Tu kiểm tra tư liệu cứu được từ Viên Minh Viên bị tàn phá, cũng chính là Cố Cung, năm 1860

Thịnh suy thăng trầm

Bộ phim tài liệu kể câu chuyện Lôi gia, để mọi người có thể thấy các ý tưởng được truyền lại và kế thừa như thế nào trong một gia đình gồm những người thợ lành nghề sáng tạo, đồng thời hiểu sâu hơn trí tuệ và khả năng sáng tạo của các nghệ nhân Trung Quốc cổ, Liu Qian, nhà sản xuất của bộ phim tài liệu chia sẻ.

Theo Liu Qian, tám thế hệ của gia tộc này trải hơn 200 năm phục vụ triều đình nhà Thanh, và vận mệnh của gia tộc gắn liền với sự hưng thịnh và suy vong của triều đại.

Câu chuyện Lôi gia bắt đầu khi Lôi Phát Đạt, một nghệ nhân nghề mộc, ở tuổi 64 đưa ra quyết định hệ trọng di cư từ Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay lên kinh đô Bắc Kinh, vì triều đình nhà Thanh đang tuyển dụng thợ thủ công lành nghề khắp cả nước để xây dựng quần thể kiến trúc cung đình thời Khang Hy (1662-1722).

Với tay nghề thành thạo, Lôi Phát Đat đã được tuyển dụng và tham gia vào việc tái thiết Tử Cấm Thành. Kể từ đó, các thế hệ nhà họ Lôi đã làm việc tại Dạng Thức Án, và nhiều người trong số họ đã thăng đến chức chưởng án nhờ kỹ năng xuất chúng.

Thành viên thế hệ thứ ba Lôi Thanh Trừng (giữa) học nghề từ nhỏ

“Chúng tôi tập trung vào câu chuyện của các thành viên trong gia đình, vì câu chuyện về con người luôn hấp dẫn,” Liu Qian nói. “Mỗi tập kể chuyện về một hoặc hai thế hệ, xem lịch sử nhà Thanh từ quan điểm của gia đình này.”

Ví dụ, phim xây dựng tỉ mỉ câu chuyện về một người phụ nữ họ Zhang, không để lại tên họ đầy đủ trong bút tích, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc kế thừa và truyền lại nghề xây dựng, và danh vọng của gia tộc ngày càng mở rộng.

Năm 1729, dưới thời Ung Chính (1722-1735), con trai của Lôi Phát Đạt là Lôi Kim Ngọc, được hoàng đế công nhận và nổi tiếng rộng khắp nhờ nỗ lực thiết kế và xây dựng Viên Minh Viên, qua đời mà không truyền nghề cho con cháu.

Do đó, bốn người con trai của Lôi Kim Ngọc chọn làm nghề khác, chỉ còn lại Zhang, người vợ chót của Lôi Kim Ngọc, còn trẻ và mới sinh đứa con trai thứ năm của ông, Lôi Thanh Trừng, ba tháng trước khi ông qua đời.

Lôi Phát Đạt, nghệ nhân nghề mộc, mở ra thành tựu cho gia đình khi là kiến trúc sư của triều đình

Sau khi phân chia tài sản gia đình, Zhang sống tách biệt với những người con trai khác của Lôi Kim Ngọc và một mình nuôi dạy Lôi Thanh Trừng. Một tấm bia tưởng niệm người phụ nữ do con cháu bà lập nhiều năm sau ghi lại rằng họ đã sống một “cuộc sống cực kỳ nghèo khó” vào thời điểm đó.

Nhưng nhờ nỗ lực của thân mẫu, Lôi Thanh Trừng đã có cơ hội học hỏi các kỹ năng xây dựng từ các đồng nghiệp của cha mình từ thời thơ ấu và tiếp tục nghề của tổ tiên tại Dạng Thức Án khi lớn lên. Ba người con trai của Lôi Thanh Trừng đều kế nghiệp cha và phát huy hết tài hoa và kỹ năng của mình dưới thời Càn Long (1736-1796), thời kỳ thịnh vượng của các công trình xây dựng của triều đình.

“Nhà họ Lôi rơi vào vực thẳm, hai lần tổ nghiệp suýt bị mai một. Nhưng trong gia tộc luôn có người đứng ra, lật ngược tình thế bằng nỗ lực mạnh mẽ và đưa gia tộc lên một đỉnh cao mới trong nghề,” Liu Qian nói.

Qua bộ phim, người ta thấy cái được lưu truyền trong lịch sử lâu đời không chỉ là một nghề thủ công mà còn là tinh thần quật cường, cần cù, tỉ mỉ của người nghệ nhân,” bà nói thêm.

Đoàn phim đã dành cả năm 2022 để quay phim vì họ muốn thể hiện vẻ đẹp của kiến trúc nhà Thanh trong bốn mùa mà Lôi gia đã chung tay xây dựng

Ảnh hưởng bền vững

Theo Hoắc Minh, tổng đạo diễn bộ phim tài liệu, các thành viên đoàn phim đã dành cả năm 2022 để quay phim vì họ muốn thể hiện vẻ đẹp của kiến trúc nhà Thanh trong bốn mùa mà Lôi gia đã chung tay xây dựng.

“Kiến trúc Trung Hoa cổ đề cao sự hài hòa giữa thiết kế và môi trường tự nhiên, nghĩa là sự thay đổi của các mùa giúp kiến trúc thể hiện vẻ đẹp và sự quyến rũ khác nhau,” Hoắc Minh nói.

Tư liệu từ văn khố Yangshi Lei hiện được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh, làm tài liệu tham khảo cho việc sản xuất và nghiên cứu của nhiều học giả về Lôi gia và kiến trúc cổ.

Chu Khải Kiềm, người bắt đầu ghi lại lịch sử kiến trúc Trung Quốc một cách có hệ thống, đã có đóng góp to lớn trong việc giìn giữ tư liệu không bị thất lạc trong thời hỗn loạn những năm 1930.

Một cảnh trong bộ phim tài liệu thể hiện Cố Cung ở Bắc Kinh, một công trình do Lôi gia thiết kế

Năm 1930, khi con cháu Lôi gia đem các tài liệu lưu trữ và mô hình kiến trúc của tổ tiên bán đi làm kế sinh nhai, Chu Khải Kiềm đảm bảo rằng các tư liệu và mô hình sẽ được Thư viện Quốc gia Bắc Bình, tiền thân của Thư viện Quốc gia Trung Quốc, thu thập. Nhờ vậy các tài liệu lưu trữ được cất giữ an toàn.

Chu Khải Kiềm cũng tiến hành nghiên cứu lịch sử gia phả, các ghi chép và thư từ mà con cháu Lôi gia mang đến cho ông.

Bộ phim tài liệu kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Chu Khải Kiềm vào năm 2022. “Chính Chu Khải Kiềm là người đã nhìn xa trông rộng nhận ra giá trị tư liệu của Yangshi Lei và lưu giữ di sản văn hóa kiến trúc quý giá trong thời kỳ hỗn loạn. Ông cũng để lại cho chúng ta câu chuyện huyền thoại về một gia tộc kiến trúc sư cung đình,” Hoắc Minh nói.

Theo Liu Qian, một thời gian dài giới kiến trúc phương Tây tin rằng kiến trúc của Trung Quốc chỉ được xây dựng theo kinh nghiệm của các nghệ nhân mà không có thiết kế cẩn thận. Và sự hiểu lầm đó là do ở Trung Quốc thời xưa, các kỹ thuật kiến trúc cổ được truyền miệng hoặc nghề dạy nghề, mà không để lại di sản bằng chữ viết hay hình vẽ.

Tám thế hệ Lôi gia trải hơn 200 năm phục vụ triều đình nhà Thanh, và vận mệnh của gia tộc gắn liền với sự hưng thịnh và suy vong của triều đại

Liu Qian cho biết: “Lôi Thị là gia tộc kiến trúc sư duy nhất đã để lại những tài liệu phong phú bằng văn bản như kho lưu trữ thiết kế kiến trúc, gia phả, ghi chép và thư từ của các thành viên trong gia đình.”

“Nghiên cứu của chúng tôi về tư liệu của họ chứng minh rằng các tòa nhà cổ của Trung Quốc có ý tưởng thiết kế hoàn chỉnh và có hệ thống, đồng thời phản ánh trí tuệ của các nghệ nhân Trung Quốc thời xưa. Nó cũng giúp lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu về lịch sử kiến trúc cổ của Trung Quốc,” bà nói thêm.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily