Tin tức

Điện ảnh Hàn Quốc vẫn chưa ra khỏi cát lún hậu đại dịch

16/05/2023

Liệu ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có thể đứng vững trở lại?

Không phải các rạp vẫn vắng khách như hồi đại dịch, mà thực tế là những siêu phẩm phòng vé thu hút khán giả gần đây dường như đều là phim nước ngoài, kể từ Avatar: The Way of Water năm ngoái, chỉ một mình phim này vượt mốc 10 triệu lượt bán vé, cho đến những thành công liên tiếp gần đây của phim hoạt hình Nhật Bản The First Slam DunkSuzume.

Đạo diễn James Cameron tại sự kiện ra mắt Avatar: The Way of Water ở Hàn Quốc, phim duy nhất vượt mốc 10 triệu lượt bán vé năm 2022

Số lượng khán giả đến rạp từ đầu năm đến tháng 3, theo tính toán của mạng máy tính bán vé tích hợp của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (Kofic), chưa bằng một nửa — 45,7% ở mức 25 triệu — so với cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch. Theo Kofic, điều này là do thiếu phim trong nước ăn khách.

Không phải các đạo diễn Hàn Quốc ngừng làm việc. Chỉ có điều họ không biết khi nào nên nhấn nút phát hành.

Theo những người trong ngành, có khoảng 90 phim Hàn Quốc đã được sản xuất nhưng vẫn chưa ấn định ngày phát hành. Khán giả trong nước phàn nàn không có phim Hàn Quốc nào đáng xem, trong khi các công ty điện ảnh phàn nàn họ không thể phát hành phim do lượng khán giả đến rạp giảm.

“Nếu số lượng khán giả hàng năm của năm nay vẫn ở mức 1 triệu như năm ngoái, đầu tư vào phim có thể giảm xuống một nửa so với năm trước và bản thân thị trường có thể thu hẹp vô thời hạn,” Lee Ha Young, Giám đốc điều hành Haha Films và là tác giả của cuốn sách phân tích công thức phòng vé Hàn Quốc, Film Distribution and Box Office, cho biết.

Rebound

“Cuối cùng, thị trường và ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có thể chết,” Lee nói, đặt ra án tử cho bối cảnh điện ảnh nội địa sôi động trước đây.

Nói cách khác, Lee Ha Young cho rằng rất có thể những khó khăn hiện tại mà phim Hàn phải đối mặt có thể trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Lý do đằng sau những bộ phim sản xuất trong nước không thành công ở phòng vé rất phức tạp.

Trong tháng này, ba công ty điều hành cụm rạp chiếu lớn nhất — CJ CGV, MegaBox và Lotte Cinema — đang trợ cấp cho các bộ phim nội địa khởi chiếu ở Hàn Quốc, dẫn đến việc phát hành Rebound, Killing RomanceDream. Mặc dù kế hoạch trợ cấp giúp những bộ phim này cuối cùng cũng được ra mắt khán giả địa phương, nhưng vẫn chưa rõ liệu việc này có thể phá vỡ rào cản hay không.

Killing Romance

Một số phim đã ấn định ngày phát hành, bao gồm The Roundup: No Way Out, phim thứ ba trong chuỗi nối tiếp The Outlaws (2017) và The Roundup (2022), cả hai đều cán mốc 10 triệu vé doanh thu, Smugglers của đạo diễn Ryoo Seung Wan, và 1947 Boston, kể câu chuyện có thật về một cuộc chạy marathon quốc tế sau khi Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật Bản. Nhưng ngoài những phim này ra, hầu hết các tác phẩm trong số khoảng 90 phim nội địa đã được thực hiện và bị hoãn chiếu do đại dịch đều chưa ấn định ngày phát hành.

Bogota do nam diễn viên Song Joong Ki dẫn dắt, phim khoa học giả tưởng The Moon, một phim khoa học giả tưởng khác Wonderland Citizen Deok-hee, do Ra Mi Ran đóng chính, là một vài trong số nhiều bộ phim được mong đợi hơn mà vẫn chưa ấn định ngày phát hành.

Thông lệ “ghìm hàng” trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn sụp đổ cũng là một yếu tố góp phần làm chậm quá trình bình thường hóa rạp chiếu phim, khi nội dung ngày càng được chuyển thẳng đến các dịch vụ phát trực tuyến. Thuật ngữ “ghìm hàng” chỉ khoảng thời gian cách quãng từ lúc kết thúc chiếu rạp một bộ phim đến khi phát hành phim đó trên các nền tảng khác, chẳng hạn như dịch vụ phát trực tuyến.

Dream

Thông thường, thời gian “ghìm hàng” kéo dài khoảng 45 ngày — nghĩa là sau khi kết thúc chiếu rạp, khán giả sẽ phải đợi 45 ngày để xem phim trên dịch vụ phát trực tuyến. Nhưng từ khi xảy ra đại dịch, thời gian “ghìm hàng” đã giảm xuống chỉ còn hai tuần hoặc lâu nhất là một tháng.

Kết quả là, thói quen xem của mọi người đã thay đổi. Giờ đây, kể cả khi không cần đến rạp chiếu phim, bạn vẫn có thể sớm xem được phim mới trên dịch vụ phát trực tuyến chỉ cần thêm một chút kiên nhẫn.

“Tôi nghe nói khi các dịch vụ phát trực tuyến mua một bộ phim trị giá 10 tỉ won [7,6 triệu USD] từ các nhà đầu tư và nhà phân phối, họ sẽ yêu cầu ký hợp đồng với các tác phẩm khác theo gói và ấn định điều kiện cho thời gian ‘ghìm hàng’,” một quan chức của một công ty sản xuất yêu cần giữ ẩn danh cho biết. “Không dễ từ chối những đòi hỏi này, vì chúng tôi phải lấy lại tiền đầu tư vào phim để vận hành công ty.”

Smugglers

Những tiếng nói trong ngành công nghiệp điện ảnh đang kêu gọi một quy định bình thường hóa thông lệ cách quãng, để phim được chiếu rạp trong một thời gian ổn định trước khi chuyển sang các dịch vụ phát trực tuyến.

Cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giá vé, vốn đã tăng ba lần trong thời đại dịch, đang kìm hãm bình thường hóa việc đi xem rạp. Tăng giá vé là một phương pháp tự cứu cho các rạp gặp khó khăn, nhưng do gánh nặng về giá đối với người tiêu dùng, lượng người xem giảm mạnh và tâm lý đối với phim ảnh của công chúng trở nên khắc nghiệt hơn.

Có những dự đoán thận trọng rằng sẽ còn khá lâu nữa phim Hàn mới ồ ạt trở lại rạp. Là do gần như không thể hạ giá vé vốn đã tăng lên, và các nhà phân phối đang kìm việc phát hành phim để xem liệu rạp chiếu có phục hồi sau khi The Roundup: No Way Out ra mắt hay không.

1947 Boston

Những người khác có quan điểm hy vọng hơn.

“Thật không may là chúng ta không thể xem Space Sweepers trên màn ảnh rộng, nhưng nhờ phát hành trên dịch vụ phát trực tuyến, nhiều người đã xem được bộ phim trong thời kỳ đại dịch,” Jeong Guen Wook, phó chủ tịch của Merry Christmas, công ty đầu tư và phân phối đã phát hành bộ phim khoa học giả tưởng Space Sweepers (2021) trên Netflix, nói.

“Chúng tôi bắt đầu làm việc với các dịch vụ phát trực tuyến khác như Disney+ sau kinh nghiệm đó. Vì phim truyền hình và điện ảnh có hệ thống sản xuất khác nhau và mô hình tiêu thụ của khán giả đang thay đổi, nên việc kết hợp sản xuất hỗn hợp có thể có tác động tích cực đa dạng hóa nội dung về lâu dài. Tôi không nghĩ nhất thiết là có một bên thua.”

Các nhà phân phối đang kìm việc phát hành phim để xem liệu rạp chiếu có phục hồi sau khi The Roundup: No Way Out (ảnh) ra mắt hay không

Một số công ty đang phải đối mặt với sự thay đổi phạm vi sản xuất và phân phối trực tiếp. Các công ty như Barunson E&A, công ty sản xuất đã đạt được thành công lớn với các bộ phim như Ký sinh trùng (2019) và đã mở rộng sang lĩnh vực đầu tư và phân phối, và MindMark, công ty phân phối trực thuộc Shinsegae, là một vài ví dụ. Barunson E&A gần đây đã tập trung vào đầu tư mới và kinh doanh phân phối trên các thị trường nước ngoài tiên phong có thể bù đắp cho thị trường phim khó khăn trong nước.

“Ngành điện ảnh đang gặp khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng phim Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh,” Kwak Shin Ae, giám đốc điều hành của Barunson E&A, cho biết. “Êkíp đẳng cấp thế giới và cơ sở hạ tầng công nghiệp sẽ không biến mất dễ dàng như vậy. Chúng tôi đang tìm kiếm nhiều cách khác nhau để mở rộng ra thị trường nước ngoài nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.”

Thành công liên tiếp gần đây của phim hoạt hình Nhật Bản như The First Slam Dunk ở phòng vé Hàn

Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có thể vượt lên những phức tạp và thách thức này hay không thì còn phải chờ xem.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily