Tin tức

Diện mạo mới của Tây Tạng trên phim ảnh

17/07/2012

Điều gì nảy ra trong đầu bạn khi nghĩ đến Tây Tạng? Các cao nguyên hay người dân du mục? Hay một kiểu sống cô lập và không thay đổi?

Old Dog

Old Dog, tác phẩm của đạo diễn người Tây Tạng Pema Tseden, đoạt giải phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Brooklyn lần thứ 15 (BFF, giải thưởng dành cho những phim độc lập đến từ các quốc gia khác nhau), phác họa văn hóa Tây Tạng đích thực trong một xã hội đầy biến động, phá vỡ nhiều quan điểm truyền thống của người ngoài về vùng đất này.

Khởi chiếu từ năm 2011, bộ phim đến nay đã giành tám giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, bao gồm cả Liên hoan phim quốc tế Tokyo FILMeX năm ngoái và Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông.

"Tôi hy vọng phim phản ánh được phẩm chất của con người quê hương mình, giữ vững được văn hóa và truyền thống địa phương," đạo diễn Pema Tseden cho biết.

Cuộc đời chú chó

Cảnh quay từ Old Dog

Được quay tại một vùng Tây Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải phía tây Trung Quốc, Old Dog kể câu chuyện về một gia đình người Tây Tạng và chú chó già của họ, một chú chó ngao Tây Tạng. Phim diễn ra tại một ngôi làng trong những năm 1990, khi mà việc trộm chó rất phổ biến. Gonpo, nhân vật chính, lên kế hoạch bán chú chó cho người thành phố.

Nhưng cha của Gonpo, Akhu, khăng khăng đòi và mua lại chú chó, sau khi con trai ông đã bán.

Cuộc tranh cãi giữa hai cha con này khiến cho những vụ việc căng thẳng khác xuất hiện: ví dụ, người cha lo rằng Gonpo và vợ anh Rikso, mặc dù đã kết hôn ba năm, nhưng vẫn chưa có con.

Câu chuyện hài hước nhưng cũng bi thương. Cuối phim, người cha chọn một cách nhẹ nhàng để kết thúc cuộc đời chú chó già thay vì bán nó đi, khiến khán giả trầm ngâm về xu hướng tác động của thế giới vật chất bên ngoài đến cuộc sống tại Tây Tạng.

"Mặc dù câu chuyện là hư cấu, nhưng phẩm chất này là thật và sâu nặng," Dukar Tserang, thiết kế âm thanh của Old Dog, cho biết.

Đạo diễn đã phác họa khía cạnh chân thật trong cuộc sống của người Tây Tạng và những suy ngẫm sâu sắc nhất của họ. Đồng hành với những cảnh quan thiên nhiên như núi cao, trời xanh và đồng cỏ, toàn bộ phim rất nên thơ, Tserang cho Global Times biết.

Mặc dù không phải phim tài liệu, bộ phim ghi lại những mất mát và mâu thuẫn mà người Tây Tạng phải đối mặt trong một xã hội thiên về vật chất, nhà phê bình văn hóa Lâu Hiểu Nguyên nói. Chú chó đại diện cho phẩm chất của những người chăn cừu, và bằng việc miêu tả sự thay đổi trong suy nghĩ của con người, bộ phim đã đưa vào phép ẩn dụ về một điều lớn hơn: làm thế nào để bảo vệ văn hóa Tây Tạng trong một thế giới ngày càng phức tạp.

Ống kính hiện thực

The Search

Phim của Pema Tseden thường phản ánh khía cạnh nhân văn của văn hóa Tây Tạng. Được phong là “thế hệ đầu tiên” của làng đạo diễn Tây Tạng Trung Quốc, Tseden đã tạo dựng danh tiếng cho chính mình thông qua những tác phẩm trước về Tây Tạng, The Silent Holy Stones (2005) và The Search (2007).

The Silent Holy Stones

.The Silent Holy Stones kể câu chuyện về một cặp cha con thầy tu sống tại Tây Tạng, phản ánh ảnh hưởng khó thấy mà văn hóa hiện đại gây ra đối với lối sống cục bộ của họ. Sau khi bộ phim được khởi chiếu, khán giả tại quê nhà và nước ngoài thích thú với những hình ảnh của thầy tu Tây Tạng được thể hiện trong phim.

"Ấn tượng của hầu hết mọi người về thầy tu Tây Tạng là sự nghiêm túc," Tseden nói. Chắc hẳn khán giả ngạc nhiên khi xem phim, nhưng đây là cuộc đời thật của giới tăng lữ Tây Tạng. Thầy tu Tây Tạng hay Lạt ma sống trong các chùa có cảm xúc như những người bình thường. Ông nói rằng Tây Tạng, như tên của bộ phim, luôn có vẻ yên tĩnh và bất biến, nhưng thật ra thay đổi từng ngày dưới tác động của văn hóa bên ngoài.

Không giống như những đạo diễn không phải là người bản địa chỉ tập trung vào những nhóm nhất định hoặc sử dụng những biểu tượng để định nghĩa Tây Tạng, Pema Tseden phản ánh Tây Tạng thông qua những chi tiết hàng ngày.

"Nhiều kiến thức về Tây Tạng của mọi người là từ những năm 1980," Tseden nói, và điều này là do những bộ phim và những tác phẩm văn học sai lầm. The Silent Holy Stones không phải là tác phẩm được nhiều người trông đợi. "Tôi hy vọng mọi người có thể thấy một Tây Tạng đích thực trong phim của mình," ông cho biết thêm.

Việc sử dụng nhiều những cảnh quay từ khoảng cách xa và diễn viên mới cũng là những đặc điểm khác biệt trong phim của ông.

"Quay từ góc xa giống với quan điểm mỹ học của Tây Tạng," Tseden nói. "Như Thang-ga (một phong cách hội họa độc đáo được tìm thấy ở Tây Tạng, bắt nguồn từ thời nhà Đường (618-907)), toàn bộ câu chuyện có thể được kể một cách rõ ràng trong phim."

Những cảnh quay từ xa kể cho khán giả câu chuyện thực tế và cho diễn viên cơ hội để thể hiện đời sống của họ nhưng cũng cho đạo diễn một phạm vi giới hạn để áp đặt suy nghĩ của họ.

Thông qua sự phác họa đơn giản đời sống Tây Tạng, bộ phim này còn ấn tượng hơn những phim chỉ cố đặc trưng hóa hoặc cường điệu hóa Tây Tạng, Dukar Tserang nói.

Phim về dân tộc thiểu số

The Salt Men of Tibet

Trong quá khứ, nhiều đạo diễn đã có hứng thú với đề tài Tây Tạng. Những phim về Tây Tạng nổi tiếng của các đạo diễn nước ngoài bao gồm The Salt Men of Tibet (1997) của đạo diễn người Đức Ulrike Koch và Himalaya (1999) của đạo diễn người Pháp Eric Vall.

Những phim về Tây Tạng trong nước bao gồm Nông nô (1963) do Lý Tuấn đạo diễn, Đạo mã tặc (1985) của Điền Tráng Tráng, Thung lũng Hồng Hà(1999) của Phùng Tiểu Ninh, và Mountain Patrol (2004) của Lục Xuyên. Những bộ phim này đều cố gắng phác họa Tây Tạng từ những góc độ và thời gian khác nhau.

"Những phim Tây Tạng xuất sắc có điểm chung," nhà phê bình văn hóa Dương Huệ Khâm nói. "Đó là sự tập trung vào con người. Điều này soi đường cho việc sản xuất những phim về dân tộc thiểu số khác, cô nói. Những phong tục khác nhau giữa các dân tộc tại Trung Quốc dẫn đến những nỗ lực làm phim phức tạp. Khám phá những cảm xúc tiềm ẩn của con người đem lại sự đồng cảm cho khán giả.”

Nhiều phim phản ánh văn hóa của người dân tộc tiểu số rất hời hợt, Pema Tseden nói.

"Để đi sâu vào, chúng ta cần kể những câu chuyện cá nhân," ông nói.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi