Tin tức

Điều gì khiến Gone with the Wind sống bền bỉ đến tuổi 75

24/09/2014

Hàng ngàn người hâm mộ đã bất chấp giá buốt của ngày 15/12/1939, Gone with the Wind công chiếu thế giới tại Atlanta — ba ngày đỉnh điểm rợp sao điện ảnh của một sự kiện ăn mừng phù phiếm.

Bộ phim sử thi về cuộc Nội chiến có sức ảnh hưởng sâu rộng dựa theo tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Margaret Mitchell đã càn quét 10 giải Oscar (trong đó có giải nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Hattie McDaniel, trong vai người vú da đen bộc trực, trở thành nữ diễn viên Mỹ gốc Phi đầu tiên được đề cử và thắng giải Oscar).

Gone with the Wind thắng 10 giải Oscar (trong đó có nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Hattie McDaniel, trở thành nữ diễn viên Mỹ gốc Phi đầu tiên được đề cử và đoạt giải Oscar). Ảnh trên, Hattie McDaniel trong vai bà vú da đen thẳng tính cùng nàng Scarlett (Vivien Leigh) [Ảnh: Turner Entertainment Co.]
Để kỷ niệm sinh nhật thứ 75, bộ phim sẽ được trình chiếu ở hơn 650 rạp trên khắp nước Mỹ vào ngày 28/9 và 1/10, do Turner Classic Movies tài trợ, và một phiên bản Blu-Ray/DVD đặc biệt sẽ được phát hành.

"Điều khiến tôi sửng sốt là Gone with the Wind tồn tại và thắng lợi vẻ vang cả trong một thế giới vô cùng đổi thay 75 năm sau," Robert Osborne, sử gia điện ảnh và dẫn chương trình trên kênh TCM sẽ giới thiệu buổi phát sóng đặc biệt bộ phim này vào ngày 29/9. "Phim vẫn khiến người ta xúc động y như hồi đó."

Mặc dù rất nhiều bản phim gốc đã biến mất, và nhiều diễn viên (trong đó có cặp đôi chính Clark Gable và Vivien Leigh) đã qua đời, vẫn còn rất nhiều điều để nói về một bộ phim có sức sống bền bỉ. Nổi bật là:

• Bộ váy màn. Trung tâm Harry Ransom của University of Texas-Austin đang triển lãm ba bộ phục trang gốc lần đầu tiên trong suốt 25 năm. Nhưng "ngôi sao của triển lãm" là bộ "váy màn" màu xanh lá cây mà nàng Scarlett O'Hara (Leigh) túng bấn đã làm từ chất liệu duy nhất còn lại trong nhà cô.

Trong bức ảnh chụp ngày 27/8 này, nhà bảo tồn Mary Baughman giúp chuẩn bị "bộ váy màn" màu xanh lá từ phim Gone with the Wind để trưng bày tại Trung tâm Harry Ranson của University of Texas
Bộ váy tiêu tốn 10.000 đôla cho công tác bảo tồn, trong đó có một váy phồng và váy lót mới để tạo dáng ban đầu đã thể hiện trên màn ảnh. Kết quả là đáng tiền, theo nhà quản lý triển lãm Steve Wilson. "Thật tuyệt vời. Bộ váy có dáng vẻ mà bản gốc không có," ông nói. "Bạn có cảm giác rất thực về Scarlett O'Hara và Vivien Leigh khi đến gần những bộ váy này, và người ta chỉ ra rằng cô ấy rất nhỏ nhắn."

Bộ sưu tập của trung tâm còn trưng bày thêm hình ảnh và thư từ từ nhà sản xuất David O. Selznick. Hai bộ váy bản gốc khác từ bộ sưu tập này, trong đó có váy cưới của Scarlett, không được đem ra trưng bày vì chúng quá mỏng manh cần được phục chế thêm. Thay vào đó là hai bản sao được làm rất công phu.

• Olivia de Havilland. Nữ diễn viên đã thể hiện nhân vật Melanie Hamilton tốt bụng đã mừng sinh nhật thứ 98 hôm 1/7 vừa qua. Nữ diễn viên hai lần đoạt Oscar này sống ở Paris từ những năm 1950. Sử gia Osborne là bạn của bà và vẫn giữ liên lạc.

"Cô ấy thỉnh thoảng có vấn đề về sức khỏe của những người ở tuổi 90," ông nói. "Nhưng cô vẫn sôi nổi, sắc sảo và rất năng động."

Olivia de Havilland, nữ diễn viên thể hiện vai Melanie Hamilton trong Gone With the Wind, ngồi chụp chân dung cho USA TODAY tại New York năm 1998. Bà đã mừng sinh nhật 98 hôm 1/7/2014 [Ảnh: Peter Freed, USA TODAY]
Và ông nói bà rất hào hứng khi biết bộ phim được trở ra rạp nhân dịp sinh nhật này. "Cô rất tự hào về bộ phim; đây là di sản của cô." Vậy mà bà vẫn ngạc nhiên trước sức bền bỉ của bộ phim.

"(Olivia) nói cô đã hy vọng như thế cho bộ phim này. Cô từng nghĩ phim có thể được trình chiếu trong năm-sáu năm. Giờ đã khác xưa rất nhiều. Thời bây giờ phim ra rạp; người ta xem rồi phim biến mất," Osborne nói. "Nhưng phim này không bao giờ biến mất."

• Tara. Bối cảnh mặt tiền cho trang trại hư cấu Tara ở Georgia điêu tàn trong phim trường hãng MGM trước khi được dời đến vùng Atlanta, ở đây nó tàn tạ thêm vài năm nữa. (Tuy nhiên, cửa chính trau chuốt đã được phục chế và dựng ở bảo tàng Nhà Margaret Mitchell ở Atlanta.)

Sử gia địa phương kiêm hướng dẫn viên du lịch Peter Bonner đã thực hiện sứ mạng phục chế mặt tiền trang trại, giờ đã bị tháo rời để trong kho trại bò sữa. "Mọi kế hoạch cho mặt tiền trang trại Tara đều thất bại. Giờ nó ở chỗ trước kia dành cho lũ bò," Bonner nói.

Bức chân dung ngoại khổ của Scarlett O'Hara từ bộ phim trưng bày tại Bảo tàng Nhà Margaret Mitchell [Ảnh: Trung tâm lịch sử Atlanta]
• Chân dung của Scarlett. Ở vị trí trung tâm bảo tàng Nhà Margaret Mitchell là bức chân dung ngoại khổ của nàng O'Hara từ bộ phim. Bức chân dung vẫn còn những vết sẹo do Rhett Butler (Gable) chán nản ném cốc rượu vào nó trong cơn vỡ mộng.

Bức chân dung này được gửi đến Atlanta cho buổi chiếu ra mắt và trưng bày ở một cửa hàng hạng sang trước khi chuyển tới Trường tiểu học Margaret Mitchell. Bảo tàng Nhà Margaret Mitchell được cho mượn bức chân dung này từ năm 2004, Brandi Wigley của Trung tâm lịch sử Atlanta cho biết.

Ném cốc rượu vào tranh là không được phép. "Tôi e rằng hành động đó là bị cấm," Wigley nói.

• Frankly, my dear. Hồi năm 2005 Viện Điện ảnh Hoa Kỳ tổng hợp 100 lời thoại hay nhất trong lịch sử điện ảnh. Đứng đầu danh sách này là câu nói nổi tiếng của Rhett Butler kết thúc mối quan hệ dữ dội với O'Hara — "Frankly, my dear, I don't give a damn." (“Em thân mến, anh cóc cần.”)

Clark Gable và Vivien Leigh trong một cảnh phim Gone with the Wind lúc nhân vật Rhett Butler của Gable thốt ra câu thoại bất hủ kết thúc quan hệ dữ dội với O'Hara -- "Frankly, my dear, I don't give a damn." / "Em thân mến, anh cóc cần." [Ảnh: Warner Bros. Pictures]
Vì tính báng bổ mà nhà sản xuất Selznick đã phải chiến đấu với các nhà kiểm duyệt lúc đó để giữ câu thoại được yêu mến trong tiểu thuyết. Ông đã cân nhắc nhiều biến tấu, trong đó có, "Frankly, my dear, I just don't care," được bí mật quay để phòng hờ.

Trung tâm Ransom cũng trưng bày một bản ghi nhớ với những biến tấu khác cho câu thoại này, như "It leaves me cold," and, "I don't give a hoot."

"Những câu thoại biến thể không hề sát nghĩa và có cùng sức tác động," Osborne nói. "Giờ đây câu thoại đó đã trở nên bất tử."

• Kỷ lục phòng vé.Titanic, Avatar Star Wars thảy đều chịu thua vận may phòng vé của Gone with the Wind. Sau khi trượt giá lạm phát, phim đã thu được một con số không thể tin được là 1,6 tỉ đôla trong nước, đưa phim ngự trị chót vót trên hàng đống phim tranh nhau đầu bảng.

"Gone with the Wind là chuẩn mực vàng ở phòng vé, mà tất cả phim khác không thể sánh kịp," Paul Dergarabedian của Rentrak nói.

Nữ diễn viên mới nổi người Anh Vivien Leigh tỏa sáng trong một vai diễn thể hiện chính mình trong mọi cảnh phim [Ảnh: Turner Entertainment Co.]
• Scarlett O'Hara. Phim có hai ngôi sao thượng thặng thời bấy giờ: Gable và Leslie Howard (Ashley Wilkes). Nhưng chính gương mặt mới của nữ diễn viên người Anh Leigh mới thống lĩnh bộ phim — sau một cuộc tìm kiếm khắp nước Mỹ kể cả những ngôi sao mới nổi của Hollywood, trong đó có Bette Davis và Katharine Hepburn.

Leigh tỏa sáng trong một vai diễn thể hiện chính mình trong mọi cảnh phim.

"Với tất cả sự tuyệt vời và diễn xuất phi thường trong phim, không có Vivien Leigh vào vai chính này thì bộ phim không bao giờ có được tác động và sức sống đến thế. Cô ấy là người phù hợp hoàn hảo cho nhân vật Scarlett O'Hara," Osborne nói. "Vivien Leigh khiến vai diễn và bộ phim trở nên phi thời gian."

Nhân vật cứng đầu, hiện đại này cũng đi trước thời Nội chiến tức thập niên 1930 quá xa. "Quan điểm về vai trò của phụ nữ trong thế giới của Scarlett quá khác biệt và gần gũi với ngày nay hơn," Osborne nói thêm.

Bộ váy ngủ lụa bengaline của nàng Scarlett trong tuần trăng mật là bộ váy nguyên bản duy nhất được trưng bày vĩnh viễn ở Mỹ, tại Bảo tàng Gone with the Wind ở Marietta, bang Georgia [Ảnh: Marietta Gone with the Wind Museum: Scarlett on the Square]
• Bộ váy ngủ trăng mật. Bộ váy ngủ tuần trăng mật bằng lụa bengaline của Scarlett là bộ váy nguyên bản duy nhất được trưng bày vĩnh viễn ở Mỹ, tại Bảo tàng Gone with the Wind ở Marietta, bang Georgia. Vào thời trước khi nổi tiếng để trưng bày làm kỷ vật đáng nhớ, hầu hết váy áo được dùng lại trong những phim sau đó.

"Có người đã thấy trước rằng phim này sẽ khác, và bộ phim đã tồn tại lâu dài," Connie Sutherland, giám đốc bảo tàng, nói. "Khá là nín thở mà xem đấy."

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: USA Today


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi