Tin tức

Dự báo hạn hán chết chóc ở tương lai giả tưởng của Hollywood

15/10/2014

Tình trạng khô hạn trên toàn cầu đe dọa nguồn cung lương thực và nước sạch cho hàng tỉ con người cũng đang ập lên các phim tương lai giả tưởng trào lưu.

Antonio Banderas, giữa, trong một cảnh phim Automata

Automata do Antonio Banderas dẫn dắt đã ra rạp ở Mỹ ngày 10/10 (phát hành ở Việt Nam ngày 17/10 với tựa Số hóa) lấy bối cảnh tương lai năm 2044 hầu như cạn kiệt nước, còn Young Ones của Jake Paltrow (ra rạp ở Mỹ ngày 17/10) có cái nhìn u ám tương tự trong một tương lai không nói rõ.

Interstellar của Christopher Nolan (ra rạp ngày 7/11, dự kiến phát hành cùng ngày ở Việt Nam với tựa Hố đen tử thần) đã vô tình tiết lộ trên các trailer một thế giới phủ đầy bụi, một phần của bức tranh tổng thể về một hành tinh kiệt quệ, không người ở. Robert Pattinson và Guy Pearce lang thang trong cảnh quan cằn cỗi trong tương lai trên phim The Rover (chỉ phát hành bản Blu-ray/DVD). Còn Mad Max: Fury Road (tháng 5/2015) diễn ra ở một quang cảnh hoang vắng tương tự.

Có lý do khiến cho vấn nạn thiếu nước nằm trong suy nghĩ của các nhà làm phim.

"Nước là một trong những đề tài quan trọng hiện nay đối với nhân loại. Kết quả, đây là một trong những đề tài cực kỳ quan trọng của phim khoa học giả tưởng," Gabe Ibáñez, đạo diễn của Automata, nói. "Người ta hết sức lo lắng về hiện trạng nước. Hiện trạng này tác động đến tất cả mọi người. Và chúng ta biết chuyện này sẽ trở thành vấn đề ở thế kỷ tới, thế nên tất nhiên là nó sẽ diễn ra trên phim."

Thế giới phủ đầy bụi trong Interstellar

Jessica Yu, đạo diễn bộ phim tài liệu Last Call at the Oasis năm 2012, nói các nhà làm phim tài liệu cảm thấy sức ép đừng "đi quá xa" trong việc cảnh báo về nguồn cung cấp nước bấp bênh của thế giới. Phim có thể khiến khán giả quá hoảng sợ.

Nhưng khi là phim khoa học giả tưởng, cảnh quan tương lai không dung thứ lập tức khai thác nỗi sợ của con người và là phương pháp kể chuyện hiệu quả.

"Có tác động sâu sắc vì nó bắt nguồn từ hiện thực. Chúng ta không cần sáng chế ra những kẻ xâm lăng ngoài hành tinh phá hủy Trái đất," đạo diễn Yu nói. "Thảm họa môi trường là một phần của tương lai tận thế dứt khoát là ảnh hưởng mạnh mẽ tới khán giả."

Tình trạng hủy diệt trong tương lai giả tưởng không phải lúc nào cũng là lỗi của con người. Ví dụ, thế giới của Autómata đã lụi tàn do một cơn bão mặt trời. Nhưng hoàn cảnh khắc nghiệt này giúp đẩy tới câu chuyện mà không cần phải là câu chuyện. Young Ones thể hiện gia đình của nhân vật người nông dân do Michael Shannon đóng cố gắng bảo vệ mảnh đất từng có thời màu mỡ của anh trước bọn trộm nước.

Nicholas Hoult trong một cảnh phim Young Ones

"Có một thông điệp về môi trường, nhưng tôi không khởi hành từ chỗ đó," biên kịch-đạo diễn Paltrow nói. "Tôi thích làm một phim Viễn Tây với các yếu tố khoa học giả tưởng hơn. Hạn hán tạo nên một câu chuyện tuyệt vời để các nhân vật này phản ứng lại. Nhưng đó chỉ là một phần của bối cảnh nền."

Điều đó đòi hỏi địa điểm quay phải khô hạn. Đạo diễn George Miller đã phải dời Mad Max từ quê nhà của chuỗi phim này ở Australia sau những cơn mưa bất ngờ đem lại sức sống xanh tươi cho vùng đất khô cằn của ông. Ông dời qua Nam Phi. Paltrow cũng quyết định sang Nam Phi.

"Trong lúc quay thì trời đổ mưa vài lần. Mọi người đều nói, 'Chuyện này chưa bao giờ có,'" Paltrow nói. Chắc chắn rồi, trời chỉ đổ mưa một lần duy nhất, rất ngắn, trong lúc quay phim hồi năm 2013.

Mad Max: Fury Road

Vì hạn hán lịch sử trở nên tồi tệ hơn khắp California và Hollywood, dự kiến tương lai khô nẻ này sẽ còn tiếp tục diễn ra trên phim, dù là phim giả tưởng về hiện tại.

Nhưng, đạo diễn Yu cảnh báo: "Thực tế có vẻ đang bắt kịp kịch bản ác mộng này."

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: USA Today


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi