Tin tức

Đưa phim Hoa ngữ tiếp cận với khán giả quốc tế

18/08/2014

Trong khi phim Hollywood là sản phẩm được ưa chuộng ở Trung Quốc, thì phim điện ảnh Hoa Ngữ dường như không có ảnh hưởng tương tự với khán giả quốc tế.

Trong kỳ vọng trở thành thị trường điện ảnh rộng lớn nhất thế giới giới trong tương lai không xa, các công ty sản xuất phim Hoa ngữ đang tìm kiếm nhiều cách để tiếp thị phim ảnh của họ đến với tín đồ điện ảnh ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điện ảnh trong vài năm qua, Trung Quốc đang tung ra hàng ngàn bộ phim mỗi năm. Nhưng, trong khi một số bộ phim bội thu tại các phòng vé nội địa, thì dường như chúng lại không có sức hấp dẫn tương tự với khán giả quốc tế.

Không như các bộ phim điện ảnh Hollywood - phần lớn ngay lập tức trở nên phổ biến với khán giả toàn cầu, chỉ có một vài bộ phim nội địa như Anh hùngThập diện mai phục tiếp cận được với quốc tế. Theo như Leslie Chen, đại diện đến từ nhà phát hành IM Global, có một lý do cho việc này, đó là:

“Những phim Hoa ngữ không hấp dẫn mọi người bởi vì chúng hướng tới nghệ thuật hơn là thương mại và không có nhiều người mua. Không phải là vì họ không thích phim điện ảnh Hoa ngữ mà là vì họ không hiểu. Với người châu Âu và Mỹ, văn hóa Trung Quốc vẫn rất xa lạ.”

Dù sản xuất nhiều, phim Trung Quốc vẫn không đến được với khán giả quốc tế [Ảnh: Image China]

Công ty của Chen chỉ ký hợp đồng quảng cáo với các công ty sản xuất Trung Quốc. Cô cho biết điều này sẽ tạo nền tảng cho những người mua quốc tế biết về điện ảnh và văn hóa Trung Quốc. Có lẽ trong tương lai, khoảng cách văn hóa sẽ được rút ngắn lại.

Tuy nhiên, theo như Jeffery Chen giám đốc điều hành của Distribution Workshop Hong Kong, sự khác nhau giữa phim Hoa ngữ và phương Tây là quá lớn đến nỗi các nhà làm phim phải đưa ra quyết định ngay từ đầu về nơi họ muốn phân phối sản phẩm của mình.

“Các nhà làm phim như chúng tôi phải tự hỏi bản thân một câu hỏi, là chúng tôi có cần thâm nhập vào thị trường quốc tế hay không? Bởi vì người mua đến từ các nền văn hóa khác nhau sẽ có khẩu vị điện ảnh khác nhau, và thường thì các nhà làm phim Trung Quốc sẽ làm phim hướng tới khán giả điện ảnh Trung Quốc, đánh đổi bằng việc từ bỏ khán giả quốc tế.”

Để tiếp cận khán giả quốc tế, Chen khuyên các nhà làm phim nên xem xét việc thay đổi nội dung phim của họ. Ông đề nghị rằng các nhà sản xuất Trung Quốc có thể làm phim về các quốc gia hoặc các nền văn hóa khác bên cạnh những câu chuyện về Trung Quốc.

Văn hóa Trung Quốc vẫn rất xa lạ với khán giả quốc tế

Việc làm cho phim Hoa ngữ được tín đồ điện ảnh quốc tế ưa chuộng là quá trình lâu dài và khó khăn. Các bộ phim Hollywood, thường phổ biến trong các rạp chiếu phim trên toàn thế giới, không thành công trong một sớm một chiều. Theo David Lee, chủ tịch của Media Leeding, từng tham gia sản xuất tác phẩm ăn khách ở phòng vé Karate Kid, ngành công nghiệp Trung Quốc hẳn có thể học hỏi từ Hollywood.

"Họ quyết định ngay từ đầu rằng họ sẽ tự phân phối tại thị trường quốc tế. Bằng cách này, họ có quyền điều khiển tương lai của chính họ. Trong những năm 1920, các công ty Mỹ đã mở trung tâm phân phối của mình tập trung ở Anh, Úc và Đức."

Người Mỹ đã học được từ những thành công và thất bại của mình. Họ đã thay đổi từ thể loại phim, diễn viên đến cốt truyện theo sở thích và khẩu vị của khán giả nội địa. Trong gần một thế kỷ, các hãng phim Mỹ đã thu thập được nhiều thông tin về đối tượng khán giả của họ và khai thác điều gì đem lại cho họ tối đa lợi nhuận.

Ông Lee cho rằng các phim Hoa ngữ muốn thành công cả trong nước lẫn quốc tế cần phải có nhiều tương tác giữa các nhà làm phim với khán giả của họ hơn nữa và tăng cường quảng bá về điện ảnh Trung Quốc đến khán giả. Ngày nay, với tiến bộ công nghệ, điều này đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. Internet có thể tăng tốc quá trình đưa các phim Hoa ngữ đến với khán giả điện ảnh quốc tế thông qua các trang mạng như Amazon hoặc các nhà phân phối như Netflicks.

Cảnh trong phim Thập diện mai phục

Theo như Michael Liu, nhà sáng lập và là giám đốc của 100TV, Nnternet không chỉ hữu ích trong phát hành phim mà còn là công cụ quảng bá.

“Chúng tôi xem xét đến ngành công nghiệp điện ảnh châu Âu và Mỹ, thì thấy một nửa lợi nhuận của họ đến từ các rạp phim truyền thống. Nửa còn lại thu từ lượt xem trực tuyến của các đoạn phim chiếu trước hoặc các đoạn trích phim và truyền hình cáp. Điều này thường không diễn ra ở Trung Quốc.”

Tuy nhiên dù Trung Quốc quảng bá và bán phim qua Internet hay thông qua các công ty nước ngoài, Jeffrey Chen cho rằng sẽ mất hơn vài năm để phim Hoa ngữ trở thành xu thế chủ đạo trong thị trường quốc tế.

“Việc này không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai hay chỉ với một bộ phim điện ảnh hoặc là chỉ bởi một công ty. Còn một chặng đường dài phía trước cho ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc.”

Dịch: © Gia Khang @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CriEnglish.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi