Tin tức

FilMart Hồng Kông 2018: Chèo chống trong bối cảnh đổi thay của kinh doanh phim ảnh ở châu Á

20/03/2018

Phòng vé nóng rực Trung Quốc đã tạo ra những vấn đề lớn cho các công ty kinh doanh phim ảnh Hồng Kông.

Khi FilMart, hội chợ bán quyền phát hành phim lớn nhất châu Á, diễn ra từ ngày 19 đến 22/3, các đại lý phát hành phim Hồng Kông đang phải vật lộn với vấn đề làm thế nào có được những hợp đồng mua bán quyền phát hành phim đang trở nên khó đạt hơn bao giờ hết, và địa vị từng là nền điện ảnh hùng mạnh của Hồng Kông giờ đây đang thay đổi.

FilMart năm nay được thiết lập để làm phòng tuyến cuối cùng cho Distribution Workshop. Công ty này có kế hoạch thu hẹp hoạt động kinh doanh và chuyển từ Hồng Kông sang Đài Loan. June Wu Cựu nhân viên của Edko đã được lưu dụng làm tư vấn bán hàng tại Đài Loan.

Nhiều năm qua, các công ty phát hành phim Hồng Kông từng vượt lên chính mình để xây những gian hàng phô trương ở FilMart là những hãng chế tác danh tiếng hoặc các hãng phim nhỏ chào bán sản phẩm của họ và sau đó chọn một số tựa phim của bên thứ ba từ khắp châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Vấn đề đối với chiến lược đó là bây giờ phim Trung Quốc đang trở nên khó bán hơn cho các nhà phát hành quốc tế, trong khi thời hoàng kim của các đạo diễn phong cách của Trung Quốc ồ ạt làm ra những bộ phim đoạt giải thưởng ở liên hoan phim đã phai tàn.

Toàn cảnh khách tham quan hội chợ

Kể từ khoảng năm 2012, khi các chủ đề đương đại được miêu tả trong các thể loại phim thương mại đại trà đã gạt bỏ mặt hàng chủ lực trước đây gồm phim võ thuật và phim lịch sử cổ trang sang một bên ở phòng vé Trung Quốc Đại lục, các phim chủ đạo đã trở nên giàu tính địa phương hơn. Phim tâm lý, lãng mạn hài của Trung Quốc tràn ngập hoài niệm gần đây không hấp dẫn đối với khán giả quốc tế. Và khi những phim như Chiến lang 2, Detective Chinatown 2Operation Red Sea đều vượt qua doanh số 500 triệu đôla, các nhà sản xuất Trung Quốc tập trung hết vào thị trường quê nhà.

Trong tháng 2, Trung Quốc đạt doanh thu phòng vé lớn nhất trong lịch sử điện ảnh, 1,57 tỉ đôla của thị trường này đã xóa mờ ngấn nước 1,4 tỉ đôla mà Bắc Mỹ đạt được vào tháng 7 năm 2011.

Hơn nữa, hầu hết nhân tài hàng đầu từng là nền tảng của điện ảnh mang thương hiệu Hồng Kông đã đổ sang thị trường Trung Quốc Đại lục. Các đạo diễn Ngô Vũ Sâm, Lưu Vĩ Cường, Lâm Siêu Hiền, Vương Tinh và Từ Khắc trong năm qua đều làm phim nhắm vào khán giả Đại lục. Kể cả Hứa Thành Nghị của Hồng Kông, cho đến nay chuỗi phim Monster Hunt của anh đã thu về hơn 700 triệu đôla Mỹ ở Trung Quốc. Gần như ngày nay không có phim Hồng Kông nào là không đồng sản xuất với Trung Quốc — và không phim nào là những bom tấn hành động mà trước đây từng bán cho các thị trường ở Đông Nam Á, châu Âu và giải trí gia đình.

Áp phích các phim Trung Quốc thắng lớn ở phòng vé Đại lục gần đây (từ trái qua): Detective Chinatown 2, Monster Hunt 2 Operation Red Sea

Trung Quốc cũng đang chứng kiến lĩnh vực kinh doanh phim ảnh của chính họ nổi lên. Bao gồm các công ty Movie View Intl., CMC Pictures, Rediance và Asian Shadows. Và trở lại sau khi phá sản, Fortissimo đã thuê nhân viên ở Bắc Kinh. Doanh nghiệp này sẽ vận hành với tư cách là một công ty Hà Lan-Trung Quốc, phát hành các tựa phim mới từ Cannes.

Thế mới nói, với tư cách là một trung tâm Hồng Kông vẫn có một số thế mạnh lâu dài, bao gồm tiếp cận tài chính, một vựa lớn các nhà sản xuất phim có kinh nghiệm và tiếp giáp với một Đại lục đang bùng nổ.

Mặc dù các đại lý phát hành Hồng Kông phủ nhận vấn đề của họ nằm ở sự cạnh tranh từ các công ty mới thành lập ở Trung Quốc, nhiều đơn vị đang cố gắng tái tạo mô hình kinh doanh, chú trọng hơn đến các dịch vụ triển khai, sản xuất và tham gia liên hoan phim.

“Chúng tôi đang tái lập ý tưởng và có tiêu điểm mới, tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì phát hành tại chỗ ở Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc,” Trần Vĩnh Hùng của Distribution Workshop nói, công ty này sẽ được gộp vào tập đoàn Just Creative Studio. “Khi chúng tôi bắt đầu 10 năm trước, chúng tôi chỉ nhìn vào các thị trường bên ngoài Trung Quốc, nhưng bây giờ việc làm ăn đang đổ vào Trung Quốc.”

Một quầy hàng ở Filmart năm nay

Cải tổ lại và tập trung nhiều hơn vào nội dung là chủ đề tương tự ở các công ty kinh doanh phim ảnh khác của Hồng Kông. “Phát hành ở nước ngoài dứt khoát không còn là một ngành kinh doanh mạnh nữa. Và với chi phí hoạt động [ở Hồng Kông] cao, thì càng khó khăn hơn,” Christy Choi, giám đốc phân phối của One Cool Pictures nói. “Ngày càng có nhiều người muốn tham gia vào lĩnh vực phát triển dự án. Lĩnh vực đó lạc quan hơn là bán quyền phát hành.”

Choi nói rằng các hạ tầng trực tuyến của Trung Quốc là những đối tác quan trọng trong việc thông qua các dự án — cả phim điện ảnh lẫn phim bộ truyền hình mới — và rằng One Cool Pictures đang xem xét mở văn phòng ở Bắc Kinh để gần với những người ra quyết định này được sát sao hơn.

Tại Good Move Media, Pearl Chan đang tập trung vào Đông Nam Á, đặc biệt là các tựa phim từ Malaysia và Indonesia. Good Move cũng đang quản lý Tuyển chọn Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông, một nhóm các bộ phim chọn lọc, cùng với một số buổi trình chiếu ở liên hoan, chẳng hạn như Posesif của nhà làm phim Edwin người Indonesia.

Trong thời gian hội chợ sẽ diễn ra các hội thảo chuyên đề

“Chúng tôi không muốn như Emperor, Fortissimo hay Distribution Workshop. Kinh doanh phim ảnh ngày càng trở nên chuyên biệt, ngày càng cá nhân. Chúng tôi quan tâm làm đối tác và quan hệ lâu dài với các nhà làm phim,” Pearl Chan nói. “Có khả năng Đông Nam Á là nơi mà nhiều nhân tài không ký hợp đồng với các đại diện, và nơi mà các nhà làm phim nói chuyện trực tiếp với các diễn viên.”

8 tựa ‘nóng’ tại Hội chợ phim Hồng Kông 2018

• Assassins and The Missing Gold

Nhà sản xuất kỳ cựu Lưu Trấn Vỹ (Kung Fu Hustle, ChungKing Express) đảm nhận nhiệm vụ đạo diễn cho bộ phim cổ trang ly kỳ của hãng Entertaining Power Hồng Kông. Phim có sự góp mặt của Trương Tấn (Diệp Vấn 3) và người vợ ngoài đời thực Thái Thiếu Phân của anh vào vai cặp vợ chồng xa cách tái hợp để vạch trần một âm mưu, phá hỏng một vụ ám sát và tìm kiếm kho báu.

Thái Thiếu Phân, trái, và Trương Tấn trong phim Assassins And The Missing Gold

• Drug Lords

Phần tiếp theo bộ phim hình sự ly kỳ The White Storm năm 2013 của Universe, đã thu về 45 triệu đôla ở phòng vé quốc tế, Drug Lords chứng kiến siêu sao Hồng Kông Lưu Đức Hoa hợp cùng Cổ Thiên Lạc và nhà đạo diễn năng suất Khâu Lễ Đào (Shock Wave) tiếp quản vai trò chỉ đạo từ Trần Mộc Thắng. Dự kiến phát hành vào đầu năm 2019, bộ phim trị giá 25 triệu đôla Mỹ kể bốn câu chuyện đan xen xoắn xuýt về mua bán ma túy ở châu Á từ nhiều góc nhìn khác nhau.

• Europe Raiders

Phần thứ ba tiếp sau Tokyo Raiders (2000) và Seoul Raiders (2005), Europe Raiders của hãng Mỹ Á chứng kiến sự trở lại của Lương Triều Vỹ nhưng trong vai mới là một đặc vụ CIA (anh là đặc vụ của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản trong các phần trước). Quay ở các địa điểm khắp châu Âu, bộ phim trị giá 45 triệu đôla này một lần nữa vẫn do Mã Sở Thành đạo diễn và Bành Ỷ Hoa sản xuất (là người cộng tác của Vương Gia Vệ trong The Grandmaster).

Lương Triều Vỹ trong phim Europe Raiders

• Fatal Visit

Do nhà biên kịch Ông Tử Quang (Port of Call) chuyển thể vở kịch Murder in San Jose nổi tiếng ở Hồng Kông, Fatal Visit của hãng Emperor kể câu chuyện một phụ nữ đến thăm bạn mình ở Mỹ và khám phá sự thật kinh hoàng đằng sau một cuộc hôn nhân dường như hoàn hảo. Ca sĩ kiêm diễn viên Trịnh Tú Văn (Blind Detective) cùng với Thái Trác Nghiên (77 Heartbreaks) và Đồng Đại Vy (Dearest), với Phan Nguyên Lương (Kiss Me Goodbye) làm đạo diễn.

• Integrity

Là mở hàng cho thỏa thuận gồm nhiều phim giữa Emperor với bộ đôi đằng sau Vô gian đạo, Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường, bộ phim chống tham nhũng này có sự góp mặt của Lưu Thanh Vân (loạt Overheard), Trương Gia Huy (Unbeatable) và Lâm Gia Hân (Zinnia Flower). Hiện trong quá trình tiền sản xuất, các nhà làm phim dự định khởi quay cảnh tại Australia vào tháng 5 cho phần đầu tiên trong kế hoạch gồm ba phim.

Dave Bautista trong phim Master Z: The Ip Man Legacy

• Master Z: The Ip Man Legacy

Ăn theo loạt phim Diệp Vấn, Master Z kinh phí 28 triệu đôla của hãng Mandarin Motion Pictures dồi dào sức mạnh ngôi sao quốc tế, với Dave Bautista của Guardians of the Galaxy, siêu sao hành động Thái Lan Tony Jaa, Trương Tấn của The GrandmasterPacific Rim Uprising, và Dương Tử Quỳnh của Ngọa hổ tàng long. Do òoàng Bách Minh sản xuất và bậc thầy võ thuật Viên Hòa Bình đạo diễn, bộ phim xoay quanh Trương Thiên Chí, người đã bị Diệp Vấn đánh bại trong phần thứ ba của chuỗi phim.

• Men on the Dragon (tựa tạm thời)

Bộ phim hài thể thao của One Cool Pictures xoay quanh bốn nhân viên viễn thông trung niên tham gia vào đội đua thuyền của công ty họ cho dịp lễ truyền thống Trung Quốc, Lễ hội Thuyền Rồng, để tránh bị sa thải. Tác phẩm đạo diễn đầu tay của Trần Cẩm Hồng, phim có sự tham gia của các ngôi sao Ngô Trấn Vũ (The Mission), nam diễn viên kịch Phan Xán Lương, Huỳnh Đức Bân (Cold War 2) và Hồ Tử Đồng (Weeds on Fire).

Trịnh Tú Văn trong phim Fatal Visit

• When Robbers Meet the Monster

Ngôi sao của bộ phim hài kỳ ảo cổ trang của Media Asia do Lưu Vỹ Cường của Vô gian đạo đạo diễn chắc chắn là quái vật CGI, do nhà chế tác hiệu ứng Menfond (CJ7) của Hồng Kông sáng tạo. Đang trong quá trình hậu kỳ, câu chuyện kiểu Robin Hood về cướp của tham quan này có Cổ Thiên Lạc và Chu Đông Vũ (Soul Mate) đóng chính, và sử dụng câu chuyện lấy bối cảnh triều đại nhà Minh để châm biếm hiện tại.


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Variety, The Hollywood Reporter