Tin tức

Giấc mơ kể lại câu chuyện Phong thần trên màn bạc của đạo diễn Ô Nhĩ Thiện

02/08/2023

Trong suốt một thập kỷ, đạo diễn phim Ô Nhĩ Thiện — vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 51 — đã kiên định cống hiến hết mình cho một mục tiêu duy nhất: đào tạo diễn viên và chỉ đạo bộ ba phim Phong thần.

Để hình dung rõ hơn thế giới kỳ ảo được miêu tả trong các câu chuyện thần thoại, Ô Nhĩ Thiện đã đi New Zealand để gặp đạo diễn Peter Jackson và học hỏi kinh nghiệm chỉ đạo bộ ba phim Chúa tể của những chiếc nhẫn.

Phí Tường trong vai Trụ Vương

“Jackson nói hầu như ngày nào ông cũng cảm thấy kiệt sức. Rút kinh nghiệm của ông chúng tôi lên lịch trình khoa học hơn, giúp tôi tránh cảm thấy quá mệt mỏi. Thậm chí tôi còn cố gắng giảm cân và giữ vóc dáng săn chắc trong suốt quá trình quay phim,” Ô Nhĩ Thiện cho biết trong một phỏng vấn gần đây.

Với kinh phí khủng, bộ ba phim bắt đầu được chuẩn bị từ năm 2014. Mất gần năm năm viết kịch bản cả ba phim và quay trong gần 350 ngày liên tục. Đoàn làm phim bao gồm 8.000 thành viên và có dàn diễn viên xuất sắc bao gồm nam diễn viên người Mỹ gốc Hoa Kris Phillip, được biết đến nhiều hơn với tên tiếng Trung là Phí Tường, các diễn viên kỳ cựu Hoàng Bột và Lý Tuyết Kiện, cũng như nữ diễn viên Viên Tuyền.

Vì các câu chuyện cũng kể về một nhóm các thế tử trẻ tuổi sở hữu kỹ năng võ thuật xuất chúng, nên đạo diễn đã chọn gần 30 diễn viên trẻ, hầu hết trong số họ chưa từng đóng phim, từ 15.000 ứng viên, trau dồi khả năng diễn xuất cũng như các kỹ năng như cưỡi ngựa và bắn cung.

Viên Tuyền trong vai Khương hoàng hậu

Na Nhiên khắc họa nhân vật quan trọng Đát Kỷ — hồ ly tinh biến thành mỹ nhân. Để giúp nữ diễn viên thể hiện một cách sinh động nhân vật kết hợp các đặc điểm của cả động vật và con người, Ô Nhĩ Thiện yêu cầu cô thường xuyên đến thăm sở thú và quan sát kỹ hành vi của cáo. Ngoài ra, đạo diễn giao cho cô nhiệm vụ nhật ký quan sát và báo cáo.

Giờ đây, khán giả có thể tự mình đánh giá thành quả công sức của nhà làm phim. Phần đầu tiên của loạt phim, Phong thần: Tam bộ khúc, đã thu hút người yêu điện ảnh Trung Quốc đến các rạp chiếu phim trên toàn quốc kể từ khi phát hành vào ngày 20 tháng 7, trở thành một trong những bom tấn hè lớn nhất.

Tập trung vào con người

Phong thần kể về một bạo chúa khét tiếng và sự nổi dậy lật đổ ông ta khoảng 3.000 năm trước. Bộ ba phim lần nữa làm sống lại Phong thần diễn nghĩa, cuốn tiểu thuyết thời nhà Minh (1368-1644) đã sản sinh ra nhiều phim bộ truyền hình và hoạt hình nổi tiếng.

Na Nhiên khắc họa nhân vật quan trọng Đát Kỷ — hồ ly tinh biến thành mỹ nhân

Cuốn tiểu thuyết cổ, dài 100 chương, pha trộn các ghi chép lịch sử với thần thoại, đưa độc giả vào một thế giới kỳ ảo nơi người phàm, thần tiên và yêu quái cùng tồn tại.

Trong câu chuyện gốc quen thuộc đối với nhiều người Trung Quốc, Trụ Vương mê đắm Đát Kỷ, vốn là hồ ly tinh nhập vào cơ thể của một phụ nữ xinh đẹp. Yêu tinh xảo quyệt này dụ dỗ nhà vua chìm đắm trong trụy lạc, lạm quyền và tàn sát không thương tiếc người dân vô tội.

Cơ Phát, thế tử nước Chu, một nước chư hầu, nổi dậy lãnh đạo quân đội nước Chu lật đổ Trụ Vương của nhà Thương.

Khi các thần tiên tham gia vào hai phe xung đột — với một số ủng hộ Trụ Vương, tin rằng ông mới là chân mệnh thiên tử, trong khi những người khác đứng về phía Cơ Phát, coi anh là vị cứu tinh của những người dân đau khổ — cuộc chiến trở nên kéo dài và không ngừng nghỉ.

Vu Thích trong vai Cơ Phát

Trong chiến tranh, nhiều nhân vật xuất hiện, vài người trong số họ trở thành anh hùng được công nhận rộng rãi. Trong đó có Khương Tử Nha, nhà hiền triết thông thái có tài năng được phát hiện ở độ tuổi 70, Dương Tiễn, một siêu anh hùng có con mắt thứ ba trên trán và Na Tra, cưỡi trên bánh xe lửa dưới chân. Một số nhân vật thần thoại mang tính biểu tượng này được xuất hiện trong phim, với Hoàng Bột thủ vai Khương Tử Nha.

Là người bản địa khu tự trị Nội Mông, Ô Nhĩ Thiện hồi tưởng thuở ban đầu tiếp cận Phong thần diễn nghĩa truyện tranh.

Thời gian trôi qua, anh tìm hiểu sâu hơn các câu chuyện bằng cách đắm mình trong tiểu thuyết thời nhà Minh, Tây Hán (206 trước Công nguyên-24 sau Công nguyên), Sử ký Tư Mã ThiênVũ vương phạt Trụ bình thoại, một tiểu thuyết phổ biến được cho là sáng tác trong triều đại nhà Tống (960-1279) và nhà Nguyên (1271-1368).

Na Tra

Ô Nhĩ Thiện nói, “Nghiên cứu càng sâu hơn, tôi luôn tự hỏi: Tại sao người Trung Quốc thế hệ này qua thế hệ khác sẵn sàng chia sẻ và truyền lại những truyền thuyết này?”

Điều khiến đạo diễn say mê nhất không phải là những xung đột và trận chiến giữa những chiến binh siêu năng lực. Thay vào đó, chính mối quan hệ giữa hai hoàng gia — Trụ Vương và Cơ Phát (sau này lên ngôi Chu Vũ vương) — đã khơi dậy trí tưởng tượng của anh. Trong tiểu thuyết gốc Phong thần diễn nghĩa, miêu tả Trụ Vương là hôn quân tàn bạo, giày vò chính thất của mình là Khương hoàng hậu, ác độc đến mức moi tim chú mình và ra lệnh xử tử hai con trai của mình. Những hành động tàn ác của Trụ Vương đều do vẻ đẹp của Đát Kỷ sai khiến.

“Cuốn tiểu thuyết được viết cách đây khoảng 500 năm, và các giá trị của thời đó hoàn toàn khác với giá trị của thời nay. Tôi tin rằng tiểu thuyết cổ thường miêu tả quan điểm khuôn mẫu cho rằng tham vọng của giai nhân khiến nam nhân trở thành hôn quân bạo chúa là không hợp lý,” Ô Nhĩ Thiện nói.

Hoàng Bột trong vai Khương Tử Nha, nhà hiền triết thông thái có tài năng được phát hiện ở độ tuổi 70

“Trong phim, chúng tôi đã làm một số thay đổi để những tình tiết nổi tiếng này trở nên hợp lý hơn,” anh nói thêm.

Phần đầu tiên xoay quanh tham vọng của Trụ Vương và căng thẳng nảy sinh giữa ông và các thế tử chư hầu trẻ, được vua cha gửi đến triều đình của ông, tất cả đều là vua của các nước chư hầu, để thể hiện lòng trung thành với nhà vua.

Tính liên tục của huyền thoại

Ô Nhĩ Thiện học vẽ tranh sơn dầu tại Học viện Mỹ thuật Trung ương, trước khi tốt nghiệp khoa đạo diễn của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Mặc dù không phải là một đạo diễn năng suất — anh mới chỉ có ba phim dài trước bộ ba Phong thần — Ô Nhĩ Thiện nổi tiếng có thẩm mỹ và ngôn ngữ điện ảnh độc đáo.

Giải thích sở thích quay bộ ba phim này, đạo diễn cho biết: “Từ trẻ, tôi đã đam mê lịch sử, thần thoại và nghệ thuật truyền thống Trung Quốc. Sau khi nghiên cứu toàn diện lịch sử nghệ thuật Trung Quốc và toàn cầu, tôi nhận thấy có một số yếu tố thẩm mỹ vẫn nhất quán trong suốt quá trình phát triển của một quốc gia. Ở chừng mực nào đó, phim sử thi thần thoại đóng vai trò là phương tiện phản ánh tính liên tục này.”

Hiện tại, bộ ba phim đều đã hoàn tất cảnh quay cuối cùng và hai phần tiếp theo đang trong giai đoạn hậu kỳ.

Đạo diễn — cũng đang chỉ đạo hai dự án khác, trong đó có một dự án về nhà đi biển huyền thoại thời Minh Trịnh Hòa — nói rằng anh hy vọng khán giả sẽ chấp nhận bản chuyển thể của anh và sẵn sàng theo dõi số phận của các nhân vật diễn ra như thế nào trong hai phần tiếp theo.

Đạo diễn Ô Nhĩ Thiện (phải) trên trường quay

Trong cuộc phỏng vấn, đạo diễn đã dẫn câu nói nổi tiếng của nhà văn người Mỹ Joseph Campbell, rằng “thần thoại là giấc mơ của quần chúng.” Tuy nhiên, dường như nguyện vọng theo đuổi ước mơ cá nhân của đạo diễn có lẽ còn phụ thuộc vào phản ứng của thị trường.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily