Tin tức

Hai người bạn lâu năm, hai góc nhìn về Trung Quốc hiện đại

13/08/2011

Khi Vương Tiểu Soái nhận ra rằng ông không bao giờ có thể vẽ đẹp được như người bạn thời trung học Lưu Tiểu Đông, ông đã từ bỏ môn nghệ thuật này và quay sang làm phim.

Vương Tiểu Soái hiện là một đạo diễn có tiếng đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế, và Lưu Tiểu Đông là một trong những họa sĩ tranh sơn dầu đương đại xuất sắc nhất Trung Quốc.

Hai người bạn lâu năm – Lưu Tiểu Đông, 48 tuổi và Vương Tiểu Soái, 45 tuổi – vừa qua đã có một cuộc đối thoại mở tại Bảo tàng Mỹ thuật Dân Sinh ở Thượng Hải, chia sẻ những câu chuyện và tư tưởng của họ về tuổi trẻ, nghệ thuật và sự trở về quê hương.

Vương Tiểu Soái (giữa) và Lưu Tiểu Đông (phải) chia sẻ về tuổi trẻ, nghệ thuật
và sự trở về quê nhà trong buổi đối thoại mở tại Bảo tàng Dân Sinh, Thượng Hải

Lưu Tiểu Đông đã có một bài giảng vào ngày 9/7 tại Bảo tàng Thượng Hải. Ông là nghệ sĩ thứ hai – sau Từ Băng, phó hiệu trưởng Học viện Mỹ thuật Trung ương – có một loạt những bài giảng được tổ chức nhằm kỷ niệm 60 năm thành lập bảo tàng này.

Lưu Tiểu Đông đã nói về thái độ của ông đối với nghệ thuật truyền thống và giá trị của nó trong xã hội hiện đại, về việc ông đã sử dụng kỹ năng cứng cáp đã được tôi luyện của mình để vẽ lại những cảnh trí quen thuộc và những tình huống trong cuộc sống hiện đại như thế nào.

Ông là một trong số ít các sinh viên của Học viện Mỹ thuật Trung ương có được một buổi triển lãm cho riêng mình ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Vương Tiểu Soái đã mất vài năm thầm lặng làm việc trong hãng phim Phúc Kiến vào những năm đầu thập niên 1990.

Ông trở lại Bắc Kinh vào năm 1993 và quyết tâm thực hiện bộ phim đầu tiên. “Tôi phải bắt đầu với những điều quen thuộc, thế là tôi viết một câu chuyện về các sinh viên nghệ thuật tại Bắc Kinh,” Vương Tiểu Soái nhớ lại. Ông cũng cần những diễn viên thân thuộc, cho nên cuối cùng thì Lưu Tiểu Đông và vợ của ông Dụ Hồng, cũng đều là nghệ sĩ, đã đóng vai chính trong phim.

Từ đó trở đi, đạo diễn Vương đã đoạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế cho các tác phẩm điện ảnh của mình, trong đó có giải Gấu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin năm 2001. Dự án mới nhất của ông, Chongqing Blues (tạm dịch: Những nỗi buồn ở Trùng Khánh), đã tham gia tranh giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Cannes vào năm ngoái.

Đạo diễn Vương Tiểu Soái với giải Gấu bạc

Trong lúc đó, họa sĩ Lưu, dần dà đã tạo dựng được phong cách nghệ thuật riêng cho mình, khắc họa những người Trung Quốc bình thường trong cuộc sống hằng ngày.

Tuy vậy, Lưu Tiểu Đông chưa bao giờ rời xa ngành điện ảnh. Ông làm đạo diễn nghệ thuật cho bộ phim Beijing Bastards (tạm dịch: Tạp chủng ở Bắc Kinh) của Trương Nguyên, và bản thân ông cũng đóng vai người anh hùng trong bộ phim tài liệu của Giả Chương Kha có tên Dong (Phương Đông). Năm ngoái khi ông về quê hương Tấn Thành, thuộc tỉnh Liêu Ninh ở miền Đông Bắc Trung Quốc, để vẽ những người bạn thuở nhỏ và họ hàng của mình, các nhà làm phim từ Đài Loan đã đi theo ông và làm nên bộ phim tài liệu Hometown Boy nói về quá trình hồi hương của ông dưới sự giám sát của Hầu Hiếu Hiền, người có thể coi là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng nhất Đài Loan.

“Tôi đã tham gia nhiều vào việc làm phim vì Tiểu Soái và bạn bè của cậu ấy,” Lưu Tiểu Đông phát biểu với giới truyền thông. “Các nhà làm phim đều rất chủ động và quá trình làm việc của họ rất vui. Những nhà làm phim có rất nhiều người hâm mộ, mọi người đều thích xem họ làm việc.”

Khi trở lại Tấn Thành, cùng với các nhà làm phim Đài Loan, “những người bạn cũ của tôi thích đi chơi với các làm phim hơn,” ông Lưu nói với giọng điệu không phải là không có chút ganh tị nào.

Lưu Tiểu Đông trong phim Dong của đạo diễn Giả Chương Kha

“Tiểu Đông trở về nhà khi đã giàu có và thành đạt,” Vương Tiểu Soái nói đùa. “Tất cả họ hàng ở quê và bạn bè cũ đều bị choáng ngợp trước sự thành công của anh, và , anh ấy thì lại giả vờ mình vẫn như ngày xưa, như thể anh vẫn là một phần trong số họ, và rồi anh ấy lén lút trở về để vẽ chân dung của họ, cho dù giờ đây anh ấy chẳng còn điểm chung nào với họ nữa.”

Một số nhà phê bình từng cáo buộc Lưu Tiểu Đông lợi dụng những người nghèo mà ông từng vẽ chân dung, và kiếm lời từ việc khắc họa cuộc sống nghèo túng của họ. Những bức tranh ông vẽ họ, bán được hơn 10 triệu tệ (1,5 triệu đôla Mỹ) mỗi bức tại các cuộc đấu giá lớn.

“Điều này là rất khó tránh khỏi vì chúng ta đang sống trong thời đại đầy tính thương mại,” Lưu Tiểu Đông nói. “Con người bị xã hội thương mại hóa vô cùng nhanh chóng. Là một người nghệ sĩ, tôi cũng phải tỉnh táo về việc bị thương mại hóa.”

Là một nghệ sĩ mang phong cách hiện thực, ông đã vẽ những người nhập cư từ khu Tam Hiệp và những người mang tín ngưỡng tôn giáo của tộc người thiểu số ở các vùng sâu vùng xa của Trung Quốc.

Ông nói, “Lịch sử của chúng ta vẫn luôn được viết lại bởi các nhà chức trách. Tôi muốn vẽ nên phiên bản của riêng mình về lịch sử của những người dân bình thường, dựa trên quan điểm của những cá nhân.”

Sự trở lại quê nhà và những bức vẽ về Tấn Thành đánh dấu những nỗ lực mới nhất của họa sĩ Lưu trong việc sáng tạo câu chuyện lịch sử độc đáo về Trung Quốc đương đại. Khi ông vẽ những bức tranh, cùng với các nhà làm phim ghi lại quá trình, những người bạn cũ và họ hàng dưới quê của ông đã toàn tâm toàn ý đón nhận trải nghiệm này.

“Họ muốn được vẽ và quay phim, để chứng tỏ giá trị cuộc sống của một người bình thường như mình. Điều đó đã khiến tôi rất ngạc nhiên và cảm động,” ông nói.

Đạo diễn phim Vương Tiểu Soái, là “một người đàn ông không có quê hương”. Ông được sinh ra ở Thượng Hải và đi cùng bố mẹ đến Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu ở miền Tây Nam Trung Quốc. Sau đó ông sống ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc.

“Tôi thường xem Quý Dương là quê hương mình, nhưng trong một vài năm qua khi tôi đến đó công tác, mọi người nhìn tôi như thể tôi hoàn toàn là một người xa lạ,” đạo diễn Vương cho biết.

Cảm giác là một người xa lạ khiến ông rất phiền lòng, cho đến một ngày ông nhận ra rằng rất nhiều người cũng có cảm nhận như thế.

“Việc nhập cư ồ ạt là một hiện tượng duy chỉ có ở xã hội đang thay đổi lớn như Trung Quốc,” ông nói. “Tôi thấy mừng khi được là người đại diện cho những lớp người nhập cư này và có thể kể lại câu chuyện của họ.

“Phim của tôi có thể rất nặng nề, nhưng chúng đem đến cho người xem một trải nghiệm khác biệt.”


Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily