Tin tức

Sự nổi dậy của loài khỉ từ tương lai và tấm gương soi con người hôm nay

13/08/2011

Sự tiến hóa của các loài diễn ra qua nhiều thiên niên kỷ. Những loạt phim của nền văn hóa đại chúng thì đâu có nhiều thời gian vậy.

Rise of the Planet of the Apes (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Sự nổi dậy của loài khỉ) của Rupert Wyatt (công chiếu thế giới ngày 5 tháng 8), là bộ phim thứ bảy về những con khỉ tiến hóa khác thường dựa theo quyển tiểu thuyết xuất bản năm 1963 Planet of the Apes của Pierre Boulle và là phim đầu tiên trong vòng mười năm nay. Bộ phim Apes gần đây nhất, do Tim Burton đạo diễn, là làm lại bản phim gốc năm 1968 của Franklin J. Schaffner chuyển thể từ tiểu thuyết của Boulle; bộ phim đầu tiên này đã sản sinh ra bốn phần tiếp theo, hai loạt phim truyền hình (một người thật đóng, một hoạt hình), một dòng truyện tranh và một rừng đồ chơi ăn theo trước khi trở nên đuối dần, nhường bước trước những quái vật mạnh hơn trên thị trường phim ảnh như Star WarsBatman. Loài khỉ đã có một cuộc dạo chơi huy hoàng, nhưng không có gì kéo dài mãi mãi. Các loài bị tuyệt chủng. Những đế chế sụp đổ. Lợi nhuận suy giảm. Những lãnh đạo mới ở các hãng phim lên ngôi.

Tuy nhiên, ý tưởng của Boulle mạnh mẽ đến nỗi dường như miễn nhiễm với thăng trầm của chọn lọc tự nhiên — thậm chí cả nhân tạo. Boulle đã tưởng tượng ra một thế giới đảo lộn trong đó loài khỉ, tổ tiên của chúng ta, trở nên văn minh hơn con người và cảm thấy việc đối xử với chúng ta như những con thú ngu si là hoàn toàn phải lẽ: săn đuổi con người làm môn thể thao, giam giữ chúng ta trong cũi, sử dụng chúng ta làm đối tượng cho những cuộc thí nghiệm khoa học cực kỳ khó chịu. Trong phiên bản điện ảnh đầu tiên của Planet of the Apes, khi ba phi hành gia Mỹ đáp xuống hành tinh khỉ, các con khỉ không phân biệt được ba con người này với những loài chưa tiến hóa mà chúng đã biết. Một trong ba người trái đất, tên Taylor (Charlton Heston đóng), cố gắng thuyết phục những kẻ giam giữ anh rằng anh thì khác, nhưng vô vọng; sự tồn tại của một con người có lý trí, nói năng lưu loát là một sỉ nhục với cả nền khoa học và tôn giáo của loài khỉ.

Đây là một quan điểm dí dỏm, của một thể loại tiêu biểu cho khoa học giả tưởng trường phái cổ điển: tiền đề “cái gì sẽ xảy ra nếu?” cho phép tác giả xem xét những điều kiện của thời đại mình từ một tầm nhìn khác. Quyển tiểu thuyết và bộ phim đầu tiên, do Michael Wilson và Rod Serling viết kịch bản, ra đời vào thời điểm cao trào của cuộc chiến tranh lạnh, khi nỗi lo ngại bom hạt nhân tạo ra kết thúc cho nhân loại vì chúng ta biết xem ra đấy hoàn toàn không phải là một ý niệm không tưởng. Trong cảnh kết nổi tiếng của bộ phim này, Taylor, đã thoát khỏi hành tinh khỉ, nhìn thấy đầu của tượng Nữ thần Tự Do trên bãi biển và kinh hoàng nhận ra anh đang có mặt trên Trái đất thời kỳ hậu hạt nhân. (Nhờ trọng lực, tàu không gian của anh đã đưa anh đi trước vài ngàn năm đến tương lai.) Nỗi lo ngại hạt nhân bây giờ có thể không như hồi những năm 1960, nhưng hình ảnh ấy vẫn còn vang vọng.

Nhưng phần lớn sự thú vị của phim Planet of the Apes gốc và những phần tiếp theo nằm ở sự châm biếm bản chất con người. Loài khỉ cũng lúng túng như chúng ta, và hài hước để tưởng tượng chúng cũng giỏi như chúng ta lẫn chứng kiến nền văn minh của chúng phát triển những sự bất mãn rất giống chúng ta. Chúng cũng có vấn đề về chủng tộc và giai cấp và một thứ bậc xã hội khá khắc nghiệt: khỉ sống trên cây (orangutan) cai trị, khỉ đột (gorilla) thực thi pháp luật, và tinh tinh (chimpanzee) hầu hết làm lao động trí óc — tùy theo sự chấp thuận của khỉ cai trị, những con khỉ ngồi ở vị trí phán xét như Tòa án Dị giáo. Các nhà khoa học tinh tinh tìm cách cứu Taylor bị kết tội dị giáo.

Trong bốn phần tiếp theo ngay sau đó — Beneath the Planet of the Apes (1970), Escape From the Planet of the Apes (1971), Conquest of the Planet of the Apes (1972) và Battle for the Planet of the Apes (1973) — câu chuyện nền về truyền nhân của loài người và hậu duệ của khỉ hơi bị nhồi nhét, với những mốc thời gian bịa đặt. Trong Beneath, chuyện xảy ra không lâu sau phim đầu, Trái đất bị tàn phá lần thứ nhì; trong Escape, hai nhà khoa học tinh tinh tìm cách rời khỏi hành tinh trước khi biến cố địa chất ập xuống Los Angeles vào những năm 1970, ở trái đất họ được chào đón bằng sự hoài nghi và khiếp sợ tương tự Taylor đã gặp ở xã hội khỉ. (Thậm chí bộ phim còn vay mượn một số tình tiết và cốt truyện từ tiểu thuyết của Boulle, hoán chuyển từ người sang khỉ.) Hai nhà khoa học tinh tinh này, Zira và Cornelius (Kim Hunter và Roddy McDowell đóng), là một đôi vợ chồng và có con trong diễn tiến của phim. Đó là siêu khỉ Adam và Eve, và trong hai phần phim cuối cùng con của chúng, tự xưng là Caesar (McDowell đóng), lãnh đạo loài linh trưởng trong cuộc chiến chống lại loài người đang dần suy đồi.

Những phần phim tiếp theo này hay dở khác nhau. Beneath Battle , theo những cách khác nhau, quá tệ; Conquest, một dạng Battle of Algiers của khỉ với những ẩn ý về những náo loạn chủng tộc ở Los Angeles cuối thập niên 1960, có tiết tấu nhanh và sự trơ tráo dễ dãi của phim hạng B. Escape, do Don Taylor đạo diễn, thực sự khá hay; giống tiểu thuyết và phim đầu tiên, thiên về quan điểm (và bỡn cợt) hơn là hoạt động của loài linh trưởng để thu hút sự chú ý.

Nhìn chung những phim này hình thành một thần thoại rõ ràng là hiệu quả và hầu như nhất quán: một Kinh Cựu ước hoán vị cho loài khỉ. Bộ phim mới Rise of the Planet of the Apes, mặc dù cũng thể hiện một siêu-tinh tinh tên Caesar, đưa cái thần thoại kia vào thùng rác lịch sử hư cấu và thay vào đó quy căn nguyên sự xuất hiện loài khỉ siêu đẳng này cho công nghệ biến đổi gen: thời đại khác nhau có những nỗi lo lắng khác nhau.

Tất nhiên, việc sáng tạo lại cuốn kinh phổ biến đại chúng này là một sự mạo hiểm: những người theo Planet of the Apes chính thống có thể coi bộ phim này là dị giáo. Nhưng có lẽ không tránh được. Cũng như sự tiến hóa, kinh doanh giải trí là một quá trình không khoan nhượng: những ai không thích nghi được thì tiêu đời. Nguy hiểm thực sự nằm ở việc tư duy lại câu chuyện thì ít, mà nằm ở việc xúc phạm đến bản chất khoa học giả tưởng của loạt phim gốc thì nhiều hơn.

Nhân loại ở thế kỷ 21 khó mà kháng cự được sức cám dỗ của công nghệ, và những khả năng hiệu ứng đặc biệt của điện ảnh đã tiến bộ theo hàm mũ trong bốn thập kỷ qua kể từ khi Heston bị bủa vây bởi một đám diễn viên trong bộ đồ hóa trang làm khỉ. Như Avatar King Kong của Peter Jackson đã làm, Rise vận dụng cái gọi là công nghệ nắm bắt chuyển động (performance-capture technology), với việc điệu bộ và cử chỉ của diễn viên người thật sẽ được số hóa thành hình ảnh trên màn bạc. Caesar trong phim Rise do Andy Serkis “đóng”, nam diễn viên này từng làm nhiệm vụ tương tự trong bộ ba phim Lord of the Rings (vai Gollum) và King Kong; anh đang tạo dựng một sự nghiệp đáng chú ý trong việc chuyển dịch cảm xúc của nhân vật không hoàn toàn là con người.

Những con khỉ sẽ có vẻ ngoài, và chuyển động, tốt hơn trước giờ. Nhưng phải nói rằng bộ phim khoa học giả tưởng của thời đại Apes ban đầu, mà giờ đây thấy buồn cười với những hiệu ứng sơ khai, cũng được nhờ ngay ở cái kỹ thuật thô sơ của nó: diễn xuất và ý tưởng không bao giờ loại trừ nhau. Nhưng ở giai đoạn tiến hóa này, loài người chúng ta điên cuồng quá quắt: quá nhiều thứ hào nhoáng để xem, mà quá ít thời gian. Trong những phim gần đây (buồn thay, kể cả phiên bản Planet 2001 của Burton) đều tạo nên một lập luận quá thuyết phục cho sự suy tàn của loài người.

Nhưng một vài năm — thậm chí là cách bốn thập kỷ kể từ Planet of the Apes phiên bản gốc đến Rise mới toanh này — chỉ là một tíc tắc trong tiến hóa. Vẻ đẹp của ý tưởng giải trí của Boulle, và những ý tưởng khoa học giả tưởng hay nhất nói chung, đó là chúng khuyến khích chúng ta có một một quan niệm lâu dài hơn chúng ta từng quen làm; có lẽ là lâu hơn mức chúng ta thấy hoàn toàn thoải mái. Nếu Rise of the Planet of the Apes cung cấp cho khán giả một viễn cảnh nào đó, nó sẽ xứng đáng với sự chờ đợi này. Nhưng nếu như vậy thì chúng ta sẽ lại muốn có phần tiếp theo ngay cho mà xem.


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times