Tin tức

Hoạt hình tiên phong mở đường cho xuất khẩu văn hóa Trung Quốc

14/11/2011

Ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc đang phấn đấu để đạt được những hào quang quốc tế và quảng bá văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài, một bước đi nằm trong kế hoạch của chính phủ nước này nhằm củng cố quyền lực mềm và gia tăng ảnh hưởng quốc tế, theo lời các chuyên gia và người trong cuộc.

Tham vọng này có được điểm tựa cả về mặt sản xuất lẫn doanh thu, nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ. Trong năm rồi Trung Quốc đã sản xuất 385 bộ phim hoạt hình, tăng 28% so với năm trước. Ngành công nghiệp này cũng mang về doanh thu xuất khẩu hơn 500 triệu nhân dân tệ (tương đương 78,7 triệu đôla) trong năm 2010, nhảy vọt 60% so với năm trước, theo số liệu của Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc.

Ý kiến người trong cuộc cũng cho rằng sự phát triển mau lẹ của xuất khẩu hoạt hình còn nhờ vào tính độc đáo và sáng tạo của những nhà làm phim hoạt hình.

Ông Diệp Chấn Hoa, giáo sư Học viện Mỹ thuật Quảng Châu cho biết, trước đây ngành này vận hành như một "công xưởng" nhỏ bé sản xuất những sản phẩm hoạt hình mang đậm ảnh hưởng nước ngoài, không có được sự công nhận của quốc tế. Nhưng từ khi nhanh chóng tái cơ cấu và chuyển sự tập trung vào việc sáng tạo những sản phẩm có bản sắc, một thị trường thịnh vượng hơn đã được mở ra.

Tấn Thành, người đứng đầu tạp chí Comic Fans, cho biết một vài nhà làm phim hoạt hình trong nước đã định vị được bản thân trong đấu trường quốc tế.

Nhà làm phim Hạ Đạt đã ra mắt thành công nhiều kỳ một trong những tác phẩm của ông trên Ultra Jump, một trong những tạp chí truyện tranh phổ biến nhất Nhật Bản.

Ông Tấn nói, trong khi những sản phẩm đầy bản sắc tiếp tục thúc đẩy ngành này phát triển, thì những thỏa thuận hợp tác chuyên sâu với các hãng nước ngoài cũng tạo ra cơ hội xuất khẩu cho hoạt hình Trung Quốc.

Một phim hoạt hình Trung Quốc nối tiếng là Pleasant Goat and Big Big Wolf (Cừu vui vẻ và sói xám) đã được dịch sang 17 thứ tiếng và chiếu trên 50 quốc gia, một phần nhờ thỏa thuận giữa Walt Disney với nhà sản xuất Creative Power Entertainment, theo lời Ngô Đôn - giám đốc truyền thông của Creative Power.

Cừu vui vẻ và sói xám

Cũng theo ông Tấn Thành, hoạt hình Trung Quốc được chào đón trên toàn thế giới, trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.

Hoạt hình có thể đóng vai trò tiên phong trong xuất khẩu văn hóa, theo Lãnh Tùng, tổng thư ký của trung tâm nghiên cứu truyền thông toàn cầu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Hoạt hình hiếm khi chịu tác động của rào cản văn hóa và dễ hiểu, dễ được khán giả đại chúng chấp nhận.

Xuất khẩu hoạt hình còn giúp giới thiệu giá trị văn hóa Trung Hoa. Diệp Chấn Hoa nói, ngay cả khi phim hoạt hình không đề cập đến lịch sử và truyền thống Trung Hoa một cách rõ ràng, thì khán giả nước ngoài vẫn được biết đến văn hóa Trung Hoa bởi giá trị dân tộc đã ăn sâu vào những câu chuyện kể bằng hình ảnh này.

Tuy nhiên, các chuyên gia và người trong cuộc thừa nhận hoạt hình Trung Quốc đã được đầu tư kinh phí khổng lồ,  nhưng các nhà sản xuất còn bị các đối tác Nhật Bản và Mỹ bỏ xa trên phương diện phát triển thị trường nước ngoài.

Họ cũng đồng tình rằng một số trường đào tạo mỹ thuật ở Trung Quốc không theo kịp những đòi hỏi của thị trường quốc tế, các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc cần xem xét làm thế nào để đưa các yếu tố văn hóa đặc thù vào tác phẩm mà vẫn giữ được tính đại chúng cho khán giả mọi quốc gia.

Bên cạnh đó, họ cũng hy vọng chính phủ có thể tăng cường các nỗ lực quảng bá cho hoạt hình như một phần của văn hóa xã hội, chứ không chỉ là sản phẩm phục vụ giải trí cho trẻ em. Nhà chức trách cần tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ và giúp ngành công nghiệp hoạt hình tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.


Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi