Tin tức

Thành công và sự lụi tàn của Cừu vui vẻ

11/11/2011

Tác phẩm hoạt hình Cừu vui vẻ và sói xám – cả loạt phim truyền hình lẫn các bộ phim điện ảnh – đã trở thành hình mẫu thành công cho nền hoạt hình Trung Quốc.

Loạt phim truyền hình kinh phí thấp của Creative Power Entertaining đã được gần 50 đài truyền hình ở Trung Quốc phát sóng, đạt tỷ suất người xem là 17,3 tại thời điểm phổ biến nhất năm 2007. Bộ phim truyện đầu tiên có kinh phí sản xuất 2 triệu tệ (313.725 đôla), thu về 80 triệu tệ tại phòng vé. Trong nhiều năm, những người trong ngành đã nỗ lực tái tạo thành quả của bộ phim với thành công khiêm tốn.

Tuy nhiên, trong sự nổi lên của Cừu vui vẻ thì có nhiều điều phải bàn hơn về giá trị của chính bộ phim. Thực ra, ngay cả sau khi bộ phim thành công về mặt thương mại ở Trung Quốc, Cừu vui vẻ không nhận được bất kỳ điểm số nào từ các chuyên gia nước ngoài tại Liên hoan Hoạt hình Quốc tế Hàng Châu 2009.

Cừu vui vẻ lên sóng lần đầu tiên vào tháng 7/2005. Khi ấy, không ai biết trước được rằng Cục Quản lý Điện ảnh, Truyền thanh và Truyền hình Quốc gia (SARFT) sẽ đưa ra chỉ thị về việc các đài truyền hình phải phát sóng phim hoạt hình nội địa thay cho những phim nước ngoài nổi tiếng hơn trong khung giờ từ 17 giờ tới 20 giờ kể từ ngày 1/9/2006.

Cừu vui vẻ đi theo con đường kinh phí thấp. Bộ phim hoạt hình dựa trên đồ họa bằng flash chỉ tốn từ 1.000 tới 2.000 tệ mỗi phút để thực hiện. Lúc đó, Creative Power Entertaining là xưởng phim tư nhân trong nước duy nhất mạo hiểm sản xuất một loạt phim hoạt hình dài, nguyên gốc.

Đối thủ duy nhất của bộ phim, đã ký hợp đồng với CCTV, bị phụ huynh than phiền rằng quá máu me cho trẻ em và nhanh chóng bị SARFT cấm. Từ đó dọn đường cho Cừu vui vẻ trở thành quán quân mặc định về phim hoạt hình trong nước năm 2007.

Cừu vui vẻ - hình mẫu thành công của phim hoạt hình Trung Quốc

Năm 2009, bộ phim biến thành mỏ vàng. Thương hiệu này sinh ra 40 công viên vui chơi trên khắp cả nước, trở thành chủ đề trong các tiệm thức ăn nhanh và trường mẫu giáo. Nhằm nỗ lực tăng số lượng phim, ngành hoạt hình bắt đầu quảng cáo rùm beng về thành công của Cừu vui vẻ và thúc đẩy những bộ phim khác tiếp bước.

Kết quả là, flash trở thành công cụ chuẩn cho các xưởng phim dự định tiết kiệm chi phí. Theo những người trong ngành, phần lớn trong số 220.000 phút phim hoạt hình do các xưởng phim Trung Quốc sản xuất năm vừa qua được thực hiện nhờ flash.

Cừu vui vẻ cố gắng bù lấp cho sự đơn giản của mình bằng lối kể chuyện tốt. Tuy nhiên, hơn 500 tập phim trong những năm qua khiến cho bộ phim cùng kỹ xảo tầm thường khó lòng che giấu.

Đúng là các nhân tố như sao chép lậu tràn lan buộc các xưởng phim Trung Quốc tiếp tục sử dụng biện pháp sản xuất chi phí thấp, và lợi nhuận chỉ đến từ việc phát hành ở rạp. Tuy nhiên, mức 80 triệu tệ của Cừu vui vẻ trở thành điều không tưởng. Rainbow Cat and Blue Rabbit Fire Phoenix (Hồng miêu lam thỏ hỏa phượng hoàng), một loạt phim truyền hình ăn khách gần đây, chỉ kiếm được vài triệu tệ ở phòng vé.

Đội ngũ sản xuất cốt cán của Cừu vui vẻ tan rã vào năm 2010 với sự ra đi của tác giả kịch bản Hoàng Vĩ Kiện và đạo diễn Hoàng Vĩ Minh rời khỏi Creative Power Entertaining. Các tin đồn nói rằng mâu thuẫn về lợi ích giữa nhân viên sáng tạo và quản lý xưởng phim dẫn tới sự tan rã của nhóm.

Một ghi chép nội bộ tại xưởng phim, do China News Weekly đưa tin, làm tăng thêm những quan ngại. Ghi chép xác nhận rằng Cừu vui vẻ được một công ty Nhật Bản xây dựng ý tưởng, công ty này chuyển dự án tới Quảng Đông, nơi mà sau đó Creative Power Entertaining giới thiệu phim với tư cách là phim Trung Quốc nguyên gốc. Bài báo nói rằng điều đó dẫn tới tranh chấp về phân phối lợi nhuận giữa các đối tác Trung Quốc và Nhật.


Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi