Tin tức

Hollywood mùa phim hè 2019: Lại hoảng loạn khi phim nào cũng thua và chẳng ai sung sướng?

29/06/2019

Hollywood đang hoảng hốt về một mùa phim hè thảm họa. Có phải lại là mùa hè địa ngục, hay việc làm ăn vẫn như bình thường?

Chẳng bao giờ có khoảng thời gian nào mà Hollywood lại không bám lấy. Những cuốn sách hay nhất về lịch sử của thị trấn này lúc nào cũng nói về chuyện Hollywood bị đe dọa bởi mục đích của chính nó, đề cao tính đáng kính của nó đang lâm nguy do sự sụp đổ tự gây ra sắp sửa giáng xuống.

Trong cuốn Picture của Lillian Ross, từ năm 1952, MGM làm hỏng tầm nhìn của John Huston trong The Red Badge of Courage, tạo nên một mô hình thu nhỏ của sự xung đột cố hữu giữa nghệ thuật và thương mại diễn ra ngay trước mắt Ross. Trong The Studio, John Gregory Dunne tiết lộ nỗi thèm ăn tươi nuốt sống vì lợi nhuận và sự mưu cầu hãnh tiến hoành hành bên trong hãng 20th Century Fox vào khoảng năm 1967, khi ngành công nghiệp tiến đến tường thành chặn đứng sự đổi mới. The Devil’s Candy năm 1991, Julie Salamon nín thở và tinh vi khám phá thất bại của Brian De Palma khi chuyển thể The Bonfire of the Vanities của Tom Wolfe, một dự án sai lầm ngay từ khi nó được bật đèn xanh. Thất bại là một phần phải có trong làm ăn — chi phối các quyết định, chấm dứt các xu hướng, và tan nát trong tâm hồn của hầu hết những ai làm phim.

Gần đây, khủng hoảng ý nghĩa tồn tại của ngành công nghiệp đã trở thành lệ, hiện được ghi nhận xảy ra trong các khoảng thời gian hàng tháng, hàng tuần và đôi khi thậm chí hàng ngày. Toàn bộ tiểu mục trên các phương tiện truyền thông được dành cho báo cáo phòng vé theo sát các dự đoán và thành tích tiếp theo hay thất bại của những dự đoán đó. Nội dung đáng tin cậy, với báo cáo dữ liệu, các yếu tố kể chuyện tích hợp, và những đánh cược hồi hộp thắng thua điên đảo cả lên. Mặc dù hiếm khi xuất hiện theo phong cách tiểu thuyết của Dunne hoặc Ross, nhưng có thể được xướng lên ở tần suất kịch tính hơn bất kỳ ai từng thấy trước đây. Trời sắp sập rồi và không ai có ô dự phòng. Cường độ gay gắt nhất trong mùa hè, khi một loạt các phần tiếp theo được phát hành, phần sau to hơn và không cần thiết hơn phần trước.

Cảnh trong phim Jurassic World: thành công bất ngờ của bộ phim này đem lại hiệu ứng làm chai lì và kiểu phim chúng ta sẽ có

Gần năm năm trước, trong một bài tiểu luận có tên là “The Birdcage”, đồng nghiệp cũ Mark Harris của người viết đã viết những điều — mà theo người viết, và rất nhiều người — được coi là mổ xẻ sống sít kiến trúc thượng tầng có vấn đề của Hollywood: quá nhiều tài sản trí tuệ, quá nhiều vũ trụ kết nối, quá nhiều liên tục, quá nhiều phần tiếp theo, quá ít câu chuyện mới nguyên. Tập trung vào cuộc khủng hoảng này, Harris đã đưa ra một chính đề đanh thép:

Phim ảnh không còn là về câu chuyện này; mà là về câu chuyện tiếp theo, nhá hàng, trứng Phục sinh, cảnh phim hậu-credit, hứa hẹn một tương lai mà tại khoảnh khắc chúng ta đang ở này đây chỉ có gợi ý.

Hầu hết các phân tích chẩn đoán hiện đại về điện ảnh đều bắt nguồn từ tác phẩm này, hoặc ít nhất là phương thức suy nghĩ của nó. Chưa đầy một năm sau “The Birdcage”, Harris viết về siêu thành công bất ngờ của Jurassic World đem lại hiệu ứng làm chai lì và kiểu phim chúng ta sẽ có. Không lâu sau, nhà phê bình nhạy bén Alison Willmore của BuzzFeed đã viết về “Những bộ phim khiến chúng ta yêu và ghét phần tiếp theo trong năm 2015.” Bảy tháng sau, Harris trở lại nguồn tin cậy này, với chuyên mục có tên “Những phần tiếp theo trong năm 2016 không phải để kể chuyện; Mà chỉ là phần mở rộng thương hiệu.” 

Cảnh trong phim Toy Story 4: Sẽ tốt hơn nếu có một câu chuyện Pixar nguyên bản tạo ra sự thích thú chưa từng thấy trước đó thay vì phần tiếp theo của Toy Story chăng?

Người viết có tham gia viết về hiện tượng này, đã trở nên nghiêm trọng vào năm 2017, và một lần nữa vào mùa hè năm ngoái, dường như mở ra thứ phim mà người viết gọi là “phần tiếp theo đường tạt bóng” [nguyên văn: “the curveball sequel”] — những phim ăn theo không ai yêu cầu, như Ocean’s 8, Mamma Mia: Here We Go Again!, và The Nun — nhưng bằng cách nào đó vẫn đủ thành công để đưa chuỗi phim sang mùa hè năm tới. Luôn là dở tệ. Mà cứ tiếp tục. Nate Jones của Vulture đã viết về thứ phim anh gọi là “The Step-Sequel” (tạm dịch: phần tiếp theo-con ghẻ), những bộ phim được gắn vào một cách có liên quan nếu không bị hạn chế rõ ràng bởi những tiền nhiệm của chúng — hãy nghĩ tới Men in Black: International hay X-Men: Dark Phoenix. Hầu hết các bộ phim này đều thất bại, tệ hại. Rất khủng khiếp. Mùa hè này, hoảng loạn là chính đáng. Người viết nghĩ vậy.

Ranh giới giữa những gì chủ quan cấu thành một bộ phim đáng giá và những gì có thể được coi là thành công luôn mờ nhạt. Chúng ta chấp nhận sự thất thường của các phần tiếp theo khi một bộ phim vừa chiến thắng và thú vị như Mission: Impossible - Fallout mùa hè năm ngoái, hay Toy Story 4 cuối tuần rồi. Chúng ta ủng hộ thành công của chúng, hiểu rằng chúng là một phần của cỗ máy. Sẽ tốt hơn nếu có một câu chuyện Pixar nguyên bản tạo ra sự thích thú chưa từng thấy trước đó thay vì phần tiếp theo của Toy Story chăng? Chắc chắn rồi. (Thế còn có một câu chuyện nguyên bản hoàn toàn do con người đóng thì sao? Đừng nổi lòng tham như thế.) Nhưng khi ngay cả những bộ phim đó mà cũng gây thất vọng ở phòng vé, như Toy Story 4 đã thế, thật là chán quá sức chán.

Cảnh phim Men in Black: International — thất bại của bộ phim này ở phòng vé xác nhận một cảm giác: Có chuyện không đúng, và niềm tin trong khán giả đang giảm dần

Phòng vé hàng năm giảm gần 9% vào năm 2019, bất chấp đây là lần đầu tiên kể từ năm 1993, giá vé trung bình đã giảm so với năm trước. Ngành công nghiệp đang trên đà bán được số lượng vé thấp nhất kể từ năm 1992, cùng năm với Aladdin bản gốc ra rạp. (Kể từ khi Harris chẩn đoán vào năm 2014, Disney đã giới thiệu một hình thức hồi sinh thành công nhưng không có trí tuệ: bản làm lại người đóng.) Trở lại năm 1992, có 480 phim đã được phát hành rạp.

Ngành công nghiệp điện ảnh bây giờ lớn hơn — chỉ sau chưa đầy sáu tháng, 371 phim đã được phát hành. Năm ngoái, một con số khổng lồ 878 phim đã ra rạp. Các hãng phim không phát hành độc toàn những phần tiếp theo ở rạp, tuy nhiên họ luôn phát hành những phim đó ở nhiều rạp hơn bất kỳ loại phim nào khác. Tung ra chiếu ở số lượng rạp nhiều kinh khủng là để chống đỡ cho chúng nổi lềnh bềnh. Toy Story 4 đã trình chiếu ở 4.575 điểm. Số rạp chiếu Aladdin năm 1992 khoảng một nửa con số đó. Chưa bao giờ có nhiều phim mới để xem hơn ngày nay. Cũng chưa bao giờ có quá nhiều phim vớ vẩn cùng cực như bây giờ. Khi đám phim bom tấn không “ăn”, ai nấy bắt đầu ngứa ngáy.

Mùa hè này đã cung ứng một loạt thảm họa nhỏ, mỗi thảm họa lại có vấn đề mới. Hồi tháng 5, doanh thu khiêm tốn của Booksmart của Olivia Wilde đã dẫn đến nỗi nhục phòng vé có trách nhiệm xã hội đầu tiên, trong đó khán giả tiềm năng được khuyến khích tìm kiếm bộ phim ủng hộ các nhà làm phim nữ, kể câu chuyện mới nguyên, tầm nhìn về lối sống khác nhau trên màn ảnh, phim hài hãng lớn bỏ vốn, và có lẽ một vài nguyên nhân khác. Booksmart là một bộ phim duyên dáng, được làm tốt; không nên đòi hỏi nó phải chịu gánh nặng của tương lai ngành công nghiệp này.

Olivia Wilde (phải) chỉ đạo các diễn viên của bộ phim tuổi mới lớn Booksmart

Chỉ hai tuần sau, màn ra mắt mang điềm chẳng lành của Dark Phoenix báo hiệu kết thúc chuỗi phim X-Men của Fox, siêu anh hùng đầu tiên chết do sáp nhập, hy sinh cho Disney vĩ đại. Có nhiều nguyên nhân khiến bộ phim không hiệu quả, nhưng có vẻ như đây là một thất bại siêu anh hùng chính hiệu kiểu mà chúng ta chưa từng thấy kể từ sau Fantastic FourThe Green Hornet. Nó tiết lộ một tính toán sai lầm kỳ cục — quá đen tối, quá dư thừa, quay phim lại quá nhiều, làm lại quá lộ. Liệu nó có nghĩa là khởi đầu cho sự suy tàn của phim siêu anh hùng không? Người viết sẽ không nói chắc ăn như vậy. Nhưng nó không phải là vô nghĩa.

Sự rã rượi của Men in Black tuần trước xác nhận một cảm giác: Có chuyện không đúng, và niềm tin trong khán giả đang giảm dần. Với mỗi phim chật vật dẫn đến mổ xẻ tìm nguyên nhân của The Hollywood Reporter, kể lại xung đột đủ kiểu giữa các hãng phim và nhân tài trong quá trình sản xuất, muốn hy sinh nhân tài vì lợi ích ích kỷ của hãng phim. Năm 2018, MoviePass là chất bôi trơn bí mật trong một năm thành công bất ngờ. Một năm trước đó, Rotten Tomatoes bị nghi ngờ đã ảnh hưởng quá mức chính đáng đến người xem phim đối với một số bộ phim. (Baywatch, có ai không?) Mọi hiệu ứng ở Hollywood đều cần một nguyên nhân. Nguyên nhân năm nay có phải là... phát trực tuyến không? Có thể. Ít người mua vé xem phim hơn vì ít người cần rời khỏi nhà để xem những thứ mới. Và vì vậy, để thu hút những người tiêu dùng ru rú ở nhà, một trải nghiệm xem rạp phải là một sự kiện.

Tuần trước, The New York Times công bố bài viết chuyên đề “Điện ảnh (như chúng ta biết) sẽ sống sót ra sao trong 10 năm tới?” phỏng vấn hàng chục nhà làm phim, giám đốc điều hành, và diễn viên. Có chút bất đồng nhạy cảm về lợi ích của các công ty như Netflix chi hàng tỉ đôla cho các bộ phim mới, nhưng quan điểm chung dường như là “Chúng ta chết đến đít rồi.” Người viết nghĩ rằng chủ tịch Sony Pictures Tom Rothman đã tóm tắt nỗi khiếp đảm xung quanh một cách súc tích: “Người trẻ không đi xem phim rạp, họ xem một bộ phim.” [Nguyên văn: “Young people don’t go to ‘the’ movies, they go to ‘a’ movie.”]

Cảnh trong phim Dark Phoenix báo hiệu kết thúc chuỗi phim X-Men của Fox, siêu anh hùng đầu tiên chết do sáp nhập, hy sinh cho Disney vĩ đại

Những bộ phim được mong đợi nhất trong phần còn lại của mùa hè này — các phim sự kiện — trình ra một nghịch lý: Có một bản làm lại The Lion King sắp ra mắt với sự tham gia lồng tiếng của Beyoncé và Donald Glover. Một tuần sau, có phim mới nguyên của Quentin Tarantino, Once Upon a Time... in Hollywood toàn sao. Và một tuần sau đó, Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw. Hai bom tấn bị ràng buộc bởi những phim tiền nhiệm, và một phim điện ảnh trường phái cũ. Không phim nào được đảm bảo thành công, cách tiếp cận sáng tạo cũng chẳng chứng tỏ điều gì khác ngoài sự tồn tại của chúng. Liệu chức vô địch phòng vé không tránh khỏi của The Lion King sẽ khẳng định sự kém hiệu quả của phim Tarantino? Sáu tuần nữa chúng ta có thể quay lại đây để đánh giá lại tất cả các đánh giá của chúng ta. Đây là vòng đời của một lĩnh vực kinh doanh thay đổi với tốc độ chóng mặt đến mức một mô hình tiêu dùng trọn bộ — phát trực tuyến — đã nổi lên và bắt đầu nuốt chửng nhân tài và nhận thức của công chúng trước khi ngành kinh doanh này có cơ hội thiết lập lại lịch trình phát hành kéo dài hàng thập kỷ, được tổ chức tỉ mỉ của nó.

Tại sao các biên kịch — những con người bị thiêu rụi bởi chính sự sắp đặt của ngành điện ảnh — những người khao khát những bộ phim tuyệt vời lại khai thác những thất bại của Hollywood cho những tuyên bố lớn về loại hình truyền thông này? Luôn luôn là như vậy. (Xem: 1983. 1998. 2011. 2012.) Âm nhạc thường được mô tả là loại hình nghệ thuật tạo ấn tượng lâu dài nhất đối với trẻ nhỏ — những bài hát bạn yêu thích thưở thiếu thời bện xoắn vào ADN cảm xúc của bạn, không bao giờ tách rời. Nhưng cũng có một sự hấp dẫn lãng mạn ăn sâu bám rễ về những bộ phim. Xem ở độ tuổi phù hợp, chúng có thể khiến khẩu vị của bạn đông thành hổ phách.

Disney đã giới thiệu một hình thức hồi sinh thành công nhưng không có trí tuệ: bản làm lại người/động vật thật đóng — từ trái qua Aladdin, The Lion King, Dumbo

Vào năm 1992, người viết đã là mọt phim. Người viết đã xem những bộ phim được phát hành năm đó — Reservoir Dogs, Unforgiven, Candyman, Malcolm X, cả My Cousin Vinny! — mà người viết biết mình chẳng bao giờ quên. Nhưng bốn phim có doanh thu cao nhất năm 1992 là Aladdin, Home Alone 2: Lost in New York, Batman ReturnsLethal Weapon 3. Chỉ vì cái gì đó cũ không có nghĩa là nó hay, và chỉ vì cuối tuần này tệ không có nghĩa là ba thập kỷ trước thì tốt hơn nhiều. Hoài niệm là một biệt dược.

Chúng ta có xu hướng rút ra kết luận khái quát từ những cái đã thành công ở cấp độ cao nhất, và đưa ra những đánh giá giá trị dựa trên những cái không hiệu quả. Không ai nhớ một lỗi chạm bóng duy nhất. Kinh doanh phim ảnh là một môn thể thao đòi hỏi ba kết quả đúng. Mặc dù năm nay gặp khó khăn, Avengers: Endgame vẫn trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất từng được thực hiện, chưa điều chỉnh theo lạm phát. Người viết thích Endgame. Nó là phim kết lại loạt phim khéo léo, được hình thành để kết thúc một mùa phim dài 22 tập của chương trình lâu năm được yêu thích gọi là Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Nó đến với cái giá của màn cuối có tất cả mọi người trong các nút thắt. Cứ ba giờ xem Endgame là ba giờ không xem The Souvenir. Hoặc Long Short. Hoặc High Life. (Ít ra tất cả chúng ta đều có John Wick: Chapter 3 — Parabellum.)

Fast & Furious Presents: Hobbs & Shaw

Khi ngày càng nhiều bộ phim sự kiện định hướng tạo chuỗi thất bại, tương lai cao vọng của chúng rã đám. Các lực lượng sáng tạo trong ngành đã có lịch sử phản ứng với thất bại bằng cách phá vỡ mô hình và định hình lại. Vào cuối những năm 1960, sự xuất hiện của cái gọi là New Hollywood đã bỏ qua các nhạc kịch cồng kềnh, sử thi sai lệch lịch sử, và phim viễn Tây bụi bặm đã đưa các hãng phim vào vòng xoáy đi xuống. Trong một thời gian, những bộ phim lớn nhất trông có vẻ và đem lại cảm giác khác đi — cá nhân hơn, thủ công hơn, châu Âu hơn. Có phải chúng ta đang ở vào buổi bình minh của một kỷ nguyên sáng tạo mới, làm mới những gì mà một bộ phim có thể là? Sẽ không dễ dàng. Hầu như mọi hãng phim đều bị ràng buộc bởi các lãnh chúa doanh nghiệp hoặc đầu tư nước ngoài hoặc, có thể tệ hơn, đầu tư mạo hiểm. Qua lâu rồi cái thời một sếp hãng phim cáu kỉnh một mình hô mưa gọi gió. Ngày nay, sự sáng tạo đối với phát hành nghiêm túc được quản lý trong phòng họp hội đồng quản trị.

Những ai chủ yếu làm việc cho các dịch vụ phát trực tuyến sẽ thấy một tương lai dung hợp hơn san bằng sân chơi và thay đổi những câu chuyện mà chúng ta sẽ xem. Đối với một số nhà làm phim, sẽ đúng là vậy. Nhưng nhìn chung, điều đó có thể khiến quá nhiều dịch vụ phát trực tuyến mong muốn lấp đầy thời gian của bạn bằng các định dạng quen thuộc hơn bất kỳ thứ gì khác. Netflix có thể có Easy Rider hay Bob & Carol & Ted & Alice, những bộ phim không có tiền lệ được cho là đã làm thay đổi kỳ vọng của người xem phim hiện đại, có cái gì đó thực là của mình không? Có lẽ. Nhưng làm sao chúng ta biết?

Minh họa của Ringer, tạm dịch: Đang bán vé (trái) và Nghiêm trọng. Còn rất nhiều vé

Ở phần cuối của “The Birdcage”, Harris đã viết những điều sau đây như một tiếng thở dài tu từ và một kiểu công án:

Hãy nghĩ xem bạn sẽ bao nhiêu tuổi vào năm 2020. Bạn sẽ ở đâu trong cuộc sống? Điều gì sẽ khác? Bạn có hình dung khẩu vị của bạn sẽ chính xác như ngày hôm nay không? Hollywood hết sức hy vọng câu trả lời là có. Sự đơn điệu của bạn là điều Hollywood cầu xin.

Sắp tới năm 2020 rồi. Có phải chúng ta vẫn vậy? Và nếu chúng ta thay đổi, thậm chí chúng ta có để ý nhận ra cảm xúc mới của ta như thế nào?

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Ringer