Tin tức

Khắc họa cảnh sát Hàn trên phim điện ảnh Hàn

06/01/2016

"Có thể chúng tôi không có tiền, nhưng chúng tôi có lòng tự hào."

Phim điện ảnh Hàn thành công lớn phòng vé năm 2015 Veteran - bộ phim hành động ly kỳ theo chân một thanh tra truy bắt cậu ấm rối loạn nhân cách chống đối xã hội phạm tội hình sự - đem đến một trong những khắc họa tích cực nhất theo hướng đầy tranh cãi về cảnh sát Hàn Quốc. Thanh tra Do Cheol (do Hwang Jung Min thủ vai), tương tự như câu nói nổi tiếng trên, là người dữ dội, ngay thẳng, có năng lực, và trên tất cả, là có đạo đức. Anh không đánh đổi tự trọng của mình cho sự an toàn, tiện nghi hay tiền bạc.

Thanh tra Do Cheol do Hwang Jung Min thủ vai trên phim Veteran

Trong số nhiều ngành nghề trên thế giới, có những nghề đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao hơn số còn lại. Về mặt lý thuyết, mọi sĩ quan cảnh sát đều nên cố gắng để giống như Do Cheol. Nhưng khắc họa về cảnh sát trên màn ảnh Hàn không phải lúc nào cũng được yêu thích, phản ánh lịch sử hiện đại của quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa độc tài quân sự và sự lạm quyền thường xuyên của các cơ quan chính phủ. Trong nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, cảnh sát Hàn Quốc thường liên quan đến tham nhũng, bất công, thiếu năng lực và thậm chí là xâm phạm quyền con người.

Trong phim National Security năm 2012 về việc nhà hoạt động dân chủ quá cố Kim Geun Tae phải chịu tra tấn, một trong những cảnh sát trong phim được gọi là "bậc thầy tra tấn". Nhân vật này (do Lee Gyung Jeong thủ vai) dựa trên một nhân vật có thật là sĩ quan cảnh sát Lee Geun An nổi tiếng với việc tra tấn các nhà hoạt động là sinh viên trong chế độ quân sự Chun Doo Hwan những năm 1980. Với diễn xuất của Lee Gyung Jeong, phim đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu rõ ràng của mình - để khán giả chứng kiến sự kinh khủng mà các nhà hoạt động dân chủ đã phải trải qua dưới chế độ của Chun Doo Hwan.

"Bậc thầy tra tấn" do Lee Gyung Jeong thủ vai, áo trắng, giữa, trong phim National Security

Nhân vật cảnh sát này được khắc hoạ rất dã man và tàn bạo với các nạn nhân, trong khi lại đặc biệt trung thành và tuân thủ cấp trên. Mở màn với trò nhấn nước, Lee Geun An chỉ đạo việc giật điện và buộc Kim Geun Tae phải nuốt bột ớt với nước, trong đảm bảo rằng Kim Geun Tae không bị thương bên ngoài hay chết.

Sau đó, trong phim The Attorney năm 2013 người xem lại chứng kiến những sĩ quan cảnh sát tương tự như Lee Geun An trong National Security. Phim lấy cảm hứng về những năm cố tổng thống Roh Moo Hyun còn làm luật sư ở Busan. Trong phim này, nhân vật chính (dựa trên hình mẫu Roh Moo Hyun) đang tận hưởng một cuộc sống dễ chịu với công việc luật sư thuế, quyết định cống hiến vì quyền con người sau khi chứng kiến một sinh viên đại học bị tra tấn dã man bởi cảnh sát đã kết tội cậu thân Triều Tiên.

Viên cảnh sát thực hiện hành vi tra tấn cậu sinh viên đã khai một cách không biết xấu hổ tại tòa rằng hắn theo lệnh chính quyền khi tra tấn sinh viên này, làm bùng lên cơn giận dữ của nhân vật chính. Trong một cảnh, luật sư đã hét vào mặt viên cảnh sát, trích dẫn Điều 1 của Hiến pháp Hàn Quốc: Chủ quyền của nước Cộng hòa Hàn Quốc thuộc về nhân dân, và tất cả các cơ quan nhà nước là của nhân dân.

Viên cảnh sát khai không biết xấu hổ trước tòa đã tra tấn sinh viên theo lệnh trong phim The Attorney

"Điện ảnh không khắc họa sự thật, nhưng chắc chắn phản ánh cách con người nhìn nhận sự thật," nhà bình luận Jeong Deok Hyeon viết năm ngoái. "Trong The Attorney, chính phủ là chủ thể hủy hoại các sinh viên đại học trẻ tuổi. Chính sự ngạo mạn của chính phủ đã khiến chính phủ phớt lờ hiến pháp.

"Trong phim hình sự ly kỳ năm 2008 The Chaser," ông tiếp tục, "chính sự thiếu năng lực của cảnh sát đã để cho tên giết người hàng loạt chạy thoát và sát hại thêm nhiều nạn nhân. Những phim này cho thấy cách công chúng Hàn Quốc nhìn nhận cơ quan công quyền. Chính phủ không đáng tin và vì vậy người dân phải tự bảo vệ chính mình."

Trong những năm 2000, những nhân vật thanh tra trong phim được yêu thích hơn - mặc dù "theo kiểu cũ."

Nhà phê bình điện ảnh Lee Jong Do và Kim Hyeon Jeong viết trong tác phẩm năm 2005 rằng hầu hết các phim về đề tài cảnh sát lúc bấy giờ - Memories of Murder (2003), Nowhere to Hide (1999) - đều có các nhân vật cảnh sát "theo kiểu cũ" và " theo cách nào đó được khán giả yêu mến" - "họ chửi thề suốt, tìm đến thầy bói để xin lời khuyên, và cảm thấy việc tra tấn nghi can không có gì sai" - đồng thời giới thiệu những tội phạm là công chức như cán bộ quản lý quỹ hoặc cựu xã hội đen thực hiện kinh doanh trái phép thành công (Public Enemy (2002), Beast (2006)).

Cảnh trong phim Memories of Murder

"Những phim Hàn Quốc (trong những năm 2000) khiến các cảnh sát kiểu cũ và được yêu mến truy bắt tội phạm công chức làm lợi từ nền kinh tế tự do mới,” những nhà phê bình này viết trong tác phẩm. “Điều đó phản ánh cảm nhận mất mát trong lòng người dân Hàn Quốc, sau khi trải qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 bao gồm cả thời kỳ giảm sút quy mô lớn.”

Trong những năm 2010, Hàn Quốc đón nhận một cách đầy tranh cãi những phim đa dạng về đề tài cảnh sát. Phim năm 2013 Cold Eyes, là một ví dụ, trong đó những thanh tra từ một nhóm giám sát của lực lượng chống tội phạm đặc biệt làm việc với nhau để phá vỡ một tổ chức cướp ngân hàng. Một phim năm 2013 khác, New World, trong đó một thanh tra bị người sếp ích kỷ, gian manh của mình phân công do thám một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất nước.

Một cảnh trong New World

Cuộc điều tra nằm vùng của viên cảnh sát này kéo dài trong tám năm, và cuối cùng anh đã kẹt giữa người đứng thứ hai của băng đảng, người thực sự tin tưởng và quan tâm anh và thanh tra cấp cao của mình, người chỉ sử dụng anh và từ chối bảo vệ anh khi anh cần hoặc gặp nguy hiểm. Phim đã xóa mờ ranh giới giữa tốt và xấu, hợp pháp và phạm pháp – và dấy lên câu hỏi rằng ngày nay bao người Hàn Quốc phải đối mặt với hậu quả của thảm họa Sewol năm 2014, một chiếc phà chìm và giết chết 304 người trên đó: Chúng ta làm gì khi những người đáng nhẽ phải bảo vệ chúng ta – như cơ quan công quyền – phản bội niềm tin đó?

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Korea Herald