Tin tức

Khám phá sân bay Stansted biến thành trường quay phim ly kỳ kinh phí lớn One More Shot

01/02/2024

“Súng” và “sân bay” nằm trong cùng một câu nghe thật trái khoáy. Thế nhưng, đấy là sân bay London Stansted, bên ngoài khu vực kiểm tra an ninh, khoảng 100 người quần nhau — một vài trong số họ công khai mang theo súng, từ súng ngắn đến vũ khí tấn công. Cảnh sát sân bay có mặt nhưng chỉ đứng nhìn. Hay thực ra họ là diễn viên ăn mặc như cảnh sát sân bay?

Chào mừng đến với Stannywood, thánh địa bối cảnh phim.

Đạo diễn James Nunn

“Không còn hành khách.” Thông báo phát trên loa lúc 11 giờ 18 phút tối. Hàng chục nghìn hành khách trên hàng trăm chuyến bay đã bay đi trong ngày hoặc về nhà vào ban đêm từ nhà ga Essex. Trong vài giờ nữa không có chuyến đến hoặc chuyến khởi hành nào ở Ryanair, easyJet hoặc Jet2 được lên lịch. Vì vậy, sân bay giá rẻ hàng đầu của Vương quốc Anh giờ đây có thể tiếp tục vai trò về đêm làm bối cảnh cho bộ phim hành động ly kỳ đặc sắc: One More Shot.

Tại Stansted — một trong bốn sân bay bận rộn nhất nước Anh — sắp sửa khai hỏa. Theo cả hai nghĩa.

Xuất phẩm hoàn chỉnh ra mắt trên Sky ngày 12 tháng 1. One More Shot thể hiện hàng chục chuyến khởi hành ở ga cuối, nhưng không theo chiều hướng tốt. Và những người thực hiện việc điều phối trang bị vũ khí bán tự động thay vì áo khoác phản quang. Ngược đời là, tất cả mọi người không đứng trước máy quay đều mặc áo khoác phản quang, có thể xuất hiện hình ảnh phản chiếu trong cái “studio” bằng thép và kính mênh mông này.

Nếu bạn thuê sân bay Stansted cho một phim truyện mà theo kịch bản viết thì những cái chết rùng rợn vì súng đạn diễn ra với tốc độ trung bình một phút chết một mạng, bạn cần có sự hợp tác đặc biệt

Quay phim “mặt đất” tại một sân bay đã đủ thách thức rồi: cần có nhân viên giữ hành khách tránh đường và đảm bảo an toàn, đồng thời liếc qua kính ngắm để đảm bảo máy quay không vô tình quay trúng các hãng hàng không theo cách không đẹp mắt.

Thách thức tăng lên gấp bội đối với việc quay phim trên không. Mọi người liên quan đều phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch. Vượt qua được phần lý lịch rồi cũng chỉ là bắt đầu đủ thứ vấn đề. Họ phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh thường lệ (không mang vật sắc nhọn, không mang chất lỏng trên 100ml...) được những người có thẩm quyền ở sân bay kèm sát.

Cho dù đạo diễn chỉ muốn quay một cảnh vui vẻ theo phong cách Love Actually thì cũng áp dụng y hệt vậy.

Bọn khủng bố mang “bom bẩn” đến Washington DC; người hùng hành động Jake Harris, do Scott Adkins thủ vai (ảnh), là người duy nhất có thể ngăn chặn tận thế

Tuy nhiên, nếu bạn thuê sân bay Stansted cho một phim truyện mà theo kịch bản viết thì những cái chết rùng rợn vì súng đạn diễn ra với tốc độ trung bình một phút chết một mạng, bạn cần có sự hợp tác đặc biệt.

“Người ta ắt sẽ hỏi, ‘Anh định làm gì chứ? Anh điên à?’” đạo diễn James Nunn nói. Đêm này qua đêm khác, anh, dàn diễn viên và đoàn làm phim chạy đua với thời hạn ngặt nghèo.

“Thời gian chống lại bạn. Đến 3 hoặc 4 giờ sáng thì các chuyến bay lại bắt đầu vì hành khách muốn đến Faliraki hoặc bất cứ nơi nào.”

Tuy nhiên, về mặt nghệ thuật, Nunn lại hạnh phúc. “Thật khó tin là bạn đang ở một sân bay quốc tế.”

Tình hình trong phần lớn bộ phim là rất tệ. Mục tiêu của đạo diễn là làm cho toàn bộ bộ phim dài 102 phút trông như thể được quay chỉ một đúp duy nhất

Và sân bay quốc tế đó là, ừm, “Washington Baltimore”. Có lẽ sân bay Baltimore Washington thực tế không quan tâm đến việc biến cơ sở của mình thành trường quay, và cũng muốn nêu đích tên sự mạo danh.

Tất cả những gì bạn cần biết về cốt truyện: bọn khủng bố mang “bom bẩn” đến khu vực Washington DC; người hùng hành động Jake Harris, do Scott Adkins thủ vai, là người duy nhất có thể ngăn chặn tận thế; tình hình trong phần lớn bộ phim là rất tệ, nhưng cuối cùng, mọi người đều sống hạnh phúc mãi về sau, ngoại trừ những người mà nhà ga đã chứng minh là vô phương cứu chữa, với số lượng thi thể gần bằng sức chứa của một chiếc Airbus A320.

Stansted là địa điểm lý tưởng cho các nhà làm phim. Trông giống “sân bay” hơn hẳn so với nhiều nhà ga khác. Thiết kế năm 1991 của Norman Foster là sự kết hợp hoàn hảo giữa thép và kính, với mái nhà giống như cánh buồm tạo ra cảm giác không gian — và, một cách khéo léo, tầm nhìn bao quát khắp sân bay.

Có gì từ bếp không? Scott Adkins lên máy bay lục soát

Mục tiêu của đạo diễn là làm cho toàn bộ bộ phim dài 102 phút trông như thể được quay chỉ một đúp duy nhất. Niết bàn điện ảnh đó không thể xảy ra ở Stansted vì đủ mọi lý do hậu cần, nhất là kỳ thực một số cảnh quay diễn ra tại bến tàu Tilbury, cũng ở Essex.

Nunn cho biết bộ phim bao gồm một cảnh quay liên tục dài chín phút. Khiến nó trở thành một trong những cảnh quay dài nhất từ trước đến nay — và trong điều kiện đầy rẫy những hạn chế không khoan nhượng của một sân bay quốc tế thì quả là một thành tựu đáng nể.

“Người nào người nấy đều có vẻ mặt kiểu ‘Chuyện gì vừa xảy ra vậy?’”

Bất cứ ai quen thuộc với Stansted và xem phim sẽ thắc mắc: chuyện gì vừa xảy ra với sân bay vậy? Khu vực quay phim là xung quanh đoạn đường dẫn lên cổng 81 đến cổng 88. Địa điểm phục vụ ăn uống là ở tầng dưới trong khu vực cổng 90-93 thường được sử dụng để đưa đón hành khách lên máy bay.

Khu vực quay phim là đoạn đường dẫn tới cổng 81 đến cổng 88

Các nhà dựng cảnh đã bận rộn với các biển báo cho sân bay “de-Stansted”, triển khai biển báo cho các khu vực “Hạng nhất và hạng thương gia”, một khái niệm xa lạ với 99% người dùng cửa ngõ Essex. Các ngôi sao và dải sọc được treo lủng lẳng trên tường. Hãng hàng không chính dường như được gọi là Air Xence — tuy nhiên, nếu bạn nhìn kỹ phía cuối, màu xanh và vàng quen thuộc của máy bay phản lực Ryanair hiện rõ trên sân đỗ máy bay.

Như trên bất kỳ phim trường nào, cần có hàng chục chuyên gia, từ trang điểm đến ánh sáng, để mang lại kết quả. Nhân sự được quan tâm nhất ắt là người phụ trách vũ khí, mang theo một bao tải chứa hàng chục khẩu súng tiểu liên phó hội. Một sĩ quan cảnh sát thật bảo vệ chúng (và đôi khi là dao) suốt.

Điểm nổi bật của bộ phim là màn đấu súng-và-đấu-dao trên xe chuyển khách — chính thức gọi là Hệ thống theo dõi chuyển tuyến, Track Transit System (TTS) — kết nối nhà ga chính với các cổng bên ngoài.

Điểm nổi bật của bộ phim là màn đấu súng-và-đấu-dao trên xe chuyển khách

“Họ sẽ không bao giờ cho chúng tôi làm vậy,” Nunn trù liệu. “Nên chúng tôi nói: ‘Chúng tôi có thể làm cảnh đó được không?’ Và họ nói, ‘Ừ, đừng lo, không vấn đề gì.’

“Vì vậy, có một cuộc chiến thực sự không ngừng trên TTS. Cuộc chiến kéo dài từ một đến hai phút trên một cỗ xe đang di chuyển với tốc độ tối đa 28 dặm/giờ, và rồi Scott kéo phanh ngừng khẩn cấp thật và chúng tôi dừng lại.”

Ở phần danh đề cuối phim, “Rob Prior và Nhóm Kỹ thuật Hệ thống theo dõi chuyển tuyến” nhận được lời cảm ơn đặc biệt — cũng như “Ludwig Duweke và Tất cả nhân viên tại Radisson Blu Stansted” vì đã cho phép sử dụng khách sạn làm trung tâm chế tác.

Chuyến bay đêm: Michael Jai White trên bãi đỗ máy bay của Stansted

Các diễn viên và pha hành động đều tuyệt vời. Tuy nhiên, thành thật mà nói, cốt truyện ủy mị và nhịp độ tua đi nhanh không ngừng có nghĩa là không thể khuyên bạn nên đăng ký Sky Entertainment chỉ để xem One More Shot.

Trừ phi, nghĩa là, bạn thuộc loại sẵn sàng bị mê hoặc bởi khái niệm quay một đúp, hoặc bạn khách trung thành của sân bay Stansted muốn nhìn thoáng qua cuộc sống bí mật của sân bay. Hoặc có lẽ bạn muốn làm một phim tài liệu về những thách thức khi làm phim hành động ở sân bay thực?

Đạo diễn Nunn nói: “Tôi nghĩ chúng tôi không nhận ra việc đó lại khó khăn đến mức nào. Bạn phải đưa 100 thành viên chuyến bay lên máy bay mỗi ngày và không có cách nào làm nhanh cho nổi.

“Làm một bộ phim tự nó đã là phép màu, và chúng ta phải có những phép màu nho nhỏ mỗi ngày.”

Scott Adkins, ngôi sao của One More Shot, trong một cảnh quay tại sân bay Stansted

Trải nghiệm này có khiến Nunn sợ sân bay không? “Tuyệt đối không. Cứ đi du lịch thôi.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Independent