Tin tức

Khi truyện tranh lên màn ảnh – mà không có bóng dáng siêu anh hùng

29/03/2022

Nhắc đến phim dựa trên truyện tranh nhiều người sẽ nghĩ ngay tới các siêu anh hùng — nhưng truyện tranh chỉ là một phương tiện chứ không phải thể loại, và có một số phim chuyển thể từ truyện tranh bạn sẽ chẳng tìm được áo choàng hay quần bó nào.

Tom Hanks (trái) đóng chính Road to Perdition (2002) được khen ngợi, dựa trên truyện tranh của Max Allan Collins và Richard Piers Rayner

Ví dụ, Ghost World (2001), giúp thế giới chú ý tới Scarlett Johansson lần đầu và mang về đề cử Oscar kịch bản chuyển thể cho Dan Clowes với kịch bản dựa trên tiểu thuyết hình ảnh của anh. Hoặc phim Tom Hanks đóng chính Road to Perdition (2002) được khen ngợi, dựa trên truyện tranh của Max Allan Collins và Richard Piers Rayner. Còn có chuyện tình đồng tính nữ gây tranh cãi Blue is the Warmest Colour (2013), chuyển thể từ tiểu thuyết tranh của Jul Maroh đã thắng Cành Cọ Vàng tại Cannes.

Cũng theo truyền thống không có siêu anh hùng này là Paris, 13th District sắp ra mắt do Jacques Audiard (A Prophet, Rust and Bone) đạo diễn, khám phá những mối quan hệ tình dục phức tạp của một nhóm người thế hệ thiên niên kỷ sống ở quận Olympiades, Paris. Phim chuyển thể từ các truyện ngắn (chủ yếu từ cuốn Killing and Dying) của họa sĩ và tác giả truyện tranh Adrian Tomine, người đạt địa vị hiếm hoi đối với một họa sĩ hoạt hình: ông được các tổ chức văn chương đánh giá cao, với các tác phẩm nhận được sự ủng hộ từ những nhà văn như Zadie Smith.

Paris, 13th District, chuyển thể từ các truyện ngắn của họa sĩ và tác giả truyện tranh Adrian Tomine

Và phim ảnh là một đam mê lớn khác của Tomine: “Tôi mê mẩn truyện tranh cũng như phim từ những ngày còn bé,” ông nói. “Khi đang tự học vẽ truyện tranh, tôi dùng máy quay Super 8 của bố để làm những bộ phim nhỏ. Tôi nghĩ cuối cùng tôi chuyển sang theo đuổi truyện tranh vì chúng dễ và rẻ hơn — và không cần bạn bè.”

Khi phải cân nhắc chuyển thể lên màn ảnh, ưu tiên hàng đầu của Tomine là tin tưởng người ông gửi gắm tư liệu của mình. “Bản thân tôi rất muốn bảo vệ tác phẩm và nghi ngại trước những nỗ lực này. Mọi thứ thay đổi khi Jacques Audiard liên hệ với tôi. Tôi đã nói không với nhiều cơ hội suốt nhiều năm... Điều quan trọng với tôi là: có một mối quan hệ công việc thực sự tốt, không phải kiểu tranh đấu hay đáng sợ.”

Trải nghiệm của Tomine đối lập sắc nét với những người sáng tạo ra Tank Girl, nhân vật truyện tranh nổi bật thập kỷ 90. Về lý thuyết, cô gái theo phong cách punk chủ nghĩa vị lai là nữ phản anh hùng hoàn hảo cho màn ảnh rộng đang ở đỉnh thời đại grunge vào năm 1995, và hãng phim Hollywood MGM tóm ngay nó làm chuyển thể.

Họa sĩ hoạt hình của Gorillaz và truyện tranh Tank Girl Jamie Hewlett

Truyện tranh là tác phẩm của nhà văn Alan Martin và họa sĩ Jamie Hewlett. Hewlett đồng sáng lập ban nhạc ảo Gorillaz với Damon Albarn. Tuy nhiên, những người trẻ như Martin và Hewlett thiếu vốn tiền tệ văn hóa như Tomine khi bước vào thương thảo với hãng phim. Truyện tranh thời đó cũng không nhận được sự tôn trọng của giới phê bình Mỹ và Anh như hiện giờ. (Ở những đất nước như Pháp và Nhật Bản thì khác, truyện tranh luôn được đánh giá cao.)

Hewlett nhớ lại quá trình quay phim như bước ra từ những khung truyện của họ. “Đó là lần đầu chúng tôi tới Los Angeles. Chúng tôi khi đó để đầu mohawk và đi Doc Martens nên đã tới Oxfam mua những bộ vest rất tệ. MGM muốn làm chúng tôi choáng váng, nên cho chúng tôi bay sang đó bằng vé hạng nhất.”

Nhưng tuần trăng mật không kéo dài. “Chúng tôi muốn đưa một nhân vật nữ vào truyện tranh và cho cô ấy mạnh mẽ và cho cô ấy việc để làm và để cô ấy ngông cuồng nhất có thể. Họ hiểu sai toàn bộ ý tưởng đó.” Hewlett và Martin được hãng phim đối xử tốt, nhưng nhanh chóng nhận ra không ai muốn ý kiến của họ. “Thứ duy nhất tôi đưa được vào phim là cảnh mở đầu,” Hewlett nói. “Họ muốn cô ấy cưỡi ngựa trắng, và tôi đổi được thành cô ấy đang say rượu trên một con trâu. Như Lawrence of Arabia, nhưng say.”

Tank Girl năm 1995 — Hewlett nói Hollywood đã hiểu sai nhân vật và muốn cô ấy cưỡi ngựa trắng 

Hewlett nhớ lại sự ngây ngô tuổi trẻ với tinh thần vui vẻ. “Quản lý của chúng tôi thời đó ký một hợp đồng với MGM mà chúng tôi còn không biết gì. Chúng tôi có khoảng 50.000 bảng trong tài khoản ngân hàng. Chúng tôi tưởng mình giàu rồi! Alan đi mua mô hình Scalextric lớn nhất và chúng tôi xây một đường đua không lồ trong phòng trống. Rồi chúng tôi nhận ra mình không có tí quyền nào và hợp đồng rất kinh khủng.”

Những khó khăn cố hữu trong việc chuyển thể truyện tranh lên màn ảnh đã làm các nhà làm phim đau đầu từ lâu. Một trong những yếu tố góp phần vào đó là khái niệm sai lầm phổ biến cho rằng hai phương tiện này căn bản là thay thế được cho nhau. Suy cho cùng, cả hai đều là việc kể chuyện thông qua chuỗi hình ảnh.

“Theo tôi thì hầu như ngược lại mới đúng,” Tomine nói. “Chúng có thể giao nhau ở một số điểm, nhưng chúng rất khác biệt. Sự thuần túy của giọng nói — dù qua tranh vẽ hay qua chữ viết — khó mà đạt được trong một phương tiện có tính hợp tác mà điện ảnh phải thế, theo đúng định nghĩa.”

Hewlett nói Akira (1988) là ví dụ cho thấy một phim thành công nhờ đạo diễn (Kushiro Otomo) là tác giả của truyện tranh gốc

Hewlett đồng ý: “Có gì đó ở những câu chuyện được kể trong truyện tranh không bao giờ có thể thực sự truyền tải trong điện ảnh. Nó như đọc một cuốn sách. Đó là hành trình của riêng bạn, cách bạn lần theo một trang tranh vẽ; bạn nói trong đầu bằng giọng của riêng bạn; bạn đọc ở tốc độ của riêng bạn. Tôi tin một số những nghệ sĩ vĩ đại nhất đang sống là họa sĩ truyện tranh — nhưng tôi không nghĩ có thể chuyển thể dễ dàng và tự nhiên chuyển lên màn ảnh, cho nên mới gây thất vọng. Nhưng tôi nghĩ điều này đang được cải thiện.”

Lý do cho sự lạc quan của Hewlett là đóng góp ngày càng tăng của những người sáng tạo truyện tranh trong các dự án này. “Nếu Alan Moore được đạo diễn phim The Watchmen, tôi chắc rằng nó sẽ tuyệt vời!” ông nói. “Nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Nên người khác phải kể câu chuyện. Nó bị tách khỏi ý tưởng gốc, như một bản sao lần hai hay ba vậy. Lấy ví dụ phim Akira [1988] — Kushiro Otomo đã đạo diễn bộ phim từ truyện tranh của ông ấy. Vậy nên nó mới hay thế.” Một trường hợp khác là phim hoạt hình Persepolis của Marjane Satrapi. Do chính tác giả truyện tranh đạo diễn, phim kể câu chuyện thời thơ ấu của Satrapi ở Iran sau cách mạng và nhận giải thưởng của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 2007.

Persepolis của Marjane Satrapi. Do chính tác giả truyện tranh đạo diễn, phim kể câu chuyện thời thơ ấu của Satrapi ở Iran sau cách mạng và nhận giải thưởng của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 2007

Vui mừng thay là việc các nhà sáng tạo truyện tranh tham gia nhiều hơn là một xu hướng có lợi cho cả Hewlett và Tomine. Hewlett đang trong giai đoạn đầu chuyển thể dự án Gorillaz thành phim lẻ cho Netflix. “Chúng tôi được tham gia từ đầu tới cuối. Tôi cũng sẽ đạo diễn bộ phim,” ông nói. Còn Tomine mới hoàn thành một kịch bản dựa trên tiểu thuyết tranh Shortcomings và đang làm công việc chuyển thể lên truyền hình cuốn sách mới nhất của ông The Loneliness of the Long-Distance Cartoonist.

Trải nghiệm của Tomine khi làm Paris, 13th District rất khác. “Tôi không được tham gia vào,” ông thừa nhận. “Tôi chỉ ký giấy tờ và gặp Audiard một lần trước bộ phim. Chỉ có vậy thôi, thực sự.”

Đạo diễn gần như biến tư liệu của Tomine thành của riêng ông — chuyển bối cảnh từ Mỹ sang Pháp và thậm chí còn đưa vào những nhân vật mới hoàn toàn. Nhưng, bằng cách nào đó, làm vậy ông đã giữ lại được tinh thần tác phẩm của Tomine. “Có những thứ cảm giác rất thân thuộc với tôi, nhưng tôi nhanh chóng tách khỏi việc xem phim trung thành bao nhiêu với tác phẩm của tôi, và chỉ chìm đắm trong nó như một tác phẩm nghệ thuật.”

Tomine đang làm công việc chuyển thể lên truyền hình cuốn sách mới nhất của ông The Loneliness of the Long-Distance Cartoonist

“Bộ phim có năng lượng tuổi trẻ và sức sống động thực sự,” Tomine nói tiếp, giờ đang trong những năm cuối độ tuổi 40. “Tư liệu gốc là tác phẩm của một người trẻ hơn nhiều — trẻ hơn tôi hiện giờ, và chắc chắn trẻ hơn Jacques Audiard. Một trong những điểm mạnh của bộ phim là cảm giác còn sống và còn trẻ, nhất là tại thời điểm này trong lịch sử... Nếu ông ấy nắm lấy thứ gì trong tác phẩm của tôi dẫn tới những phẩm chất đó, thì tôi thấy hãnh diện rồi.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Financial Times