Cách Thượng Hải một giờ lái xe là hãng phim Tùng Giang Thắng Cường, một
khu liên hợp điện ảnh ngổn ngang và hơi ám ảnh với bề ngoài tòa nhà
dành cho bất kỳ bộ phim nào bạn có thể viết kịch bản.
Nếu có mặt
tại đó vào tháng 12/2010, bạn có thể đã thấy một cảnh tượng kỳ lạ, ngay
cả đối với bộ phim này: một người đàn ông Trung Quốc tóc dài trong bộ
quân phục gào thét với mọi người qua một cái loa, lao từ đầu này sang
đầu kia tại phim trường lấy bối cảnh đường Nam Kinh ở Thượng Hải những
năm 1920.
Trong một khoảnh khắc hiếm hoi ông ta dừng lại, thì lại nhanh chóng bị vây quanh bởi những ca sĩ mặc trang phục Kinh kịch.
Đây không phải là một chương trình truyền hình thực tế, mà là một cảnh trong My Kingdom (Đại võ sinh),
và người đàn ông với chiếc loa là ông trùm của âm nhạc dân gian Trung
Quốc đương thời, Cao Hiểu Tùng. Trong bộ phim võ thuật với nền là nghệ
thuật Kinh kịch này, đạo diễn Cao đang cố gắng làm một việc không thể
tưởng tượng được: mang những giá trị dân gian quay trở về Trung Quốc
hiện đại.
Nhà sản xuất phim My Kingdom Andre Morgan (bên trái)
Kinh kịch Trung Quốc đại diện cho niềm tin của người Trung Hoa
Là sản phẩm hợp tác giữa Celestial Pictures, Skyland Films và DW Films, My Kingdom có tổng kinh phí 70 triệu nhân dân tệ (tương đương 10,5 triệu đôla Mỹ) và dự định công chiếu vào nửa cuối năm 2011.
Đạo diễn Cao đã phác họa phiên bản đầu tiên của
câu chuyện gần bảy năm về trước.
Với sự hỗ trợ của tập đoàn giải
trí Ruddy Morgan đặt tại Hollywood, đạo diễn Cao kết hợp với Trâu Tịnh
Chi, một trong những nhà viết kịch bản nổi tiếng nhất Trung Quốc, chuyển
thể My Kingdom thành kịch bản phim.
Lấy bối cảnh
Thượng Hải những năm 1920, câu chuyện nói về hai nhân vật Nhất Long
(Ngô Tôn đóng) và Nhị Khuê (do Hàn Canh thể hiện), hai đại võ sinh
(các anh hùng hành động chính trong Kinh kịch) nổi tiếng, trong chuyến
hành trình từ miền bắc Trung Quốc tới Thượng Hải để báo thù và đối mặt
với Nhạc Giang Điền, một bậc thầy đại võ sinh thời bấy giờ.
Trong
cuộc hành trình đối đầu với Nhạc Giang Điền, hai huynh đệ Nhất Long
và Nhị Khuê trở nên đối địch với nhau cả về cảm xúc lẫn thể chất vì
Mộc Lan (Từ Hy Viên đóng), nữ đệ tử của Nhạc Giang Điền.
Hãng
Celestial Pictures đang quảng bá cho bộ phim như một cách làm sống lại
Kinh kịch trong lòng người Trung Quốc, một môn nghệ thuật đang chết dần
mà gần đây được ghi vào danh sách Di sản văn hóa của UNESCO.
Đạo diễn Cao không đồng ý, ông còn thấy một nhiệm vụ còn quan trọng hơn cho bộ phim.
Đạo
diễn Cao giải thích ông không cảm thấy có nghĩa vụ phải duy trì Kinh
kịch. Chính xác thì ông không phải là người hâm mộ nghệ thuật truyền
thống, ông thừa nhận chỉ từng xem ba buổi biểu diễn.
Bối cảnh
Kinh kịch cho một câu chuyện tình cổ điển Trung Quốc chỉ được sử dụng để
phục vụ cho một thông điệp rộng hơn, theo như đạo diễn Cao. Nó ở đó để
thể hiện chủ nghĩa anh hùng và tinh thần đại võ sinh, thể hiện cho khán
giả hiện đại thấy tầm quan trọng của những nhân vật cổ điển đối với con
người thời nay.
Đạo diễn Cao cho biết “Đại võ sinh chỉ là những
anh hùng trên sân khấu,” trích dẫn những ví dụ như các vai diễn Nhạc
Phi, Mã Siêu và Võ Tòng. “Cả đời họ hành động như những anh hùng. Thông
điệp ở đây là các sư phụ đại võ sinh đã ngã xuống và những đệ tử của họ
trở thành anh hùng thực sự trong đời sống.”
“Ngày nay, hầu hết
mọi người nhầm lẫn khát vọng với niềm tin,” tiếp tục lời nhà sản xuất
kiêm đạo diễn. “Khát vọng không phải là sự tin tưởng hay là một giấc mơ.
‘Tôi muốn có một ngôi nhà’ không phải là niềm tin.”
Đạo diễn Cao đã
tóm tắt niềm tin của đại võ sinh là “dùng chính bản thân mình để diễn
như một anh hùng trên sân khấu và sử dụng đặc điểm của anh hùng để thể
hiện chính mình ngoài đời.”
Đây là lý do tại sao ông khăng khăng sử dụng hai đại võ sinh thực thụ - Nguyên Bưu và Vu Vinh Quang – để mở màn bộ phim.
“Thậm chí ngày nay, đại võ sinh vẫn là những anh hùng. Rất là cảm động,” vị đạo diễn 41 tuổi phát biểu.
Võ thuật thanh nhã
Ngoài việc bao quát toàn bộ thông điệp của mình, My Kingdom cũng thực hiện các vũ điệu mà trước đây chưa từng được thử.
Thay vì sử dụng võ thuật truyền thống như thường thấy trong các phim võ thuật Hồng Kông, khán giả của My Kingdom sẽ thấy những nghệ sỹ Kinh kịch được huấn luyện võ thuật như thế nào để dùng các kỹ năng của họ trên và ngoài sân khấu.
Đây cũng là một phần lý do Hồng Kim Bảo, đạo diễn võ thuật, chọn My Kingdom.
Trong suốt 18 tháng trước khi quay bộ phim, ông đã sáng tạo ra một loại
“công phu thanh nhã”, bằng cách kết hợp võ thuật truyền thống với những
động tác võ thuật sân khấu của diễn viên Kinh kịch.
“Các động
tác của đại võ sinh trong bộ phim là kết quả của những cải tiến không
ngừng của các thế hệ nghệ sỹ Kinh kịch,” đạo diễn Cao phát biểu. “Làm
việc với đạo diễn Hồng với 40 năm kinh nghiệm võ thuật, kết quả là sự
thú vị, ấn tượng sâu sắc, và tuyệt vời.”
Andre Morgan, nhà sản xuất kỳ cựu người Mỹ của My Kingdom,
cũng thừa nhận một trong những điểm thu hút ông tham gia dự án này là
cách phim khắc họa đại võ sinh và võ thuật truyền thống theo một cách
mới.
Đạo diễn võ thuật Hồng Kim Bảo thiết kế động tác võ công "thanh nhã" trong My Kingdom
Làm một phim mà giới trẻ yêu thích
Andre Morgan đã làm phim tại Hồng Kông từ những năm 1970, sản xuất những bộ phim nổi tiếng như Long tranh hổ đấu và Tử vong du hí (Game of Death) với Lý Tiểu Long, cũng như Million Dollar Baby, The Cannonball Run và Đầu danh trạng (Warlords).
Morgan, cũng như đạo diễn Cao, đều nhấn mạnh My Kingdom không chỉ là một phim về thể loại Kinh kịch, hay nó không đơn thuần là một phim võ thuật.
Đó là “một câu chuyện tình có yếu tố hành động,” ông nói.
Ông
tin rằng thành công của bộ phim nằm trong tay những khán giả trẻ tuổi,
những người quan tâm đến giải trí, không phải là những bài học văn hóa.
Sự
thật là, nếu khán giả trẻ ở Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và
cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài đang tiếp tục tới các rạp chiếu
phim để xem phim Trung Quốc, cũng như với các phim của Hollywood, thì
điều quan trọng là chúng ta thực hiện những phim Trung Quốc phù hợp với
khán giả, không chỉ là phim về văn hóa,” Morgan phát biểu.
Trong mắt của nhà sản xuất người Mỹ này, câu chuyện của My Kingdom
chứa đầy tình yêu, lòng tham, sự báo thù và sự phản bội, là món mồi cổ
điển đối với những khán giả nói tiếng Hoa trên toàn thế giới, chứ không
chỉ là trong phạm vi Trung Hoa.
Hơn nữa, Morgan nhìn nhận bộ
phim này như một sự cập nhật đối với nghệ thuật Kinh kịch truyền thống,
khiến nó có thú vị hơn đối với khán giả hiện đại.
"Kinh kịch
không phải là môn nghệ thuật buồn chán, nhưng theo một cách nào đó những
bộ phim làm về môn nghệ thuật này khá là nhàm chán, đặc biệt đối với
khán giả trẻ tuổi,” Morgan cho biết.
“Tôi thực sự hy vọng My Kingdom
sẽ mang tới cách nhìn khác về nghệ thuật Kinh kịch cho người dân ở
Trung Hoa, và cách nhìn khác về các diễn viên Kinh kịch – họ không hề
lỗi thời.”
Cốt truyện và doanh thu phòng vé
Khi được hỏi về doanh thu mong đợi cho My Kingdom,
Morgan tin tưởng bộ phim sẽ đem về khoảng 120 tới 150 triệu nhân dân tệ
(khoảng 20 triệu đôla Mỹ) chỉ riêng các rạp của Trung Quốc.
Mặc
dù đạo diễn Cao Hiểu Tùng và nhà sản xuất Andre Morgan nói rất nhiều
về các mục tiêu chung của bộ phim và kỳ vọng của họ, cốt truyện chi tiết
gần như vẫn nằm trong vòng bí mật.
Một số chi tiết được tiết lộ từ nữ diễn viên Từ Hy Viên.
“Ngành
Kinh kịch có một quy tắc: các nam và nữ diễn viên không thể yêu nhau,
đặc biệt nếu họ là sư phụ và học trò. Đó là lý do vì sao đây là mối quan
hệ tội lỗi,” Từ Hy Viên cho biết.
Mặc dù các chi tiết đều hiếm
hoi, nhưng rõ ràng rằng đạo diễn Cao, nhà sản xuất Morgan và Từ Hy Viên
sẽ mang tới một câu chuyện Kinh kịch không đơn giản, với các đại võ sinh
cùng yêu một người con gái có mối quan hệ với sư phụ của cô, và sau này
cô sẽ tự tử.
Và dường như đó chỉ là vũ điệu mở màn.
Dịch: © Hà Ngọc @ Quaivatdienanh.com
Nguồn: CNN Go