Tin tức

Vai diễn của Christian Bale cho thấy tiềm năng hợp tác điện ảnh Trung Quốc-Mỹ

24/02/2011

Diễn viên Hollywood Christian Bale bay từ thành phố Gotham sang cố đô Nam Kinh của Trung Quốc để vào vai một linh mục và sẽ chứng kiến một thảm họa trong Thế chiến thứ hai, mang theo triển vọng cho các nhà làm phim Trung Quốc và Mỹ.

Christian Bale vừa đoạt giải Quả cầu vàng cho Nam diễn viên phụ xuất sắc trong phim về quyền Anh The Fighter, hợp tác với đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng Trương Nghệ Mưu trong phim truyện mới nhất của ông The 13 Women of Nanjing (Mười ba phụ nữ Nam Kinh).

Trong khi Trương Nghệ Mưu khâm phục Christian Bale vì sự linh hoạt và chăm chỉ, nhà sản xuất Trương Vệ Bình lại hy vọng bộ phim, với sức ảnh hưởng toàn cầu của Christian Bale, sẽ tiến vào nhiều thị trường hơn và đem về doanh thu cao chưa từng thấy.

Christian Bale và giải Quả cầu vàng

“Ngày càng nhiều nhà làm phim Trung Quốc muốn mời các tên tuổi lớn ở Hollywood đóng trong phim của mình hoặc hợp tác sản xuất với đội ngũ làm phim của Mỹ,” Vưu Phi, giáo sư Trường điện ảnh và truyền hình thuộc Đại học truyền thông Trung Quốc nói.

Cả về nội dung lẫn công nghệ, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đang bùng nổ từ lâu đã học tập theo Hollywood.

“Từ việc chỉnh sửa trên máy vi tính cho đến những hiệu ứng hình ảnh và âm thanh đặc biệt, ngày càng nhiều phim kinh phí lớn của Trung Quốc sử dụng công nghệ của Hollywood trong thập kỷ qua.” Vưu Phi nói.

Ông dẫn chứng bom tấn năm 2010 của Phùng Tiểu Cương Đường Sơn đại địa chấn. Phim đã thuê một đội ngũ kỹ xảo hình ảnh đặc biệt từ Hàn Quốc để tái hiện lại tám phút kinh hoàng của trận động đất năm 1976 tại Đường Sơn, một thành phố phía bắc tỉnh Hà Bắc Trung Quốc.

Trận động đất kinh hoàng năm 1976 tại Đường Sơn được tái hiện nhờ kỹ xảo

Vưu Phi cho biết đạo diễn Phùng Tiểu Cương không thuê đội ngũ của Hollywood vì vấn đề kinh phí nhưng công nghệ được đội ngũ Hàn Quốc sử dụng chủ yếu là từ Hollywood.

Chiến lược quảng bá trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc cũng là học tập từ Mỹ.

Vài chục năm trước, không mấy nhà làm phim Trung Quốc nghĩ rằng quảng bá phim là công việc của họ vì khi đó làm phim vẫn là hoạt động của nhà nước, nhưng giờ đây, theo Vưu Phi, các nhà làm phim dành một phần ba kinh phí cho việc quảng bá, một thông lệ điển hình ở Hollywood nhằm tăng doanh thu.

Năm 2010, doanh thu phòng vé Trung Quốc đạt 10,17 tỉ nhân dân tệ, tăng 63,9% so với năm trước. Và riêng Đường Sơn đại địa chấn đã mang về 673 triệu nhân dân tệ.

Nhưng đây không chỉ là việc làm từ một phía.

Trong khi điện ảnh Trung Quốc học tập từ phía bên kia Thái Bình Dương, Hollywood cũng tìm đến đất nước 5.000 năm tuổi này để tìm cảm hứng mới.

“Những truyền thống văn hóa phương Đông mang đến chất liệu mới mẻ cho điện ảnh Hollywood. Kết quả là ngày càng nhiều người Mỹ biết đến văn hóa Trung Hoa,” Vưu Phi nói.

Với gấu trúc, tre, võ thuật và nhiều nét đặc trưng khác của Trung Quốc, phim hoạt hình Hollywood Kung Fu Panda đã càn quét khắp thế giới với doanh thu phòng vé 500 triệu đôla hai năm trước đây. Phần tiếp theo của phim sẽ ra mắt ở Mỹ và Trung Quốc vào tháng 5 tới.

Kung Fu Panda đem văn hóa Trung Hoa đến Mỹ

Tác phẩm của Martin Scorsese đoạt giải Oscar The Departed, với sự tham gia của Leonardo DiCaprio, dựa trên bộ phim Hồng Kông năm 2002 Infernal Affairs (Vô gian đạo).

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng sự tương tác giữa hai nền công nghiệp điện ảnh vẫn ở “mức tương đối lỏng lẻo” và cần phải nỗ lực nhiều hơn nhằm đạt được sự hợp tác bền chặt để đôi bên cùng có lợi.

“Để thu hút thị trường Trung Quốc rộng lớn và giảm chi phí, ngày càng nhiều đội ngũ làm phim Mỹ lựa chọn hợp tác với các diễn viên Trung Quốc hoặc quay phim tại đây,” Vưu Phi nói, và cho biết thêm các công ty sản xuất của Hollywood cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các phim Trung Quốc.

Trong khi đó, các phim Trung Quốc cũng tìm kiếm thị phần tại thị trường Mỹ.

Cao Quân, phó quản lý Hiệp hội điện ảnh mới, một chuỗi rạp phim lớn tại Trung Quốc, chỉ ra rằng rất ít phim Trung Quốc được chiếu tại các rạp chính ở Mỹ, trong khi các bom tấn Hollywood được chiếu rộng rãi tại Trung Quốc.

Năm 2010, AvatarInception chiếm phần lớn trong doanh thu phòng vé Trung Quốc với 1,8 tỉ nhân dân tệ.

“Rõ ràng, hai đất nước rất khác nhau về nền tảng văn hóa xã hội và nhiều phim Trung Quốc không phù hợp với tiêu chuẩn của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều phim có tiềm năng thương mại rất lớn,” Cao Quân nói.

Phim hoạt hình The Dreams of Jinsha được chiếu tại Mỹ

Tháng 12/2010, bộ phim hoạt hình do Trung Quốc sản xuất The Dreams of Jinsha (Giấc mộng Kim Sa) khởi chiếu tại Mỹ.

The Laemmle Theatres đã xếp năm phòng chiếu mỗi ngày cho phim vào khung giờ vàng từ 12 giờ 30 chiều đến 8 giờ 50 tối.

Cao Quân hy vọng các rạp chiếu phim tại Mỹ sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho các phim Trung Quốc có chất lượng.

Còn về bộ phim được chờ đợi The 13 Women of Nanjing, giáo sư Vưu Phi tin rằng sự hợp tác giữa Trương Nghệ Mưu và Christian Bale là dấu hiệu cho thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa điện ảnh Trung Quốc và Mỹ.

“Sự hợp tác giữa hai bên trong tương lai là rất hứa hẹn,” Vưu Phi nói.


Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CRIENGLISH