Tin tức

Lợn McDull hoạt hình Hồng Kông trở lại Đại lục trên màn ảnh rộng

10/11/2016

McDull, chú lợn con màu hồng có vết bớt trên mắt phải, thích chơi chữ và làm việc chăm chỉ, đã trở lại.

Rise of the Rice Cooker, phần thứ bảy trong loạt phim McDull do Hồng Kông sản xuất, đã ra rạp ở Đại lục hồi Trung thu năm nay.

Thay vì tập trung vào những câu chuyện thực tế như những phần trước đó, Rise of the Rice Cooker khởi đầu như một phim thảm họa quái vật điển hình miêu tả nhân loại chiến đấu chống lại một sinh vật giống như Godzilla ngoài hành tinh, đang đe dọa hủy diệt Trái Đất bằng một cái ‘đánh rắm’… chết chóc. Song, chú lợn McDull kém thông minh cứu thế giới thoát khỏi kẻ gây rối ‘đánh rắm’ bằng cách sử dụng nồi cơm điện.

“Chúng tôi muốn gây ấn tượng với khán giả mỗi lần bằng một câu chuyện khác,” Alice Mak, một trong hai tác giả của loạt phim McDull, nói với Global Times trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi tại sao họ chọn câu chuyện siêu thực như thế cho phim mới này.

Mặc dù có một cách tiếp cận mới, phim McDull này vẫn chứng tỏ sự phổ biến tại liên hoan phim quốc tế. Rise of the Rice Cooker có trong danh sách chọn lọc Phim hoạt hình hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Pusan lần thứ 21 (từ ngày 6 đến ngày 15 tháng 11), nhà sản xuất phim đã xác nhận thông tin.

Sức hấp dẫn phổ quát

“Thường thì khi khán giả xem loại phim này, họ hy vọng thấy kẻ ác bị tiêu diệt hoặc ít nhất cũng bị đánh bại,” Mak nói.

Quái vật trong Rise of the Rice Cooker

“Thế nhưng, McDull không xem con quái vật là độc ác; thay vì vậy cậu ta cho rằng con quái vật nổi giận chỉ vì cánh tay quá ngắn không thể với tới để gãi mông của nó.

“Vì thế, cậu ta làm một rôbô nồi cơm điện giúp con quái vật ăn, rửa mông, làm sạch lỗ mũi và xoa bóp cho nó,” Mak nói, mỉm cười khi cô giải thích câu chuyện kỳ lạ song thú vị mà đối tác và người chồng Brian Tse, đạo diễn và nhà viết kịch bản phim, nảy ra.

“Với chú lợn, con quái vật chỉ là một sinh vật sống khác ước mong một cuộc sống tốt hơn,” cô nói.

Kể từ khi McDull ra đời vào đầu những năm 1990, câu chuyện về chú lợn vô tư lự sống trong khu cao ốc Hồng Kông như mô tả trong tập đầu của loạt phim My Life as McDull, được xem là niềm tự hào văn hóa của thành phố này.

Một trong những lý do chính có thể là vì phim này nói tiếng Quảng Đông. Nhiều sự bông đùa và chơi chữ dí dỏm trong phim có thể khiến những người nói tiếng Quảng Đông cười chảy nước mắt không mấy ý nghĩa với những người nói tiếng phổ thông (tiếng Trung Quốc chuẩn).

“Đó là lý do chúng tôi cộng tác với một đội ngũ sản xuất Đại lục về việc lồng tiếng phổ thông,” Mak cho biết.

“Theo cách này chúng tôi đảm bảo khán giả Đại lục có thể hiểu hầu hết bộ phim.”

Theo Mak, đó là điều duy nhất đội ngũ của cô cần phải thay đổi để thích ứng với thị hiếu Đại lục kể từ khi phim thứ tư chính thức bước vào thị trường Đại lục năm 2009.

Phim nổi tiếng đến nỗi Ủy ban Du lịch Hồng Kông chọn McDull vượt cả ngôi sao phim võ thuật Hồng Kông Thành Long làm đại sứ quảng bá du lịch năm 2011 kể từ khi “phim hoạt hình này là một thành công đình đám với các nhóc ở Đại lục,” theo bản tin trên Telegraph năm đó.

“Trẻ con hay người lớn, người Hồng Kông hay Đại lục, chúng tôi không cố ý nhắm vào họ. Tôi tin những người yêu McDull có gì đó chung, là sự ngây thơ hoặc trái tim thuần khiết.

Một cảnh trong phim

“Tôi hoàn toàn không biết từ ngữ gì mô tả họ, song tôi đoán khán giả đến rạp tìm kiếm thứ quý giá mà họ đã đánh mất có thể tìm thấy ở McDull,” Mak nói.

Kinh phí thấp nhưng đẹp

Mặc dù loạt phim có lượng khán giả khá hùng hậu, Mak thừa nhận Rise of the Rice Cooker vẫn sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những phim nội địa khác ra rạp cùng thời điểm.

“So sánh với những phim bom tấn có kinh phí hàng chục triệu, McDull là một phim kinh phí thấp,” Mak nói với Global Times.

“Song tôi tin phim hay không chỉ nhờ tiền, và đội ngũ của tôi đang cố gắng mang đến điều tốt nhất sử dụng nguồn lực hạn hẹp có thể với tới.”

Theo Mak, hầu hết diễn viên lồng tiếng trong phim này chưa qua đào tạo, với một số trẻ em họ chọn ngẫu nhiên trên phố.

Hai mẹ con lợn McDull

“Mỗi khi tôi nghe giọng thích hợp ngoài phố, tôi tiếp cận đứa trẻ và hõi chúng (liệu có muốn tham gia vào một phim hay không),” Mak giải thích.

“Có thể nét thực tế này dẫn đến nhiều người đã xem phim McDull mô tả đó là một trải nghiệm ấm áp và độc đáo.

Trong khi loạt phim McDull là phim hoạt hình vẽ tay theo truyền thống, bộ phim điện ảnh này gần như là hoạt hình vi tính.

“Chúng tôi đang kể một câu chuyện thảm họa quái vật, vì vậy đòi hỏi nhiều hiệu ứng hình ảnh và âm thanh vui nhộn hơn bình thường,” cô nói thêm.

Chuyển tải “triết lý cho rằng làm người thua thiếu kha 3na8ng cần thiết thì cũng được thôi” như The Hollywood Reporter mô tả loạt phim năm 2009, phim McDull nói về sự kiên trì đeo đuổi giấc mơ lớn của chú lợn con tầm thường mà phần lớn thời gian vẫn còn dang dở.

Alice Mak cùng hình tượng Lợn McDull và quái vật trong phim tại một sự kiện quảng bá

Trong khi người hâm mộ thích thảo luận về ý nghĩa sâu xa hơn có thể đằng sau cái có vẻ như là cách nhìn cuộc sống theo triết học của phim, Mak nói rằng cô chẳng nghĩ đến những điều như thế khi tạo nên những nhân vật này. “Đó không phải là kiểu của McDull,” cô nói.

Đối với cô, thế giới của McDull đơn giản và rõ ràng. Mẹ ủng hộ những giấc mơ điên khùng mà đứa con thiểu năng của bà mơ đến chỉ vì thương con, chứ không phải là một nỗ lực “thể hiện bất kỳ bài học mang tính giáo dục nào.”

“Chúng tôi chỉ muốn khán giả biết có những người suy nghĩ hoàn toàn khác biệt, cũng như McDull vậy,” Mak nói.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times