Tin tức

Lost In Russia và cuộc tìm kiếm một Netflix-Trung Quốc

23/03/2020

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có truyền thống đem về doanh thu phòng vé lớn nhất hằng năm của Trung Quốc.

Năm ngoái là một năm khó khăn cho ngành công nghiệp điện ảnh nước này, nhưng các hãng phim vẫn thu về hơn 6,47 tỉ nhân dân tệ (970 triệu đôla) trong thời gian nghỉ bảy ngày tết năm 2019, và ba trong số bảy phim được phát hành trong tuần lễ đó đã kết thúc năm trong tốp 10 phòng vé trong nước.

Đội hình phim tết 2020 của Trung Quốc được giới phân tích dự kiến thu về hơn 7 tỉ nhân dân tệ

Năm nay được cho là còn hơn cả tương tự, vì các nhà phân tích dự kiến một loạt các bộ phim thân thiện với gia đình sẽ thu về hơn 7 tỉ nhân dân tệ. Nhưng đó là trước COVID-19. Đại dịch virus, ngoài việc giết chết 2.700 người và lây nhiễm hơn 75.000 người ở nước này tính đến ngày 26/2, đã khiến cuộc sống ở Trung Quốc hầu như bất động. Với hầu hết các địa điểm công cộng, bao gồm các rạp chiếu phim, về cơ bản đóng cửa hơn một tháng qua và mọi bộ phim kỳ lễ này đều rút khỏi lịch chiếu, một số cơ quan truyền thông đã ước tính thiệt hại chung của ngành điện ảnh Trung Quốc trong tháng 2 có thể lên tới 13 tỉ nhân dân tệ — tức hơn 20 % tổng doanh thu năm ngoái.

Tuy nhiên, giữa bao nhiêu tin tức xấu này, một bộ phim dường như thoát nạn khá là bình yên vô sự. Vào ngày 24 tháng 1 — ngày 30 tết — khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance trả 630 triệu nhân dân tệ cho quyền phát hành Lost in Russia, phần mới nhất trong loạt phim hài nổi tiếng, đã có kế hoạch phát hành trong tết. Ngày hôm sau, công ty này ra mắt bộ phim trên toàn bộ danh mục các ứng dụng nổi tiếng, nổi bật nhất là TikTok. Với phần lớn dân cư bị cách ly và mắc kẹt trong nhà, nước đi này đã thắng lớn: ByteDance tuyên bố Lost in Russia được180 triệu lượt xem trong ba ngày đầu tiên phát trực tuyến.

Cảnh trong phim Lost in Russia (trái) và một ảnh quảng cáo cho bộ phim

Tuy nhiên, không phải ai cũng vui mừng khi thấy bộ phim thành công. Sau khi các nhà sản xuất của Lost in Russia bán quyền cho ByteDance, tập hợp 22 chuỗi nhà rạp, trong đó có những tay chơi lớn như Wanda Cinemas và Dadi Cinema, phát hành thư ngỏ lên án việc dàn xếp này hủy hoại “ngành điện ảnh Trung Quốc và hệ thống phân phối hiện tại”. Tuyên bố của họ ám chỉ nỗi sợ hãi một “Netflix-Trung Quốc” — một công ty phát trực tuyến có tham vọng và nguồn lực để vượt ra khỏi lãnh địa truyền hình truyền thống của họ và làm rối cách thức làm phim và trình chiếu. Nhưng nếu các rạp chiếu phim của Trung Quốc gặp bất kỳ nguy hiểm chết người nào, thì không có khả năng là từ Lost in Russia. Các nhà làm phim của nước này có thể sẽ vẫn phụ thuộc vào các rạp chiếu trong tương lai gần.

Lost in Russia không phải là bộ phim lớn đầu tiên của Trung Quốc được công chiếu trực tuyến. Năm 2015, Le Vision Pictures, công ty con của LeEco, đã quyết định phát trực tuyến bộ phim của mình The Vanished Murderer cho các chủ sở hữu của thương hiệu truyền hình LeEco một ngày trước khi phát hành rạp.

Một cảnh trong phim The Vanished Murderer

Rạp chiếu phim nhanh chóng trả đũa. Một số chuỗi hàng đầu tuyên bố rằng, nếu công ty tiếp tục thủ thuật này, họ sẽ cắt suất và hoàn tiền cho người xem phim. Chẳng mấy chốc, Le Vision quay lại. Gần đây hơn, vào năm 2018, một ứng dụng có tên Smart Cinema đã cho người xem cơ hội xem các bản phát hành phim mới nhất trên điện thoại thông minh của họ. Tuy nhiên, trong vòng ba ngày, phản ứng của giới nhà rạp đã buộc ứng dụng đó phải rút một số bộ phim nổi tiếng.

Quy mô và tăng trưởng mạnh mẽ của phòng vé Trung Quốc trong những năm gần đây có nghĩa là các rạp chiếu có đòn bẩy tài chính rất lớn đối với nhà sản xuất và nhà làm phim. Ngay cả sau khi trừ phí hạ tầng bán vé, phòng vé Trung Quốc đã thu về 59,4 tỉ nhân dân tệ trong năm 2019, tăng gần 30% so với năm 2015.

Với quy mô thị trường như thế, đặt cược cao cho bất kỳ bộ phim bom tấn tiềm năng nào. Nhà sản xuất bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2019, bộ phim hoạt hình đình đám Na Tra, đã mang về nhà hơn 1 tỉ nhân dân tệ từ thu nhập khoảng 5 tỉ nhân dân tệ của bộ phim. Con số đó làm thui chột những gì mà bất kỳ dịch vụ phát trực tuyến nào có thể trả. Hạ tầng đầu ngành iQiyi chỉ chi 10,3 tỉ nhân dân tệ cho nội dung trong nửa đầu năm 2019; một mình Na Tra có thể tốn kém 1/10 số tiền đó rồi.

Na Tra đã mang về cho nhà sản xuất hơn 1 tỉ nhân dân tệ từ thu nhập khoảng 5 tỉ nhân dân tệ của bộ phim

Chi mạnh cho các bộ phim không phù hợp với mô hình kinh doanh phát trực tuyến của Trung Quốc. ByteDance mua quyền Lost in Russia phần nào là do hoàn cảnh đặc biệt. Công ty đầy tiền này đã nhìn thấy một cơ hội để quảng bá ứng dụng của mình và làm PR tốt trong lúc có dịch. Và ngay cả như thế, các nhà sản xuất đồng ý chỉ vì thỏa thuận này đảm bảo cho họ phần doanh số mà họ đã trông chờ ở kỳ nghỉ tết, do đó đảm bảo một khoản thanh toán khổng lồ vào thời điểm khó khăn cho ngành công nghiệp.

Cũng cần lưu ý rằng con số 630 triệu nhân dân tệ không chỉ dành cho Lost in Russia. Theo thông báo chính thức, ByteDance cũng mua quyền “nhiều phim mới và phim bộ trực tuyến”. Phim bộ, không phải phim điện ảnh, mới là thứ mà các dịch vụ phát trực tuyến Trung Quốc thực sự khao khát. So với một phim bộ dài 30 hoặc 80 tập, phim điện ảnh cung cấp cách giữ chân khán giả kém xa — và ít cơ hội chạy quảng cáo hơn, điều mà thậm chí nhiều dịch vụ thuê bao vẫn dựa vào.

Có rất ít dấu hiệu cho thấy mô hình kinh doanh này sẽ sớm thay đổi. Không như Netflix, đã rót hàng tỉ đôla vào nội dung nguyên tác — riêng năm 2019 là 15 tỉ đôla — những nỗ lực sản xuất nửa vời của hai khổng lồ công nghệ Alibaba và Tencent không nhích mảy may trong năm năm qua. Trong khi đó, ByteDance, chỉ mới bắt đầu xây dựng một nhóm video thời lượng dài cơ hữu vào tháng 2 năm 2018. Trước đây, họ hoàn toàn tập trung vào các video ngắn, thường do người dùng tạo ra có thời lượng từ 15 giây đến năm phút. Ngay cả khi quyết định cam kết với định dạng này, công ty sẽ cần nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc và quyết tâm cần thiết để sản xuất nội dung dài chất lượng cao.

Không phải là nói không thể bác bỏ các rạp chiếu phim Trung Quốc. Các chuỗi rạp đã đầu tư rất nhiều vào việc mở rộng trong những năm gần đây, vượt xa sự tăng trưởng của khán giả và gây ra cuộc chiến giá cả khốc liệt. Và tuy không có đối thủ cạnh tranh nào tầm cỡ Netflix xuất hiện, số lượng lớn các trang web phát trực tuyến hoạt động tại quốc gia này đang gây áp lực lên ngành công nghiệp.

Quy mô và tăng trưởng mạnh mẽ của phòng vé Trung Quốc trong những năm gần đây có nghĩa là các rạp chiếu có đòn bẩy tài chính rất lớn đối với nhà sản xuất và nhà làm phim

Tuy nhiên, các nhà làm phim Trung Quốc có thể sẽ vẫn phụ thuộc vào các rạp chiếu phim trong một vài năm tới: phát trực tuyến đơn giản là không thể phù hợp với lợi ích thương mại hoặc dấu ấn văn hóa mà một bản phát hành rạp mang lại. Có thể Lost in Russia tìm ra mô hình phát hành mới, nhưng khó có thể thấy nhiều bộ phim khác sẵn sàng làm theo nó thoát ra khỏi lối mòn.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Sixth Tone