Tin tức

Nguồn cảm hứng đến từ phương Đông

02/02/2011

Giám đốc Liên hoan phim Venice Marco Müller đến Trung Quốc để thực hiện chương trình "Những bộ phim Ý xuất sắc từ Venice đến Bắc Kinh" lần thứ hai, một chương trình nhằm giới thiệu phim Ý đến với khán giả Trung Quốc đã kết thúc vào ngày 28/12.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Global Times hôm thứ năm 16/12, ông đã khẳng định rằng năm 2011 sẽ là năm cuối ông làm giám đốc liên hoan phim, và nói về những tâm huyết của ông đối với điện ảnh Trung Quốc, đồng thời cũng đưa ra những lời khuyên sáng suốt cho những tài năng trẻ.

Müller đã mỉm cười và nói về năm cuối của mình tại liên hoan phim, “Đây là thời điểm thích hợp để tôi rời khỏi vị trí này, vì đã đến lúc chúng ta nên chuyển sang một đoạn mới, một ấn tượng mới trong liên hoan phim.”

Giám đốc kỳ cựu của Liên hoan phim Venice Marco Müller

“Tôi thấy đặc biệt ngạc nhiên khi vẫn có thể sống sót qua những thăng trầm trong nền chính trị Ý. Chưa bao giờ có một giám đốc Liên hoan phim Venice nào lại có thể trụ vững bằng ấy năm (tám năm),” ông thừa nhận với Global Times. “Có thể lý do duy nhất cho điều đó là vì tôi đã đặt chính mình vào một vị trí có thể lắng nghe những người làm phim, phân phối phim và cả khán giả nữa.”

Tuy đây là năm cuối của ông ở cương vị này nhưng Müller không hề giấu giếm niềm đam mê đối với liên hoan phim. Trong chuyến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải kéo dài sáu ngày, ông đã gặp gỡ những sinh viên đại học, các chuyên gia trong ngành điện ảnh và các đạo diễn để quảng bá cho liên hoan phim đồng thời cũng đã làm việc để chọn ra những phim tham dự sự kiện này vào năm 2011. Ông giải thích, “Chúng tôi cần phải liên lạc với những người làm phim, biết được những gì đang xảy ra vào thời điểm hiện tại, và xem xem những bộ phim nào đã sẵn sàng cho sự kiện trong năm tới.”

Hết mình với điện ảnh Trung Quốc

Là một người bạn thâm niên luôn tận tâm với điện ảnh Trung Quốc, Müller đã giúp các nhà làm phim Trung Quốc – bao gồm cả các đạo diễn đã từng đoạt giải như Trương Nghệ Mưu, Giả Chương Kha, Hầu Hiếu Hiền, Trương Nguyên, Lưu Kiệt, Từ Khắc và Khương Văn – đạt được một vị thế chưa từng có tại Liên hoan phim Venice đồng thời thâm nhập thị trường phim quốc tế.

Rất lâu trước khi là giám đốc của liên hoan phim ông đã quan tâm đến điện ảnh Trung Quốc. Hứng thú của ông đối với phim Trung quốc bắt đầu khi ông theo học ở đây vào thập niên 1970. Müller nhớ lại, “Giống như hầu hết mọi người ở thế hệ của tôi, những phim Trung Quốc đầu tiên chúng tôi được xem là Địa lôi chiến (War of Landmine) và Địa đạo chiến (War of Tunnel), được làm vào cuối thập niên 1960.”

Phim Địa lôi chiến

Ông nói thêm, “Thời gian còn học ở đây, tôi đã xem rất nhiều phim Trung Quốc, nhiều phim trong số đó đã khiến tôi cảm động và hài lòng, ví dụ như Spring in a Small Town (Xuân trong thị trấn) của đạo diễn Phí Mục. Trong số các nhà làm phim Trung Quốc Müller đặc biệt ngưỡng mộ cố đạo diễn nổi tiếng Tạ Tấn (1923-2008), người đã có những tác phẩm như The Red Detachment of Women (Nữ hồng quân), Big Li, Little Li and Old Li (Đại Lý, Tiểu Lý và lão Lý) và Hibiscus Town (Phù dung trấn). Müller đã gặp Tạ Tấn vào cuối thập niên 1970, và xem ông là người dẫn dắt mình trong việc nghiên cứu điện ảnh Trung Quốc. “Mỗi lần tôi muốn hiểu một phong trào nào đó trong lịch sử Trung Quốc đương đại, tôi đều lấy phim của ông ra xem,” ông nói.

Phim The Red Detachment of Women

Ông nhận xét, “Những thành tựu của Tạ Tấn chứng tỏ rằng bạn vẫn có thể tạo được phong cách và dấu ấn độc đáo của riêng mình ngay cả khi làm một bộ phim về chính trị. Qua những bộ phim này bạn có thể hiểu được những bước ngoặt của Trung Quốc đã dẫn đến cuộc sống mới cho người dân trên đất nước này.”

Müller vẫn thường xuyên viết các bài báo về phim Trung Quốc và giới thiệu phim đến với khán giả phương Tây kể từ những năm 1980, cũng như tài trợ hay hợp tác sản xuất những bộ phim độc lập Trung Quốc từ những năm 1990. Ông đã chứng kiến nhiều sự thay đổi và phát triển của ngành điện ảnh Trung Quốc trong suốt những năm qua. Sự gắn bó của ông với phim ảnh Trung quốc được minh chứng bằng việc ông vẫn luôn dõi theo những tác phẩm mới nhất được phát hành.

Müller cho biết, “Tôi nghĩ điều thực sự quan trọng đối với ngành điện ảnh là sự đa dạng về thể loại và phong cách, cách tiếp cận với chủ đề táo bạo, và khả năng đưa đẩy bộ phim đi theo những hướng khác nhau. Tôi rất vui vì người Trung Quốc hiện đang làm rất tốt.”

“Bạn có hai bộ phim khác nhau để xem trong tuần này: Triệu thị cô nhi của Trần Khải Ca, một bộ phim rất thành công về mặt nghệ thuật, đang thay đổi thể loại cổ điển truyền thống thành sự kết hợp những ý tưởng nghệ thuật cổ điển với nét hiện đại. Tôi rất thích bộ phim này,” ông nói. Ông rất hào hứng khi đề cao Khương Văn và miêu tả ông như là “Federico Fellini của Trung Quốc.”

Müller cũng nói thêm rằng, “Ngoài ra các bạn còn có một bộ phim rất độc đáo hiện đang được chiếu ở các rạp, Nhượng tử đạn phi, bộ phim mà theo tôi là phim làm theo phong cách cao bồi hay nhất ở châu Á từ trước đến giờ, rất mạnh mẽ… cả nhịp điệu, cả năng lượng. Bộ phim sẽ thành công kể cả ở bên ngoài thị trường Trung Quốc.”

Phim theo phong cách cao bồi Nhượng tử đạn phi

Những kỳ vọng về tương lai

Nói về hiện thực cũng như nhìn về tương lai, Müller cho hay “Đến bây giờ tất cả mọi người đều đã được trải nghiệm đầy đủ những thay đổi về mặt văn hoá, chính trị và nghệ thuật đã và đang diễn ra trên đất nước này; đủ để hiểu rằng tính đa dạng không phải là cách duy nhất để duy trì sự khai mở và phát triển liên tục.”

Bên cạnh thế hệ đạo diễn thứ năm và sáu của Trung Quốc, Müller cũng quan sát cả những trào lưu mới. Ông cho biết, “Thế hệ đạo diễn Trung Quốc mới như một số đạo diễn phim hoạt hình can đảm, không chỉ tập trung vào tính nghệ thuật và thương mại, mà còn để ý đến điện ảnh kết hợp nghệ thuật thị giác. Tôi rất ấn tượng với họ.”

Dù là trẻ hay già thì “làm việc cùng nhau và tiếp tục trao đổi học hỏi từ nhau” cũng đều rất quan trọng đối với các đạo diễn Trung Quốc, ấy là điều cuối cùng mà ông nhấn mạnh.

Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times