Tin tức

Nhà làm phim hài Hồng Kông đưa tiếng cười đến liên hoan phim ở Italia

15/05/2011

Ở châu Á ông được biết với danh hiệu "Lý Tiểu Long của dòng phim hài", nhưng mãi tới tận Liên hoan phim Viễn Đông lần thứ 13 diễn ra từ ngày 29/4 đến 7/5, nam nghệ sĩ Hồng Kông Hứa Quan Văn mới nhận ra thương hiệu hài của ông có được sức hấp dẫn phổ quát.

Pha trộn giữa hài hước với sự phê phán xã hội nghiêm khắc, Hứa Quan Văn đã viết kịch bản, diễn xuất và đạo diễn một chuỗi phim thành công đình đám ở phòng vé khắp châu Á kể từ thập niên 1970 trong khi các màn diễn thường xuyên của ông luôn bán một lèo hết sạch vé.

Nổi tiếng đến nỗi Hứa Quan Văn đã được chính quyền Hồng Kông đề cử vào ban bầu cử để chọn ra trưởng đặc khu, trong khi đó ông còn là đại biểu Quốc hội Trung Quốc – một vinh dự rất hiếm đối với người kiếm sống từ việc châm biếm xã hội bằng hài hước.

Mặc dù nam diễn viên kỳ cựu này đến giờ vẫn hài lòng với việc hầu như chỉ làm ăn ở quê nhà, một chuyến đi dự Liên hoan phim Viễn Đông lần thứ 13 ở thành phố Udine miền bắc Ý - tại đây Hứa Quan Văn được vinh danh một giải thành tựu trọn đời - đã cho ông mở rộng tầm mắt trước những khả năng đưa sự khen ngợi lan xa.

Và, ông nói, không còn lúc nào tốt hơn.

“Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng hài hước không có biên giới,” Hứa Quan Văn nói bên lề liên hoan kéo dài 10 ngày này.

Mặc dù ông không làm phim nào kể từ sau khi đóng cùng Thành Long trong Rob-B-Hood năm 2006, ông nói lâu nay vẫn lấy cảm hứng từ những gì xảy ra gần đây ở quê nhà cũng như nước ngoài để bắt đầu viết trở lại.

Hứa Quan Văn (trái) trong phim Rob-B-Hood

"Để viết kịch bản hài tôi quan sát mọi người xuang quanh và xem xét điểm yếu của họ rồi tôi đưa những điểm yếu đó vào nhân vật của tôi trên màn bạc để người xem có thể nhận diện.

"Quả là tôi thấy đã đến lúc làm phim trở lại, khi một thế giới đầy tâm trạng nặng nề thế này, trở nên ít cười đi. Chúng ta tự hỏi vì sao."

Hứa Quan Văn bắt đầu sự nghiệp hài sau khi thoạt đầu đã muốn trở thành một “trí thức, chính trị gia nghiêm túc”. Nhưng bạn bè trong ngành giải trí Hồng Kông lại nghĩ khác.

“Họ bảo tôi: 'Trông cậu rất hài hước'," Hứa Quan Văn nói. "Chuyện bắt đầu như thế đó."

Sau khi dẫn một số chương trình truyền hình đặc biệt, Hứa Quan Văn bị điện ảnh quyến rũ và hình thành một mối quan hệ thành công với hãng phim đình đám Shaw Brothers trong kỷ nguyên vàng của hãng này những năm 1970.

Những bộ phim như Quỷ mã song tinh (Games Gamblers Play, 1974) và Kê đông áp giảng (Chicken and Duck Talk, 1998) không chỉ có khán giả ở Hồng Kông mà còn ở khắp châu Á, đặc biệt là ở Nhật Bản, nơi Hứa Quan Văn nổi tiếng với tên “Mr. Boo”, nhân vật do ông thủ diễn được người hâm mộ yêu mà ghét.

Ông từng có một cuộc "yêu đương chớp nhoáng" với Hollywood, nhận một vai nhỏ trong bộ phim thành công bất ngờ của Burt Reynolds Cannonball Run năm 1981. Có nhiều lời mời đóng phim ở nước ngoài nhưng Hứa chọn ở lại quê nhà.

Hứa Quan Văn

“Tôi xem việc làm phim hài cũng như nấu một món ăn cho gia đình, cho Hồng Kông,” Hứa Quan Văn nói. “Thật tuyệt khi đến đây phát hiện ra người Ý nhận thấy món ăn của tôi ngon.

"Với ngành điện ảnh Trung Quốc đang lên, thị trường truyền thống của Hồng Kông đang co lại và tôi nghĩ điều các nhà làm phim Hồng Kông phải làm lúc này là không đánh mất bản sắc văn hóa riêng mà hãy cố gắng tìm ra công thức sao cho ai cũng thưởng thức được - Trung Quốc, Ý, mọi nơi.

"Tôi cho rằng nếu tôi tiếp tục nấu nướng với công thức thích hợp - thịt gà và thịt heo - và chớ có quẳng vào đó rắn rít hay bò cạp, mọi chuyện sẽ ổn thôi."

Bộ phim The Private Eyes (1976) do Hứa sản xuất được xem là phim đầu tiên thám hiểm khả năng hài hước của võ thuật - mạch hài hước dồi dào này đã được ngôi sao nổi tiếng quốc tế Thành Long khai thác và từ đó các nhà làm phim từ Hồng Kông đến Hollywood làm theo.

“Tôi chỉ nghĩ dòng phim kung fu luôn quá nặng nề, toàn giết chóc và thật ngốc nghếch nếu cứ như vậy. Nên tôi quyết định làm phim võ thuật hài hước để mọi người có thể nhận nhận ra rằng không phải lúc nào cũng làm mọi chuyện quá nghiêm túc.”

Theo nhà nghiên cứu điện ảnh nổi tiếng Roger Garcia, người tổ chức chương trình tôn vinh Hứa Quan Văn ở Udine, thì sức ảnh hưởng của nhà làm phim này đối với nền điện ảnh châu Á là rất rõ ràng.

“Tôi nghĩ Hứa Quan Văn thực sự đã giúp đưa phim hài Hồng Kông lên bản đồ thế giới hiện đại,” Garcia nói. "Ông cũng giải phóng tiềm năng phim hài - cả ở thể loại võ thuật lẫn phim tâm lý thông thường - về Hồng Kông hiện đại."

Đáp lời, Hứa Quan Văn nói vai trò của ông trong cuộc đời luôn đơn giản.

"Tôi không muốn nói với người ta rằng thế giới đau buồn lắm - ai cũng biết điều đó cả rồi. Tôi thích nhìn thế giới và nói, buồn nhưng không phải là tất cả. Tôi thích được nhớ tới là một nghệ sĩ hài tìm thấy tiếng cười trong bất cứ chuyện gì.

"Khi bạn cười, nỗi đau dần dần tản mát. Dù có chết, bạn cũng phải mỉm cười mà chết."


Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: AFP