Theo tuyên bố mà đạo diễn Kim đưa ra ngày 27/2, chuỗi rạp lớn nhất của
Hàn Quốc, CJ CGV nói với anh rằng phim của anh sẽ chỉ được giới hạn “tám
phòng chiếu ở tám rạp, trong số 1.182 phòng chiếu ở 159 địa điểm CGV
toàn quốc.” Hơn thế, Kim cho biết CGV nói với anh rằng hãng này sẽ ‘linh
hoạt’ khi quyết định số lượng suất chiếu mỗi ngày, tùy thuộc vào hiệu
suất của bộ phim sau khi phát hành.”
Đạo diễn Kim Jae Hwan trên kênh YTN
|
“Trong khi đó, [bộ phim
Trade Your Love] được sản xuất với ngân
sách tương tự [và cũng được phát hành cùng ngày],” Kim Jae Hwan nói với
YTN. “Tuy nhiên, bộ phim đó sẽ phát tại [140 màn hình tại 95 rạp CGV].
Lý do duy nhất mà tôi có thể nghĩ đến là bộ phim đó do CGV Arthouse phát
hành.”
Kim Jae Hwan nói thêm rằng mặc dù anh được CGV yêu cầu
không phát ngôn và đề nghị sẽ chiếu nhiều hơn, anh đã từ chối vì nghĩ
rằng “nhiều người khác [như anh] có thể đã trải qua trải nghiệm tương
tự.”
“Vấn đề là, mặc dù tôi sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn
nếu phim của tôi chiếu ở nhiều rạp hơn, tất cả những màn hình thêm đó
đến từ đâu? Có lẽ từ những bộ phim độc lập, kinh phí thấp. Đây có thể
không phải là một vấn đề pháp lý, nhưng với tôi, CJ CGV làm suy đồi đạo
lý.”
Vì lý do đó, đạo diễn này đã quyết định tẩy chay hai trong
số các chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Hàn Quốc - CJ CGV và Megabox - vì
điều mà anh gọi là hệ thống phân phối suất chiếu bất công.
Cảnh trong phim tài liệu ngân sách nhỏ Granny Poetry Club
|
Hơn 10 năm qua, các tập đoàn khổng lồ như Tập đoàn CJ - công ty sở hữu
nhà phát hành phim CJ ENM và chuỗi rạp CJ CGV - và Tập đoàn Lotte - sở
hữu cả Lotte Entertainment và Lotte Cinema - đã bị chỉ trích vì sử dụng
phần lớn các phòng chiếu trong rạp của họ để chiếu các bộ phim được sản
xuất và phân phối bởi các chi nhánh của các công ty riêng của họ và tước
đi cơ hội cho các bộ phim độc lập, nhỏ hơn được phát hành rộng rãi.
Một trong những trường hợp gây tranh cãi nhất về độc quyền chiếu là bộ phim năm 2017 của CJ ENM
The Battleship Island,
đã được chiếu tại 2.027 trong tổng số 2.700 rạp chiếu ở Hàn Quốc. Kể từ
năm 2013, CJ CGV đã chiếm khoảng một nửa tổng thị phần phòng vé Hàn
Quốc, theo Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên một bộ phim
được công chiếu tại hơn 2.000 rạp, và có sự phản đối của công chúng
chống lại việc tước đi cơ hội lựa chọn của khán giả khi bộ phim được
phát hành.
CGV nói rằng “việc phân bổ phòng chiếu thực sự phụ
thuộc vào nhu cầu của khán giả về một bộ phim cụ thể - nếu bộ phim đó
trở nên nổi tiếng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc mở
thêm phòng chiếu.”
Đại diện của CJ ENM cho biết, “Cả công ty sản xuất lẫn nhà phân phối đều không thể can thiệp vào quá trình phân bổ phòng chiếu”.
Vấn đề, theo Giáo sư Park Kyung Sin từ Khoa luật Đại học Hàn Quốc, là các quy định về độc quyền tại Hàn Quốc rất yếu kém.
“Lý
do tại sao [vấn đề về] tích hợp theo chiều dọc vẫn tiếp tục là do các
tập đoàn muốn tối đa hóa lợi nhuận thương mại của họ,” ông nói. “Quy tắc
hiện hành [Quy định độc quyền và thương mại công bằng của Hàn Quốc] quy
định hai điều. Đầu tiên, nó giới hạn một công ty nắm giữ quyền lực
thống trị thị trường lạm dụng quyền lực của mình. Và thứ hai, nó ngăn
cản một số công ty không nắm giữ quyền lực thị trường thông đồng để ngăn
chặn quy định này. Nhưng hiện tại, [luật đầu tiên] đã chết.”
Theo luật sư Jang Seo Hee từ Trung tâm thiết lập thực hành công bằng của
Viện Điện ảnh Hàn Quốc, “bản thân việc tích hợp theo chiều dọc không
phải là bất hợp pháp theo Quy định độc quyền và luật thương mại công
bằng của Hàn Quốc. Điều 7 của đạo luật hạn chế hành vi ‘cạnh tranh, được
liệt kê trong điều luật, nhưng nó không hạn chế cấu trúc ‘tổ hợp’ của
các doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao tích hợp theo chiều dọc không phải
là một vấn đề theo luật - dẫn đến xung đột liên tục [giữa các doanh
nghiệp và ngành công nghiệp điện ảnh].”
Trong khi đó, bao năm các nhà lập pháp đã nhiều lần cố gắng viết luật để cấm tích hợp dọc, nhưng không mấy thành công.
Năm
2016, Do Jong Hwan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc
hiện tại, đã đề xuất một dự luật khi ông là nhà lập pháp đối lập, cấm
tích hợp dọc các nhà phân phối phim và chuỗi rạp để giới hạn độc quyền
màn ảnh. Tuy nhiên, dự luật này không bao giờ được thông qua. Năm 2017,
các nhà lập pháp Jo Seoung Iae và Ahn Cheol Soo cũng đề xuất sửa đổi Đạo
luật Quảng bá Sản phẩm Điện ảnh và Ghi hình, làm rõ việc giải thể tích
hợp dọc. Tuy nhiên, việc sửa đổi luật đã bị cắt vào tháng 6 năm ngoái.
Giáo sư Park tin rằng lý do các dự luật này không được thông qua “là do các tập đoàn [nỗ lực] vận động hành lang.”
Vấn
đề đã được đưa ra một lần nữa cách đây vài ngày khi Hội đồng Điện ảnh
Hàn Quốc về Đa dạng Văn hóa và Độc quyền Văn hóa đưa ra thông cáo báo
chí kêu gọi chính phủ rút lại việc đề cử ông Park Yang Woo, giám đốc
phi-điều hành của CJ ENM Park, làm tân bộ trưởng văn hóa, thể thao và du
lịch.
“Bốn trong số sáu giám đốc của CJ ENM là các quan chức cấp
cao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông
tin, Ủy ban Thương mại Công bằng và Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn
Quốc. Park là một trong bốn người và từ lâu ông đã ủng hộ độc quyền màn
hình và tích hợp dọc.”
Người xem tại một rạp chiếu ở Yongsan, Seoul, ngày 26/7/2017 với áp phích phim The Battleship Island áp đảo trên các máy bán vé
|
Nhà phê bình văn hóa Lee Moon Won lập luận trong một chuyên mục của Viện
nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc rằng tích hợp dọc chỉ đơn giản là một phần
của hệ thống thị trường tư bản chủ nghĩa. “Những người tranh luận rằng
các tập đoàn có tích hợp dọc là những người duy nhất thực hiện độc quyền
màn hình sẽ câm nín khi nói đến nhà phân phối [chính] NEW, không được
kết nối với bất kỳ chuỗi rạp nào. Các nhà phân phối chỉ đơn giản là cố
gắng tìm cách phân phối phim tốt nhất, có lợi nhuận.”
Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily