Tin tức

Nhu cầu điện ảnh Hollywood và điện ảnh châu Á gặp nhau ở đâu

17/03/2014

Ở Mỹ, các phim nước ngoài thường được giao cho các rạp chiếu phim nghệ thuật, bất kể thể loại. Còn ở Trung Quốc, số lượng phim được phát hành tại thị trường này của mỗi hãng phim lớn của Hollywood chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tính phụ thuộc

Mười bốn năm trước, bộ phim Crouching Tiger, Hidden Dragon / Ngọa hổ tàng long (2000) đã lập kỷ lục doanh thu phòng vé đối với một phim châu Á chiếu ở Bắc Mỹ, doanh thu đạt 128 triệu đô. Những bộ phim võ thuật sau này của Lý An như Hero (2002) 53,7 triệu đôla, Fearless / Hoắc Nguyên Giáp (2006) 24,6 triệu đôla, Kung Fu Hustle /Tuyệt đỉnh kung fu (2004) 17,1 triệu và House of Flying Daggers / Thập diện mai phục (2004) 11,1 triệu tuy được xem là bộ phim nước ngoài thành công ở thị trường Bắc Mỹ nhưng lại không thể đạt được kỷ lục như Ngọa hổ tàng long.

Nhưng thời huy hoàng của phim châu Á tại các rạp lớn ở Bắc Mỹ đã đến hồi kết thúc.

Phim điện ảnh châu Á đạt doanh thu cao nhất ở Bắc Mỹ vào năm ngoái là bộ phim hành động của Indonesia The Raid Serbuan maut [The Raid Redemption] (2011) chỉ đạt 4,1 triệu đôla, mặc dù truyền thông đưa tin dày đặc và được truyền miệng mạnh mẽ. Năm 2013, dù ra mắt ở 750 rạp chiếu – được xem là phát hành rộng rãi cho một phim điện ảnh nước ngoài – và một chiến dịch tuyên truyền mở rộng tại ComicCon do đạo diễn Vương Gia Vệ thực hiện, The Grandmaster / Nhất đại tông sư cũng chỉ thu về 6,57 triệu đôla ở Bắc Mỹ, chiếm 10,5% doanh thu toàn cầu của phim này.

Tuy nhiên không nhất thiết nhu cầu giải trí châu Á đã giảm đi. Khách hàng có thể dễ dàng xem trực tuyến các phim châu Á mới nhất, và các nhà phát hành đang tranh giành để dẫn dắt người xem vào những mô hình kinh doanh mới. Trong khi một vài nhà phát hành chọn nhắm vào khán giả bằng việc phát hành đúng ngày ở những cụm rạm chiếu, thì một số khác đang tận dụng các nền tảng truyền thông mới.

Rời khỏi các rạp chiếu

Ở Mỹ, các bộ phim nước ngoài thường được giao cho các rạp chiếu phim nghệ thuật, bất kể thể loại. Những phim này thường được phát hành giới hạn, bắt đầu ở các thành phố lớn rồi dần dần chiếu khắp trong nước. Trước kia, việc chờ đợi phát hành một bộ phim tại Bắc Mỹ có thể mất một năm hoặc hơn.

Ngoại lệ là hệ thống rạp chiếu phim Chinatown. Được đặt tại những thành phố lớn có những cộng đồng lớn dân nhập cư từ Hồng Kông, như Vancouver, New York và San Francisco, các rạp phim này chiếu những bộ phim Hồng Kông mới nhất vào đúng ngày phát hành. Khi khán giả là di dân Hồng Kông bắt đầu thích xem phim tại nhà, các rạp Chinatown gần như biến mất.

Quá trình toàn cầu hóa — cùng với Internet — đã giúp người dân trên khắp thế giới tiếp xúc với điện ảnh châu Á nhiều hơn, và thúc đẩy nhu cầu của khán giả muốn được tiếp cận tức thì với những tác phẩm điện ảnh châu Á mới nhất. Nhu cầu ấy được đáp ứng dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ vào quá trình nhập phim song song với việc tải phim (download) bất hợp pháp.

Nhu cầu đó cũng đã lan từ mô hình phim Hoa ngữ sang phim của các quốc gia châu Á khác.

Rạp chiếu của CGV Hàn Quốc ở Los Angeles, Mỹ

Các công ty Ấn Độ như UTV Motion Pictures đã phân phối các bộ phim Bollywood trực tiếp đến các rạp phim ở Mỹ kể từ năm 2004. Công ty CJ Entertainment của Hàn Quốc - bắt đầu với rạp CGV của riêng họ ở Los Angeles — đã phân phối một số phim Hàn Quốc ở Mỹ năm 2009 và kể từ đó mở rộng phát hành phim video gia đình.

Khởi đầu đóng tại Úc, công ty phát hành phim China Lion cũng mang mô hình phát hành đúng ngày đến Mỹ để tận dụng lợi thế của các thành công mới có được của điện ảnh Trung Quốc. Tuy nhiên, ở bất cứ đâu cũng chỉ chiếu được từ 7 đến 37 rạp, những phim này đã có một khoảng thời gian khó khăn tìm kiếm thành công về mặt tài chính trong các mô hình phát hành phim chiếu rạp truyền thống.

Thay vào đó, phim châu Á đã tìm ra một hướng mới trong thị trường lệ thuộc này. Song song với việc nhập khẩu ảnh hưởng đến doanh số bán băng đĩa, và thị trường thuê băng đĩa đã chuyển từ các cửa hàng video truyền thống sang những dịch vụ như Netflix, có nhiều người đăng ký hơn HBO. Mặc dù tốc độ Internet gia tăng khiến việc tải dữ liệu bất hợp pháp dễ dàng hơn, nó cũng giúp thúc đẩy sự phổ biến của các dịch vụ chép phim theo yêu cầu.

Trong năm 2009, công ty phát hành Mỹ Well Go USA bắt đầu tạo ra một số phim châu Á phát hành sẵn định dạng kỹ thuật số theo yêu cầu bổ sung vào video tại nhà. Trong năm 2011, công ty thử nghiệm phát hành đúng ngày chiếu rạp và định dạng kỹ thuật số. Năm nay, họ đã tiến một bước xa hơn với công nghệ "Ultra VOD" lần đầu ra mắt — làm một phim kỹ thuật số sẵn trước khi phát hành ra rạp.

Theo Doris Pfardrescher, chủ tịch Well Go, quyết định của họ về việc phát hành phim theo kiểu "Ultra VOD" phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau. Với Drug War, công ty dùng những bình luận tích cực làm lợi thế tạo đà cho việc phát hành kiểu truyền thống. Tuy nhiên, với IP Man: Trận chiến cuối cùng, Well Go quyết định thu hút lượng ‘fan’ đã có của dòng phim này và sử dụng phát hành "Ultra VOD" để tiếp cận khán giả rộng rãi hơn.

Bìa DVD phim Á cho Well Go USA phát hành

"Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi cực kỳ hài lòng với kết quả ban đầu. Một trong những lo ngại lớn nhất là làm tổn hại đến mảng kinh doanh truyền thông theo gói của chúng tôi (DVD, Blu-ray), mà đó vẫn là một phần quan trọng trong doanh thu của chúng tôi, và cho đến nay vẫn chưa xảy ra chuyện này," Pfardrescher cho biết.

Hollywood trực tuyến

Tháng 7/2012, Apple đã mở rộng mục âm nhạc và điện ảnh trên iTunes cho 12 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, trong đó có Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Một số công ty Hồng Kông cũng bắt đầu làm phim có mặt ở các cửa hàng bên cạnh những phim Hollywood nổi bật. Đây là lần đầu tiên phim Hollywood phát hành định dạng kỹ thuật số một cách hợp pháp tại vùng lãnh thổ này.

Hiện tại, chỉ có 34 phim nước ngoài được phát hành tại Trung Quốc trên cơ sở ăn chia lợi nhuận, mặc dù những phim khác có thể được nhập về mà không thỏa thuận ăn chia. Nếu tính tất cả 34 phim ăn chia lợi nhuận ấy đều là của Mỹ, thì hàng năm tại Trung Quốc, số lượng phim của mỗi hãng phim lớn được phát hành chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Đây là vấn đề khi Universal ra rạp vào đầu năm 2013 với Despicable Me 2. Mặc dù phim thích hợp với khán giả gia đình, nhưng tin tức cho hay nhà phát hành phim Trung Quốc Edko (Beijing) Films Ltd đã chọn không dùng một suất trong hạn ngạch có hạn của hãng cho một loạt phim hoạt hình chưa được kiểm chứng thành công. Tương tự, phim đoạt giải thưởng Oscar phim xuất sắc nhất Argo không bao giờ nhận được suất phát hành tại Trung Quốc.

Nam diễn viên Đặng Siêu và Cindy Tian lồng tiếng cho các nhân
vật chính của
Despicable Me 2 phát hành ở Trung Quốc

Tuy nhiên, những phim này có mặt hợp pháp trên các nền tảng xem phim video của Trung Quốc như Youku Tudou, LeTV và Tencent.

Ở Trung Quốc, giá vé trung bình một phim 2D khoảng 35 tệ (xấp xỉ 5,72 đôla), trong khi giá của một DVD hợp pháp từ khoảng 20 đến 40 tệ (xấp xỉ 3,27 đến 6,54 đôla). Vì việc đi xem phim vẫn là một hoạt động của tầng lớp trung lưu, người dân sống trong các khu vực thành thị có thu nhập thấp thường trông cậy vào các phương tiện bất hợp pháp để xem phim.

Nhờ hợp đồng được ký kết giữa các hãng phim và cơ sở sản xuất băng đĩa, khán giả Trung Quốc có thể xem được các bộ phim Hollywood mới nhất chỉ sau vài tuần ra mắt các rạp ở Mỹ. Mặc dù các phim kinh phí lớn hơn đòi hỏi phải trả một khoản phí đăng ký hàng tháng, hầu hết các tựa phim cũ lại được miễn phí.

Phát hành phim trực tuyến tại Trung Quốc chỉ có thể mang lại một phần nhỏ so với doanh thu có thể kiếm được khi phát hành rạp, nhưng lại có một vài lợi thế cho chiến lược này.

Các trang xem phim video cần một danh sách lớn phim được phát hành chính thức để thu hút các thuê bao đăng ký dài hạn, điều này có nghĩa là họ thích mua phim với số lượng lớn hơn. Thay vì dựa vào doanh số bán vé, thì các hãng phim có thể vẫn thu được lợi nhuận nhờ danh mục các phim cũ thông qua thỏa thuận này. Điều đó không chỉ cung cấp một cách thức mới cho các hãng phim thâm nhập vào thị trường phim ảnh rốt cuộc sẽ trở thành thị trường lớn nhất thế giới, mà về dài hạn sẽ khuyến khích khách hàng Trung Quốc trả tiền để xem phim hợp pháp.

Youku Tudou, trang mạng xem phim trực tuyến lớn nhất Trung Quốc

Các phim phát hành rạp ở Trung Quốc phải qua quy trình kiểm duyệt khắt khe của chính phủ, nhưng các trang mạng xem phim video chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung của mình. Mặc dù các trang mạng xem phim tự quyết trong việc biên tập các nội dung có thể bị phản ứng như cảnh khỏa thân và bạo lực, sự kiểm duyệt trên các trang mạng này thường ít khắt khe hơn. Những phim như World War Z được kiểm duyệt khắt khe trên thị trường phim rạp, bản phát hành trực tuyến tại Trung Quốc chỉ biên tập rất ít.

Như video theo yêu cầu ở Bắc Mỹ, lợi ích lâu dài của các nền tảng xem phim trực tuyến đang lên ở Trung Quốc chưa được xem xét. Tuy nhiên, vì khán giả nắm bắt những cách mới để xem phim, nên việc tìm ra các hình thức phân phối mới là cần thiết để thu hút khán giả và mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Dịch: © Gia Khang @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi