Tin tức

Phải chăng George Lucas đã thay đổi điện ảnh với Star Wars tiền truyện

23/03/2011

George Lucas nên dừng lại sau ba phần phim đầu tiên của Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) - đó là quan điểm chung của những người hâm mộ các hiệp sĩ Jedi có độ tuổi và suy nghĩ chín chắn. Họ mạnh mẽ chỉ thẳng vào nhân vật Jar Jar Binks, quá phụ thuộc vào hiệu quả dựng hình trên máy tính và đối thoại cứng nhắc như một sai lầm không thể tha thứ của bộ ba tác phẩm ra đời sau này, mở đầu với The Phantom Menace (Bóng ma đe doạ, 1999) và kết thúc bằng Revenge of the Sith (Người Sith báo thù) năm 2005.

Nhưng phải chăng phe hâm mộ truyền thống bỏ lỡ giá trị và những cách tân thực sự mà ba phần làm sau đã mang đến? Đúng là như vậy, theo đánh giá của Kevin McLeod, người đã tạo ra các trò chơi trực tuyến phỏng theo phim ảnh, trong đó có các trò chơi phỏng theo A.I.: Artificial Intelligence (Trí thông minh nhân tạo) và loạt phim truyền hình Jericho. Và trong tư cách khách mời của chuyên mục Hero Complex (Los Angeles Times), anh đưa ra nhận xét rằng bộ ba tác phẩm Star Wars ra đời sau thực sự là một bước ngoặt của điện ảnh.

Ewan McGregor vai Obi-Wan Kenobi và Ray Park vai Darth Maul trong The Phantom Menace [Lucasfilm]

George Lucas đã đẩy phim ảnh bước qua thế kỷ 21 khi ông bắt tay làm bộ ba Star Wars tiền truyện. Và như một ảo thuật gia, ông sử dụng gương phản chiếu.

Nên nhớ những tấm gương không sao chép chính xác hình ảnh, như cách chiếc máy photocopy làm, mà cho ta hình ảnh đảo ngược. Mặc dù phép phản chiếu đã được sử dụng một thời gian dài trong sáng tạo nghệ thuật, Lucas còn làm được nhiều hơn thế. Phép phản chiếu cơ bản nhất ông sử dụng, xuyên suốt ba phần phim, đơn giản là nghịch chuyển kết cấu quyền lực, đảo chiều phe khám phá và nắm giữ sức mạnh (ba phần đầu tiên là những kẻ nổi loạn, kế đó là người Sith). Vì sao Lucas lại làm như vậy? Tại sao ông dám hy sinh những cảm xúc đầy phấn khích khán giả đang tích cực dành cho phe "tốt"? Ông đã cho chúng ta thấy quyền lực không sắp hàng vào phe tốt hay xấu, mang theo ánh sáng hay bóng tối, mà bản thân quyền lực đã ẩn chứa manh nha có thể phát sinh cái xấu. Ông tô điểm cho những câu chuyện của mình ngoài hai thái cực màu đen - trắng bằng màu sắc và nhào nặn bằng khả năng của mình, biến đổi chúng thành những khuôn mẫu.

Những khuôn mẫu này đan xen trong câu chuyện theo cách chúng ta khó mà nhận ra. Bằng cách đảo chiều câu chuyện và trọng tâm, ông thu hút khán giả vào một cuộc tìm kiếm những mấu chốt mà thông thường họ không bận tâm tìm kiếm và ý nghĩa của những mấu chốt này. Khán giả mục tiêu quan trọng nhất với ông luôn là trẻ con và người trẻ, những người đầu óc còn linh hoạt, trí não chưa cứng nhắc và còn đang phát triển tư duy. Tổng thể của những chuyển động, khuôn mẫu và màu sắc được nêu trên cùng thông điệp của tác phẩm tác động vào nhận thức một cách cơ bản.

Hayden Christensen trong vai Anakin Skywalker [Lucasfilm]

Chào mừng đến với thời đại của nhận dạng mẫu, đúng hơn là nhận thức mẫu, và đó là một thời đại mà Lucas đã mạnh mẽ sáng tạo và phản chiếu. Dù vẫn còn trong trứng nước, nhận thức mẫu là một trong những công cụ then chốt của truyền thông tương lai (trong đó bao gồm ngôn ngữ tương lai). Xuất hiện vào năm 1977, Star Wars là một bước nhảy tiến hoá về nhận thức mẫu. Đáng chú ý, phần phim đầu tiên ra mắt cùng với thời nở rộ của trò chơi chiến tranh không gian. Các trò chơi điện tử, cũng như Star Wars, trở nên thịnh hành với các khuôn mẫu và hình thức chiến tranh. Lucas, Steven Spielberg, Charlie Chaplin, Stanley Kubrick và một vài người khác đã làm việc ở cấp độ cao nhất của nhận thức mẫu, cũng như những cái tên kể đây - có thể là cái tên bạn chờ đợi hoặc không: John McTiernan, Quentin Tarantino, James Cameron và McG (tất cả đã đột phá với nhận thức mẫu).

Đáng chú ý là, The Matrix (Ma trận - bản thân nó là một bước tiến hóa về khuôn mẫu) ra mắt cùng năm với Phantom Menace. Cũng như nhiều khán giả khác, ban đầu tôi đánh giá thấp Menace như một phiên bản đơn giản hơn của Return of the Jedi; điều này có vẻ thật trẻ con. Nhưng sau đó, tôi bắt đầu cân nhắc kỹ về những cảnh rất lạ lùng trong ba phần phim mới, tôi nhận ra rằng chúng đã cấu thành một câu chuyện bị che khuất, bổ sung mặt đối lập cho ba phần làm trước đó. Câu chuyện vừa châm biếm vừa giúp mở rộng tầm nhìn. Như tôi đã nói ở trên, ví dụ như các nhân vật anh hùng trở nên tự mãn, điều mà ba phần đã làm trước không có, làm lu mờ họ và bớt đi một sắc thái mà chúng ta chờ đợi. Những nhân vật bạn đã yêu quý cuối cùng lại ghét bỏ hoặc không thích nữa. Sự nhạy bén điều tra của những nhân vật này biến mất, rồi bây giờ lại tập trung vào phe Sith, giúp ích cho cuộc truy lùng để lật đổ quyền lực hiện hành. Đây chính là cái đã biến đổi Anakin về phe Sith: Họ khiến anh phải hành động; họ thách thức anh. Tôi không thể phân tích và bình luận trọn cả câu chuyện ở đây, nhưng sau đây là ba ví dụ:

Natalie Portman vào vai Amidala [Lucasfilm]

1) Phản chiếu hành động: Star Wars: Episode IV bắt đầu với một cuộc đào thoát khỏi sự phong tỏa, và Phantom Menace cũng bắt đầu với một con tàu giống như vậy, cố tiếp cận vòng vây. Phép phản chiếu mở đầu cho mỗi bộ ba tác phẩm. Ngay cả tình tiết cũng được phản chiếu. Vader muốn cứu Amidala; Sidious muốn họ phải chết. Chúng ta thấy ngay xung đột trung tâm của tác phẩm: Những cuộc săn lùng tìm diệt xuất hiện ngay từ những giây phút mở màn (giữa các hiệp sĩ Jedi và Sidious)

2) Phản chiếu nhân vật: Phantom Menace bão hòa với các nhân vật hai chân kỳ dị được công khai phản chiếu: Jar Jar Binks và Droid Troopers, đại diện cho thực thể sống chống lại máy móc, tuy nhiên lại có màu sắc, cấu trúc và hình dạng giống nhau và nguy hiểm như nhau; Lucas thậm chí còn làm chúng giống nhau ở cả khung sườn và chuyển động, và cuối cùng chúng lao vào nhau chiến đấu với thân hình đồ sộ. Tương tự, Obi-Wan và Darth Maul (dưới các lớp hóa trang) là những tử thần, cũng như nhân vật của Natalie Portman và Keira Knightley, xuất hiện luân phiên. Thủ thuật phản chiếu xuất hiện mọi nơi trong Phantom Menace, một số chỗ chúng ta không nhận thấy, số còn lại hiển hiện rõ ràng. Điển hình là chiều cao trong "phản chiếu" Sidious-Palpatine, khán giả có thể thấy nhưng hiệp sĩ Jedi thì không, đơn giản là họ là người trong cuộc.

Đạo diễn George Lucas [Lucasfilm]

3) Phản chiếu địa điểm: Trong Attack of the Clones, hành tinh Kamino là hình ảnh phản chiếu của Bespin ở ba phần làm trước. Hai hành tinh này mang màu sắc đối lập (màu xám và màu sắc sinh động), sở hữu khí quyển thành phần chủ yếu là hơi nước. Cả hai đều là nơi phi thuyền không gian Slave I đổ bộ, và về cơ bản đóng vai trò trung tâm, nơi chúng ta thấy hai nhân vật phản chiếu Fett cha và Fett "con" - bản sao vô tính, làm mồi nhử Skywalker tới Bespin và Obi-Wan tới Kamino. Cả hai hành tinh chứng kiến những người hùng - Luke và Obi-Wan - gặp lúc nguy nan. Cả hai trường hợp đều dẫn tới những kết cục giống nhau: Vaders cho Luke biết sự thật, và Dooku tiết lộ sự thật cho Obi-Wan. Cả hai bộ ba tác phẩm của Lucas đều kết thúc bằng những phơi bày sự thật.

Hãy nhìn ra điều này: Tất cả những phép phản chiếu , ráp cùng một khuôn mẫu - tạo ra một khối tinh cầu. Đó là một khối hỗn hợp khổng lồ mà Lucas kiên trì ráp nối. Bộ ba Star Wars tiền truyện có thể gọi một cách chính xác là câu chuyện được ẩn giấu về trạm không gian Death Star, khi ông ráp nối những tinh cầu liên quan tới vũ khí tối thượng này: chiến thuyền Droid Control của Liên minh, Nghị viện Cộng hòa, hành tinh Coruscant. Trạm không gian Death Star và chiến thuyền Droid Control phảng phất nét tương đồng; Anakin cũng tái hiện trận chiến cuối cùng của Luke khi phá hủy con tàu Droid.

Darth Maul, do Ray Park thủ vai [Lucasfilm]

Một khi bạn đã biết những chiêu điển hình trên, hãy quan sát để thấy hàng trăm mảnh ghép giống như vậy giữa bộ ba tác phẩm đầu tiên và bộ ba ra đời sau này. Bạn muốn có thêm ví dụ? Xem này: giữa các phim đều là cảnh hai hành tinh săn đuổi nhau, Obi-Wan bắt chước kiểu "tàng hình" của chiến thuyền Millennium Falcon, tòa tháp của hiệp sĩ Jedi có nét tương đồng với tháp đế chế...

Nào bây giờ bạn hãy tự khám phá đi nhé. Những mảnh ghép khuôn mẫu này không phải ngẫu nhiên, mà chúng là một sự sắp xếp có chủ ý một cách khéo léo để mang tới một câu chuyện bên ngoài (và cả bên trong) diễn biến tâm lý bề nổi giữa các nhân vật chính. Tầm nhìn của Lucas không bao giờ bị giới hạn, ông mang đến một bước tiến hấp dẫn trong nghệ thuật kể chuyện. Tôi cho rằng chẳng ai có thể khiến bạn trở nên yêu thích những bộ phim bạn vốn không thích, những hãy có cái nhìn sâu hơn và quay trở lại xem bộ phim mà trước đây bạn bạn đã xem theo cách khác.


Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times