Giữa những bộ phim Tết đầy ấn tượng của năm nay, có một số phim hoạt hình ngân sách lớn được trình chiếu hầu như cùng thời điểm, cho thấy dấu hiệu về một bước nhảy mới của ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc.
Tuy nhiên, làn sóng phim hoạt hình mới không hề đến dễ dàng. Ví dụ, bộ phim rất được yêu thích Little Big Panda (Hùng miêu tổng động viên) với chi phí 350 triệu nhân dân tệ (53,3 triệu USD) đã khiến các nhà sản xuất mất tới vài năm làm việc vất vả để hoàn thành.
Trung Quốc từng là một đất nước nổi trội về việc sản xuất phim hoạt hình, và trường phái Trung Quốc là một trong những trường phái nghệ thuật quan trọng trong ngành công nghiệp hoạt hình. Ngay từ năm 1926, khi bộ phim hoạt hình đầu tiên của châu Âu được hoàn thành tại Đức, cũng gần như là lúc những người tiên phong trong ngành hoạt hình Trung Quốc: Vạn thị huynh đệ đang thực hiện tác phẩm hoạt hình đầu tiên của đất nước này. Và từ bộ phim hoạt hình dài tập đầu tiên của châu Á The Princess of the Iron Fan (Thiết Phiến công chúa) do Vạn thị huynh đệ sản xuất vào năm 1942 cho tới kiệt tác hoạt hình The Monkey King (Đại náo thiên cung) năm 1965, ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc đã trải qua những đỉnh cao liên tiếp.
Bộ phim hoạt hình 3D của Trung Quốc Little Big Panda
Nhưng sau đó sự phát triển của ngành hoạt hình Trung Quốc bắt đầu xuống dốc bởi không bắt kịp với xu hướng của nền kinh tế thị trường. Một cuộc khảo sát lúc đó cho thấy 90% phim hoạt hình mà giới trẻ Trung Quốc yêu thích là do nước ngoài sản xuất.
Hồi sinh
Năm 2010, Chính quyền Trung ương đưa ra một chính sách phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp hoạt hình với nỗ lực đưa Trung Quốc vào danh sách những nhà sáng tạo và sản xuất hoạt hình hàng đầu trong năm đến mười năm tới. Vì mục tiêu này, các hãng phim hoạt hình chủ chốt được quyền hưởng những chính sách thuế ưu đãi.
Ngày 25/8/2010, 35 tác phẩm hoạt hình được Bộ Văn hóa Trung Quốc (CMC) công nhận là những thành phẩm quan trọng và nhận được một khoản trợ cấp trị giá sáu triệu nhân dân tệ (920.000 USD) về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong năm 2010, các tác phẩm hoạt hình nguyên gốc có độ dài tổng cộng tới hơn 200.000 phút trong khi vào năm 2004, con số này chỉ là 21.800 phút. Tổng quy mô thị trường của ngành hoạt hình lên tới 20,8 tỉ nhân dân tệ (3,15 tỉ USD).
Ông Lưu Ngọc Châu, vụ trưởng Vụ Công nghiệp văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, nói rằng hoạt hình được xem là một trong những ngành hứa hẹn nhất của thế kỷ 21. Việc sản xuất phim hoạt hình Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên phát triển nhanh chóng.
Ông Wang Jin, phó Tổng giám đốc của công ty ACG Group Trung Quốc, cho biết bên cạnh các kênh phát sóng truyền thống như rạp chiếu phim và truyền hình, các hình thức truyền thông mới như mạng Internet, điện thoại di động và các thiết bị di động khác đã trở thành các kênh mới quan trọng. Đồng thời, các sản phẩm phát sinh của ngành hoạt hình cũng đang phát triển một thị trường lớn.
Ông Hu Zongjing, Trưởng phòng kinh doanh điện ảnh của U’Young Media, nói rằng sản xuất hoạt hình sẽ là một trong những lĩnh vực có rủi ro thấp của thị trường điện ảnh Trung Quốc trong năm năm tới. Doanh thu phòng vé và các sản phẩm phát sinh sẽ chiếm 25% giá trị sản lượng của ngành sản xuất phim Trung Quốc, và thậm chí có thể đạt tới 33%. “Việc đầu tư vào phim hoạt hình khá dễ kiểm soát. Phim hoạt hình cũng có thể cung cấp thu nhập ổn định từ sản phẩm phát sinh. Trong ngành công nghiệp điện ảnh, các bộ phim hoạt hình có thể được coi là cỗ máy in tiền,” ông cho biết.
Cừu vui vẻ và sói xám – bộ phim hoạt hình rất được yêu thích của Trung Quốc [Ảnh: Beijing Review]
Tổng doanh thu phòng vé của bộ phim hoạt hình Trung Quốc nổi tiếng Cừu vui vẻ và sói xám (Pleasant Goat and Big Big Wolf) do U’Young Media hợp tác đầu tư đã vượt qua con số 100 triệu tệ (15,2 triệu USD). Các nguồn thu khác từ các bộ phim điện ảnh và truyền hình, như thu nhập từ các sản phẩm phát sinh cũng rất đáng kể. Ông Hu dự đoán lợi nhuận biên về mặt doanh thu phòng vé, doanh thu từ thị trường tổng hợp và nguồn thu của các sản phẩm phái sinh sẽ có xu hướng cân bằng trong năm năm tới. Ông phát biểu: “Đây là điều chúng tôi đang cố gắng đạt được. Đó là dấu hiệu của một thị trường trưởng thành.”
Do tiềm năng thị trường to lớn của phim hoạt hình, đã có ít nhất 20 thành phố tại Trung Quốc thành lập các cơ sở hoạt hình. Số lượng các doanh nghiệp liên quan cũng đang tăng lên nhanh chóng trên toàn quốc, vượt qua con số 10.000.
Liên hoan hoạt hình Hàng Châu được tổ chức vào đầu hè mỗi năm tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang là hình ảnh thu nhỏ về sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp hoạt hình tại thành phố này. Số liệu thống kê của Cục Quản lý Điện ảnh, Truyền thanh và Truyền hình Quốc gia cho thấy, việc sản xuất các tác phẩm hoạt hình nguyên bản của Hàng Châu đứng đầu Trung Quốc trong hai năm liên tiếp kể từ năm 2009. Trong số các tác phẩm này, The Dream of Jinsha (Mộng hồi Kim Sa Thành) còn được đệ trình lên Hội đồng giải thưởng Oscar làm ứng cử viên cho giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2010, bộ phim hoạt hình Trung Quốc đầu tiên tới gần được giải thưởng này như vậy.
Vô Tích, thành phố xinh đẹp nằm ở phía nam tỉnh Giang Tô, đứng thứ hai toàn quốc về sản xuất các tác phẩm hoạt hình nguyên bản năm 2010.
“Trong hai năm qua, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất ở Vô Tích là sự ủng hộ đáng kể của chính quyền địa phương đối với ngành văn hóa. Hàng loạt các chính sách ưu tiên ngành văn hóa đã trợ giúp rất nhiều cho sự phát triển của các hãng phim hoạt hình như chúng tôi,” ông Wang Yiqun, chủ tịch CIWENUNIS Digital Pictures, nhà sản xuất phim truyền hình tư nhân lớn nhất Trung Quốc cho biết. Năm 2009, công ty này thực hiện bộ phim hoạt hình truyền hình đầu tiên Monkey, Monk and the Monsters Go West (tên phát hành tại Việt Nam: Tân Tây Du Ký), bộ phim đã đạt lợi nhuận cao và được chiếu tại Liên hoan phim Cannes, tạo lập một kỷ lục mới cho phim hoạt hình truyền hình châu Á. Năm ngoái, cùng với Tập đoàn Điện ảnh Trung Hoa và nhà sản xuất hoạt hình Nhật Bản MADHOUSE, công ty này đã quay bộ phim hoạt hình Tibetan Dog (Tàng Ngao), bộ phim sẽ được phát hành toàn cầu.
Hợp tác
Bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của Trung Quốc Little Big Panda phát hành vào 3/2 năm nay, đúng vào ngày Tết Nguyên Đán, đã hâm nóng trở lại thị trường phim hoạt hình Trung Quốc. Bộ phim kể về câu chuyện của một chú gấu trúc nhỏ đã cứu cả bầy đàn của mình. Đây là một tác phẩm do nhiều quốc gia hợp tác thực hiện. Trung Quốc cung cấp tư liệu nguồn; Đức đảm nhận sản xuất tiền kỳ, trong đó có thiết kế nhân vật; một đạo diễn người Mỹ hoàn thành kịch bản cuối cùng; một đội ngũ Tây Ban Nha vẽ tranh và một đội ngũ người Bỉ thực hiện đồ họa 3D. Ông Michael Schoemann, nhà sản xuất người Đức của bộ phim nói rằng bộ phim là một món quà của các nghệ sĩ từ nhiều quốc gia khác nhau dành cho trẻ em trên toàn thế giới.
Đạo diễn nổi tiếng thế giới Greg Manwaring, một trong những nhà sản xuất chính của bộ phim hoạt hình The Lion King (Vua sư tử) nói rằng ông đã đưa kinh nghiệm và thực tiễn của bản thân ông vào việc quay phim. Bộ phim một mặt hé lộ văn hóa Trung Quốc, mặt khác, kết hợp văn hóa Trung Quốc với văn hóa thế giới.
Little Big Panda được xem là bộ phim hoạt hình 3D vẽ tay đầu tiên trên thế giới. Bộ phim đã ứng dụng những kỹ thuật khác với kỹ thuật đồ họa thịnh hành ở Hollywood, kết hợp những khung hình với mực tàu và màu nước.
Sáng tạo
Năm 2010, hình ảnh hoạt hình Trung Quốc nguyên bản Tuzki từng thu hút sự chú ý rộng rãi, đã được công ty Time-Warner mua lại.
Hình ảnh chú thỏ hoạt hình Tuzki do một sinh viên Trung Quốc sáng tạo
Tuzki là một chú thỏ hoạt hình ngộ nghĩnh với đôi tai dài và đôi tay mềm dẻo. Chú luôn có dáng vẻ trầm ngâm và thể hiện cảm xúc một cách cường điệu. Lần đầu tiên chú thỏ này xuất hiện là trên phần mềm nhắn tin nhanh và nhanh chóng trở nên nổi tiếng, thu hút số lượng lớn người hâm mộ.
Hình ảnh này do Vương Mão Mão sáng tạo khi cô vẫn còn là một sinh viên thuộc trường Đại học Truyền thông Trung Quốc năm 2006. Vào cuối năm 2007, Tuzki trở thành đại sứ tuyên truyền cho một dòng sản phẩm Motorola. Vương Mão Mão gia nhập Time Warner sau khi tốt nghiệp và trở thành nghệ sĩ đầu tiên nhận hỗ trợ từ chương trình huấn luyện các nghệ sĩ trẻ châu Á của công ty.
Cô cho biết: “Công ty chịu trách nhiệm về việc quảng bá hình ảnh hoạt hình này và điều hành marketing của các sản phẩm liên quan. Tôi làm nhiệm vụ sáng tác chính.”
Tuy nhiên, theo như ông Liêu Tường Trung, phó hiệu trưởng Đại học Truyền thông Trung Quốc thì vẫn có một khoảng cách lớn giữa hoạt hình của Trung Quốc và các nền hoạt hình tiên tiến ở những nơi khác về cả khía cạnh đề tài và marketing: “Mặc dù tác phẩm hoạt hình của Trung Quốc tương đối phát triển về công nghệ và những khía cạnh khác, vẫn thiếu cơ chế đào tạo nhân lực hoặc bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực này.”
Các chuyên gia cho rằng những nhân tài với ý tưởng sáng tạo có lẽ là nhân tố chủ chốt cho sự phát triển của ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc. Trong một thời gian dài, hầu hết các tài năng hoạt hình Trung Quốc đều vướng vào những công việc chất lượng thấp khiến họ thiếu đi sức suy nghĩ sáng tạo.
Nhằm mục đích này , CMC đã tiến hành một chương trình đào tạo các tài năng hoạt hình chất lượng cao năm 2008 và một số trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp hiện tại đã tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề cho các giám đốc, chuyên gia kỹ thuật, tác giả và kỹ sư tại các hãng hoạt hình nội địa. Năm 2008, một ủy ban biên soạn tài liệu giảng dạy hoạt hình được CMC và Bộ Giáo dục Trung Quốc thành lập. Năm 2010, hai bộ đã tổ chức một cuộc thi sáng tác các tác phẩm hoạt hình nguyên bản cho sinh viên Trung Quốc để tìm kiếm những tài năng sáng tạo cho ngành hoạt hình.
Các nhân viên của một công ty hoạt hình Quảng Châu đang thực hiện bộ phim Cừu vui vẻ và sói xám
vào ngày 21/12/2010 [Ảnh: Tân Hoa xã]
Hoạt hình Trung Quốc lần đầu tiên tiến gần tới giải thưởng của Viện hàn lâm
Mặc dù bộ phim hoạt hình Trung Quốc The Dreams of Jinsha, một trong 15 bộ phim được đệ trình lên Hội đồng giải thưởng Oscar cho giải Phim hoạt hình năm nay, không lọt vào danh sách đề cử cuối cùng, nhưng bộ phim đã gây xôn xao trong cộng đồng khán giả Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một bộ phim hoạt hình Trung Quốc tiến gần như thế tới giải thưởng danh giá này.
The Dreams of Jinsha kể về sự trưởng thành về tinh thần và giấc mơ của một cậu bé lười nhác và bất kính tên Tiểu Long, cậu đã du hành trở về thời gian 3000 năm trước tới vương quốc Kim Sa. Cùng với những cư dân nơi đây, cậu đã bảo vệ vương quốc này chống lại các thế lực bóng tối và ngăn chặn một thảm họa. Nhờ những kinh nghiệm này Tiểu Long đã trở nên có trách nhiệm và giàu lòng trắc ẩn hơn.
Sáu năm trước, khi bộ đôi Trần Đức Minh và Tô Hiểu Hồng, lần lượt là đạo diễn và nhà sản xuất của bộ phim, trở về thành phố quê hương tại tỉnh Tứ Xuyên phía Tây Nam Trung Quốc, họ đã tới thăm Bảo tàng di chỉ Kim Sa ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.
Những đồ tạo tác lịch sử huyền bí và tinh tế tại nơi này lập tức khiến bộ đôi này nhớ tới khung cảnh tương tự trong các bộ phim Harry Potter. Sau đó họ quyết định sẽ nắm bắt và thể hiện văn hóa Kim Sa thông qua phim hoạt hình.
Đạo diễn Trần cho biết: “Chúng tôi rất cảm động và phấn khích khi nhìn thấy những di sản huyền bí đó. Lúc đó tôi đã nảy ra ý tưởng thực hiện một bộ phim hoạt hình dựa trên di chỉ này.” Ý tưởng đó cũng nhận được sự ủng hộ từ phía bảo tàng, nơi đã cung cấp rất nhiều tranh ảnh và các tài liệu viết tay liên quan của di tích này.
“Một bộ phim hoạt hình rất có ảnh hưởng. Tôi tin rằng vẻ đẹp và sự huyền bí của nơi đây có thể được thể hiện tốt trên phim ảnh. Và điều này cũng giúp cho văn hóa Kim Sa được phổ biến rộng rãi hơn,” Yao Fei, phó giám đốc phụ trách bảo tàng phát biểu.
Kể từ đó cặp đôi này đã bắt tay vào thực hiện sáng tác của họ. “Chúng tôi đã mất năm năm để hoàn thành bộ phim với một số thăng trầm. Câu chuyện này tổng cộng đã được chỉnh sửa hơn 20 lần” Tô Hiểu Hồng, người cũng viết kịch bản phim cho biết. “Ban đầu, chúng tôi tham khảo rất nhiều nhà sản xuất hoạt hình về hình ảnh của một nàng công chúa hàng nghìn năm trước, và hầu hết họ đều đưa ra cùng một câu trả lời.”
Năm 2005 khi bộ phim được chiếu thử, đạo diễn Trần không hài lòng chút nào, mặc dù đồng nghiệp của anh nghĩ rằng với tư cách là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Trần Đức Minh, bộ phim đã được thực hiện tốt.
Lúc đó bộ đôi Trần - Hồng nhận ra rằng làm một bộ phim điện ảnh hoạt hình khác biệt rất nhiều so với việc quay một bộ phim thông thường và tác phẩm hoàn thành có thể khác xa ý tưởng hình dung ban đầu. “Có khả năng tác phẩm hoàn thành sẽ hoàn toàn không vừa ý. Rồi hoặc là bạn sẽ bắt đầu lại tất cả từ đầu hoặc bỏ cuộc. Chúng tôi chọn cách bắt đầu lại từ đầu,” đạo diễn Trần cho biết.
Một cảnh trong bộ phim hoạt hình The Dreams of Jinsha [Ảnh: Beijing Review]
Một năm sau, một bản chiếu thử dài năm phút của The Dreams of Jinsha được trình chiếu tại Liên hoan hoạt hình quốc tế Annecy ở Pháp. Việc chiếu phim tại liên hoan đã củng cố sự tự tin của đội ngũ sản xuất. Đạo diễn Trần cho biết: “Đầu tiên, một số đồng nghiệp nước ngoài nghĩ rằng chúng tôi được Nhật Bản ủy thác. Họ không nghĩ rằng người Trung Quốc có thể làm một tác phẩm như thế và chúng tôi nghĩ đó là một cơ họi để thế giới có suy nghĩ khác về phim hoạt hình Trung Quốc.”
Nhà sản xuất Tô phát biểu: “Trung Quốc không thiếu những tài năng cần thiết cho việc làm phim hoạt hình. Nhưng rất nhiều người trong số họ sao chép những thứ khác và không tự sáng tác những tác phẩm của chính mình. Đó là lý do tại sao Trung Quốc vẫn chưa sản xuất được kiệt tác nào.”
Theo lời cô: “Chúng tôi nên học tập từ những bậc thầy hoạt hình nổi tiếng thế giới như Hayao Miyazaki của Nhật. Đôi lúc, với công nghệ tiên tiến người Mỹ cũng không thể làm tốt như thế này nhưng những đồng nghiệp Nhật Bản có thể đạt hiệu quả từ việc vẽ tay.”
“Chúng tôi cũng cần một đội ngũ sáng tạo với tinh thần độc đáo và phải từ bỏ lối tư duy cố định rằng chúng tôi đang làm cho những công ty hoạt hình Nhật Bản hoặc phương Tây.”
Sau khi được trau chuốt nhiều lần, The Dreams of Jinsha cuối cùng cũng đạt tới hạng B quốc tế - đuợc Hội đồng giải thưởng Oscar ghi nhận. Với một đội ngũ sản xuất 600 người và 280.000 bức tranh nguyên bản tốn ba tấn giấy, bộ phim có chi phí tới 80 triệu nhân dân tệ (12 triệu USD).
Bộ phim được nhìn nhận như “tác phẩm phá băng” cho công nghệ hoạt hình của Trung Quốc. Tô Hiểu Hồng cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện được một số đột phá kỹ thuật và hy vọng điều đó có thể đem lại một vài cảm hứng cho ngành hoạt hình Trung Quốc.”
Tháng 12/2010, khi Bill Desowitz, một phóng viên từ Animation World Network phỏng vấn đạo diễn Trần, anh cho biết cô con gái bốn tuổi của anh rất thích bộ phim và thậm chí đã khóc khi xem những cảnh cảm động. Trước đó khi bậc thầy hoạt hình Aron Warner, cha đẻ của loạt phim Shrek tới thăm Trung Quốc, ông cũng bày tỏ sự đánh giá cao với bộ phim.
Bộ phim cũng đã quảng bá rộng rãi văn hóa Kim Sa. Một nhà xuất bản Pháp đã trở nên rất hứng thú với bối cảnh văn hóa này sau khi xem bộ phim và đã mua quyền phân phối tại Pháp.
Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Beijing Review