Một chiều chủ nhật tháng 2 năm 2017, đạo diễn phim người Trung Quốc
Phùng Vũ Siêu đang ở trong căn hộ của mình ở bang New Jersey Hoa Kỳ thì
nhận được điện thoại từ mẹ anh, cuộc trò chuyện gây sốc lẫn truyền cảm
hứng cho anh.
Cô bé Lin bị mẹ bỏ rơi trong phim ngắn Pearl, được khắc họa tuyệt hay bởi nữ diễn viên lần đầu đóng phim Yating Cao
|
Phùng Vũ Siêu biết có gì không ổn — không chỉ vì lúc đó là 3 giờ sáng ở
thành phố Thiên Tân phía bắc Trung Quốc, nơi mẹ anh, cô Wang Jingjing
đang gọi đi, mà bởi vì họ hiếm khi nói chuyện.
“Bố mẹ không ở bên
tôi nhiều khi tôi lớn lên ở Ninh Đức,” Phùng Vũ Siêu nói, nhớ lại thành
phố ba triệu người ở tỉnh Phúc Kiến, vùng đất phía đông nam Trung Quốc,
nổi tiếng với nghề trồng chè. “Và chúng tôi còn ít nói chuyện hơn nữa
sau khi tôi sang Mỹ học điện ảnh vào năm 2011.”
Mẹ của Phùng Vũ
Siêu gặp ác mộng tương tự như người đã làm cô đau khổ trong hơn 40 năm.
Khi hai mẹ con nói chuyện, Phùng Vũ Siêu biết ra mẹ anh đã bị bà ngoại
anh bỏ rơi năm 6 tuổi, một bí mật mà mẹ anh đã chôn chặt trong lòng nhiều
thập niên. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, Phùng Vũ Siêu cảm thấy gần
gũi với mẹ.
Một cảnh từ bộ phim ngắn đau lòng Pearl của nhà làm phim
Trung Quốc Phùng Vũ Siêu, kể về việc bỏ rơi con và dựa trên thời thơ ấu
của mẹ anh: “Cô bé phải chăm sóc bà ngoại già nua, mắc chứng mất trí nhớ
và không thể tự lo cho bản thân. Vai trò đảo ngược đáng buồn. Thực tế
khắc nghiệt và tương lai ảm đạm đang chờ đợi đứa bé sáu tuổi”
|
“Tôi muốn tìm hiểu sâu hơn tâm lý của mẹ tôi, để hiểu mẹ hơn,” anh nói.
Phùng Vũ Siêu đã làm điều đó. Trải nghiệm này thôi thúc anh viết kịch bản và đạo diễn
Pearl,
bộ phim ngắn đau lòng lấy bối cảnh một làng chài ở huyện Hà Phố, thành
phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến nơi mẹ anh sinh ra và lớn lên, trong đó một
góa phụ nghèo (do Liu Lu thủ vai) bỏ rơi đứa con gái sáu tuổi để tìm
kiếm cuộc sống tốt hơn với đứa con trai. Cô bé Lin, khắc họa tuyệt hay
bởi nữ diễn viên lần đầu đóng phim Yating Cao, được định sẵn một cuộc
sống khó khăn hơn nhiều, đó là chuyện điển hình, Phùng Vũ Siêu nói.
“Cô
bé sẽ phải lớn lên rất nhanh trong khi chăm sóc bà ngoại già nua, mắc
chứng mất trí nhớ và không thể tự lo cho bản thân. Vai trò đảo ngược
đáng buồn. Thực tế khắc nghiệt và tương lai ảm đạm đang chờ đợi đứa bé
sáu tuổi,” Phùng Vũ Siêu nói.
Liu Lu trong vai góa phụ nghèo bỏ rơi đứa con gái sáu tuổi để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn với đứa con trai
|
“Trở lại cái thời mà thị trấn đó, như nhiều nơi khác, do nam giới thống
trị. Hàng ngàn phụ nữ bị xã hội ghét bỏ. Trong câu chuyện, người mẹ buộc
phải lựa chọn giữa con gái và con trai. Với hoàn cảnh, thời gian và nơi
chốn, sự lựa chọn thật đáng buồn.”
Năm 1995, bộ phim tài liệu
The Dying Rooms
đã xem xét điều kiện sống khốc liệt mà trẻ em phải chịu đựng, chủ yếu
là các bé gái, bị cha mẹ bỏ rơi để tránh phải trả khoản tiền phạt khổng
lồ theo chính sách một con của Trung Quốc, chương trình kế hoạch hóa gia
đình được đề ra trong thập niên 1980 là một phần trong các biện pháp
kiểm soát dân số tăng nhanh.
Ngày nay, Trung Quốc đã khác. Chính
sách một con được nới lỏng vào năm 2015 và đất nước này đang cưỡi trên
làn sóng tăng trưởng kinh tế. Nhưng với sự bùng nổ một thế hệ mới những
đứa trẻ bị bỏ rơi.
Được gọi là “trẻ em bị để lại ở quê”, hầu hết là con cái của 288 triệu
lao động nhập cư từ nông thôn Trung Quốc, động lực thúc đẩy sự tăng
trưởng ngoạn mục của quốc gia này. Với khả năng tiếp cận giáo dục và
chăm sóc sức khỏe hạn chế, những đứa trẻ đó — một báo cáo năm 2017 của
Unicef, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, ước tính có 61 triệu trẻ em —
thường sống với ông bà hoặc người thân khác, có thể bị tách khỏi cha mẹ
trong nhiều năm; nhiều trẻ gặp các vấn đề tâm lý từ hành vi chống đối xã
hội đến xu hướng tự tử.
Việc bỏ rơi con là một vấn đề toàn cầu,
và là một vấn đề lớn. Theo Liên hiệp quốc, khoảng 60 triệu trẻ em và trẻ
sơ sinh trên khắp thế giới đã bị gia đình bỏ rơi và sống một mình hoặc ở
trại trẻ mồ côi. Các bác sĩ tâm lý đã tìm cách xác định một tình trạng
mà họ gọi là hội chứng trẻ em bị bỏ rơi, các triệu chứng bao gồm xa lánh
xã hội, mặc cảm tội lỗi, sút giảm lòng tự hào, mất ngủ và ác mộng, rối
loạn ăn uống, các vấn đề về giận dữ, trầm cảm và lạm dụng chất gây
nghiện.
Wang Jingjing, người bị bỏ rơi khi còn nhỏ đã truyền cảm hứng cho con trai mình viết kịch bản và đạo diễn phim ngắn Pearl
|
Phùng Vũ Siêu nói tuy mẹ anh đã kết nối lại với người mẹ đã bỏ rơi mình,
cô vẫn không thể trút bỏ mọi nỗi đau vì bị bỏ rơi. “Mẹ không nghĩ có
khi nào sẽ tha thứ được cho bà ấy,” cô nói với con trai trong cuộc gọi
điện thoại đầy cảm xúc đó. Phùng cho biết bộ phim đã trở thành cầu nối
đưa anh đến gần mẹ hơn.
“Bây giờ hai mẹ con nói chuyện điện thoại
nhiều hơn trước đây. Mẹ tôi đã bị sẹo từ nhỏ. Bây giờ, tất cả những gì
mẹ muốn là cảm thấy một chút tình yêu. Tôi phải ở bên mẹ.”
Phùng
nói rằng điều quan trọng là bộ phim được quay tại địa điểm ở Hà Phố, một
địa điểm ngày nay các nhiếp ảnh gia bị thu hút bởi phong cảnh bãi bồi
rộng lớn đóng cọc tre để phơi rong biển và nuôi hàu.
Huyện Hà Phố nổi tiếng với những bãi bùn rộng lớn đóng cọc tre để phơi rong biển và thu hoạch hàu lên phim
|
“Tôi muốn theo đúng trải nghiệm của mẹ tôi, và quay bộ phim nơi câu
chuyện trung tâm xảy ra đã giúp thêm cảm xúc chân thật vào cách kể
chuyện,” Phùng Vũ Siêu nói.
“Nước, tre và gạch ngói rêu phong, đó
là việc đưa mảnh ký ức đó trở lại cuộc sống theo cách chân thực nhất có
thể. Tất nhiên, thật đau lòng khi ngay giữa thảm kịch khôn lớn của mẹ
tôi, nhưng cũng thật tự do nắm bắt thẩm mỹ độc đáo của ký ức đặc biệt
này lên phim,” Phùng Vũ Siêu nói.
Địa điểm này có sức hút với
nhiều người liên quan đến bộ phim, bao gồm nhà sản xuất Linhan Zhang,
tốt nghiệp trường Nghệ thuật Tisch của Đại học New York, có mẹ cũng đến
từ tỉnh Phúc Kiến. “Lập tức có mối dây thân tình,” Zhang nói. “Tôi chưa
thấy bao nhiêu câu chuyện được quay ở Phúc Kiến, vì vậy đây là một cơ
hội tuyệt vời để giới thiệu ngôi làng mộc mạc ít được biết đến này với
thế giới.”
Đạo diễn Phùng Vũ Siêu và nhà quay phim người Đan Mạch Lasse Ulvedal Tolboll trên trường quay
|
Zhang cũng ca ngợi đạo diễn quay phim người Đan Mạch Lasse Ulvedal
Tolboll. “Lasse đã mang đến sự lạnh lùng thường thấy trong điện ảnh
Scandinavi cho cảnh quan Trung Quốc và đạt được sự cân bằng tinh tế,
không làm nổi bật cũng không tô vẽ sự nghiệt ngã của ngôi làng,” Zhang
nói.
Pearl đã gây được tiếng vang với khán giả kể từ khi
phát hành chính thức vào tháng 5, được các liên hoan phim ở Vancouver,
Melbourne và Tokyo lựa chọn, và nhận một đề cử Khuyến khích đặc biệt của
Ban giám khảo tại Liên hoan phim Tribeca.
Một nhà sản xuất khác
của bộ phim, Clifford Miu, người Canada, cũng là cựu sinh viên trường
Nghệ thuật Tisch và cùng với Zhang, thành lập Bering Pictures — công ty
chế tác nhắm vào các nhà làm phim trẻ muốn kể những câu chuyện có tác
động xã hội tích cực. Miu cũng vô cùng xúc động trước kịch bản.
Trong câu chuyện, người mẹ buộc phải lựa chọn giữa con gái và con
trai. Với hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, sự lựa chọn thật đáng buồn
|
“Một người gần gũi với tôi là nạn nhân bị bỏ rơi từ nhỏ, vì vậy câu
chuyện ảnh hưởng tôi mạnh mẽ... Tôi có thể đồng cảm với nỗi đau của nhân
vật nhí,” Miu nói, anh đã dành phần lớn thời gian hình thành tính cách ở
Đài Bắc và có thành tích bao gồm công việc với bộ phim
Silence của Martin Scorsese, được quay ở Đài Loan.
“Vũ
Siêu có phần cá nhân trong câu chuyện, và biết rằng bộ phim này giúp
củng cố mối quan hệ giữa anh ấy và mẹ là điều tôi thấy lạ thường và cảm
động sâu sắc.”
Miu tin rằng vấn đề bị bỏ rơi cộng hưởng ở nhiều
cấp độ. “Bỏ rơi là một chủ đề phổ quát,” anh nói. “Ai cũng có lúc cảm
thấy bị bỏ rơi hoặc ân hận kinh khủng trước trách nhiệm từ bỏ một thứ gì
đó — một nơi chốn, một đối tượng, một mối quan hệ. Tôi nghĩ rằng sự từ
bỏ là một chủ đề có tính toàn cầu — kể cả bỏ rơi con cái — và những màn
trình diễn cảm động của những tài năng trên màn ảnh thực sự đã chạm đến
trái tim của khán giả.”
Đạo diễn Phùng đã gặp hơn 100 cô bé trước khi phát hiện ra Yating trong một lớp học nhảy cho vai diễn
|
Miu nói “quyết định sáng suốt” kể câu chuyện này qua đôi mắt của một đứa
trẻ là một lý do nữa khiến phim đánh trúng tim khán giả.
Nhưng
chọn được đôi mắt trẻ thơ đó là một quá trình căng thẳng. “Tôi đến các
trường mầm non [ở huyện Hà Phố] với hy vọng tìm được nữ diễn viên nhí
hoàn hảo, nhưng không có kết quả,” Phùng Vũ Siêu kể. Anh đã gặp hơn 100
cô bé trước khi phát hiện ra Yating trong một lớp học nhảy.
“Hầu
hết các cô bé đều hào hứng với ý tưởng trở thành một ‘ngôi sao điện
ảnh’. Yating không thế. Cô bé không tỏ rõ sự quan tâm và sống nội tâm
hơn các ứng viên khác. Thái độ nổi loạn và dáng vẻ nhạy cảm của Yating
đã khiến tôi tin em ấy hoàn hảo cho vai diễn. Nhưng tôi phải mất một
thời gian dài để thuyết phục Yating — và mẹ của em — để cô bé đóng bộ
phim của chúng tôi.”
Bối cảnh một làng chài ở huyện Hà Phố trong Pearl
|
Chọn người đóng vai “anh trai” của Yating (một diễn viên lần đầu khác, Menghua Zhong) ít căng thẳng hơn.
“Tôi
đến một trường mầm non gần địa điểm quay của chúng tôi và khi nhìn thấy
cậu bé, tôi lập tức biết rằng chúng tôi phải chọn em đóng.”
Phùng Vũ Siêu nói sáu ngày làm phim với trẻ em một trải nghiệm đầy thử thách nhưng hiệu quả.
Menghua Zhong trong vai đứa con trai mà vì cậu người mẹ đã chọn bỏ rơi con gái
|
“Tôi đã sớm biết rằng làm việc với hai đứa trẻ sẽ khó khăn, nhưng có
những khoảnh khắc trong lúc quay mà tôi cảm thấy thực sự nhừ tử. Điều
kiện thời tiết khắc nghiệt chất thêm căng thẳng — không chỉ đối với trẻ
em mà cả đoàn làm phim.”
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post