Tin tức

Phim Trung Quốc biến câu chuyện Thành Cát Tư Hãn thành kỳ ảo

03/05/2018

Đẹp trai, lãng mạn và giỏi chiến đấu với ma quỷ – nhà cầm quân người Mông Cổ được miêu tả trong bộ phim kỳ ảo Trung Quốc, Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan), đã ra mắt các rạp chiếu Trung Quốc vào thứ bảy 28/4, có thể không khớp với hình dung của bạn về lãnh chúa hiếu chiến đã chinh phục lục địa Á-Âu cách đây nhiều thế kỷ.

Đạo diễn Hà Cáp Tư Triều Lỗ, từ nhóm dân tộc thiểu số Mông Cổ của Trung Quốc, và được đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud sản xuất, bộ phim kể câu chuyện Thiết Mộc Chân, sinh năm 1162 trong gia đình tù trưởng trên thảo nguyên phía bắc Đông Bắc Á, trở thành Thành Cát Tư Hãn – người sáng lập Đế chế Mông Cổ năm 1206.

Không như các xuất phẩm của Trung Quốc hoặc nước ngoài trước đây tập trung vào các trận chiến chính trị và thực tế của Thiết Mộc Chân với các bộ lạc khác trên con đường nắm lấy quyền lực, bộ phim biến nhà cầm quân trẻ tuổi này thành nhân vật phản diện lớn nhất trong bộ tộc đang tìm cách thống trị thảo nguyên thông qua ma thuật đen tối. Đoạn trailer mới nhất thậm chí còn thể hiện Thiết Mộc Chân, được xem là sự tái sinh của thần chiến tranh Mông Cổ trong câu chuyện, chiến đấu chống một yêu quái từ địa ngục trong giông bão.

Kể lại câu chuyện của nhà cầm quân người Mông Cổ sử dụng các yếu tố kỳ ảo là một bước đi táo bạo cho một bộ phim sắc tộc muốn thu hút khán giả đại trà ở Trung Quốc, đạo diễn phim Hà Cáp Tư Triều Lỗ nói với Global Times trong một phỏng vấn sau khi bộ phim ra mắt tại Bắc Kinh.

Tái hiện bằng kỳ ảo

“Về khía cạnh này, có người bảo tôi là người đầu tiên dám ăn gan cóc,” đạo diễn nói, về sự dũng cảm mà ông cần có để thử sức trong một câu chuyện như vậy.

Hồ Quân trong vai Hốt Xuất Lỗ

Nổi tiếng với bộ phim tài liệu năm 2006 The Old Barber, về người thợ cắt tóc 90 tuổi sống trong khu hồ đồng ở Bắc Kinh,* Hà Cáp Tư Triều Lỗ có kinh nghiệm làm phim nghệ thuật về các nhóm sắc tộc Mông Cổ và Tây Tạng. Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn là phim thương mại kinh phí lớn đầu tiên của ông.

“Đối với tôi, làm câu chuyện Thành Cát Tư Hãn một cách chính xác như được ghi lại trong sử sách thì quá dễ, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, có hứng thú với một bộ phim như vậy không. Tôi nghĩ là không.”

Khác với nhiều xuất phẩm Trung Quốc và nước ngoài bao bọc câu chuyện về nhà cầm quân người Mông Cổ này trong bầu không khí hiện thực hơn, một bộ phim có một Thành Cát Tư Hãn đánh quỷ rất có khả năng gây tranh cãi.

Theo đạo diễn, lựa chọn làm phim giải trí kỳ ảo không phải là chuyện hoàn toàn bất ngờ, vì người ta có thể tìm thấy nguồn gốc kỳ ảo trong văn hóa dân tộc Mông Cổ, tôn giáo và truyền thống của họ về sùng bái thiên nhiên.

Kẻ thù của Thiết Mộc Chân được biến thành ma quỷ trong phim

“Tôi đã biến những kẻ thù của Thiết Mộc Chân thành ma quỷ, nhưng Thiết Mộc Chân vẫn được miêu tả là một con người bình thường cố gắng đánh bại ma quỷ bằng cách sử dụng sức mạnh đáng kinh ngạc thoát thai từ những truyền thống của dân tộc Mông Cổ,” Hà Cáp Tư Triều Lỗ nói.

“Không thể nói rằng tôi không tôn trọng lịch sử, vì phần lớn của câu chuyện và thậm chí nhiều chi tiết được dựa trên lịch sử và truyền thuyết dân gian Mông Cổ, bao gồm những chi tiết mà các phim trước đây về Thành Cát Tư Hãn bỏ quên.”

Một tuyến truyện quan trọng trong bộ phim liên quan đến hôn thê của Thiết Mộc Chân là Bột Nhi Thiếp bị bộ lạc đối phương bắt đi ngay khi họ sắp sửa kết hôn và chàng thiếu niên Mông Cổ trẻ tuổi bị đuổi khỏi những đồng cỏ của gia đình anh vào rừng cùng với các thành viên bộ lạc – “đây là điểm ngoặt lịch sử quan trọng thực sự đối với Thành Cát Tư Hãn trẻ,” đạo diễn cho biết.

Lâm Doãn vai Bột Nhi Thiếp

“Đối với các bộ tộc du mục, đồng cỏ như ruộng đất với nông dân, mất đất có nghĩa là bạn quá hèn yếu,” Hà Cáp Tư Triều Lỗ lưu ý.

“Đây là lúc Thiết Mộc Chân trẻ nhận ra anh phải trở nên mạnh mẽ hơn để bảo vệ lãnh địa và những người thân yêu của mình, và vào thời điểm đó anh ta chuyển sang liên minh với các bộ lạc khác.”

Ngoài ra, bớt son trong lòng bàn tay của Thiết Mộc Chân có từ khi sinh ra, giống như miêu tả trong truyền thuyết dân gian nói đó là dấu hiệu của lãnh chúa, cũng đóng vai trò là “đầu mối quan trọng” đan kết toàn bộ câu chuyện với nhau, theo đạo diễn.

Chọn diễn viên gây tranh cãi

Thiết Mộc Chân trẻ tuổi trước khi trở thành Thành Cát Tư Hãn do nam diễn viên Hồng Kông Trần Vĩ Đình biểu diễn, nam diễn viên điển trai đang ngày càng nổi tiếng với giới trẻ Trung Quốc

Một tranh cãi xung quanh xuất phẩm là về dàn diễn viên. Ba trong số năm nhân vật chính người Mông Cổ được các diễn viên người Hán đảm nhận; đáng chú ý nhất là Thành Cát Tư Hãn do nam diễn viên Hồng Kông Trần Vĩ Đình thể hiện, nam diễn viên điển trai đang ngày càng nổi tiếng với giới trẻ Trung Quốc.

“Là dân địa phương từ vùng tự trị Nội Mông, tôi nghĩ rằng Trần Vĩ Đình thậm chí không hề gần gũi với hình ảnh của Thành Cát Tư Hãn... Bản thân đạo diễn trông còn phù hợp hơn cho vai này...” một người dùng Sina Weibo đã viết.

“Tôi đã nghe người ta lên tiếng đặt câu hỏi vì sao tôi chọn diễn viên người Hán đóng vai nhà cầm quân người Mông Cổ, nhưng tôi nghĩ miễn anh ta là người Trung Quốc thì tôi thấy ổn,” Hà Cáp Tư Triều Lỗ nói với Global Times.

“Nhóm dân tộc anh em của chúng tôi giúp chúng tôi thúc đẩy nền văn hóa dân tộc mình cũng là điều hay.”

Kế hoạch chọn diễn viên gốc Mông Cổ của đạo diễn bị các nhà đầu tư bác bỏ vì lo sợ về lợi nhuận

“Thành Cát Tư Hãn đã từng được nam diễn viên Nhật Bản Tadanobu Asano thể hiện (trong phim Mongol của Nga năm 2007) và thậm chí là diễn viên người Nga và người Mỹ trước đó, thì có sao?” đạo diễn lưu ý.

“Tôi nghĩ sự phù hợp về bản sắc dân tộc của nam diễn viên không phải là vấn đề, vì bộ phim sẽ không được cấp phép phát hành chính thức ngay từ đầu nếu nó thực sự vượt giới hạn, vì kiểm duyệt khá nghiêm ngặt khi nói đến phim dân tộc thiểu số và phim có nhân vật lịch sử,” Hà Cáp Tư Triều Lỗ nói với Global Times.

Đạo diễn cho biết kế hoạch ban đầu của ông là tìm một người gốc Mông Cổ đóng vai này, nhưng đã bị bác bỏ vì các nhà đầu tư lo lắng về lợi nhuận của bộ phim.

“Tôi hiểu suy nghĩ của họ vì đây là một xuất phẩm thương mại và chúng tôi phải nghĩ đến thị trường,” đạo diễn nói.

Lý Quang Khiết trong vai Trát Mộc Hợp

“Nhưng miễn là chúng tôi thành công trong việc đưa văn hóa sắc tộc đến với nhiều người hơn, thì không sao đâu.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


* Hồ đồng (hutong) là loại đường phố hẹp hoặc những con hẻm, thường làm người ta liên tưởng tới các thành phố ở miền bắc Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất là Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh, hồ đồng là những con hẻm hình thành theo dãy tứ-hợp-viện (siheyuan), những căn nhà truyền thống có sân, được bao quanh bốn mặt bởi các nhà khác. Nhiều khu dân cư hình thành bằng cách nối liền một tứ-hợp-viện này với một tứ-hợp-viện khác để lập nên một hồ đồng, và tiếp tục nối liền hồ đồng này với hồ đồng khác. Từ hồ đồng cũng được sử dụng để chỉ những khu dân cư như vậy. (Wiki)