Có thể thời kỳ Tam quốc (220-280) chỉ tồn tại trong 60 năm, nhưng đến khi nào các nhà biên kịch Trung Quốc còn quan tâm thì đề tài này gần như là vô tận.
Giờ đây một bộ phim hành động mới về các tướng lĩnh thời Tam quốc mang tên The Lost Bladesman (Phát hành ở Việt Nam với tựa đề: Quan Vân Trường) sẽ được khởi chiếu ở Trung Quốc từ 28/4, phim lấy ý tưởng từ câu chuyện của “thần chiến tranh” Quan Vũ, tập trung vào cuộc tẩu thoát của ông khỏi nanh vuốt của vị thống lĩnh nước Ngụy Tào Tháo để trở về với chủ công ở nước Thục là Lưu Bị.
Poster phim
Một bộ phim của nam giới
Do Chân Tử Đan – nam diễn viên đắt giá và nổi tiếng nhất Trung Quốc – đóng vai chính, cùng dàn diễn viên hạng A gồm đạo diễn/diễn viên Khương Văn và nữ diễn viên Tôn Lệ, đồng đạo diễn bởi Trang Văn Cường (Vô gian đạo) và Mạch Triệu Huy (Initial D, Thiết thính phong vân), The Lost Bladesman là một trong những bộ phim nóng hổi nhất của tháng này, và việc bộ phim được chiếu ra mắt ở Bắc Kinh gần như đã lập tức khuấy lên mối quan tâm về cốt truyện phim, tập trung vào những mối quan hệ cá nhân của Quan Vũ.
Do Chân Tử Đan thủ diễn, Quan Vũ thể hiện những kỹ năng võ nghệ thần kỳ trong The Lost Bladesman. “Tôi có kiến thức rất hạn hẹp về những câu chuyện trong Tam quốc chí,” Chân Tử Đan thừa nhận. “Thế nên tôi cứ mãi trăn trở xem mình nên thể hiện nhân vật này như thế nào. Cuối cùng, tôi quyết định tin vào các đạo diễn và làm đúng theo những gì họ bảo tôi.”
Quan Vũ là một nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc, và trong một chừng mực nào đó, ở cả khu vực Đông Á, ông nổi tiếng với gương mặt đỏ ửng và thân hình cao to. Tuy nhiên, trong phiên bản mới nhất này, Chân Tử Đan có gương mặt được tô màu vừa phải và thậm chí còn thấp hơn nam diễn viên đóng vai Lưu Bị.
Đạo diễn Trang giải thích rằng những đặc điểm này đã bị cường điệu hóa và bộ phim của ông muốn thể hiện khía cạnh con người của Quan Công.
Hơn nữa, những cảnh chiến đấu với đao, kiếm và các loại vũ khí bằng thép khác, đặc biệt là cây thanh long đao hình bán nguyệt huyền thoại của Quan Vũ, đều xuất hiện xuyên suốt bộ phim.
Với chủ yếu là các nam diễn viên và những cảnh hành động, The Lost Bladesman là một bộ phim của các đấng trượng phu và chỉ có một nhân vật nữ chính duy nhất, Kỳ Lan.
Nữ diễn viên Tôn Lệ bằng lòng với nét độc đáo này. “Sự thật là The Lost Bladesman là một bộ phim của nam giới, vậy nên tôi không để tâm chuyện mình là nữ diễn viên chính duy nhất và không có nhiều cảnh quay cho lắm,” cô nói.
Tình yêu thầm kín
Khía cạnh tình cảm vừa được hư cấu thêm để thể hiện mặt “con người” của Quan Vũ, với Kỳ Lan (Tôn Lệ đóng), cô gái cùng quê mà Quan Công ngưỡng mộ từ trước khi nổi danh, cô được gả cho Lưu Bị nhưng rồi lại bị Tào Tháo bắt giữ, sau đó Tào Tháo lại bắt chính Quan Vũ khi ông giải thoát cho cô. Một số nhà phê bình nghi ngờ liệu mạch truyện phụ như thế có cần thiết hay không, trong khi đó đạo diễn Trang lại khẳng định ngược lại. “Quan Công là một vị anh hùng điển trai đầy sức hút. Làm sao một đấng nam nhi như ông lại không có mối tình nào? Chúng tôi chỉ thể hiện một vị anh hùng chân chính,” đạo diễn nói trong cuộc họp báo hôm thứ hai 18/4.
“Quan hệ giữa Quan Vũ và Kỳ Lan rất đơn giản: Quan Vũ thầm yêu Kỳ Lan nhưng cô lại không yêu ông, mặc dù ông rất ‘hoàn hảo’. Quan Vũ đặt lòng trung thành và tình huynh đệ lên trên mọi thứ, thế nên ông giữ khoảng cách và kiềm chế cảm xúc của mình. Đây hoàn toàn là một bức chân dung mới và táo bạo về Quan Công,” Tôn Lệ nói.
Tôn Lệ trong vai Kỳ Lan
Quan hệ giữa Quan Vũ và Tào Tháo
Khương Văn đóng vai Tào Tháo, anh được hầu hết mọi người xem là diễn viên hoàn hảo nhất để thể hiện vai này, vì Khương Văn nổi tiếng với tham vọng và cá tính kiêu hãnh, giống hệt như vị thống lĩnh của thế kỷ thứ ba. Diễn xuất của Khương Văn đã không gây thất vọng và lời thoại của anh được bàn tán rất nhiều sau khi phim được chiếu.
“Lưu Bị đã lỗi thời rồi, giờ đến thời của ta,” Tào Tháo bày tỏ sự tự tin của mình trước Trương Liêu. Sau đó Quan Vũ bị một nhóm dân làng hiểu lầm là kẻ giết người và Tào Tháo thay mặt ông hóa giải hiểu lầm. “Bản chất ngươi đã là anh hùng, hãy để ta làm kẻ xấu xa,” lời Tào Tháo nói với Quan Vũ, đề nghị cho ông tiền tài, của cải và thậm chí chấp thuận cho ông quay về với Lưu Bị để giành được thiện cảm của ông.
Theo đạo diễn Trang, ông không có ý vẽ nên “một hình ảnh khác” về Tào Tháo nhưng chỉ đơn thuần tạo ra một bức chân dung “hợp lý”. Ông tin rằng bản chất Tào Tháo là một kẻ thực dụng và vị lợi có thể làm bất cứ chuyện gì ông ta nghĩ là tốt nhất. Quy tắc của ông có thể thay đổi tùy vào tình huống, trong khi Quan Vũ là một người kiên trì đeo bám nguyên tắc và niềm tin của mình. Mâu thuẫn vẫn tồn tại ở trọng tâm mối quan hệ kịch tính của hai người.
Có một giả thiết lịch sử nổi tiếng – và chỉ là phỏng đoán - rằng Tào Tháo ngưỡng mộ tài năng phi thường và võ công của Quan Vũ nên cố ép buộc ông theo phe mình, trong khi đó Quan Vũ lại nhất mực không làm ra chuyện phản bộ chủ công Lưu Bị. The Lost Bladesman nêu bật trạng thái thích-ghét giữa hai người và thậm chí còn gợi ý đến một mối quan hệ tình cảm đồng giới. Chắc chắn đây là một góc độ mới của công thức Tam quốc nhàm chán mà khán giả Trung Quốc đã được nhồi nhét từ lâu.
Dịch: © Trúc Phương @ Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times