Tin tức

Rạp chiếu phim cũ ở Thượng Hải cho thấy Trung Quốc đảo ngược Hollywood

06/04/2021

Các cặp đôi trẻ trong áo khoác cashmere và đeo khẩu trang gần đây đứng dưới ánh đèn neon bên ngoài Rạp Cathay, mặt tiền trang trí nghệ thuật là phần còn lại của Thượng Hải của gần một thế kỷ trước, khi làn sóng rạp chiếu phim xuất hiện giữa một thành phố do xã hội đen và thực dân quản lý.

Rạp Cathay Thượng Hải được thắp sáng giữa một Thượng Hải hối hả vào một đêm tháng 1

Nếu bạn là một người nước ngoài sống ở đây vào thời điểm đó, một thời kỳ lãng mạn trong một thành phố với các khu tô giới Pháp, Anh và Mỹ. Nếu là người Trung Quốc, thì bạn là công dân hạng hai ngay trên đất nước của mình. Không đâu có nhiều biểu tượng xác định ai đứng đầu hơn là các rạp chiếu bóng ở Thượng Hải, nơi những ý niệm không thể xóa nhòa của phương Tây — xã hội thượng lưu và chủ nghĩa tư bản — được thể hiện bằng màu đen và trắng.

Ngày nay, một trật tự toàn cầu khác đang mở ra. Khi Trung Quốc trở thành một cường quốc, các phim trong các rạp chiếu phim của nước này đã thay đổi. Phim Hollywood Wonder Woman 1984 đã được chiếu tại Cathay vào một tối gần đây. Nhưng hầu hết áp phích trong hành lang đều dành cho các phim được sản xuất bởi ngành công nghiệp điện ảnh ngày càng mở rộng của Trung Quốc, gồm cả một câu chuyện hành động về chiến dịch của chính phủ nhằm tiêu diệt “các thế lực xã hội đen tối” và “những kẻ hai mặt”.

Ngay cả ở thành phố này, nổi tiếng với khuynh hướng tư bản và sự tinh tế của phương Tây, việc lựa chọn phim đã cho thấy rõ ràng rằng Bắc Kinh, chứ không phải Hollywood, mới là người dẫn chuyện.

Một khán giả đến rạp Cathay gần đây đang được kiểm tra các triệu chứng virus

Phim ở Trung Quốc đạt doanh thu 2,7 tỉ đôla trong năm 2020, giảm so với kỷ lục trước đại dịch là 9,2 tỉ đôla năm 2019 nhưng đủ để vượt qua Mỹ và Canada trở thành số 1 phòng vé thế giới. Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã sản xuất 1.037 phim trong năm 2019 và 650 phim vào năm ngoái bất chấp virus corona. Trung Quốc đã bán được hơn 548 triệu vé trong năm 2020 và hơn 1,73 tỉ vé vào năm 2019, đều dẫn trước Bắc Mỹ. Số lượng rạp chiếu phim hơn 75.500 của Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.

Nhưng tiền và chỗ ngồi xem phim chỉ là một phần của những thứ đang bị đe dọa. Bắc Kinh ngày càng trở nên thành thạo trong việc sử dụng thị phần của mình để tăng ảnh hưởng — một số người nói là ép buộc — khiến Hollywood tự kiểm duyệt để phim của họ không bị chính quyền Trung Quốc cấm.

James Tager, giám đốc nghiên cứu tại PEN America, năm ngoái đã viết báo cáo về việc kiểm duyệt ở Trung Quốc cho biết, “Các cơ quan quản lý Trung Quốc ngày càng tăng đòn bẩy đối với các hãng phim Hollywood. Hollywood ngày càng cần tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhưng Trung Quốc ngày càng ít cần tiếp cận phim của Hollywood.”

Một phụ nữ đến rạp phim tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 7 năm ngoái. Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đang nở rộ, sản xuất 650 phim trong năm 2020 bất chấp virus corona

Sự đảo ngược vận may không phải là ngẫu nhiên. Đó là một phần trong tầm nhìn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã học được từ Hollywood từ lâu rằng phim ảnh là nguồn lực của sức mạnh văn hóa.

“Người Mỹ có quan điểm rõ ràng về các giá trị và phân định rạch ròi giữa thiện và ác. Trong phim Mỹ, cái tốt thường chiếm ưu thế,” ông Tập nói. Ông thích những phim Hollywood về Thế chiến hai như Saving Private Ryan, ông nói, vì “những phim Hollywood như vậy rất hoành tráng và chân thực.”

Trong khi đó, phim Trung Quốc là những câu chuyện phù phiếm về “những điều tồi tệ trong cung đình,” ông phàn nàn. Chúng không “thúc đẩy các giá trị” mà lẽ ra phải nên làm thế.

Điều đó đã thay đổi. Ông Tập đã đặt phim ảnh dưới sự kiểm soát trực tiếp của ban tuyên giáo, thắt chặt kiểm duyệt và kêu gọi triển khai nghệ thuật thành công cụ không chỉ để hun đúc tư duy quốc gia, mà còn để chống lại bá quyền văn hóa phương Tây bằng cách phóng chiếu quyền lực mềm của Trung Quốc ra nước ngoài.

Cảnh trong Days and Nights in Wuhan, phim tài liệu về công cuộc ngăn chặn virus corona ở Vũ Hán nhằm ca ngợi phản ứng của nhà nước trước dịch bệnh này

“Cần hướng dẫn đông đảo những người làm công tác văn hóa, văn nghệ… vận dụng cả trái tim và tâm hồn vào việc thể hiện thời đại vĩ đại bằng cách không ngừng viết những ca khúc ca ngợi Đảng, đất mẹ, nhân dân, anh hùng, viết nên những sử thi mới của dân tộc Trung Quốc,” ông Tập nói tại cuộc họp toàn quốc về công tác tuyên truyền vào năm 2018.

Những phim “không ngừng ca ngợi” đã sớm được đưa vào sản xuất. Các phim phát hành chính trong hai năm qua bao gồm The Sacrifice, kể về việc chiến đấu chống Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên; My People, My Country, hợp tuyển phim ngắn kỷ niệm những thành tựu bước ngoặt trong lịch sử Trung Quốc hiện đại; và Days and Nights in Wuhan, phim tài liệu về công cuộc ngăn chặn virus corona ở Vũ Hán nhằm ca ngợi phản ứng của nhà nước trước dịch bệnh này. Các phim về lính cứu hỏa Trung Quốc, cảnh sát Trung Quốc và nhiều anh hùng khác của Trung Quốc cũng đã được phát hành.

Tiếng lóng trên mạng của Trung Quốc đã gọi những tác phẩm như vậy là phim “giai điệu chủ đạo”, những câu chuyện yêu nước về một Trung Quốc chiến thắng. Số liệu doanh thu phòng vé của những phim này rất cao.

Cathay Theater năm 1931

Lời kêu gọi của ông Tập biến nghệ thuật trở thành công cụ để hun đúc trí tuệ là tư tưởng cổ điển của Đảng Cộng Sản, quen thuộc với các nhà sử học và những người sống sót từ thời Mao Trạch Đông. Năm 1942, Mao nói – trích lời Lenin – rằng tất cả nghệ thuật và văn học phải phục vụ chính trị. “Thực tế không có thứ gọi là nghệ thuật vị nghệ thuật,” ông tuyên bố.

Điện ảnh phát triển mạnh ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20, đặc biệt là ở Thượng Hải, nơi các phim cánh tả Trung Quốc phát triển mạnh cùng với các tác phẩm của Hollywood trong các rạp chiếu phim nhượng quyền của nước ngoài mà Quốc Dân Đảng cầm quyền không thể kiểm soát.

Nhưng trong vòng một năm kể từ khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp quản vào năm 1949, phim của Hollywood đã bị cấm khi Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Trong vòng bốn năm, tất cả các xưởng phim tư nhân của Thượng Hải đã được hợp nhất thành một tổ chức do nhà nước sở hữu.

Trong khi đó, hầu hết người Trung Quốc chỉ xem một số ít phim yangbanxi, kinh kịch và ballet “khuôn mẫu” về cách mạng miêu tả chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân chống lại kẻ thù giai cấp và ngoại bang.

Một tấm bia đánh dấu địa điểm có rạp chiếu phim đầu tiên của Thượng Hải, được xây dựng ở quận Hồng Khẩu vào năm 1908

Paul Tong, một nhà làm phim độc lập ở Thượng Hải, người nghiên cứu lịch sử điện ảnh, cho biết, chủ nghĩa cá nhân trở thành điều cấm kỵ, được thay thế bằng “ý thức dân tộc”. Phim nhằm mục đích truyền cảm hứng cho tâm trí của quần chúng đối với cách mạng, chứ không phải là những thứ tầm thường như yêu đương, gia đình hay hạnh phúc cá nhân.

Nhưng Thượng Hải không bao giờ quên Hollywood. Trên đường phố, người Thượng Hải cũ đôi khi nháy mắt và khoe khoang đã xem Hoa sen nở trên mặt nước, tựa tiếng Trung của Bathing Beauty, phim nhạc kịch của Hollywood năm 1944 với sự tham gia của Esther Williams, biểu diễn bơi đồng bộ với một dàn thiếu nữ mặc áo tắm.

Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao của Cách mạng Văn hóa, phụ nữ Thượng Hải vẫn sẽ tiếp thu các xu hướng bên ngoài từ phim Hồng Kông.

Đó là Thượng Hải, mãi mãi là chongyangmeiwai, cụm từ tiếng Trung có nghĩa là “tôn thờ những thứ ngoại lai”, nhà nghiên cứu Tong nói. Đó là một thuật ngữ xúc phạm, mà người Thượng Hải đã từ chối theo cách cố chấp duy vật của họ.

Một số rạp chiếu phim cũ của Thượng Hải đã ngừng hoạt động từ lâu nhưng vẫn giữ được kiến trúc đặc biệt của đầu thế kỷ 20

“Đối với người dân thành phố, chỉ cần cái gì tốt là chúng tôi yêu thích,” Tong nói. "Miễn là nó mới mẻ, ai quan tâm đến hệ tư tưởng lớn hay nó có ngoại lai hay không?"

Zhang Jishun, một nhà sử học về hưu ở Thượng Hải từng dạy tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, thời còn con gái chưa bao giờ biết đến phim Hollywood. Sinh năm 1949, bà chỉ nghe người lớn thì thầm về những diễn viên yêu thích cũ của họ là Vivien Leigh và Gregory Peck, trong khi các giáo viên của bà nguyền rủa những phim Hollywood như Bathing Beauty là thứ thuốc độc phương Tây suy đồi.

“Chúng tôi được dạy rằng Thượng Hải là nơi tồi tệ nhất, tư bản nhất," Zhang, đã tham gia vào một thế hệ “thanh niên về cơ sở” rời bỏ các thành phố về nông thôn lao động vào những năm 1960, cho biết.

Tuy nhiên, ngay cả những thanh niên có tư tưởng như bà cũng chê bai sự đơn điệu của các phim yangbanxi và phim nước ngoài từ các nước xã hội chủ nghĩa cùng chí hướng. Họ thường xem một phim của Liên Xô, Lenin in 1918, chỉ để xem một cảnh dài vài giây vở ballet Swan Lake, Zhang nhớ lại.

Một con phố dân cư ở quận Hồng Khẩu, Thượng Hải, nơi các rạp chiếu phim đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc

“Người ta bỏ về sau cảnh đó,” bà nói. "Không có nghệ thuật, không có vẻ đẹp như thế ở bất cứ cảnh nào khác."

Chỉ khi Trung Quốc cho phép thế giới vào, nhiều thập kỷ sau, và các phim Hollywood lại được phép chiếu lại, Zhang mới được xem Bathing Beauty. “Trước đây, chúng tôi coi phim là ‘giáo dục’, định hướng suy nghĩ của bạn thành một quan điểm chính trị," Zhang nói. “Nhưng cảm giác đầu tiên của tôi khi xem phim Mỹ là đó là nghệ thuật, đó là giải trí, là sự thưởng thức.”

Gong Lou, 63 tuổi, một cựu nhân viên chiếu phim đã làm việc tại các rạp chiếu bóng ở Thượng Hải từ năm 1976, nói, hết Cách mạng Văn hóa, không ai muốn xem các vở nhạc kịch kiểu mẫu nữa. Vào thời điểm đó, các nhân viên rạp chiếu phim đã gửi vé số lượng lớn cho các đơn vị nhà nước, họ sẽ đặt trước toàn bộ rạp hát và yêu cầu nhân viên của họ xem các buổi biểu diễn.

Gong nói, mọi thứ đã thay đổi khi Trung Quốc mở cửa vào những năm 1980. Những phim có cốt truyện thực xuất hiện và ai cũng thèm một tấm vé. Công nhân được bốc thăm phân lô: 50 điểm may mắn cho 5.000 công nhân viên nhà máy, 20 điểm cho 2.000. Các nhân viên rạp chiếu phim như Gong, được lấy vé dành riêng cho người trong gia đình, được đối xử như siêu sao.

Gong Lou, cựu nhân viên chiếu phim, đứng bên ngoài rạp chiếu phim Thượng Hải, nơi ông từng làm việc từ cuối Cách mạng Văn hóa đến thời kỳ cải cách của Trung Quốc và vươn lên vũ đài toàn cầu

“Có một nhà hàng tuyệt vời đối diện rạp chiếu phim của chúng tôi,” Gong cười nói. “Mỗi tháng, chúng tôi sẽ tặng người quản lý của nhà hàng hai vé và mỗi ngày tôi có thể ăn miễn phí bánh xếp của họ.”

Năm 1994, phim Hollywood quay trở lại Trung Quốc. Stanley Rosen, giáo sư khoa học chính trị tại USC, cho biết, “Họ đang tìm kiếm thứ gì đó để vực dậy ngành công nghiệp điện ảnh ở Trung Quốc."

Tuy nhiên, các hãng phim nước ngoài đã phải theo các hạn chế, vốn ngày càng trở nên nghiêm ngặt. Năm 1997, Hollywood thực hiện ba phim gây chấn động Trung Quốc: Seven Years in Tibet với sự tham gia của Brad Pitt, Kundun của Martin Scorsese về Đạt Lai Lạt Ma, và Red Corner với Richard Gere, một phim có sự miêu tả về nạn tham nhũng của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cấm những phim này và cấm các công ty sản xuất của họ kinh doanh ở Trung Quốc trong năm năm sau đó.

“Mặc dù thị trường điện ảnh Trung Quốc thời đó có quy mô tương đương Peru, nhưng họ biết mình có thể ảnh hưởng đến các hãng phim Hollywood," Rosen nói. Các hãng phim nhận ra rằng họ “chỉ mạnh bằng phim yếu nhất của họ,” ông nói. “Nếu một trong số 30 phim của bạn làm mà Trung Quốc không thích, họ có thể cấm tất cả các phim của bạn. Điều đó thực sự tạo ra một hiệu ứng ớn lạnh."

Monster Hunter của Sony Pictures gần đây đã bị rút khỏi các rạp chiếu phim trong bối cảnh phản ứng dữ dội trên mạng về một đoạn hội thoại mà người xem Trung Quốc coi là một lời nói tục tĩu phân biệt chủng tộc

Kể từ đó, các hãng phim Hollywood thường cắt phim để làm hài lòng các nhà kiểm duyệt. Họ đưa các sản phẩm của Trung Quốc lên màn ảnh, quay nhiều phim hơn ở Trung Quốc và thảo luận về các chủ đề và cảnh có thể có vấn đề với các cơ quan chức năng.

Bất chấp những biện pháp phòng ngừa như vậy, phim Hollywood vẫn có thể bị từ chối phát hành. Các cơ quan quản lý thường cố tình mơ hồ, khiến các hãng phim phải đoán xem họ nên tự kiểm duyệt cái gì để được chấp thuận.

Trong những năm gần đây, những người theo chủ nghĩa dân tộc trực tuyến ngày càng lớn tiếng ở Trung Quốc, họ lên án và yêu cầu lời xin lỗi từ các đội NBA, các thương hiệu xa xỉ và các hãng phim Hollywood mà họ cho là đã “xúc phạm Trung Quốc”. Monster Hunter của Sony Pictures gần đây đã bị rút khỏi các rạp chiếu phim trong bối cảnh phản ứng dữ dội trên mạng về một đoạn hội thoại mà người xem Trung Quốc coi là một lời nói tục tĩu phân biệt chủng tộc.

Một cuộc tranh luận của Mỹ về việc tự kiểm duyệt của Hollywood đã ngày càng gia tăng, năm ngoái các nhà lập pháp Mỹ từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bày tỏ lo ngại về việc các hãng phim đang cố gắng xoa dịu các nhà quản lý Trung Quốc.

Những khán giả xem phim ở Hàng Châu, Trung Quốc

Aynne Kokas, giáo sư nghiên cứu về truyền thông tại Đại Học Virginia và là tác giả của một cuốn sách về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hollywood, cho biết, sự tự kiểm duyệt của Hollywood phụ thuộc vào việc Mỹ coi trọng quyền tự do ngôn luận hay “tối đa hóa giá trị của cổ đông”. "Việc này đi vào cốt lõi của điều đã tạo nên tự do ngôn luận và dân chủ, và thu nhập doanh nghiệp quan trọng như thế nào trong khuôn khổ đó."

Dù các hãng phim Mỹ quyết định thế nào thì cũng có thể không mấy quan trọng ở Trung Quốc, phim nội địa thống trị phòng vé có sự tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây, đạt 64,1% vào năm 2019 và hơn 80% vào năm 2020. Tất cả 10 phim có doanh thu cao nhất ở Trung Quốc năm ngoái được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Hồng Kông.

Tong, nhà làm phim, cho biết các thế hệ trẻ hơn không cảm thấy thiếu tự do như thế hệ Cách mạng Văn hóa. “Ý thức dân tộc” đang trỗi dậy trở lại, nhưng lần này, Đảng biết cách kể câu chuyện của mình bằng âm thanh vòm và độ nét cao, với cốt truyện hấp dẫn và vẻ đẹp điện ảnh.

Các rạp chiếu phim cũ của Thượng Hải vẫn còn lưu dấu những kỷ niệm về Hollywood, sự hùng vĩ hoài cổ của nó được viết trên thảm đỏ và cầu thang bằng đá cẩm thạch, ánh sáng rực rỡ và những cái tên được viết bằng giấy đẹp mắt. Nhưng giờ đây, tiếng nói của Đảng chứ không phải của Hollywood mới là tiếng nói trên màn ảnh.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times